Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
gtsachchuyende Thứ Bảy, 07/10/2017, 14:20

Giới thiệu tác phẩm: Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ

Trong dân gian có câu: “Làm trai cho đáng nên trai

                             Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”.

“Đồng Nai”, tên gọi thân thương từ rất xa xưa của miền đất Nam kỳ lục tỉnh. Đồng Nai là vùng đất màu mỡ, trù phú có từ rất lâu đời và chính thức đặt tên trên bản đồ đất Việt vào năm 1698 khi lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Đàng Trong, xác định chủ quyền và ổn định vùng đất phía Nam của Tổ quốc. Con người Đồng Nai vốn thật thà chất phác, giỏi nghề buôn bán, siêng việc ruộng nương. Ấy thế mà, khi quân thù xâm lược, không chịu kiếp nô lệ, gông cùm xiềng xích, cái cuốc cái cày đã hóa thành vũ khí, người dân tay lắm chân bùn biến thành chiến sĩ, mảnh đất tốt tươi là bẫy chông hào rộng vừa bảo vệ quê hương vừa tiêu diệt kẻ thù. Bao nhiêu năm chịu cảnh lầm than dưới gót giày xâm lược của thực dân và đế quốc, nhưng “miền Đông gian lao và anh dũng” vẫn luôn giữ tấm lòng kiên trung, buất khuất, vẫn mãi luôn là con cháu Bác Hồ để xứng đáng với kỳ vọng, niềm tin và tấm lòng của Bác “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Để lưu giữ lại những tình cảm sâu sắc của Bác đối với quân dân Đồng Nai, đồng thời khắc ghi ký ức oai hùng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, tập thể tác giả đã từng sinh sống và chiến đấu bảo vệ quê hương Đồng Nai đã cho ra đời tác phẩm “Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ”.

Đối với những ai đã từng tiếp cận và đọc tác phẩm này, sẽ thật ấn tượng bởi sự kết hợp đơn giản và sang trọng của bìa sách với 2 màu vàng nâu được bọc bên ngoài, dưới tiêu đề cuốn sách là hình ảnh của lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu được in rất đẹp với nụ cười đôn hậu, chiếc áo kaki thể hiện nét giản dị đời thường, bên trong bìa sách chính là dòng chữ sơn son thếp vàng nổi bật và trang trọng. Sách được in bìa cứng, khổ vừa gồm 393 trang do Tỉnh Ủy Đồng Nai chịu trách nhiệm xuất bản, được phát hành năm 2002.

 “Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ” là một tác phẩm phản ánh chân thật lịch sử quá trình đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc xâm lược và bè đảng tay sai, nhưng đồng thời cũng vừa là những dòng hồi ký mang đậm nét tự sự trữ tình. Tuy sách xuất bản đã hơn một thập kỷ nhưng tác phẩm vẫn luôn là tài liệu được hầu hết đảng viên, cán bộ, mọi tầng lớp nhân dân tìm đọc, lưu giữ và luôn được trân quý bởi cuốn sách là tập hợp tất cả những tâm tư, tình cảm của những người con Đồng Nai đối với Bác - những người một thời là chiến sĩ cách mạng được vinh dự gặp gỡ, trò chuyện cùng với Bác trong khi chiến đấu và cả những chiến sĩ chưa được gặp Bác lần nào. Điều chính yếu của nội dung quyển sách, đó chính là sự cổ vũ đầy nhiệt huyết, lời động viên chân thành, sự yêu thương vô bờ bến của Bác đối với quân dân Đồng Nai trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Tác phẩm gồm 81 bài viết trong đó có cả những bài viết mang những dòng hồi ức thân thương về những lần được gặp Bác, vừa có những hình ảnh kỷ vật của Bác tặng cho, hay của các chiến sĩ sưu tập được trong khi làm nhiệm vụ, những bài thơ, bản nhạc trữ tình thể hiện tình cảm yêu quý đối với vị cha già dân tộc của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng đất Đồng Nai như: Hoàng Văn Bổn, Đàm Chu Văn, Trần Viết Bính, Huỳnh Văn Nghệ, …; những bài viết của những người từng là chiến sĩ cách mạng vừa là chỉ huy trong các trận đánh oai hùng năm xưa như Lê Bá Ước, Nguyễn Tấn Vàng, Trần Công An,…và tất cả những người đã và đang công tác ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề: Huỳnh Văn Tới, Trần Quang Toại, thích nữ Tuệ Tâm, hòa thượng Thích Thiện Hào, linh mục Nguyễn Kim Đoan…

Mở đầu cuốn sách là bài viết của Bác có tựa đề “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu” trong bài thơ nổi tiếng viết về chiến thắng sân bay Biên Hòa năm 1964 dưới bút danh Chiến Sĩ. Bác đã rất vui trước chiến thắng lịch sử bởi một đội du kích miền Nam đánh tan tành trường bay của bọn Mỹ, Ngụy mà chúng luôn tự hào là “sân bay tuyệt đối vững chắc, trời cũng không làm gì được”. Thắng lợi đó đã ầm vang thế giới, làm cho bọn Mỹ Ngụy cảm thấy nhục nhã còn bạn bè thế giới thì hoan ca. Trận đánh sân bay Biên Hòa báo hiệu như một Điện Biên Phủ ở chiến trường miền Nam mà trong thơ Bác có nhắc đến“Thành Đồng trống thắng lay Lầu trắng, Điện Biên – Mỹ chẳng phải chờ lâu”

Đọc cuốn sách ta hồi tưởng Bác vẫn như còn sống, cùng gắn bó đời thường với anh em chiến sĩ, những lời nói, những lời dặn dò của Bác sao mà nồng ấm thân thương. Những câu chuyện về Bác là bao nỗi niềm xúc động, là những phút giây quý báu duy nhất trong suốt cuộc đời chiến sĩ được một lần gặp Bác vì đất nước bị chia đôi, quân thù càn quấy: nhớ lần đầu gặp Bác, nhớ ngày gặp Bác hay nhớ mãi kỷ niệm một lần được Bác đến thăm,…trong đó ấn tượng vui nhất là “Kỷ niệm lần đầu gặp Bác”. Khi ấy người chiến sĩ tên Công được dự hội nghị quân sự tại Tân Trào năm 1949, khi tới lượt đến chào Bác, Bác cười vui hỏi: Chú tên gì? Dạ thưa Bác, cháu tên Phan Đình Công. Bác cười rồi lại hỏi: Cách mạng thành công rồi thì sao lại mang tên là Đình Công, phải đổi tên là Thành công mới đúng. Cả hội trường cười vang vui vẻ. Lúc ấy người chiến sĩ tên Công vừa cảm thấy vui vừa cảm phục tài ăn nói khéo léo của Người, từng câu từng chữ đều mang hàm ý nghĩa sâu xa. Có người may mắn được gặp Bác đến 7 lần đó là đồng chí Trần Công An – người khai sinh lối đánh đặc công, nhưng cũng có những kỷ niệm xúc động bồi hồi dù chưa từng gặp Bác, chỉ hình tượng Bác qua: Xuân về nhớ Bác, chuyện ba bức hoành phi, Bác Hồ trong tim người tử tù, nhớ Bác khi lãnh án tử hình,…

Bác nhớ thương miền Nam bao nhiêu thì miền Nam cũng thương nhớ Bác bấy nhiêu. Đối với quân và dân Đồng Nai, Bác vừa đồng chí, vừa là người cha người anh nhưng cũng đồng thời là một minh quân của đất nước. Đến với tác phẩm ta như được sống lại những giây phút thiêng liêng và cảm động khi được nhìn Bác qua: chiếc đồng hồ kỷ vật của Bác, đồng tiền Cụ Hồ và đặc biệt là Bài thơ Chúc Tết của Bác. Lá thư Xuân trở thành sức mạnh vô hình đã biến thành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Những người con Nam bộ không những bằng ý chí quật cường, quyết tâm đánh giặc mà còn gửi gắm tấm lòng yêu quý Bác thể hiện qua: Hoa nơi lăng Bác, chuyện cây hoàng lan ơn Bác, cây bưởi Tân Triều bên lăng Bác hay nặn tượng Bác Hồ,…

Và rồi, không vượt qua được tuổi già cùng sức khỏe, Bác đã ra đi vào lúc chiến tranh đang sắp đến hồi kết thúc, chiến thắng đang gần kề. 79 mùa Xuân có Bác đã đem đến cho nhân dân Việt Nam ánh sáng soi đường, cởi bỏ xiềng xích. Thật là xúc động, lệ rưng rưng chực tràn mi mắt khi đọc: nén nhang nhớ Bác, Bác ơi, mùa thu nhớ Bác, truy điệu Bác trong ngục Chí Hòa,…

81 câu chuyện trong tác phẩm đem đến cho người đọc bao cảm xúc vui buồn đan xen. Mỗi câu chuyện như một thước phim quay chậm để người đọc cảm nhận, vui sướng khi được ở bên Bác và nỗi nhớ thương, tiếc nuối, nghẹn ngào trong những giờ phút Bác sắp ra đi. Những lời dặn dò ân cần, những cuộc nói chuyện đầy ý nghĩa, mỗi tâm thư của Bác, mỗi kỷ vật Bác để lại đều có ý nghĩa sống còn mà người Đồng Nai kiên trung luôn chắt chiu gìn giữ, sẵn sàng bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Niềm tin tuyệt đối của Bác vào sự thắng lợi của cuộc cách mạng là tất cả động lực để quân dân cả nước nói chung, quân và dân Đồng Nai nói riêng làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975 đã làm cho quân Mỹ phải tháo chạy về nước và bọn ngụy phải tan rã, cuối đầu khuất phục trước sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc.

Mặc dù chúng tôi là thế hệ hậu sinh được sống hạnh phúc và sung sướng trong thời bình, nhưng thông qua từng câu chuyện trong tác phẩm, tôi như được sống trong những ký ức hào hùng với bao kỷ niệm đẹp về Bác. Những câu chuyện nhỏ như thế được các tác giả kể lại nhằm để khẳng định một điều rằng: Dù bất cứ ở đâu, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả trong nhà tù khắc nghiệt của địch hay đối diện với cái án tử hình, thì người Đồng Nai vẫn một lòng một dạ đi theo con đường của Bác để “đòi độc lập cho đất nước, tự do cho muôn dân”. Để hiểu rõ hơn về chi tiết nội dung tác phẩm, chúng tôi mời các bạn hãy tìm đọc “Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ”, đây là món quà đầy tri ân đầy ý nghĩa của người Đồng Nai đối với vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta.

Tuy Bác đã đi xa gần nửa thế kỷ nhưng chúng con vẫn luôn mong nhớ Bác, nhớ từng ánh mắt trìu mến, nụ cười đôn hậu cùng tấm lòng của Bác đối với miền Nam vẫn được chúng con nâng niu, ấp ủ từng ngày, cố gắng học và hành theo từng việc làm cụ thể của Bác, luôn tâm niệm trong tim rằng sẽ mãi luôn “học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách chủ tịch Hồ Chí Minh”. Những di vật, những tác phẩm bất hủ của Bác để lại cho thế hệ hậu sinh có giá trị trường tồn mãi với thời gian đã đưa đường chỉ lối cho đảng viên đi đúng hướng, dạy công chức đạo đức làm người, thực hành công vụ luôn tư duy đổi mới để phục vụ tốt cho nhân dân. Cho đến tận bây giờ, nỗi mong nhớ Bác của người Đồng Nai vẫn ẩn sâu trong từng giấc ngủ và hằng đêm trong những cơn mộng đẹp, vẫn luôn thầm gọi tên Bác: Bác ơi!, Bác ơi!,…

Phan Hương 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1030 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày