Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Nhà Giáo Tiêu Biểu Việt Nam Thứ Tư, 11/11/2015, 14:15

TRUYỀN THỐNG ''TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO'' CỦA VIỆT NAM

Từ ngàn đời xưa “tôn sư trọng đạo” đã trở thành truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta, có biết bao tấm gương nhà giáo đức độ, khí tiết, tài năng sẵn sàng gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp trồng người của đất nước. Tìm hiểu về truyền thống tôn sư trọng đạo chính là tìm hiểu về những tư tưởng, tình cảm, thói quen trong tư duy và ứng xử của cộng đồng người Việt Nam trong tiến trình lịch sử của nền giáo dục Việt Nam.

 

Đông, tây, kim cổ đều xem học hành, thi cử là quốc sách để chọn Hiền tài

 

          Có thể nói, từ khi có loài người là có giáo dục, nền giáo dục nước ta thực sự bắt đầu từ thời Lý (1009 – 1225), với khoa thi Nho học Tam trường đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta vào năm 1075. Thời phong kiến, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nền văn hóa Trung Quốc. Đạo học lấy chữ Nho làm trọng và được kính trọng là chữ Thánh hiền, lấy đạo lý Khổng Mạnh làm kim chỉ nam, lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh làm kinh điển. Thầy giáo thường là người có học vị, có tài, có nhân cách mẫu mực đứng ra giảng dạy, ngoài ra thầy giáo còn  là những ông tú, ông cử, các quan về hưu hay các vị trung lương treo ấn từ quan về mở trường dạy học…

          Xã hội phong kiến luôn dành cho người thầy một vị trí xứng đáng. Trong ba điều kính trọng, trước hết của con người thì người thầy ở vị trí thứ hai “Quân, sư, phụ” - chỉ đứng sau vua. Đó là trong khuôn phép lễ nghĩa, còn trong dân gian hình ảnh người thầy được sánh ngang hàng với cha mẹ “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”… sở dĩ người thầy ngày xưa có được vị trí cao quý ấy chính là bởi lòng tôn kính thầy và trọng đạo học của người xưa.

          Truyền thống tôn sư trọng đạo của nước ta đã được truyền qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Song, phải thừa nhận rằng đạo học thời phong kiến đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam và có khả năng tác động, chi phối đạo học thời sau này. Người xưa đặc biệt chú trọng đến nhân cách con người, đạo học thời phong kiến lấy chữ “Lễ” làm trọng, sau đó mới đến chữ “Văn”. Lễ giáo phong kiến đặt ra nó có một cái lợi rất lớn, đó là giữ cho xã hội “thăng bằng” trong tam cương, ngũ thường… Người thầy được đặt vào vị trí xứng đáng trong xã hội, đây là tính ưu việt của nền giáo dục nước ta thời bấy giờ. Những điều luật thành văn và bất thành văn ấy dần dần ăn sâu vào nếp nghĩ, thái độ ứng xử cũng như việc làm của mỗi người trong xã hội, để rồi theo năm tháng kết tinh lại tạo thành truyền thống hiếu học – “tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam. Nền giáo dục Việt Nam đã để lại cho chúng ta nhiều tấm gương sáng về thầy và  trò, nhân cách cao cả, tinh thần học tập của họ luôn là bài học cho hậu thế: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến, những học trò xuất sắc như Vua Hiến Tông, Lê Quát, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Ca Văn Thỉnh…

          Trải qua thời Pháp thuộc bị đô hộ với những chính sách “ngu dân”, ngành giáo dục bị Tây hóa… (1858 – 1945) rồi lại trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 – 1975) xâm lược với nhiều khó khăn và thách thức đặt ra cho nền giáo dục nước ta, nhưng truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam vẫn giữ vẹn nguyên trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, dù đi nơi đâu, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào truyền thống tốt đẹp đó luôn được nhân dân ta gìn giữ, kế thừa và phát huy.

          Nhìn lại chặng đường giáo dục của Việt Nam đã đi qua với bao chìm nổi. Ngành chức năng luôn bám sát việc tổ chức và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho toàn dân được học tập theo tư tưởng “học tập suốt đời” của Bác Hồ kính yêu để lại. Mặt bằng dân trí ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Thầy giáo cần mẫn, nhiệt tình với chế độ, học sinh học giỏi hiếu thảo trong hoàn cảnh nào cũng thích nghi với môi trường giáo dục. Phẩm chất của thầy, đạo đức của trò đã tỏ rõ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và truyền thống tôn sư trọng đạo. Trong tiến trình phát triển giáo dục, mỗi chế độ, mỗi thời kỳ đều có định hướng riêng của nó. Ở chế độ nào, phẩm chất, tác phong, sự dạy dỗ của người thầy, việc học tập rèn luyện đạo đức của trò đều lệ thuộc nhất định vào chế độ đó. Giáo dục làm hay, thì hẳn nhiên truyền thống tôn sư trọng đạo cũng được tiến triển tốt trong lòng xã hội. Nó tương tác hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp giáo dục. Nhịp độ phát triển giáo dục đang từng bước đi lên theo sự đổi mới của đất nước.

          Trong cuộc sống hiện nay, trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi miền ngược, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng người thầy, đều dành cho người thầy những tình cảm ưu ái nhất, không chỉ có học sinh - người học mới thể hiện tấm lòng quý trọng người thầy mà phụ huynh những bậc cha mẹ của học sinh cũng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thầy giáo, cô giáo đã có công dạy dỗ con cái họ nên người. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng ta đưa chủ trương “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” và ngày 20 tháng 11 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân, ngày hội tôn vinh người thầy và nghề giáo cao quý, đó là đạo lý cao đẹp là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

          Trong thời đại ngày nay, thời đại Hồ Chí Minh truyền thống tôn sư trọng đạo đã mang một ý nghĩa cách mạng mới, nó luôn luôn gắn liền với tư tưởng  “trồng người” của chủ  tịch Hồ Chí Minh mà Đảng và Nhà nước ta luôn lấy đó làm kim chỉ nam cho hành động của ngành giáo dục. Nó không chỉ là đạo lí, tình cảm mà còn là tinh thần, sức mạnh, sự đoàn kết, là văn hóa giáo dục, là hành động cách mạng để đưa đất nước đi lên ngày càng giàu mạnh, văn minh.

 

Vườn tượng danh nhân Biên Hòa, Đồng Nai – Nơi tôn vinh truyền thống “tôn sư trọng đạo” của Việt Nam

 

          Nhân kỷ niệm 33 năm ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam (1982-2015), xin được tri ân sâu sắc đến những Nhà giáo Việt Nam, những người đã đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam; những nhà giáo đã có công khơi nguồn, vun đắp xây dựng nền giáo dục nước nhà từ khi còn trong trứng nước, những nhà giáo hiện đang giữ trọng trách “trồng người” cho đất nước. Tin chắc rằng với những phẩm chất, tác phong, đạo đức nghề nghiệp và cả một tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ trong hiện tại và tương lai những nhà giáo Việt Nam sẽ đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp giáo dục Việt Nam đào tạo ra nhiều “Hiền tài” cho đất nước thực hiện theo quan điểm của Bác Hồ lúc sinh thời “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2638 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày