Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Sáu, 06/12/2019, 09:35

Quan niệm văn hóa đọc dưới góc nhìn văn hóa học

Nói đến văn hóa, người ta nghĩ ngay nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, hiểu một cách khái quát nhất, văn hóa là hệ thống những giá trị tinh thần và vật chất do con người sáng tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại, thích ứng và phát triển.

Quá trình hoạt động của con người, văn hóa được nhìn nhận ở mức độ sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, chính con người đã vận dụng toàn bộ năng lực thể chất và tinh thần của mình đưa vào hoạt động, tự đối tượng hóa bản thân mình vào các giá trị do mình làm ra. Bởi vậy, đến lượt nó, các giá trị này lại là tấm gương soi, là thước đo trình độ phát triển của chính con người. Văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, cùng với thời gian, truyền thống văn hóa sẽ được hình thành ở mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, thể hiện rõ những đặc tính riêng của mỗi nền văn hóa.

Văn hóa đọc là một bộ phận đặc biệt của văn hóa, có vai trò quan trọng trong quá trình văn hóa. Văn hóa đọc chính là cách thức, để tiếp nhận, thực hiện trao truyền văn hóa trong tiến trình lịch sử. Sáng tạo văn hóa là nhu cầu tồn tại của con người trong tiến trình lịch sử, vì thế văn hóa chính là quá trình hiện thực hóa lịch sử của bản thân con người.

Vì con người và xã hội tồn tại bằng cách trao truyền văn hóa, cho nên thực tiễn và quá trình văn hóa cũng là môi trường để trong đó con người hoàn thiện mình với tư cách vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của văn hóa. Đây là cơ sở của mối quan hệ giữa văn hóa và văn hóa đọc. Văn hóa đọc phản ánh nhiều phương diện của văn hóa, là hoạt động văn hóa đặc thù. Văn hóa đọc là quá trình thâu nhận, trao truyền các giá trị, thực hiện các chức năng của văn hóa.

Xét về quá trình phát triển văn minh nhân loại văn hóa đọc gắn liền với sự xuất hiện và phát triển của chữ viết, từ khi chữ viết ra đời thì sách cũng dần dần xuất hiện. Tuy nhiên cùng với sự phát triển, tích lũy tri thức của con người và sự phát triển của khoa học công nghệ, thì quan niệm về văn hóa đọc cũng ngày càng phức tạp.

Trên bình diện cá nhân, văn hóa đọc thể hiện trình độ phát triển tinh thần của con người trong điều kiện xã hội nhất định. Để hiểu rõ hơn về văn hóa đọc, chúng ta tiếp cận các thuật ngữ liên quan mà chủ thể đọc tiếp cận như: đọc, hoạt động đọc, sách, báo và tạp chí, tài liệu,… Thường thì sách, báo, tạp chí… là những hình thức của tài liệu, được lưu giữ trong thư viện truyền thống. Tài liệu - hiểu theo nghĩa rộng là dạng thông tin được lưu giữ bằng nhiều hình thức: dạng tài liệu in, dạng âm thanh, hình ảnh... mà người đọc có thể tiếp cận theo nhiều phương thức khác nhau. Văn hóa đọc là quá trình con người tiếp nhận các tri thức được tích lũy, lưu giữ dưới những hình thức khác nhau, như sách, báo, tài liệu, tạp chí, mạng internet… Hiểu một cách chung nhất, đọc chính là quá trình giải mã thông tin được phản ánh dưới dạng tài liệu. Con người vận dụng các giác quan như thị giác, tư duy kinh nghiệm trong quá trình đọc để giải mã thông tin trong tài liệu. Hoạt động đọc là hoạt động tinh thần của con người, xuất phát từ nhu cầu đọc. Trong đó các yếu tố như: trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ, cảm giác, tham gia vào hoạt động đọc.

Trong những năm gần đây, không chỉ ở Việt Nam, văn hóa đọc là vấn đề được xã hội quan tâm cả về lý luận và thực tiễn. Sự phát triển của thông tin trong thời đại truyền thông toàn cầu, mạng xã hội đã và đang tác động sâu sắc đến văn hóa đọc của cá nhân và cộng đồng.

Ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa đọc, tuy nhiên chưa có khái niệm hay một định nghĩa nào có sự thống nhất về khái niệm và nội hàm của văn hóa đọc. Dưới góc nhìn văn hóa học, tác giả nhận thấy văn hóa đọc được hiểu như sau:

Văn hóa đọc là hệ giá trị, chuẩn mực ứng xử của nhà quản lý, người đọc, trong quá trình tiếp nhận thông tin qua việc đọc sách, báo, tạp chí và các tài liệu từ những phương tiện, cách thức khác nhau, nhằm thỏa mãn nhu cầu đọc của cá nhân, cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Như vậy, có thể thấy rằng văn hóa đọc là một hoạt động mang tính văn hóa của con người thông qua việc đọc sách, báo, tạp chí, các tài liệu khác, nhằm mục đích tiếp nhận những tri thức một cách khoa học, hữu ích. Quá trình hình thành và phát triển văn hóa đọc của cá nhân, cộng đồng chịu nhiều ảnh hưởng, trong đó đặc biệt là hệ thống thư viện.

 

Võ Xuân Lê

 

 

 


Số lượt người xem: 275 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày