Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sách chuyên đề 2020 Thứ Ba, 26/05/2020, 14:45

Cảm nhận khi đọc tác phẩm Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ.

Tôi sinh ra và lớn lên trong hòa bình, trong hạnh phúc ấm no của dân tộc nên sự hiểu biết về những năm tháng chiến tranh khốc liệt của đất nước, cũng như sự vĩ đại của Bác Hồ kính yêu, hay lòng tin sâu sắc, thủy chung của nhân dân đối với Đảng và Bác Hồ còn phần nào thiếu sót. Nhưng sau khi được tiếp cận, tìm hiểu cuốn Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ tại Thư viện tỉnh Đồng Nai tôi như vỡ òa cảm xúc, thêm tin yêu và cảm tạ Người.

            Thật may mắn khi hôm nay, tôi có cơ hội được giới thiệu đến quý vị và bạn đọc chi tiết hơn về cuốn sách này. Cuốn sách bìa cứng có độ dài 393 trang là tuyển chọn 81 câu chuyện, hình ảnh, bài thơ, bản nhạc, của các tác giả như Đại tá QĐNDVN cũng là Anh hùng quân đội nhân dân Trần Công An; Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới; Đại tá QĐNDVN Lê Bá Ước; nhà văn Hoàng Văn Bổn… Họ là những người con tiêu biểu của Đồng Nai kể về kỷ niệm gắn liền với Bác, gắn liền với trận địa khói bom năm nào. Sách được phát hành vào năm 2002 do Tỉnh Ủy Đồng Nai chịu trách nhiệm xuất bản. Ngoài bìa sách là hai màu nâu, vàng giản dị như chính con người của Bác, cùng dòng chữ Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ, bên dưới dòng chữ là hình ảnh thân thuộc của Bác trong bộ quần áo kaki, với “vầng trán mênh mông, đôi mắt sáng ngời và bộ râu dịu hiền” đã in đậm trong trái tim bao người con đất Việt. Bên trong bìa sách là hàng chữ màu vàng trang trọng, nổi bật trên gam nâu nền nã, lịch thiệp.

            Vâng, thưa quý vị! Đây là những câu chuyện rất đời, rất giản dị về tình cảm thiêng liêng mà nhân dân dành cho Bác, và những lo lắng, yêu thương mà vị Cha già dân tộc gửi gắm cho con dân miền Nam, trong đó có mảnh đất Đồng Nai. Đan xen giữa hai chiều tình cảm đó là những trận đánh oanh liệt, những gam go thử thách mà kẻ địch gây ra cho quân dân ta. Cuốn sách không hề hàn lâm, khoa học hay triết lý cứng nhắc giáo điều. Nó được viết với lối kể nhẹ nhàng, từng câu từng chữ như chứa đựng tâm can của người từng đứng trước bom đạn làm cho người đọc dễ đồng cảm, lĩnh hội và ghi nhớ. Dù thời gian hơn 50 năm đã trôi qua, kể từ  ngày Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc đi xa, nhưng hình ảnh về Người trong lòng họ vẫn vẹn nguyên như ngày đầu.

            Mở đầu cuốn sách là bài viết Uy danh lừng lẫy khắp năm châu của Bác Hồ với bút danh Chiến Sĩ. Bác ca ngợi và tự hào về chiến thắng tại sân bay Biên Hòa, Bác cho rằng “cuộc thắng lợi ở Biên Hòa rất lừng lẫy mà cũng rất giản đơn”, “rất có thể trận thắng ở sân bay Biên Hòa báo hiệu một Điện Biên Phủ ở Miền Nam như tờ báo Mỹ đã nói”. Phấn khởi trước tình hình đó Bác liền viết tặng Nhân dân Đồng Nai 4 câu thơ, những câu thơ này đã được khắc và nhũ vàng lấp lánh trên Tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa, sừng sững giữa trung tâm thành phố. Bốn câu thơ quý giá đi vào lịch sử:

                                                Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

                                                Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

                                                Thành Đồng trống thắng lay Lầu trắng

                                                Điện Biên – Mỹ chẳng phải chờ lâu!

            Hãy cùng lật giở tới trang 29, để nghe tác giả Minh Thu kể “Bác Hồ không giây phút nào không nhớ đến Miền Nam. “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Nỗi vui buồn của Bác luôn hòa quyện cùng với 14 triệu con tim của đồng bào và chiến sĩ Miền Nam yêu quý. Mỗi chiến công từ tiền tuyến vọng về là một liều thuốc quý làm tăng thêm sức khỏe và năng lực công tác của Người”. Tiếp đến ở trang 32, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh Bác vui mừng khi nghe báo cáo về trận phục kích của quân giải phóng miền Đông Nam bộ trên tuyến đường 20 (La ngà – Định Quán), Bác đã nói “ đôi chân của quân giải phóng còn nhanh hơn cả máy bay địch”. Bác thường có những ưu ái riêng cho những chiến sĩ Nam bộ. Điều đó được dẫn chứng cụ thể ở trang 61 như sau “Các chú Nam bộ ở xa xôi, mai mốt về trong đó lại càng xa xôi hơn ít có dịp gặp Bác hơn các chú ngoài này. Bác cho phép như vậy là để các chú có dịp gần gũi Bác và Bác cũng có dịp gần gũi đồng bào miền Nam thân yêu… Nói đến đây Bác lặng trong giây lát, rút chiếc khăn trong túi áo ra chấm nước mắt”.  Vâng, để nói về tình cảm của Bác dành cho nhân dân Đồng Nai thì nhiều vô kể, bạn đọc có thể thấy ở các trang như 74, 97, 109.. Bác luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao cho đất nước được thống nhất một miền, Bắc Nam sum họp một nhà để không phải chứng kiến nhân dân của mình đói cơm thiếu muối nữa. Ôi tình Bác bao la biết chừng nào!

            Đọc từng trang giấy tôi mới cảm nhận rành rọt tâm tư, tình cảm mà nhân dân dành tặng cho Người sâu lặng ra sao. Bạn đọc hãy đi tiếp cùng tôi tới trang 158 nhé. Ở đấy là bài viết Bác Hồ trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Đồng Nai, tiến sĩ Huỳnh Văn Tới đã kể “Trong chiến khu hoặc ở vùng địch tạm chiếm, truyện kể về Bác Hồ luôn là một món quà quý báu. Khi kể chuyện về Bác cũng là khi người ta truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh và chí hướng theo con đường của Bác… Người như có mặt ở khắp mọi tấm lòng, trong mọi phút mọi giây, trong ngục tù, giữa pháp trường, bên công sự, bên bãi pháo… Trong tâm thức của người Đồng Nai, Bác là hiện thân của cái đúng, cái đẹp, cái cao quý. Bác luôn ở phía trước để vươn đến nhưng cũng luôn ở bên cạnh để chia sẻ, để bày tỏ”. Từng tiếng cười, giọng nói, từng bước đi, cử chỉ của Bác đều vô cùng quý giá đối với những người tin theo Cách mạng lúc ấy. Chiếc huy hiệu hay cái đồng hồ do Bác trao, mãi mãi là kỷ vật thiêng liêng đối với người may mắn được Bác tặng, nay trở thành kỷ vật quý giá của cả quốc gia. Tôi như lặng người trước những tình cảm thiêng liêng đó.

            Quý vị biết không, trong 393 trang sách còn là hình ảnh hàng ngàn những gương anh dũng, những cuộc chiến rực lửa nơi tiền tuyến. Với lối kể chuyện chân thật của mình, những chứng nhân lịch sử miêu tả những trận đánh phá giặc thật ly kỳ, hấp dẫn như trong phim cổ trang. Trong câu chuyện Nhớ về trận đánh Mỹ được bác Hồ khen ngợi của đồng chí Nguyễn Tấn Vàng ở trang 82. Cái cách mà đồng chí cùng đồng đội của mình “đi tìm bom lép, cưa lấy thuốc chế làm trái…, nghiên cứu chế tạo đồng hồ hẹn giờ” làm bạn đọc thót tim. Đến lúc nín thở chờ đồng hồ hẹn giờ làm cho trái nổ nổ, thì tình cảm đồng đội, sự can trường gan dạ của các chiến sĩ lại được đẩy lên cao. “Thà ở lại cùng hy sinh với nhau, lẽ nào chỉ có anh nhận phần dâng hiến trái tim đầy nhiệt huyết”. Đọc những dòng chữ đó tự nhiên thấy khóe mắt mình cay cay, trong những giờ phút sinh tử ấy, sự sống cái chết không phải là thứ các chiến sĩ nghĩ riêng cho bản thân mình, tất cả chỉ biết cùng nhau”quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” mà thôi. Dù gian khổ nhân dân cũng không cho phép mình chùn bước, vẫn cùng nhau cố gắng chiến đấu theo di chúc của Bác. Cùng Đảng làm nên chiến thắng vang dội cả đất trời. Những hình ảnh đắt giá có mặt ở hầu hết các trang sách. Tuy nhiên do thời lượng có hạn nên tôi mới chỉ giới thiệu được phần nào sự tinh túy của cuốn sách mà thôi. Sẽ là không phí hoài thời gian của mình khi Bạn tới Thư viện tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu về cuốn sách này kỹ hơn.

            Thời gian cứ dần lặng lẽ trôi, theo năm tháng có một số bạn trẻ đã hời hợt khi nghĩ về lịch sử hào hùng của đất nước, về những chiến sĩ đói cơm thiếu nước một thời. Tôi không muốn còn ai mơ hồ về lịch sử, vô ơn với quá khứ nên ngày hôm nay, thông qua Thư viện tỉnh Đồng Nai tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc cuốn Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ. Nhân đây tôi cũng muốn khẳng định rằng, con dân của Việt Nam nói chung và Nhân Dân Đồng Nai nói riêng đã từng tin yêu Đảng và Bác, đang tin yêu và sẽ mãi mãi tin yêu như thế.

                                                                                             Dung Nguyễn T.T

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 729 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày