Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Nhà Giáo Tiêu Biểu Việt Nam Thứ Ba, 24/11/2015, 09:35

Lê Quý Đôn - Người Thầy đáng kính

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy

Trong tâm thức của mỗi người con Việt Nam luôn tôn trọng và đề cao vai trò của người thầy: “Tôn sư trọng đạo”, “một chữ cũng là thầy”. Người thầy luôn là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ trẻ noi theo. Trong lịch sử của nước ta, hình ảnh người thầy cao quý, truyền dạy kiến thức cho thế hệ sau rất nhiều như: thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Lê Hữu Trác,… Trong rất nhiều những tấm gương sáng của nền giáo dục nước nhà, bài viết sẽ giới thiệu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Lê Quý Đôn.

Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2-8-1726, trong một gia đình khoa bảng; cha Ông là tiến sĩ Lê Trọng Thứ, quê ở Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

 Ngay từ nhỏ Ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy Ông đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải Nguyên. 27 tuổi đỗ Hội Nguyên, rồi đỗ Đình Nguyên Bảng nhãn. 

Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê - Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Tán lý quân vụ, Thị phó đô ngự sử (năm 1768), Công bộ hữu thị lang (năm 1769), Bồi tụng (Phó thủ tướng) (năm 1773), Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài quốc sử quán (năm 1775), Hiệp trấn tham tán quân cơ Trấn phủ Thuận Hóa (năm 1776), Hiệp trấn Nghệ An (năm 1783), Công bộ thượng thư (năm 1784)...

Lê Quý Đôn là người học rộng, tài cao, am thông nhiều lĩnh vực như: khoa học tự nhiên, địa lý, khoa học xã hội, văn chương, sử học,… ông luôn được vua, quan và nhân dân kính nể.

Lê Quý Đôn không chỉ là một nhà bác học mà ông còn là một người thầy xuất sắc nhất trong số các thầy giáo ở nước ta hồi thế kỷ XVIII. Ông từng mở trường dạy học, có nhiều học trò theo học, và còn lưu được ân tình đằm thắm đối với học sinh. Ông phụ trách các kỳ thi, lo lắng quan tâm tới việc đào tạo và tuyển dụng các nhân tài. Khác với nhiều nho sĩ cùng thời, Ông đã có những quan niệm giáo dục rõ ràng. Ông phê phán cách học đương thời, căn cứ vào kết quả đào tạo theo nho học trong những thế kỷ rối ren. Ông nhận xét: “Cái học ấy làm cho lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh. Người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm, nhún nhường, trong triều đình không nghe có lời can gián. Gặp có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dẫu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa. Rồi nào thơ, nào ca, trao đổi khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được” (trong Kiến văn tiểu lục).

Lê Quý Đôn luôn mong mỏi có một nền học thuật đúng đắn: “Trên từ bầu trời, dưới đến bờ cõi, có hình tượng, quái lạ muôn vẻ, lấy ý mà lường thì uổng phí tinh thần, lấy lời nói mà biện bạch thì thêm đầu miệng lưỡi, đến chỗ thực tế thì không ăn thua gì cả. Cho nên cái học của người quân tử chỉ noi theo lẽ thường mà thôi” (trong Vân đài loại ngữ - Lí khí).

Trái với những nho sĩ chỉ biết nhồi nhét những lí luận kinh điển xa xôi mà coi thường, thậm chí không biết gì đến các môn học khác thì Ông lại đòi phải học tập toàn diện: “Giáo khoa dạy cả lục nghệ, trong đó cả văn tự và vũ bị. Cho nên những người đã được giáo dục lối ấy, ở trong triều đình thì làm khanh tướng, ra ngoài tỉnh quận thì làm tướng soái, không có cái gì mà không thích dụng... Học giả mà không thấu suốt hoàn bị thì sao được” (Vân Đài loại ngữ).

Lê Quý Đôn đã nêu lên một số ý kiến về phương châm học tập. Ông chủ trương học nhiều để cách vật trí tri, nhưng phải biết nắm lấy cái chính: “Không thể vu vơ theo việc ngọn ở ngoài mà không tìm tòi đến chỗ gốc ở trong. Nếu không thể mà cứ vật gì cũng xét cho đến cùng, cho đủ cả thì chẳng hoá ra vì đường có nhiều lối rẽ mà đến nỗi lạc mất dê ư?” Ông đòi hỏi phải có óc suy luận, không chỉ nệ vào sách vở: “Sách không hết lời, lời không hết ý... Phải hiểu ngầm ý của thánh nhân ở ngoài lời sách mới được”. (Dịch kinh phu thuyết). Ông cũng chủ trương học để hành, học phải trò thành phương tiện giúp người ta có năng lực làm nên công ích cho xã hội. Ông đặt câu hỏi: “Mồm đọc, bụng nghĩ trái nhau, sự biết với sự làm khác nhau, sự nghiệp danh tích không có gì là đáng kể, thì học cho nhiều cũng có làm gì”.

Về phương pháp học tập, Lê Quý Đôn đã đưa ra một số lời khuyên cụ thể cho học sinh và sĩ phu rèn luyện nết tốt trong khi học. Ông khuyên: “Dù ngu dốt đến đâu, cũng nên kính giấy, tiếc chữ, dù keo bẩn đến đâu cũng tìm mua sách vở”. Ông cho rằng biết học thì không thể biện lẽ thiếu thì giờ.

Không chỉ là một người thầy mẫu mực, Lê Quý Đôn còn là nhà sử học đại tài. Ông đã nghiên cứu và viết rất nhiều sách về lịch sử nước Việt Nam, trong đó tiêu biểu nhất là Đại Việt thông sử, Đại Việt sử ký tục biên. Ngoài ra, Ông cũng nghiên cứu sâu về triết học và viết thành sách: Quần thư khảo biện, Dịch kinh phụ thuyết. Trong những công trình nguyên cứu của Lê Quý Đôn không thể không kể đến sách khảo cứu: Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ. Trong lĩnh vực văn chương, Ông được mọi người đánh giá cao qua những sáng tác: Quế đường thi tập, Quế đường văn tập, Bắc sử thông lục,…

Lê Quý Đôn mất ngày 1-5-1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà.

Có thể nói, Lê Quý Đôn xứng đáng là vị thầy xuất sắc nhất trong các thầy giáo ở nước ta hồi thế kỷ thứ XVIII. Hình ảnh người thầy tận tình truyền dạy phương pháp học tấp tiến bộ và kiến thức cho học trò đã là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo. Thầy giáo Lê Quý Đôn xứng đáng với danh hiệu Người thầy mẫu mực và luôn được người đời tôn kính.

Đào Thanh

 

 

 


Số lượt người xem: 3019 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày