Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Hiệp Định Giơ Ne Vơ Thứ Năm, 17/07/2014, 13:55

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất chú trọng những hoạt động trên mặt trận đấu tranh ngoại giao. Đặc biệt là những hoạt động nhằm tăng cường đoàn kết chiến đấu giữa các lực lượng kháng chiến của hai nước anh em trên bán đảo Đông Dương.

 

 

Để chuẩn bị tham dự Hội  nghị Giơnevơ, cuối tháng 3 năm 1954, đồng chí Phạm Văn Đồng và các thành viên trong đoàn sang Trung Quốc, sau đó sang Liên Xô để  tham khảo kinh nghiệm tham dự Hội nghị quốc tế và chuẩn bị thêm tài liệu. Ít ngày sau đoàn lên đường đi Giơnevơ.

 

 

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên đường đi tham dự Hội nghị Giơnevơ năm 1954. (ảnh TL BTLSQG).

 

Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng chấn động địa cầu ở Điện Biên Phủ, đã tạo thêm tư thế và sức mạnh cho đoàn đại biểu chính phủ ta trong cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị Giơnevơ.

Ngày 8 tháng 5 năm 1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Tham dự Hội nghị có đại diện 9 nước:

Đoàn Liên Xô do Viacheslav Môlôtốp (trưởng đoàn); đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Chu Ân Lai (trưởng đoàn); đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phạm Văn Đồng (trưởng đoàn); đoàn Cộng hòa Pháp do Georges Bidault (trưởng đoàn); đoàn Mỹ do Beldell Smit (trưởng đoàn); đoàn Anh do Anthony Eden (trưởng đoàn); các đoàn đại diện của chính quyền Bảo Đại do Nguyễn Quốc Định, sau thay thế là Trần Văn Đỗ (đoàn đại biểu Quốc gia Việt nam); đoàn Vương quốc Lào do Phumi Sananikone (trưởng đoàn); đoàn Vương quốc Campuchia do Tep Than (trưởng đoàn). Đoàn đại biểu chính phủ kháng chiến Pathét Lào và Khơme Ítxarắc cũng có mặt ở Giơnevơ nhưng chưa được chính thức tham gia.

Chủ tịch Hội nghị do Trưởng đoàn Liên Xô và Anh đồng chủ tịch.

 

 

Quang cảnh Hội nghị Giơ ne vơ năm 1954 (ảnh TL BTLSQG).

 

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Trưởng đoàn Việt Nam) đã tuyên bố lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương phải là một giải pháp toàn bộ về chính trị và quân sự cho cả Việt Nam, Lào  và Cămpuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của từng nước ở Đông Dương. Đồng thời đồng chí Phạm Văn Đồng đề nghị Hội nghị mời đại biểu của chính phủ kháng chiến Khơme Ítxarắc và chính phủ kháng chiến Pathét Lào tham gia Hội nghị. Lời đề nghị này chưa được Ngoại trưởng Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thực sự tán thành, trong khi Mỹ và Pháp kiên quyết bác bỏ. Việc đại biểu Pathét Lào và Ítxarắc Campuchia không được tham dự Hội nghị là một khó khăn cho đoàn Chính phủ ta, với thành phần 9 bên hai phía (phía đối phương 6 bên, phía ta 3 bên). Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuy có ủng hộ cuộc kháng chiến và lập trường đàm phán của Việt Nam nhưng cũng có những tính toán riêng.

 

 

Đồng chí Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ tổng tư lệnh ký bản Hiệp định đình chiến năm 1954. (ảnh TL BTLSQG)

 

Lập trường của Quốc gia Việt Nam: Ông Trần Văn Đỗ đại diện của Quốc gia Việt Nam tuyên bố không ký vào Hiệp định Giơnevơ với lý do Hiệp định gây chia cắt Việt Nam và đẩy Quốc gia Việt Nam vào thế nguy hiểm. Hiệp định đã nhường cho Việt minh những vùng mà quân đội quốc gia  còn đóng quân và tước mất quyền tổ chức phòng thủ, Bộ tư lệnh Pháp tự ấn ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với Quốc gia Việt Nam… Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ tự giành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động trong công cuộc thực hiện thống nhất, độc lập và tự do cho xứ sở. Tuy vậy lời phản kháng và đề nghị của đại diện Quốc gia Việt Nam không được Hội nghị bàn tới. Sau đó hậu thân của Quốc gia Việt Nam là Việt Nam Cộng hòa, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã từ chối tổ chức tuyển cử thống nhất Việt Nam, trái với tuyên bố chung của Hiệp định.

Lập trường của Vương quốc Campuchia: Mong muốn hoàn toàn độc lập, đồng thời chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Campuchia. Lự lượng Khmer Itsa rak phải giải pháp, đổi lại chính phủ Hoàng gia Campuchia chấp nhận một tổng tuyển cử mới. Campuchia cam kết trung lập không tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào.

Lập trường của Vương quốc Lào: cũng như lập trường của Chính phủ Campuchia. Lào cam kết trung lập, hạn chế việc cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

Lập trường của Anh: Không muốn dính líu vào chiens tranh Đông Dương của Mỹ, nhưng cũng không muốn gây tổn hại đến quan hệ đồng minh với Mỹ. Nghoài ra Anh còn chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh.

Lập trường của Hoa Kỳ: Từ chối không công nhận Hiệp định Giơnevơ nhưng tuyên bố “ sẽ coi mọi sự tái diễn của hành động bạo lực vi phạm Hiệp định là điều đáng lo ngại, là mối đe dọa đén hòa bình và an ninh quốc tế. Với sự chia cắt Việt Nam trái với nguyện vọng của hai miền Nam-Bắc. Tiếp tục cố gắng đạt được sự thống nhất thông qua những cuộc tổng tuyển cử để đảm bảo diễn ra công bằng.

Lập trường của Liên Xô: Ngăn chặn nguy cơ chiến tranh vượt ra khỏi Đông Dương. Liên Xô cũng muốn ngăn ngừa việc quốc hội Pháp thông qua kế hoạch thành lập Cộng đồng phòng thủ châu Âu. Đồng thời muốn tạo dựng hình ảnh là người bảo vệ hòa bình thế giới và nâng đỡ vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế.

Lập trường Trung Quốc: là cơ hội để đưa Trung Quốc thành một thế lực chính tại châu Á. Mong muốn các bên ký kết một Hiệp định về Đông Dương để tránh mọi sự can thiệp của Mỹ. Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố: “ Ba nước Đông Dương sẽ không liên minh với bất cứ khối liên minh quân sự nào và không một nước ngoài nào được phép  thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ” và tiếp tục đấu tranh bảo vệ thế giới.

Ngày 20 tháng 6 năm 1954, Hội nghị tạm dừng để các trưởng đoàn về nước báo cáo. Đồng chí Phạm Văn Đồng ở lại Giơnevơ. Trước khi hội nghị toàn thể họp lại. Phạm Văn Đồng đã có nhiều cuộc tiếp xúc riêng với các đoàn. Qua những cuộc gặp gỡ, hội đàm, những diễn biến phức tạp trong quan hệ quốc tế ngày càng bộc lộ.

Phải đến cuộc họp ngày 20 tháng 7 năm 1954, giữa Môlôtốp, Êđen, Chu Ân Lai, Măngđét Phrăngxơ và Phạm Văn Đồng cơ bản thỏa thuận được những vấn đề bất đồng. Để Hội nghị có thể kết thúc, đồng chí Phạm Văn Đồng và đoàn ta đã có nhân nhượng: chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, thời hạn tổng tuyển cử là 2 năm; Lấy tỉnh Phong Sa Lỳ và Sầm Nưa làm vùng tập kết của quân đội Pathét Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam…

Do sự so sánh các lực lượng trên phạm vi thế giới và khu vực, trực tiếp là sự đối sánh trên chiến trường chi phối và lợi ích của các nước tham gia Hội nghị khác nhau, nên cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ở Hội nghị đã diễn ra gay go, phức tạp.

Sau 75 ngày thương lượng căng thẳng, với 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp giữa các trưởng đoàn, đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21 tháng 7 năm 1954, tại trụ sở Hội quốc liên cũ ở Giơnevơ đã kết thúc, các bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị đã ký bản Tuyên bố chung.

 

 

Nhân dân Việt Nam mít tinh hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị Giơnevơ, năm 1954. (ảnh TL BTLSQG).

 

Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ gồm có 13 điều:

  1. Xác định những văn bản hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia và về tổ chức kiểm soát quốc tế.
  2. Khẳng định sự hài lòng của các bên tham gia hội nghị về chấm dứt chiến sự ở các nước Đông Dương.
  3. Xác nhận những lời tuyên bố của Chính phủ vương quốc Campuchia và Chính phủ vương quốc Lào về tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức trong năm 1955 ở hai nước này.
  4. Cấm việc đem quân đội và nhân viên quân sự ở nước ngoài vào các nước Đông Dương.
  5. Cấm việc đặt quân sự nước ngoài ở Đông Dương và việc các nước Đông Dương tham gia liên minh quân sự với nước ngoài.
  6. Quy định lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam.
  7. Khẳng định các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cho phép người dân cảu Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7 năm 1956.
  8. Cam kết tôn trọng quyền tự do lựa chọn nơi sinh sống của nhân dân trong mỗi nước.
  9. Cam kết không có hành động trả thù đối với những người thuộc phía đối phương trong thời kỳ chiến tranh.
  10.  Quy định việc quân đội Pháp rút khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia theo yêu cầu của những nước liên quan thời gian do các bên lựa chọn.
  11.  Pháp cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.
  12.  Quy định những nguyên tắc trong quan hệ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau.
  13.  Các thành viên tham dự hội nghị đồng ý hỏi ý kiến nhau về bất kỳ vấn đề nào Ủy ban giám sát quốc tế đưa ra.
     

 Việc ký kết các Hiệp nghị đình chiến ở Đông Dương là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, nhân dân các nước Đông Dương, nhân dân châu Á và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình.

Hiệp định Giơnevơ là một biểu hiện cụ thể rằng Việt Nam là một nước nhỏ, lại thường phải đương đầu với các nước đế quốc xâm lược lớn trong bối cảnh các quan hệ quốc tế cực kỳ gay gắt, mối quan hệ các bạn đồng minh không kém phần phức tạp cho nên cuộc chiến đấu giành tự do là lâu dài, gian khổ, quanh co, phức tạp để giành lấy thắng lợi từng bước một là một vấn đề có tính quy luật của cách mạng.

 

Huệ- Chính (Tổng hợp) 
Nguồn
http://baotanglichsu.vn. Ngày 19/07/2013


Số lượt người xem: 1298 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày