Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Tư, 22/11/2017, 08:15

Nghệ thuật trang trí trên vải dệt của người Mạ ở Đồng Nai

Người Mạ cư trú ở nhiều nơi như Lâm Đồng, Đồng Nai và một phần thuộc tỉnh Bình Phước. Ở Đồng Nai, người Mạ hiện có 564 hộ với 2.577 khẩu (số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, tháng 6/2009), đứng thứ 10 trong số hơn 40 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, hầu hết tập trung ở huyện Tân Phú (266 hộ, 1306 khẩu) và Định Quán (289 hộ, 1235 khẩu). Văn hóa người Mạ cũng có nhiều điểm tương đồng với các dân tộc bản địa đang sinh sống tại Đồng Nai. Song một trong những nét độc đáo của văn hóa truyền thống người Mạ đó là nghệ thuật trang trí trên vải dệt.

Trong các nguồn tư liệu của các tác giả người Pháp thì nam giới Mạ đóng khố cởi trần, nữ giới mặc váy cởi trần. Trước khi biết dệt vải làm trang phục, người Mạ lấy vỏ cây đập dập xuôn hai tấm làm áo. Sau này, nghề dệt ra đời, thổ cẩm của người Mạ được dệt rất công phu với nhiều hình tượng độc đáo và màu sắc bắt mắt.

Trang phục và những vật dụng như chăn, mền, dây quấn đầu... của người Mạ được dệt từ thổ cẩm không chỉ có chức năng riêng mà chúng còn thể hiện là một tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo khá độc đáo. Những hoạt tiết, hoa văn được thể hiện với sự cách điệu một cách tinh tế, mang tính biểu trưng cao. Hoa văn trên vải của người Mạ gồm các dạng như sau:

Hoa văn về con người: Có ba hình mẫu thể hiện chính gồm hình người nam (hai tay chống nạnh, hoặc hai tay giơ lên trên trửi), hình người nữ (đưa hai tay ra nắm với tay người khác), hình con mắt (dạng hình thoi có điểm con ngươi). Thường hoa văn thể hiện hình ảnh con người được thể hiện trên áo mặc. Trên cùng một phân dải ngang của áo được định bởi đường diềm, tùy loại hình mẫu được chọn để thể hiện riêng biệt chứ không xen k nhau trên cùng một khung. Các hình mẫu hoa văn trên thể hiện về sức mạnh của con người, sự dịu dàng của phụ nữ, niềm vui trong ngay lễ hội và sự sáng suốt, tinh tường của con người.

Hoa văn thực vật: Chưa thấy một loại cây cụ thể nào được thể hiện trên hoa văn của người Mạ. Một số hình ảnh biểu trưng thể hiện là dây, hoa, lá chung chung, cách điệu cao nhưng không biểu trưng cụ thể. Các loại mẫu này được tạo liên kết với nhau và thường thấy trong các loại trang phục: áo, váy, khố, chăn... Những mẫu hoa văn này thể hiện sự đa dạng về môi trường thiên nhiên của núi rừng và có ý nghĩa của sự liên kết, liền lạc với nhau, về giềng mối của dòng họ, của cộng đồng.

Hoa văn động vật: Một số hình mẫu con vật được thể hiện trên vải dệt như con trâu, con dê, con rùa, con ve, con nai, con hươu,... Các con vật trên được cách điệu cao nhưng thể hiện biểu trưng cụ thể của đặc điểm giống loài: con trâu với cặp sừng lớn, con dê với cặp sừng nhỏ, con rùa với cái mai và bốn chân choãi ra như đang bơi, con nai, hươu thì to lớn với bộ lưng và chân đi tới,.... Những hình mẫu này thường được thể hiện trên áo và tách bạch chứ không xen k với nhau trên dải khung nhất định. Sử dụng nhiều loại thú trong trong thể hiện hoa văn phản ánh cách nhìn sinh động về thế giới động vật trong thiên nhiên, môi trường sống của người Mạ. Hình ảnh con trâu, con dê, con vịt là những con vật thường được dùng hiến tế trong lễ hội, nó biểu thị cho ngày hội, niềm vui. Con bướm thể hiện lời cầu khấn của con người được mau đến với thần linh. Các con vật khác gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Con khỉ được nhắc nhiều trong truyện kể vừa mang tính tốt nhưng cũng vừa mang tính xấu hay lừa lọc con người trong cách nhìn của người Mạ. Hình mẫu con đà điểu (dáng con vật, chân cao, cổ cao)... cũng được chọn làm hoa văn trên áo có thể được tiếp thu qua một số hình ảnh sau này, bởi vì môi trường tự nhiên người Mạ không có con thú này.

Hoa văn đồ vật: Nhà dài, chiếc Gối, cái đèn, ché rượu cần, cái gùi, cái bếp, bình gốm... là những vật cũng được người Mạ dùng hình mẫu cho các họa tiết cách điệu trên áo dệt. Nhà dài (mái nhà và các cột gỗ dưới sàn), chiếc cối (dạng khối hình chữ X), ché rượu (hình ché, nơi thể hiện thêm cần uống rượu), cái gùi (phần thân và hai quai đeo), cái đèn (hình chữ I), cái bếp (hình chữ I nhưng nằm ngang), bình gốm (hình khối dáng miệng và thân bình),... Những mẫu hình đồ vật như gùi, đèn, cối giã có thể được bố trí xen k với nhau trên dải phân định trên áo. Còn nhà dài thì riêng mảng bố trí cùng loại. Các hoa văn đồ vật thể hiện cuộc sống đời thường của người Mạ với các vật dụng quen thuộc về chỗ ở, sản xuất, công việc hằng ngày phản ánh cuộc sống yên bình, ấm no. Ché rượu cần, cây đèn phản ánh niềm vui ngày lễ hội cộng đồng và ước vọng lời cầu xin được đến với thần linh. Ngoài những hoa văn thể hiện đồ vật trên, một số dạng thức hoa văn có thể hiện hình chiếc máy bay (hình dáng có thân, cánh, đuôi theo chiều đứng) là một hình mẫu có tính chất hiện đại thể hiện trong thời kỳ chiến tranh đã qua.

Hoa văn về vũ trụ: Hình ảnh mặt trời được thể hiện cách điệu trên vải dệt của người Mạ rất độc đáo. Dạng thức hoa văn này chỉ có trên những tấm vải dệt rộng, không sử dụng trên quần áo. Mặt trời theo quan niệm của người Mạ là biểu tượng của sự sáng, được cách điệu bằng nhiều hình mẫu được liên kết bởi các khối họa hoạt tiết trong khung hình thoi lớn, nhiều đường viền và đa sắc. Một số hoa văn cách điệu mặt trời Pọt kòn nah (những hình thoi bao bọc nhau trong khối hình thoi lớn), Tin yàng (những hình thoi nhỏ bố trí trên hai trục kiểu dấu cộng trong đường viền của hình thoi lớn), Iar lộ (hình bốn dấu thập trong hình thoi lớn),…v.v

Mội tấm vải dệt của người Mạ, phần đầu thường thể hiện loại hoa văn những vạch song song, hình thoi, dấu ô đối xứng nhau trên cùng khung dải được phân biệt. Ngoài những hoa văn, họa tiết được cách điệu nêu trên, người Mạ còn sử dụng những hoa văn hình học trên một số vải dệt như: những hình tam giác cân xen kẽ nhau nhưng đối đỉnh trên cùng đường viền, giống loại hình răng cưa đối xứng nhau; hay những hình thoi được trang trí nét dấu điểm bên trong, giữa các hình thoi là dạng chữ Y đấu nối phần gốc tạo góc chĩa ra đều nhau trên cùng phần diềm khung.

Những tấm vải lớn thường được người Mạ sử dụng các hoạt tiết, hoa văn hình học theo chiều dài tấm vải với từng dải khung liền mạch, chúng vừa liên kết nhau vừa làm diềm để phân biệt các đường khung với nhiều màu sắc. Một số loại hoa văn khác được sử sụng như chữ z nằm ngang nối liền nhau, khối hình thoi cách điệu liên tiếp, những vạch ngang nối liền trên nền các viền thẳng,... Đây là những dạng mẫu thể hiện các sợi dây liên kết thể hiện giữa con người với thần linh, được cách điệu những dấu hiệu rời nhưng liền mạch trên phần khung của tấm vải.

Có thể nói rằng nghệ thuật tạo hình trên vải dệt của người Mạ là vô cùng phong phú với nhiều hình tượng độc đáo và màu sắc bắt mắt. Nghệ thuật tạo hình trên thổ cẩm được các thế hệ người Mạ sáng tạo và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Mạ. Hiện nay, cuộc sống của đồng bào Mạ đã thay đổi, chuyên sang lối sống định cư, giao lưu văn hóa và giao thương với dân tộc khác thuận lợi hơn. Vải công nghiệp được bày bán ở mọi nơi với giá thành thấp nên nghề thổ cẩm càng ngày càng bị mai một. Tuy vậy, trong tâm thức của thể hệ trẻ đồng bào Mạ vẫn luôn tự hào về nghệ thuật tạo hình mà tổ tiên đã ghi dấu trên từng mét thổ cẩm.

Đào Thanh

 

 

 


Số lượt người xem: 1015 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày