Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Hai, 08/08/2022, 22:00

Phục chế, tu bổ tài liệu – nghệ thuật ''chăm sóc'' tài liệu công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo

Phục chế, tu bổ tài liệu là quá trình tái tạo lại tài liệu và thông tin tài liệu khi tài liệu có dấu hiệu bị mất mát hoặc hư hỏng nặng. Đây được xem là một nghệ thuật, bởi công việc “chăm sóc”, làm đẹp cho tài liệu sẽ tạo thêm giá trị lưu giữ tài liệu tồn tại với thời gian, tuy nhiên công việc này phải đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo nơi người thực hiện.

Có thể hiểu phục chế, tu bổ tài liệu (sách, báo, bản đồ) là công việc khôi phục các bản sách cũ/ cổ bị hư hỏng, mục rách hoặc gia cố để bảo quản các bản tài liệu quý đang trên đường hư hoại. Một cuốn sách nếu không được đóng sẽ dễ bị rách, cong góc, các tập (tay) tách khỏi sách... Vậy nên, nghệ thuật phục chế, tu bổ tài liệu được xem như một liệu pháp nhằm giữ gìn, kéo dài tuổi thọ cho sách,... Phải chăng nghề này xuất phát từ tình yêu và sự trân quý đối với các di sản tri thức lâu đời của cha ông.

Phục chế, tu bổ chỉ áp dụng đối với tài liệu lịch sử, tài liệu có giá trị cao, không áp dụng đối với tài liệu hiện hành.

Những yếu tố ảnh hưởng đến tài liệu

Về nguyên lý, các tài liệu được hình thành từ các vật hữu cơ, do vậy sẽ dễ bị tổn hại và tích trong mình những yếu tố phá hủy chính bản thân chúng. Các tài liệu bắt đầu bị tổn thương ngay khi hình thành và quá trình này ngày càng lớn trong điều kiện môi trường bảo quản kém, không đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, ô nhiễm và bụi, vật liệu lưu trữ dễ bị gỉ sét, đây cũng là nguyên nhân khiến cho tài liệu bị giòn, mốc, ngả màu, bị côn trùng và sinh vật gây hại tấn công. Bên cạnh đó, con người cũng là tác nhân gây ra tổn thương cho tài liệu như: làm bẩn tài liệu trong quá trình sử dụng, tác động đến tình trạng vật lí, dùng bút viết mực, buộc, băng dính, ghim tài liệu,…

Lược sử nghề phục chế

Để lưu giữ tài liệu được lâu bền, không bị hư hỏng hoặc mất mát bởi tác động của tự nhiên và con người, cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, có chế độ bảo quản chặt chẽ tài liệu thì mới có thể kéo dài tuổi thọ và phục vụ tốt nhất cho việc sử dụng chúng trong hiện tại và tương lai.

Nhìn lại ở các nước Châu Âu, nghệ thuật phục chế, tu bổ tài liệu (còn gọi là nghề đóng sách) là một chuyên ngành, được dạy chi tiết từng nội dung kỹ thuật, người học phải mất một thời gian dài để học, chẳng hạn như học phục chế da mất 7 năm, phục chế nhũ mạ mất 6 năm… Người học chuyên về bảo quản và tu bổ hiện vật chất liệu giấy phải nắm rõ các nguyên tắc có tính chuyên môn từ khâu bảo quản sách, ứng xử với một quyển sách hư hỏng và cả việc phân biệt giá trị của việc đóng bìa với thiết kế sách, phục chế sách…

Trước đó, người Hoa ở Việt Nam đã đóng sách bằng cách khâu chỉ thật chặt bên ngoài. Cách đóng này tuy bền nhưng khó thao tác mở sách vì gáy sách cứng, trong khi người Pháp đóng tinh xảo và tiện lợi hơn hẳn.

Từ thế kỷ XIX, người Sài Gòn đã biết đóng bìa sách bằng da, gỗ, gấm hay giả da simili. Hầu như các quyển sách trước khi lên kệ đều phải qua tay của thợ đóng sách.

Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển tại Sài Gòn, nghề đóng sách đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc hưng, lúc thịnh. Những năm 1950 - 1960, là thời kỳ vàng son của nghề phục chế, tu bổ sách khi thú chơi sách của dân Sài Thành còn phổ biến. Sau này, khi người Mỹ sang Việt Nam, nghề đóng sách có dấu hiệu đi xuống, vì người Mỹ không chuộng lối đóng sách của Pháp. Họ cần đóng nhanh với số lượng lớn theo kiểu công nghiệp thị trường. Đến thời bao cấp, kinh tế khó khăn, dân Sài Gòn một lần nữa đành xếp lại một thú chơi phong lưu. Những người thợ đóng sách chuyển sang làm cho nhà nước hoặc các xí nghiệp in ấn. Vào những năm 1990, nghề đóng sách hưng thịnh trở lại. Nhiều người đổ xô đi sưu tầm sách xưa và có nhu cầu đóng sách giống như kiểu đóng của người Pháp thời trước. Những năm đó, người dân Sài Gòn đã quen với những cuốn sách được đóng gáy bằng da cừu hoặc vải gấm do người Pháp mang sang Việt Nam.

Đến nay nghề phục chế, tu bổ sách tại Việt Nam dường như đã bị mai một, còn chăng số ít những người làm nghề đóng sách chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tại các thư viện, cơ sở vật chất cũng như những trang thiết bị để phục chế, tu bổ tài liệu còn rất thiếu thốn, lạc hậu. Để khắc phục tình trạng tài liệu bị hư hỏng, các thư viện đã thực hiện công tác phục chế tài liệu ở những kĩ thuật phổ thông nhất như đóng lại sách hay sao chụp, nhân bản tài liệu. Với những kĩ thuật bảo quản và phục chế tài liệu hiện đại hơn thì chưa phải địa phương nào cũng thực hiện được.

Công tác phục chế, tu bổ tài liệu

Theo thời gian, dưới tác động của thời tiết và những nguyên nhân khác, nhiều cuốn sách có thể cũ đi, hư hỏng một phần, hoặc toàn bộ, do vậy chúng cần được phục chế, tu bổ và bảo quản. Để phục chế, tu bổ tài liệu cần tuân thủ theo những nguyên tắc khoa học, phù hợp sẽ mang đến hiệu quả lâu dài.

Đối với tài liệu có giá trị cần phục chế, tu bổ, điều trước tiên phải kiểm tra xem tài liệu đó là loại giấy nào (giấy dó, giấy poluya, giấy in roneo hay photocopy…), ngoài ra còn phải xác định được độ PH của tài liệu,… (dùng máy đo độ PH) để quyết định phương pháp tu bổ tài liệu.

Với tài liệu đã được ghim kẹp hay khâu cần dùng dụng cụ phù hợp để tháo gỡ, tài liệu; tài liệu bị dính bết thì tùy theo mức độ nặng nhẹ để bóc tách. Tài liệu trước khi tu bổ phải được làm phẳng, dùng máy ép, tấm kính hoặc vật dụng nặng để ép phẳng tài liệu, có thể dùng bàn ủi chuyên dụng để làm phẳng tài liệu,…

Với các tài liệu bị vết ố, bẩn phải dùng bàn chải mềm quét chải hoặc dùng các vật dụng như cục tẩy, xăng, cồn, thuốc tím… Tài liệu bị nấm mốc, bị axit có thể dùng phương pháp khử khô và ướt… khi lựa chọn tài liệu để phục chế, tu bổ phải đánh số tờ và số hồ sơ bằng bút chì trên tài liệu nhằm tránh thất lạc tài liệu sau tu bổ.

Mỗi tài liệu có đặc điểm khác nhau lại có các bước phục chế, tu bổ khác nhau. Ví như, với thư tịch Hán Nôm cần gấp trang, xếp trang, cố định ruột sách, xén sách, chuẩn bị bìa sách và đục lỗ, may sách, tuyệt đối không được dùng băng keo để dán các trang sách và bìa sách. Sách bằng chữ Quốc ngữ, sách xưa bằng các ngoại ngữ thì sau khi gấp trang phải ép các tay sách, đục lỗ, may sách, phục hồi bìa, vào bìa, đóng bìa mới…

Để tiến hành công tác phục chế tu bổ được thuận lợi, cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết: bàn tu bổ, giấy dó các loại, dao xương, thước, kéo, kim, chỉ, bàn ép, máy xén, dao xén, keo hồ dán… tùy theo mức độ bị hư hỏng và loại tài liệu mà tiến hành vá, dán tài liệu cho phù hợp với từng tình trạng hư hỏng của tài liệu. Tùy theo độ dày của tài liệu mà lựa chọn giấy bồi thích hợp và phải dài rộng hơn khổ giấy tài liệu. Sau đó, phơi khô và xén mép tài liệu…

Đối với những tài liệu đã được phục chế tu bổ, việc bảo quản cũng vô cùng quan trọng, để tránh bị hư hỏng trở lại, ta phải đảm bảo hợp lý các yếu tố nóng và ẩm, ánh sáng, dao động về độ ẩm và nhiệt độ, acid, côn trùng các các loại gặm nhấm, nấm mốc, bụi và đặc biệt là con người. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho tài liệu, ngoài công tác bảo quản khi khai thác, sử dụng cần chú ý sử dụng găng tay khi tiếp xúc tài liệu nguyên gốc, hỏi ý kiến chuyên gia đối với các tài liệu hư hỏng nặng và giòn; không nên sao chép tài liệu quá khổ A3...

Phục chế, tu bổ sách hay nghệ thuật “chăm sóc” tài liệu là công việc không phải đơn giản mà ai cũng làm được, chỉ những người yêu thích sách, kiên trì, chăm chú, tỉ mỉ, khéo léo và quan trọng là phải có tình yêu với sách thì mới có thể thực hiện công việc này được.

Tóm lại, thực hiện tốt công tác phục chế, tu bổ tài liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm góp phần bảo lưu tài liệu, đặc biệt là tài liệu quý hiếm của nước nhà. Đồng thời, góp phần nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ cũng như bồi dưỡng, phát huy kỹ năng nghiệp vụ về công tác phục chế, tu bổ tài liệu cho cán bộ phụ trách thư viện trong tình hình hiện nay./.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 23871 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày