Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Năm, 30/07/2020, 15:50

Độc giả của chúng tôi

Trời bỗng đổ cơn mưa ào ào như trút nước, và cứ như thế giọt mưa ngày càng trở nên nặng hạt hơn. Bất giác tôi nhìn lên đồng hồ, trong lòng bắt đầu lo lắng. Vì giờ này như mọi ngày, độc giả đặc biệt của tôi đang cố gắng đạp những vòng xe trên con đường dài tới thư viện để mượn sách. Không biết bác có bị ướt không?

Vị độc giả mà tôi muốn nói đến là bác Vũ Trọng Thông, bác sinh năm 1956. Trước khi nghỉ hưu bác là nhân viên kỹ thuật thuộc Công ty Vận tải thủy bộ của Đồng Nai. Hiện tại bác đang sinh sống ở quận Bình Thạnh. Trong bao nhiêu độc giả của thư viện, tôi thấy bác gần như là đặc biệt nhất. Để nhận ra bác trong các độc giả thật dễ dàng, khi mà thân hình gầy gò luôn khoác lên mình chiếc áo thun có cổ với cái mũ phớt tối màu, tay cầm chắc túi ni lông màu đen đựng những cuốn sách yêu thích. Bác đã gắn bó với thư viện từ ngày còn trẻ tới tận bây giờ, từ ngày mà bác chỉ cần đi 3km đã tới thư viện, nay phải đạp xe đạp mất gần 2 tiếng đồng hồ bác vẫn ghé nơi đây thường xuyên. Ở cái thời mà cuộc sống tấp nập, hối hả ngồi trên xe máy đi đâu đó người ta còn thấy ngại, xu hướng ngày nay là muốn ngồi trên xe hơi để không phải gặp nắng gặp mưa lại có điều hòa mát dịu giữa khí trời oi bức. Thế mà bác với cái tuổi ngoài 60, cao 1m67, chỉ nặng có 46kg lại chịu khó đạp những vòng xe chậm chạp trên gần 2 tiếng để đến với chúng tôi, đến với kho sách báo quý giá của thư viện.

Nhiều người thấy bác cứ cặm cụi đạp xe trên một quãng đường dài vất vả để đến Thư viện tỉnh Đồng Nai thì đều thắc mắc: sao không xuống Thư viện Thành phố cho gần, già rồi sao không ở nhà cho khỏe, hay không chạy xe máy cho nhanh?… Trước những câu hỏi đó bác luôn cười hiền hòa và nói rằng: “người già thì luôn thích những gì thân thuộc không thích thay đổi, Thư viện tỉnh Đồng Nai đã gắn bó với tôi từ lâu, ở đấy tôi thấy dễ chịu, không khí ấm cúng, là độc giả đã lâu năm nên thủ thư cũng hiểu được tâm lý một người già như tôi thích đọc thể loại gì, yêu thích tác giả nào, và có tuổi thì cần chỗ ngồi có ánh sáng tốt, tất cả sự chu đáo đó đều làm cho tôi thấy thoải mái, hài lòng”.

Mỗi lần nhìn thấy dáng hình gầy gò của bác tiến vào thư viện tôi lại thấy cảm phục vô cùng. Tôi hỏi bác đạp xe vậy có mệt lắm không ạ? Bác chân tình nói: mắt còn tinh tường còn đi được, gặp mưa thì trú, mệt thì nghỉ, lúc nào lên dốc thì dắt bộ, lúc nào cố được thì cố, tính ra cả đoạn đường mà dốc thì gom lại cũng mất 3, 4km dắt bộ đấy cháu. Người nhà ngày nào cũng dặn dò đủ kiểu là đừng có ráng quá, nhưng bác tự biết phòng bị và giữ sức khỏe cho bản thân để còn khỏe mạnh mà đến thư viện đọc sách lâu dài chứ, vì đạp xe cũng là tập thể dục.

Lạ ở một chỗ là thủ thư chúng tôi thấy bác nhà ở xa quá, lại đi xe đạp vất vả nữa nên gợi ý để bác mượn nhiều sách một lúc cho bác đỡ công phải đi lại nhiều. Nhưng bác chỉ yêu cầu mượn một hoặc hai cuốn thôi. Vì bác muốn đọc hết bác lại có cớ để đến thư viện, đến thư viện đọc sách báo như một thói quen, mà thói quen thì không hề dễ bỏ, nhất là đối với người đã qua tuổi trung niên. Chắc hẳn nhiều bạn trẻ sẽ nói, bác không có điện thoại thông minh hay sao mà phải khổ thế? Vâng, bác có điện thoại thông minh lúc nào cũng sẵn sàng trong túi đấy, nhưng bác không đọc trên đó. Bác quan niệm nên đọc sách báo để lấy thông tin và kiến thức theo bề sâu, vừa đọc vừa nghiền ngẫm, mở ra rồi lại đóng lại để suy nghĩ, để nghiệm những gì sách viết có đúng như những gì mình đã từng trải hay không. Các bạn trẻ bây giờ khai thác thông tin trên điện thoại chỉ là bề nổi thôi, lướt hết một trang tin có khi đã quên luôn rồi. Cho nên thời gian qua thấy nhiều phụ huynh dắt con em tới thư viện để hình thành cho các cháu thói quen đọc sách bác rất mừng. Muốn cho các cháu ham mê tới thư viện đọc sách chủ yếu là ở phía gia đình và nhà trường tác động là chính. Cha mẹ và thầy cô nên định hướng cho các cháu yêu thích văn hóa đọc.

Nhiều khi chị em thủ thư chúng tôi thân tình hỏi với bác rằng: bác có thấy hài lòng về đầu sách, lượng sách của thư viện không? Bác cũng thật tâm mà nói: “để làm hài lòng tất cả độc giả thì không ai làm cho hết, cho nổi vì mỗi người thích một kiểu, yêu cầu một kiểu, mình làm dâu trăm họ mà cháu. Theo bác thì lượng sách ở đây đầy đủ, phong phú và rất đa dạng về thể loại. Nói chung là mọi người nên đọc sách nhiều, đọc cẩn thận chứ đừng chỉ đọc theo phong trào”. Đang suy nghĩ miên man về bác, bỗng chiếc áo quen thuộc xuất hiện trước mắt tôi, bác đây rồi, bác có bị ướt không ạ? Vẫn là câu trả lời quen thuộc ấy: mưa thì trú mà cháu.

Trò chuyện cùng bác, tôi được truyền thêm nhiều năng lượng tích cực trong cuộc sống. Sự hiểu biết mà bác tích lũy được qua những trang sách báo làm cho tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, tầm hiểu biết của mình còn hạn chế. Cho nên sự học là không bao giờ đủ và không bao giờ muộn.Tôi viết về bác vì muốn câu chuyện của bác truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên đang còn nhiều điều kiện về sức trẻ, về phương tiện đi lại, về sự đầu tư của gia đình của xã hội. Hãy tranh thủ tận dụng, khai thác triệt để những lợi ích tốt đẹp mà nhà nước mang đến cho mình. Dùng nó làm hành trang để vững bước vào đời, sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, có ích cho xã hội. Tôi mong cho bác cũng như những độc giả lớn tuổi khác luôn đủ sức khỏe, còn tinh anh để tiếp tục chuyến hành trình tới thư viện của mình, hành trình của một cuộc sống tươi mới, nhiều ý nghĩa.

 

Dung Nguyễn T.T

 

 

 

 


Số lượt người xem: 496 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày