Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Việt Nam Lào Trường Tồn và Phát Triển Thứ Tư, 29/08/2012, 09:05

Hợp tác ngoại giao Việt Nam - Lào, một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước (1962-1975)

Ngay sau khi tham gia kí kết Hiệp định quốc tế Giơnevơ năm 1962 về Lào(1), ngày 05/09/1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. Sự kiện này thật sự mang một ý nghĩa lịch sử trọng đại. Bởi vì trước đó 17 năm, khi cuộc cách mạng tháng Tám vừa bùng nổ trên cả hai nước, lật nhào ách thống trị phát xít và chế độ thuộc địa Đông Dương cũ thì vào ngày 14/10/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là Chính phủ đầu tiên và duy nhất trên thế giới đã có một hành động ngoại giao hết sức kịp thời trong việc gửi điện chúc mừng, tuyên bố ông nhận Chính phủ lâm thời Lào Itxala(2) và đề nghị việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

         Tiếc thay, ý định chính đáng trên không thực hiện được do vấp phải sự chống đối điên cuồng của thực dân Pháp và các thế lực phản động trong nước và quốc tế. Việt Nam và Lào bấy giờ đang rơi vào hoàn cảnh bị bao vây bốn bề bởi chủ nghĩa đế quốc, nhân dân hai nước chúng ta buộc phải bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu giữ lấy nền độc lập non trẻ của mình, nhưng hành động ngoại giao quả cảm trên đã tỏ cho thế giới thấy được ý chí độc lập tự cường, niềm tự tôn dân tộc cao cả và quyết tâm ngút trời của nhân dân Việt Nam và Lào trong việc xây dựng quan hệ láng giềng thân thiện và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.

Thực tế lịch sử cho thấy hợp tác giúp đỡ lẫn nhau đã trở thành một nhu cầu hàng đầu, một sự cần thiết sống còn đối với cả hai dân tộc chúng ta. Bằng chứng là cũng ngay những ngày đầu tháng 9/1945 lịch sử ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm gặp Hoàng thân Xuphanuvông và xúc tiến kế hoạch gặp các nhà yêu nước Lào khác có mặt trên đất Việt Nam để trù liệu công việc phối hợp kháng chiến. Nền độc lập trứng nước của hai nước đã lập tức bắt tay nhau để khai hoa kết nụ sớm bằng việc kí Hiệp ước phòng thủ tương hỗ đầu tiên giữa Chính phủ lâm thời Lào Itxala và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 16/10/1945 và đứa con song sinh với nó là liên quân Lào - Việt Nam tên chính thức là quân giải phóng và vệ quốc Lào ra đời vào ngày 30 10/1945(3) do Chậu Xuphanuvông, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Lào Itxala, giữ trọng trách Tổng chỉ huy.
Ai đó nói rằng cách mạng là bạo lực, bạo lực là bà đỡ của cách mạng. Tuy nhiên, về bản chất, cách mạng luôn mang tính hợp pháp. Điều này lại càng đúng đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước chúng ta, khi chúng ta chủ động chấp nhận hoàn cảnh "đem sức ta giải phóng cho ta"(4). 17 năm trước, chúng ta muốn và đã khẳng định tính hợp pháp của mình trước thế giới nhưng do hoàn cảnh quốc tế o ép nên chưa thể thực hiện được. Mặc dầu vậy, trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), nhất là từ tháng 8/1950 trở đi, khi Chính phủ kháng chiến Lào Itxala do Hoàng thân Xuphanuvông làm Thủ tướng ra đời(5), chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chủ động quan hệ với bạn theo tư cách quốc gia. Các quan hệ quân, dân, chính đảng được ươm mầm và nảy nở mau lẹ tạo ra cơ sở vật chất về nhân lực và nguồn lực đáng kể, nhờ đó Việt Nam và Lào có thể thực hiện được sự phối hợp tuyệt vời trong chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Những nền tảng vật chất, nhất là tình cảm sâu đậm về sự nghiệp liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào đã trở thành tài sản quí báu, niềm tin không gì lay chuyển nổi và động lực mạnh mẽ để nhân dân hai nước bước vào cuộc chiến đấu chung Mỹ cứu nước sắp tới.
Tuy nhiên, để hạn chế sự đối đầu và can thiệp của các thế lực quốc tế và khắc phục sự phát triển không đồng đều về tương quan lực lượng trong và ngoài nước, hai nước còn phải trải qua hai lần đấu tranh pháp lí nữa tại Hội nghị quốc tế Giơnevơ 1954 về Đông Dương và Hội nghị quốc tế Giơnevơ 1962 về Lào, sau đó mới có thể chính thức đi đến thiết lập được quan hệ ngoại giao. Mọi người đều rõ, tại Hội nghị Giơnevơ 1954, "Phái đoàn đàm phán của Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ những lợi ích căn bản của dân tộc Việt Nam: độc lập, chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, hoà bình và dân chủ. Phái đoàn Việt Nam cũng đấu tranh bảo vệ những quyền căn bản chính đáng của các phong trào đấu tranh yêu nước của Khmer Issarak và Pathét Lào"(6). Trong khoảng thời gian giữa hai Hội nghị quốc tế Giơnevơ này, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kiên trì tán thành chủ trương vì một nước Lào hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh của Đảng Nhân dân Lào cũng như ủng hộ ngọn cờ hoà bình trung lập và hoà hợp dân tộc của Neo Lào Hắc Xạt để tranh thủ tập hợp mọi lực lượng ủng hộ cách mạng và phân hoá lực lượng phản động cực đoan, từng bước đưa cách mạng tiến lên(7). Vì thế, trong buổi chiêu đãi trọng thể Quốc vương Lào ngày 10/3/1963 nhân dịp Ngài sang thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 6 tháng sau thời điểm hai nước vừa thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có dịp bày tỏ tâm trạng chất chứa và tình cảm sâu nặng của nhân dân hai nước với nhau: "Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Trải qua nhiều năm đấu tranh gian khổ và anh dũng, nhân dân hai nước chúng ta đã giành được độc lập, đã làm chủ đất nước của mình. Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng của anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được"(8). Về phương diện chính trị, nhà lãnh đạo tối cao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định đường lối và chủ trương của Chính phủ nước Việt Nam: "Chúng tôi rất quí trọng tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Lào và luôn luôn ra sức tăng cường những mối quan hệ láng giềng giữa hai nước chúng ta... Rất rõ ràng cương lĩnh của Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào nhằm đoàn kết dân tộc để xây dựng một nước Lào hòa bình, trung lập, độc lập, thống nhất và phồn vinh là hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân Lào, và được nhiều nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam chúng tôi nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ"(9). Có thể nói những vần thơ bất hủ về tình hữu nghị Việt - Lào mà Người sáng tác vào dịp này chính là tiếng nói tổng kết của lịch sử, đã và sẽ trường tồn mãi mãi cùng sông núi hai nước:
"Thương nhau mấy núi cũng trèo.
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long"(10).
Thiết tưởng cũng cần nhớ lại thế và lực của cách mạng Lào và Việt Nam vào thời điểm kí Hiệp định Giơnevơ 1962. Bấy giờ nước Lào đã hình thành ba lực lượng: Lực lượng Neo Lào Hắc Xạt, lực lượng trung lập yêu nước và lực lượng phái hữu. Lực lượng Neo Lào Hắc Xạt đã kiểm soát được 2/3 diện tích của cả nước với khoảng 900.000 người chiếm 1/3 dân số cả nước. Cách mạng Lào đã triển khai thắng lợi bằng sự phối hợp nhịp nhàng của các mũi tiến công: chính trị, quân sự, binh vận, ngoại giao và pháp lí, đặc biệt là sự thành công trong việc thực hiện Chính phủ liên hiệp dân tộc(11). phương thức đấu tranh trong Chính phủ liên hiệp dân tộc là sự vận dụng tài tình chiến lược hòa hợp dân tộc do Đảng Nhân dân Lào chủ trương, là cống hiến sáng tạo bậc nhất của Lào vào kho tàng cách mạng thế giới, phù hợp với thực tiễn của Lào, vừa hạn chế được tổn thất xương máu của nhân dân, vừa nâng cao được tính chính nghĩa và hợp pháp của cách mạng Lào. Với Hiệp định quốc tế năm 1962, Mỹ và các nước có liên quan phải thừa nhận chủ quyền độc lập, hòa bình, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào cũng như địa vị hợp pháp tham gia chính quyền của Neo Lào Hắc Xạt. "Việc kí Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào đã khẳng định thắng lợi to lớn của sự liên minh giữa lực lượng Neo Lào Hắc Xạt với lực lượng trung lập yêu nước, đấu tranh cho đường lối "hòa bình, trung lập, hòa hợp dân tộc" do Neo Lào Hắc Xạt khởi xướng. Sự tham gia của Neo Lào Hắc Xạt trong Chính phủ liên hiệp dân tộc lần thứ hai đã nâng cao vai trò của lực lượng cách mạng Lào trong cộng đồng dân tộc và uy tín trên trường quốc tể(12).
Về phía Việt Nam, cách mạng mới giành thắng lợi được nửa nước, nhân dân Việt Nam phải cùng một lúc tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, hoàn thành thống nhất đất nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến lược trực tiếp là giải phóng miền Nam, hoàn thành thống nhất đất nước thì sự kiện ngày 5/9/1962 thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Vương quốc Lào đã thật sự nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam (cùng với việc kiến lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Vương quốc Lào đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Sài Gòn, tay sai của đế quốc Mỹ, đồng thời Việt Nam có được một nước Lào láng giềng ở sườn phía Tây mình hoà bình trung lập, lần đầu tiên được thế giới công nhận, nhất là đại bộ phận vùng này lại là căn cứ địa của cách mạng Lào. Như vậy, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước lần đầu tiên có được khuôn khổ quốc tế hợp pháp, nhờ đó có điều kiện chuyển hóa để giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào thời kì này đã góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn âm mưu xâm lược, mở rộng chiến tranh và chia rẽ nhân dân các nước Đông Dương của đế quốc Mỹ. Trên thực tế, Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện tốt chính sách ngoại giao đối với cả ba lực lượng chính trị tại Lào. Việc Việt Nam quan hệ ngoại giao với Vương quốc Lào không hề ngăn cản sự giúp đỡ và phối hợp giữa cách mạng hai nước, mà ngược lại, còn mở ra điều kiện triển khai và nâng cao tính hợp pháp của lực lượng Neo Lào Hắc Xạt cũng như lực lượng trung lập yêu nước vì mục tiêu xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, phồn vinh và tiến bộ xã hội. Đây thật sự là nét đặc biệt trong quan hệ hợp tác ngoại giao Việt Nam - Lào.
Thật vậy, thế và lực của cách mạng Lào đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, trong đó có vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn, vững mạnh lại liền kề với hai miền Nam - Bắc Việt Nam và ngày càng được mở rộng, củng cố và phát triển vững chắc hơn trước. Kể từ 1962 trở đi, nhất là khi Trung ương Đảng Nhân dân Lào(13) đã có chủ trương xây dựng vùng giải phóng Lào theo qui mô một quốc gia thì vùng giải phóng càng có điều kiện phát triển toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Tuy chưa có điều kiện quan hệ ngoại giao trực tiếp với Việt Nam, Neo Lào Hắc Xạt vẫn có cơ quan thông tin đặt ở Việt Nam phát đi tiếng nói chính thức của cách mạng Lào với thế giới. Ngoài quan hệ mật thiết giữa hai Trung ương Đảng bao gồm cả các đoàn thể quân, dân, chính đảng, quan hệ ngoại giao nhân dân, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các tỉnh biên giới Việt Nam với nhân dân vùng giải phóng Lào phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh Đông Dương thì lập tức có Hội nghị nhân dân Đông Dương lần thứ nhất vào ngày l/3/1965 tại Phnôm Pênh và Hội nghị nhân dân Đông Dương lần thứ hai vào ngày 24/4/1970 tại một địa điểm gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Thực tế cho thấy Đông Dương luôn là một chiến trường, nhất là từ sau 1965 khi đế quốc Mỹ điên cuồng tiến hành chiến tranh cục bộ ở Việt Nam đồng thời thực hiện chiến tranh đặc biệt tăng cường ở Lào, rồi mở rộng chiến tranh sang Campuchia năm 1970. Nếu hoạt động ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào không lâu bị ngưng trệ do sự phá hoại của đế quốc Mỹ và phái hữu(14) thì điều đó chỉ phản ánh sự thất bại trong âm mưa lôi kéo lực lượng trung lập để "dùng hai đánh một hòng làm suy yếu lực lượng cách mạng Lào trong Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào. Lực lượng Pa thét Lào không hề bị suy yếu, mà trái lại, liên minh giữa Neo Lào Hắc Xạt với lực lượng trung lập yêu nước phát triển ngày càng vững chắc. Được sự đồng ý của hai Trung ương Đảng Lào và Việt Nam, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ công binh Đoàn 559 quân tình nguyện Việt Nam đã xây dựng, mở rộng đường vận tải chiến lược từ Đông Trường Sơn sang cả Tây Trường Sơn, gọi là "đường Hồ Chí Minh", phục vụ hậu cần đắc lực cho các chiến trường chống Mỹ. Từ đáy lòng mình, nhân dân Việt Nam luôn hiểu và biết ơn nhân dân các bộ tộc Lào anh em - những người vì lợi ích tối cao của cách mạng ba nước Đông Dương đã phải gánh chịu hàng triệu tấn bom của đế quốc Mỹ trên tuyến đường Tây Trường Sơn, cùng chia lửa với cách mạng hai nước láng giềng anh em. Do thất bại trên chiến trường ba nước Đông Dương, nhất là chiến trường Việt Nam, "học thuyết Níchxơn" bị phá sản hoàn toàn, đế quốc Mỹ phải chấp nhận kí kết Hiệp định Pari về Việt Nam ngày 27/1/1973. Sau đó, đế quốc Mỹ cũng phải chấp nhận cho chính quyền ở Viêng Chăn kí kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào ngày 21/2/1973.
Ở Lào, tương quan lực lượng biến đổi nhanh chóng hoàn toàn có lợi cho cách mạng. Cả nước có ba vùng có chính quyền khác nhau, vùng giải phóng chiếm 4/5 diện tích đất đai với hơn 1/2 dân số có chính quyền dân chủ nhân dân; vùng kiểm soát của phái Viêng Chăn có chính quyền của bọn tư sản mại bản, quan liêu, quân phiệt và phong kiến phản động; vùng trung lập dưới quyền quản lí của chính quyền liên hiệp cấp trung ương. Chính vì thế, đây là giai đoạn hợp tác ngoại giao giữa hai nước có cơ hội phát triển nở rộ, mặt trận ngoại giao đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào việc kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng hai nước. Đấu tranh pháp lí trong chính phủ liên hiệp, kết hợp chặt chẽ với các đòn tiến công và nổi dậy của quần chúng và binh biến, cách mạng Lào đã có sự phối hợp tuyệt vời với cách mạng Việt Nam, cùng giành thắng lợi trọn vẹn trong năm 1975.
Có thể nói hợp tác ngoại giao Việt Nam Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là một nét độc đáo trong lịch sử phong trào cách mạng thế giới, nó đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cách mạng hai nước và là một trong những cơ sở của mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mà ngày nay chúng ta đang kế thừa và phát huy ngày càng hơn lên.
CHÚ THÍCH
1. Hiệp định Giơnevơ năm 1962 về Lào có 14 nước tham dự bao gồm: Lào, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn), Campuchia, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Mỹ, Ba Lan, Canađa, Miến Điện, Thái lan.
2. Tháng 8/1945, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân Việt Nam và Lào cùng nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương. Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945 tại Thủ đô Hà Nội, Chính phủ lâm thời Lào Itxala tuyên bố độc lập vào ngày 12/10/1945 tại thủ đô Viên Chăn.
3. Xem: Trân Van Dinh: The binh of the Pathet Lao Army trong Laos: War and Revolution, Edited by Ninh S. Adams, Alfred W. Mccoy, Harper Colophon Book Series, CN 221, New York, Harper and Row, 1970, pp. 424-437. Bản Hiệp ước này do Phanha Khăm Mạo, Thủ tướng Chính phủ lâm thời Lào Itxala và Phái viên của Chính phủ VNDCCH, Bí thư xứ ủy Đảng bộ Lào Đảng CSĐD Trần Đức Vịnh kí tại Viên Chăn. Xem thêm: Phòng Nghiên cứu tổng kết chiến tranh - Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ghi chép những sự kiện lịch sử cuộc chiến tranh tranh giải phóng dân tộc, Quyển I (1945-1954), Viên Chăn, 1985.
4. Đây là chủ trương sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945 ở Đông Dương trước khi quân Đồng minh đổ bộ vào tước khí giới của phát xít Nhật.
5. Năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Lào, Chính phủ lâm thời Lào Itxala tản cư sang Thái Lan để chỉ đạo cuộc kháng chiến cứu nước. Đến ngày 25/10/1949, những người trong Chính phủ lâm thời Lào Itxala do Phanha Khăm Mạo cầm đầu đã tuyên bố li khai và trở về đầu hàng thực dân Pháp. Trong khi đó, Quốc trưởng Chậu Phếtxarạt và Chậu Xuphanuvông vẫn ở lại nước ngoài, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến và giữ mối liên hệ với cách mạng Việt Nam.
6. Bùi Đình Thanh, Đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Genève 1954 (Tham luận khoa học tại Hội thảo Quốc tế ở Trường Đại học Bắc Kinh những ngày 19, 20/4/2004. Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ) trong: Bản lĩnh Việt Nam qua cuộc kháng chiến chông Mỹ (1954 - 1975), NXB Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 273.
7. Trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào vào ngày 5/9/1962, trong quá trình thành lập Chính phủ liên hiệp 1957 và 1962, Chính phủ VNDCCH đều có dịp đón tiếp Chính phủ Vương quốc Lào do Thủ tướng Xuvanna Phuma đến thăm chính thức Việt Nam vào các ngày 28/8/1956 và 16/11/1960.
8. Diễn văn chào mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi đón tiếp vua Lào đến thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 10/3/1963. Xem báo Nhân Dân, ngày 11/3/1963.
9. Đáp từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bữa tiệc do nhà vua Lào chiêu đãi, ngày 11/3/1963. Xem báo Nhân Dân, ngày 12/3/1963.
10. Xem báo Nhân Dân, ngày 14/3/1963.
11. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cách mạng Lào đã trải qua ba lần đấu tranh thành lập Chính phủ liên hiệp vào các năm 1957, 1962 và 1974, lần sau giành thắng lợi cao hơn lần trước và cuối cùng đi đến thắng lợi hoàn toàn vào 2/12/1975.
12. Nguyễn Hùng Phi - TS. Buasi Chalơnsúc, Lịch sử hiện đại Lào, tập II, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.112-113.
13. Tháng 5/1965, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra nghị quyết 13 về xây dựng vùng giải phóng Lào theo qui mô một quốc gia.
14. Chính phủ liên hiệp ba phái Lào bị phá vỡ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 19/4/1964 của Mỹ và tay sai. Tuy nhiên, Trung ương Đảng Nhân dân Lào vẫn duy trì đại diện Neo Lào Hắc Xạt và đơn vị vũ trang Pa thét Lào tại Viên Chăn nhằm ngăn chặn âm mưu của Mỹ tiến hành cuộc "chiến tranh cục bộ" ở Lào.

Nguyễn Hào Hùng // Nghiên cứu Đông Nam Á. – 2007. – Số 5 (86). – Tr. 23-28


Số lượt người xem: 1756 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày