Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Năm, 19/10/2017, 15:30

Hát Then của người Tày ở Đồng Nai

Ở Đồng Nai, người Tày là dân tộc đứng thứ ba sau người Kinh và người Hoa. Họ tụ cư ở vùng có đồng ruộng hay đất rẫy để làm nông nghiệp. Địa bàn của người Tày ở Đồng Nai là các huyện Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Nhưng tập trung đông nhất có lẽ ở hai huyện miền núi là Định Quán và Tân Phú.

Người Tày ở Đồng Nai có lịch sử di dân từ năm 1954 bắt đầu từ một bộ phận theo quân đội của Voòng A Sáng vào Sông Mao (Bắc Ninh, Bình Thuận), sau đó vào Đồng Nai và một số nơi khác. Sau năm 1975, tiếp tục có nhiều đợt người Tày di dân đến Đồng Nai để làm ăn kinh tế. Người Tày biết đoàn kết, bảo ban nhau làm ăn, chung tay xây dựng nông thôn mới và đặc biệt cộng đồng người Tày còn lưu giữ được đặc trưng văn hóa tinh thần với nghệ thuật hát “then” truyền thống. Trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày, hát Then là một trong những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu.

Then là bộ môn nghệ thuật truyền thống được người Tày sử dụng trong nghi lễ cúng giỗ, cầu thọ, cầu an, giản hạn và chữa bệnh… Trong những dịp vui đông người (như ăn uống trong cấy, gặt vần đổi công), người Tày có thể hát Then để giao lưu bày tỏ niềm vui của cộng đồng. Dựa vào mục đích, có thể chia Then thành 7 loại gồm: Then cầu mùa, Then chữa bệnh, Then bói toán, Then chúc tụng (làm nhà mới, cưới xin), Then cầu yên (cầu an), Then cầu tự (cầu con cái), Then cấp sắc (Lẩu Then). Then được tổ chức vào những thời tiết đẹp của mùa xuân và mùa thu.

Hát Then là sản phẩm nghệ thuật của phụ nữ Tày. Một số bà then còn có khả năng hát và sử dụng thành thạo một số nhạc cụ như đàn tính, quạt, chuông, chùm lắc… sử dụng đi kèm trong khi hát và múa then. Khi lễ cúng, bà Then mặc bộ lễ phục truyền thống gồm: áo dài, mão, khăn đội đầu màu đỏ, trang phục có gắn những hạt kim sa lóng lánh hoặc gắn những bông hoa, hoa văn phức tạp… Thời gian cúng then thường vào ban đêm, người Tày làm Then để xin thần linh phù hộ khỏi đau bệnh, mừng thọ, cầu an giải hạn. Những năm thời tiết không thuận lợi, người Tày tổ chức làm Then để xin thần nông ban cho mưa nắng thuận hòa, mùa màng thuận lợi, con người khỏi bị đói kém thất mùa, dịch bệnh…

Các lễ Then cầu yên, cầu tự, chữa bệnh đều được các bà then tổ chức trong nhà.

Lễ Then cấp sắc là then lớn nhất, khi tiến hành lễ phải trải qua 12 cung trên con đường hành đạo của Then: Cung Vắt đỉa; Cung sương tuyết; Cung hổ dữ và đười ươi; Cung đói khát và bệnh tật; Cung kim quy; Cung mỹ nhân; Cung thung lũng; Cung Hươu, nai, trâu trắng; Cung người khổng lồ; Cung tam bảo; Cung long vương. Qua 12 cung, cuối cùng đoàn Then trở về trong chiến thắng, do vậy cả làng mở hội, trai gái hát đối đáp giao duyên thâu đêm suốt sáng.

Ngoài ra, hát Then còn được tổ chức trong hội xuân. Bà Then bưng mâm hoa quả, cất tiếng hát mở đầu cho hội với những câu như: “Năm cũ đã qua; Bước ra năm mới; Năm nay mở hội mùa xuân…”. Những nhà làm lễ thượng thọ cho ông bà cha mẹ thường mời bà then đến hát chúc thọ. Trong dịp này, các vị lớn tuổi cũng đến làm thơ, đặt bài hát chúc mừng cho gia chủ.

Nếu như ngày trước, loại hình hát then được phục vụ trong cung đình, cúng lễ, mang màu sắc tín ngưỡng. Then được hát ở những nơi trang trọng, có khi kéo dài cả mấy ngày đêm, thì bây giờ người ta có thể hát Then bất cứ lúc nào. Hát sau mùa thu hoạch, hát để nhớ quê hương, hát để mừng năm mới, hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ... Hát then luôn có đàn tính theo đệm đi cùng bộ xóc nhạc. Người Tày ai cũng biết hát then, mà không biết một làn điệu then thì không phải là người Tày...

Có thể nói, Then không chỉ giải quyết về nhu cầu văn hóa tâm linh mà còn là nhu cầu văn hóa, văn nghệ của người Tày. Then có cả múa, hát, làn điệu then trầm hùng, những điệu múa tả cảnh chèo thuyền, phát đường, cưỡi ngựa, hái hoa… thể hiện được tâm hồn, tình cảm, lẽ sống của con người trong thế giới nhân sinh.

Người Tày xem hát then là món ăn tinh thần không thể nào thiếu được, nếu mà không có then là không làm được gì được. Đối với họ, cái đàn đơn giản nhưng có thể điều khiển được cả con người.

Chính vì vậy đến Đồng Nai, người Tày không quên mang theo cây đàn tính. Cây đàn tính thật giản đơn, nhưng nó có thể làm thăng hoa lời ca tiếng hát đến rung động trái tim người, nghe rồi mê, rồi không thể nào bỏ được. Tiếng đàn tính bật lên những cung bậc vui tươi, rộn ràng. Có khi lại dồn dập "theo đoàn quân ra trận". Lại có lúc thầm thì, dặt dìu, tha thiết đến trào nước mắt...

Then Tày - đàn tính - đơn giản thế thôi mà những câu chuyện về nó kể hoài không hết, nghe hoài không chán. Từ việc chọn vật liệu để làm loại đàn tính ba dây cho đến hai dây. Đàn hai dây lại có loại dùng cho hát "tàng bốc", loại dùng cho hát "tàng nặm"... Đàn tính có cách đánh riêng của nó để tạo ra âm thanh hòa trộn giữa tiếng trống và tiếng gõ phách.... Đúng là vậy, nếu lắng nghe ta sẽ cảm nhận được một âm thanh đặc biệt, đặc trưng không lẫn vào đâu được của làn điệu then.

Dân ca Tày, với làn điệu then đã góp phần làm rực rỡ thêm sắc màu văn hóa Đồng Nai, tạo nên sức sống mãnh liệt, đặc trưng riêng cho mảnh đất Đồng Nai.

Người Tày xứ Bắc mang điệu hát then đi xa, vừa để nhắc nhở mình không được phép quên đi cội người, đồng thời cũng góp phần xây dựng, làm đẹp thêm văn hóa nơi quê hương mới, âu đó cũng là một tư duy đầy chất nhân văn.

Nói chung, Then vừa là một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh vừa là một loại hình âm nhạc dân gian rất đặc sắc của các dân tộc Tày nói riêng, người Nùng, Thái ở Việt Nam nói chung. Qua lễ hát Then cổ truyền có thể thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày. Từ những quan niệm Mường Trời, nơi cư ngụ của các thần linh; Mường Đất, nơi cư ngụ của con người; Mường nước, nơi cư ngụ của Long Vương, Then đã đưa con người tìm một chỗ dựa về tinh thần để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trước đây, trong các nghi lễ tâm linh, Then chỉ được diễn xướng bởi một người là ông Then hoặc bà Then, những người đồng thời cũng là thầy cúng. Họ cùng một lúc phải làm mọi việc: tay đệm đàn, miệng hát, chân xóc nhạc lại còn phải múa, diễn trò minh họa cho bài hát như cưỡi ngựa, phất quạt, động tác chèo thuyền vượt biển... Họ là những nghệ nhân của tổng hợp các loại hình diễn xướng dân gian điêu luyện và sáng tạo.

Muốn cảm nhận được cái chất lãng mạn mê hồn của làn điệu Then thì ta phải ăn ở với người Tày, nghe người Tày cầm đàn hát. Người Tày bao đời nay sống với núi rừng. Phố phường không hẳn là nơi hấp dẫn họ. Người Tày tình cảm, tin người như thể tin thân. Hiếu khách chân tình, mộc mạc dễ thương. Người Tày không thích khách khí, chỉ thích nói "lời yêu" qua âm thanh đàn tính cùng lời ca ngọt ngào như nước suối nguồn... Ngày nay, Then Tày đã và đang gắn bó với mảnh đất và con người Đồng Nai.

Hát Then gắn với cây đàn Tính vốn khởi nguồn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nay trên vùng đất mới, những người con xa quê vẫn không nguôi nhớ lời Then luyến láy hòa trong tiếng đàn Tính dìu dặt nơi quê nhà. Hát Then được xem là món ăn tinh thần độc đáo góp phần làm phong phú thêm bản sắc các dân tộc giữa không gian văn hóa Ðồng Nai.

Cho dù ở đâu, hay bất cứ lúc nào lời ca tiếng hát luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với mỗi con người. Mỗi dân tộc lại có một làn điệu, một nhạc cụ đặc trưng riêng. Và Then Tày cũng vậy, chính điều đó đã làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa nước nhà nói chung, văn hóa Đồng Nai nói riêng.

Trong quá trình phát triển đất nước sự du nhập, giao lưu giữa các nền văn hóa của các dân tộc, Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một về nghệ nhân, rơi rớt về các làn điệu, mất mát về phong tục tập quán, dần dà lu mờ bản sắc văn hóa độc đáo do thiếu người kế cận. Việc sưu tầm, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau giá trị của loại hình hát Then là việc làm cấp thiết. Vấn đề là bảo tồn hát Then như thế nào để không mất đi bản sắc mà vẫn phù hợp xã hội hiện đại, bảo tồn và phát huy được không gian diễn xướng hát Then... luôn là vấn đề cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng đặt lên hàng đầu trong tiến trình làm đậm đà bản sắc dân tộc của Đồng Nai nói riêng, và của cả nước nói chung.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 257 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày