Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
gtsachchuyende Thứ Tư, 22/03/2023, 08:15

Giới thiệu sách ''Đẹp mãi những tấm lòng''

“Đẹp mãi những tấm lòng” là tổng hợp những bài viết trong cuộc thi Sống đẹp do Báo Thanh niên tổ chức. Nội dung gồm những gương người thật việc thật, là những gương điển hình về sống đẹp, sống tốt trong đời thường do bạn đọc viết. Đó là những gương vượt lên số phận, không chấp nhận nghịch cảnh, là những con người đời thường nhưng với tấm lòng thiện nguyện, xuất phát từ tâm giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống.

Mở đầu tập sách là lời tựa được viết bởi nhà văn Trầm Hương, gói gọn trong 4 trang khổ 15,5 x 23 cm nhưng chị đã khái quát lên một bức tranh hoa bao gồm những bông hoa tươi thắm, rực rỡ, những ngọn lửa nhiệt huyết, lan tỏa mạnh mẽ nghị lực và sức sống mãnh liệt giữa cuộc đời. Mỗi hình ảnh, mỗi nhân vật được chính các tác giả trực tiếp đến gặp gỡ, chứng kiến và kể lại bằng những câu chuyện vô cùng sống động về biết bao con người dù cuộc sống khó khăn vẫn kiên trì vượt qua và giúp đỡ nhau trong tình thân ái. Bài nào nhân vật cũng tràn đầy ấn tượng và tràn ngập cảm xúc. Với lời văn chân thực, súc tích, chứa đựng tình yêu thương lớn lao giữa con người với con người dành cho nhau qua mỗi trang sách khiến người đọc không thể không lật giở những trang kế tiếp.

Ấn tượng về nhân vật đầu tiên trong tập sách là câu chuyện:Lớp học “6 trong 1” của thầy giáo mang quân hàm xanh – Đại úy Trần Bình Phục. Lớp có 22 học sinh, chia từ lớp 1 đến lớp 6 theo kiểu không giống ai: nhóm ngồi xuôi, nhóm ngồi ngược, lại có nhóm ngồi ngang, thầy giáo đi vòng tròn giảng bài. Hằng đêm, sau tiếng còi báo ngủ, anh em trong đơn vị đều tắt đèn, lên giường, nhưng phòng Đại úy Phục vẫn sáng để soạn giáo án cho 6 lớp. Đi gieo chữ ở đảo Hòn Chuối xa xôi, miền đất mũi Cà Mau, dạy chữ cho các em đã khó anh còn dạy đạo đức vì “điều căn bản để làm người chính là đạo đức”. Hạnh phúc của anh là để trẻ em biết ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ, bởi anh cho rằng “Con người ta còn ước mơ là còn phấn đấu và sẽ luôn có niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn”. Với cái tình, cái nghĩa quân dân từ những việc làm nhỏ nhặt và lớp học đặc biệt 6 trong 1 của những thầy giáo mang quân hàm xanh đồn Biên Phòng Hòn Chuối đã góp phần xây dựng đảo nhỏ thành mái nhà chung đầm ấm, giúp cư dân an tâm sinh sống, bám biển cùng với các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng thiêng liêng của tổ quốc.

Đồng hành với niềm vui gieo chữ như thầy giáo Phục, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga ở Vĩnh Long cũng là một trong những bông hoa lửa sống đẹp, là một trong những cá nhân vinh dự nhận giải thưởng KOVA.Suốt đời dạy học, lại chăm sóc cha mẹ già nên cô không lập gia đình. 20 năm qua, dù về hưu rồi nhưng cô vẫn miệt mài đem con chữ và tình thương cho hơn 700 đứa trẻ em nghèo khó, bệnh tật, lang thang cơ nhỡ nhưng không lấy một đồng thù lao nào.

Câu chuyện Lớp học “5 không” của cô giáo xương thủy tinh Ngọc Tâm khiến người đọc không khỏi bùi ngùi xúc động chen lẫn sự cảm phục. Có thể nào tin một cô giáo 31 tuổi ở Ý Yên, Nam Định mắc bệnh xương thủy tinh, số lần gãy xương gấp đôi tuổi mình, qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn, vẫn cố học đến lớp 9, mở lớp dạy học miễn phí cho hàng trăm học sinh. Với suy nghĩ “Khó khăn chỉ là thử thách, mình phải vượt qua chính mình thì mới sống có ích cho cuộc đời. Không quan trọng mình sống bao lâu, mà quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa như thế nào”, mà cô đã ấp ủ ước mơ làm cô giáo. Từ đó lớp học “Ngọc Tâm thuỷ tinh” chính thức ra đời với mô hình 5 không: Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí đến nay đã 18 năm.Cô còn sáng lập quỹ học bổng dành cho trẻ em nghèo và không gian đọc sách “Ngọc Tâm thủy tinh” để lan truyền giá trị tri thức. Không lùi bước trước nghịch cảnh, bệnh tật, Ngọc Tâm đã làm nên những kỳ tích mà người bình thường cũng chưa chắc làm được và lan truyền cảm hứng về lẽ sống, cách sống.

Dẫu chiến tranh qua lâu rồi nhưng lòng yêu nước vẫn dạt dào trong những việc làm thầm lặng của chị Trần Thị Nguyệt, 27 năm gắn đời mình với nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Hơn 10 năm tự nguyện chăm sóc chốn linh thiêng giữa lòng đất lửa, chị có một đại gia đình hơn 5.600 ngôi mộ liệt sĩ để chăm chút, yêu thương. Lòng yêu nước được thể hiện trong những việc làm thầm lặng, tận tâm của trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an Huyện Mộc Châu trong dự án chăm chút bữa cơm cho những đứa trẻ vùng biên giới có thêm ít rau, ít thịt. Hay trong những việc làm của anh Chiến Lê cùng những anh em ở Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển. Những con người yêu biển mãnh liệt ấy tự bỏ tiền túi, thời gian cứu hộ sinh vật biển và tái tạo rặng san hô ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Họ đã đem cả gia tài đổ xuống biển, với khát vọng mãnh liệt cứu sống sinh vật biển quý hiếm, trả về đại dương. Những chàng trai trẻ ấy dành những năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời nâng niu, làm sống dậy những “cánh rừng dưới biển”...

Những bông hoa lửa, những ngọn lửa sống đẹp không chỉ được thắp lên từ mọi miền tổ quốc mà ngay cả những người ngoại quốc, làm việc và sống tại Việt Nam cũng dâng cho đời những đóa hoa muôn màu tỏa ngát hương thơm. Họ là “bà Tây từ thiện” Susanne - một du khách Thụy Sĩ nặng lòng với trẻ em và ngư dân nghèo làng chài Vĩnh Lương (Nha Trang) hay chị Usuda Reiko đến từ Nhật Bản đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường bằng tấm lòng nhân ái với các dự án thiện nguyện hay dự án làm sạch môi trường, cứu dòng sông Hoài thơ mộng…

Và còn đó rất nhiều, rất nhiều những trái tim nồng ấm dành cho cuộc đời, từ những việc làm ngỡ như giản dị, ngỡ như bé nhỏ, thầm lặng mà thật cao cả, phi thường được kể trong tập sách “Đẹp mãi những tấm lòng”.Qua ngòi bút của các tác giả, từng hình ảnh, từng câu chuyện được khắc họa dưới góc nhìn chân thực, mang đến nhiều cảm xúc và truyền năng lượng tích cực cho người đọc. 79 bài viết là 79 chân dung sống đẹp,đó là những ngọn lửa ấm của giá trị văn hóa, nhân văn được thắp lên.

Với tinh thần gìn giữ, phát huy những giá trị tinh hoa của nhân loại và truyền thống quý báu của cha ông từ ngàn xưa, với phương châm “cho đi là còn mãi”, và với tinh thần “lá lành đùm lá rách”; đem yêu thương lan tỏa đến mọi mảnh đời kém may mắn, từ những việc làm ngỡ như giản dị, ngỡ như bé nhỏ, thầm lặng mà thật cao cả, phi thường,những nhân vật trong “Đẹp mãi những tấm lòng” là tấm gương sáng ngời để mọi người, nhất là giới trẻ soi vào đó và học hỏi, hình thành nhân cách, lối sống, qua đó góp phần xây dựng xã hội Việt Nam nhân văn hơn, đẹp hơn.

Đọc “Đẹp mãi những tấm lòng” để thấy cuộc sống này còn nhiều lắm những mảnh đời khốn khó, giúp mình cần sống tốt, sống đẹp hơn từng ngày. Cuốn sách như một thông điệp gửi gắm, chia sẻ những câu chuyện nhân văn, tinh thần sống đẹp - quên mình, tình nguyện, xung phong. Những nghĩa cử “thương người như thể thương thân”, từ đó lan tỏa những giá trị nhân văn, những tâm hồn nhân ái, góp phần xây dựng một xã hội tràn đầy tình yêu thương, nghĩa tình, truyền thêm những năng lượng tích cực để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Như nhà văn Trầm Hương tâm sự: “Lòng nhân ái, tình người, nghị lực vượt qua nghịch cảnh, sống là cho đi, là tận hiến; là lòng ái quốc chuyển hóa trong những công việc nâng niu những mầm non vùng biên giới, giữ xanh sạch biển trời, nâng niu sự sống là một vẻ đẹp bật lên từ mạch nguồn văn hóa dân tộc. Mỗi chân dung sống đẹp là ngọn lửa ấm áp, soi chiếu vào tâm hồn người đang sống, lan tỏa những giá trị yêu thương”.

 

Nguyễn Sen

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1656 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày