Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Bảy, 14/09/2019, 13:25

Nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai – Những kết quả đạt được

Nông thôn mới là tổng thể những đặc điểm, cấu trúc tạo thành một kiểu tổ chức nông thôn theo bộ tiêu chí mới đáp ứng yêu cầu mới đặt ra cho nông thôn hiện nay. Xây dựng nông thôn mới là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển quốc gia, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên là 5.862,37km2 (bằng 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ). Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương; phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận; phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay Đồng Nai có tất cả là 11 đơn vị hành chính gồm 02 thành phố Biên Hoà, thành phố Long Khánh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh và 9 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Trảng Bom. Hoà cùng xu thế vươn lên của cả nước sau hơn 30 năm đổi mới, Đồng Nai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cao hơn mức bình quân của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và là địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.

Được sự quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trên tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP, ngày 28/10/2008 của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Chương trình hành động cụ thể cho địa phương về xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trải qua hơn 10 năm (2008-2019) xây dựng và phát triển, đến nay đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Trong giới hạn bài viết này, tác giả xin được trích sơ lược kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai từ khi bắt tay thực hiện đến nay.

 

Việc hình thành những vùng chuyên canh nông sản năng suất cao rộng lớn, kết hợp với việc áp dụng khoa học - công nghệ đang giúp nông dân tăng nhanh thu nhập. Hơn10 năm qua, ngành nông nghiệp của Đồng Nai luôn giữ được mức tăng trưởng gần 4,2%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra và bình quân chung của cả nước, thu nhập của người dân vùng nông thôn vào cuối nầm 2017 lên trên 47,6 triệu đồng/ người, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2008. Theo kế hoạch của Tỉnh ủy, đến năm 2020, Đồng Nai sẽ là tỉnh hoàn thành nông thôn mới. Nhưng đến năm 2018, Đồng Nai đã về đích xây dựng nông thôn mới, nghĩa là đã hoàn thành sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra. Đồng Nai trở thành tỉnh đầu tiên hoàn thành nông thôn mới trong cả nước và năm 2019 bắt đầu đi vào thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu đại trà.

Về thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực được tăng lên rõ rệt so với năm 2008: hồ tiêu năng suất tăng 12,7%, sản lượng tăng 129%; xoài năng suất tăng 2,7%, sản lượng tăng 67,9%; bưởi năng suất tăng 16%, sản lượng tăng 59%; sầu riêng năng suất tăng 15%, sản lượng tăng 18,7%,... Trên lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển dịch đúng hướng. Theo số liệu thống kê, Đồng Nai là địa phương có số lượng đàn heo cao nhất cả nước (đạt khoảng 1.978.000 con, tăng 93,12% so với năm 2008). Trong chăn nuôi, đã hình thành nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như nuôi heo trong chuồng lạnh, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, mô hình nuôi bò sinh sản, mô hình nuôi gà trên thảm sinh học,... Trên lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt nhiều kết quả, năm 2017 toàn tỉnh đạt 32.175ha, sản lượng thủy sản tăng khá nhanh, năm 2017 đạt 56.700 tấn, gấp 1,6 lần so với năm 2008.

Hơn 10 năm thực hiện đồng bộ, sâu sát, quyết liệt các giải pháp thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại đã đạt được những kết quả vượt trội so với giai đoạn trước, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân là 4,19%/năm, vượt mục tiêu đề ra (từ 3- 4%/năm). Hoạt động thương mại dịch vụ nông thôn được phát triển, góp phần mở rộng sản xuất nông thôn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có trên 2.023 cơ sở sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp. Điểm nổi bật là tỉnh đã hình thành chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây đi vào hoạt động, đã góp phần tạo tiền đề trong việc phân phối, tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn và khu vực.

 

 

Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư ngày càng đồng bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần chỉnh trang đáng kể bộ mặt nông thôn. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo 2.512km đường, 45 cầu bê tông cốt thép, 48 cống hộp; duy tu bảo dưỡng thường xuyên gần 2.000km đường, diện mạo, cảnh quan dọc các tuyến đường được quan tâm chỉnh trang… Trên địa bàn toàn tỉnh có 119 công trình thủy lợi đang hoạt động, ngoài ra, các hộ dân còn đầu tư hệ thống giếng khoan, giếng đào để phục vụ nhu cầu tưới các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như chôm chôm, sầu riêng, bưởi, cam, quýt… Đầu tư xây mới, nâng cấp 981,95km điện trung thế, 1.413,8km điện hạ thế, kết hợp nâng cấp và xây dựng mới các trạm biến áp với tổng dung lượng 122.141,5KVA… Tỷ lệ số hộ có điện trên địa bàn toàn tỉnh đạt 99,9%. Tỷ lệ trường học khu vực nông thôn đạt chuẩn về cơ sở vật chất đạt 91,18%, tăng 66,09% so với năm 2008… Hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin truyền thông đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin của dân cư khu vực nông thôn. Cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông tiếp tục được tăng cường, 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông; 100% xã có hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ truy cập internet… Hệ thống y tế ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh người dân nông thôn. Toàn tỉnh có 133 xã có trạm y tế, đạt tỷ lệ 100%, trong đó một số trạm y tế đã được nâng cấp thành phòng khám đa khoa, trung tâm y tế khu vực… Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 92 công trình cấp nước sạch tập trung ở nông thôn, công suất 26.137m3 /ngày đêm và 5 công trình đang tiếp tục xây dựng, cùng với việc hỗ trợ cung cấp lắp đặt thiết bị lọc nước nhỏ lẻ cho các hộ dân.

 

Công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn rất được chú trọng. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong thời gian qua tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 6,22% năm 2008 xuống còn 0,31%. 100% xã đạt tiêu chí về giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng cao về chất lượng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội được tăng cao. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần người dân nông thôn có bước phát triển, hoạt động văn hóa với nhiều mô hình phong phú, thiết thực.

Về đổi mới và xây dựng hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ cấu lại tổ chức sản xuất theo hướng đa dạng hóa về hình thức: Hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại, tổ hợp tác, câu lạc bộ. Kinh tế trang trại tiếp tục có bước phát triển mạnh và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, với 3.830 trang trại lớn, giá trị thu được đạt trên 16.000 tỷ đồng; doanh thu bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/ trang trại, chiếm 43% GDP ngành nông nghiệp… Hoạt động của các cơ sở ngành nghề nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp ở các địa phương nông thôn của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có  trên 9.681 cơ sở ngành nghề nông thôn, bao gồm cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng; đồ gỗ, mây tre, gốm sứ, thủy tỉnh, dệt may, cơ khí; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; lĩnh vực xây dựng, vận tải…  

Về đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đến nay đội ngũ cán bộ công chức cấp xã được nâng lên rõ rệt và đạt chuẩn theo quy định về trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Bộ máy quản lý Nhà nước được kiện toàn, đổi mới với lực lượng lao động đảm bảo về số và chất lượng. Công tác đào tạo nghề đã được đổi mới rõ nét, chuyển mạnh từ đào tạo nghề có trình độ thấp sang trình độ cao, gắn chặt đào tạo nghề với giải quyết việc làm, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, yêu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu chung của thị trường lao động.

Về đổi mới cơ chế chính sách, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về huy động nguồn lực xây dựng và phát triển nông thôn mới và trên 20 chương trình, Đề án, nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn… với tổng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp nông thôn là 329,734 ngàn tỷ đồng. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân đã góp phần quan trọng

Đến tháng 12/2018, Đồng Nai đã về đích xây dựng nông thôn mới (133/133 xã, phường, thị trấn), theo đó, đời sống kinh tế của người nông dân tăng lên rõ rệt, đặc biệt đã hình thành nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tóm lại, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các đảng bộ xã trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh đạt hiệu quả về số và chất lượng. Qua đó, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng lớn, các chuỗi sản xuất liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ… Bộ mặt nông thôn trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực, rõ nét, sản xuất phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, kết nối giữa các trung tâm, hệ thống trường học có sở sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, hệ thống y tế đạt chuẩn, môi trường sinh thái có bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, an ninh trật tự chính trị được giữ vững, đời sống vật chất tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng cao… Với kết quả đạt được trên, Đồng Nai xứng đáng là địa phương đi đầu trong cả nước về thành tích xây dựng Nông thôn mới.

Hy vọng, trong thời gian tới dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các Đảng bộ xã, phường trên địa bàn tỉnh công tác xây dựng và phát triển nông thôn mới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh đạt những thành tích cao, giữ vững danh hiệu lá cờ đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, tiến tới hoàn thành100% xã, phường trong tỉnh hoàn thiện công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 617 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày