Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Phần II: Bác Hồ ở nước ngoài Thứ Ba, 07/06/2011, 09:00

Nguyễn Ái Quốc với tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp (1917-1923)

Qua những tài liệu mà chúng tôi có được, cho đến nay, vẫn còn có một số ý trên khác nhau về thời điểm thành lập và tên gọi của tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Các ý kiến dù khác nhau nhưng đều rất nhất trí rằng, việc tái lập hay thành lập một tổ chức của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gắn liền với những hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp từ năm 1917 đến năm 1923. Trong bài viết này, chúng tôi muốn tiếp tục góp bàn về vấn đề đó.

Những tài liệu có nhiều ý kiến khác nhau đó là: Sách Kiều bào và quê hương của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.300), viết  tháng 1-1919 hội đoàn ra đời lấy tên là Nhóm người An Nam yêu nước, do Nguyễn Ái Quốc và một số người cùng chí hướng thành lập. Nhóm người An Nam yêu nước là hội tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay.

Sách Hồ Chí Minh một cuộc đời của William J. Duiker, (Hyperion New York 2000, tr.37-38) viết “Mùa hè năm 1919, được hai đồng sự lớn tuổi đồng ý, Thành đã thành lập một tổ chức mới của nhũng người Việt Nam sống tại Pháp - Hội những người yêu nước An Nam... Ông Trinh và Phan Văn Trường trong danh sách là những người lãnh đạo của tổ chức, nhưng Thành với tư cách là thư ký”.

Sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.31-32) viết: Ông Nguyễn tổ chức Nhóm người Việt Nam yêu nước vào lúc chiến tranh chấm dứt; Những đoàn đại biểu các nước thắng trận và các nước bại trận đến Véc xây họp Hội nghị hoà bình.

Sách Nguyễn Ái Quốc tại Pari 1917- 1923 của Thu Trang (Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1989) đưa ra Báo cáo của mật thám Pháp gửi Bộ Thuộc địa, ngày 30-1-1920 có đoạn như sau “Theo sự điều tra về những hành vi của nhiều người An Nam, phản ứng của họ về Bản yêu cầu của người Đông Dương, thì kết quả cho biết linh hồn của những người này chính là Nguyễn Ái Quốc. Ông này tự nói là Tổng thư ký của Nhóm người An Nam yêu nước, và đồng thời cũng là thư ký của Nhóm những người cách mạng An Nam.

Vấn đề đặt ra là:

Tổ chức hội của những người Việt Nam yêu nước ở Pháp thành lập vào tháng 1-1919 hay mùa Hè năm 1919?

Nguyễn Ái Quốc đã tái lập Hội người An Nam yêu nước hay thành lập Nhóm người An Nam yêu nước?

1. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đầu thế kỷ XX

Những nắm đầu thế kỷ XX, một số người Việt Nam xuất dương sang sống và làm việc tại nước Pháp. Họ thuộc các thành phần thuỷ thủ, tiểu thương, thợ thủ công, giúp việc trong gia đình người Pháp, sinh viên và một số trí thức... Họ sống rải rác nhiều nơi trên đất Pháp, số lượng khoảng vài trăm người, đông nhất là ở các hải cảng Marseille, Le Havre, Bordeaux hoặc những nơi có trường học như Paris, Montpellier, Toulouse,... Phần đông trong số họ có tinh thần yêu nước, nhưng vẫn chưa có sự liên hệ với nhau, chưa tập hợp thành một hội đoàn.

Đến đầu năm 1912, nhờ uy tín của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Hội người An Nam yêu nước1 được thành lập do ông Phan Văn Trường làm Hội trưởng2.

Những hoạt động của Hội người An Nam yêu nước đã tác động mạnh tới cả trong nước. Vì thế, năm 1913, Việt Nam Quang phục hội đã phái người sang Pari đưa thư cho ông Phan Châu Trinh để liên kết hoạt động.

Chính quyền Pháp lo ngại những hoạt động của Hội người An Nam yêu nước và đã tìm cách ngăn cản những hoạt động của Hội. Họ vu cho hai ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh có quan hệ với Đức “âm mưu chính trị chống nước Pháp”. Tháng 9-1914, Chính phủ Pháp đã bắt giam cả hai ông và cấm Hội người An Nam yêu nước hoạt động. Sự kiện Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường bị bắt giam đã làm cho nhiều người Pháp tiến bộ phản đối. Hội nhân quyền và nhiều chính khách thuộc Đảng Xã hội Pháp đã can thiệp. Vì thế gần một năm sau, tháng 7-1915, chính quyền Pháp buộc phải trả lại tự do cho hai ông.

Sau khi được trả tự do, để tránh nhà cầm quyền Pháp kiếm cớ bắt giam trở lại, hai ông đã tránh hoạt động công khai. Vì thế Hội người An Nam yêu nước vẫn chưa hoạt động trở lại. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp tham gia chiến tranh. Để làm bia đỡ đạn cho “nước mẹ”, hàng vạn người dân thuộc địa trong đó có nhân dân Đông Dương bị chính quyền thực dân bắt đưa sang Pháp. Hàng ngàn người đã phải ra trận và bỏ xác trên chiến trường. Hàng vạn người đã phải vào làm việc cực nhọc trong các nhà máy quốc phòng và các công việc khác phục vụ tiền tuyến. Đến năm 1917, người Việt Nam ở Pháp tăng lên với số lượng khoảng chín vạn người3. Cuộc đấu tranh cho vấn đề độc lập dân tộc, trước hết là bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam ngay trên đất Pháp được đặt ra ngày càng cấp thiết. Tuy vậy, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường vẫn chưa công khai lãnh đạo Hội người An Nam yêu nước hoạt động trở lại.

2. Nguyễn Ái Quốc với tổ chức hội của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp những năm 1917-1923

Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, làm phụ bếp trên tàu L’Amiral Latouche-Treville của hãng Chargeurs  Reunis, đã tạm biệt Tổ quốc để ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Ngày 6-7-1911, tàu cập bến Mác xây- Pháp. Nguyễn Tất Thành lúc này chưa quen biết người Việt Nam nào sống trên đất Pháp, ngoài nhà yêu nước Phan Châu Trinh, người bạn đồng khoa với cụ thân sinh ra anh. Đầu năm 1911, Phan Châu Trinh sang Pháp cư trú. Việc Phan Châu Trinh đi Pháp thì anh Thành đã nghe tin, nhưng anh Thành đi Pháp thì cụ Phan không biết4.

Nguyễn Tất Thành đã không dừng lại ở Pháp. Khoảng cuối năm 1912, anh sang Mỹ, đầu năm 1914 sang nước Anh.

Ngay khi đến nước Pháp, Nguyễn Tất Thành đã có liên hệ với nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Trong thời gian sống và làm việc ở nước Mỹ và ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành vẫn thường xuyên liên hệ với nhà yêu nước Phan Châu Trinh qua thư từ. Nhờ đó, anh biết Luật sư Phan Văn Trường. Ngược lại Luật sư Phan Văn Trường và nhà yêu nước Phan Châu Trinh cũng biết đến Nguyễn Tất Thành là một người yêu nước “hăng say”.

Những năm tháng sống ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích luỹ thêm những hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư sản về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa, nhất là trang bị cho mình vốn tiếng Anh vững vàng. Nhưng ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành vẫn bị cách biệt với tình hình trong nước; không liên hệ được với đồng bào mình ở nơi đất khách quê người; xa những nhà yêu nước lưu vong; khó khăn trong việc đi sâu tìm hiểu kẻ thù trực tiếp áp bức, bóc lột dân tộc mình để có thể chọn lựa con đường cứu nước đúng đắn.

Nhận thấy nước Pháp là nơi có những điều kiện khách quan thuận lợi có thể đáp ứng cho những hoạt động của mình. Khoảng cuối năm 19175, Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.

Thời gian đầu đến Pari, khi chưa có giấy tờ hợp pháp, Nguyễn Tất Thành đã được các đồng chí trong Ban đón tiếp những người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp giúp đỡ. Trong khi chờ các đồng chí tìm cho giấy tờ quân dịch hợp pháp, anh đã phải sống ẩn náu, hạn chế đi lại để tránh sự kiểm tra của cảnh sát. Cuộc sống của anh lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, vừa hoạt động chính trị vừa phải kiếm sống một cách chật vật, khi thì làm thuê cho một hiệu ảnh, khi thì vẽ thuê cho một xưởng đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa... Nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn kiên trì, hăng say học tập và hoạt động; thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp có tư tưởng tiến bộ như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường.

Phan Châu Trinh lúc này đã được Chính phủ Pháp trả tự do nhưng Bộ Thuộc địa Pháp cắt khoản trợ cấp Cụ phải kiếm sống bằng nghề thợ ảnh do ông Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) truyền dạy. Nguyễn Tất Thành khi mới đến Pari, đã nhận được sự giúp đỡ của cụ Phan và được cụ Phan dạy lại cho nghề thợ ảnh.

Ông Phan Văn Trương khi ra tù sức khoẻ bị giảm sút, nhưng chính quyền Pháp vẫn bắt phải tại ngũ và được chuyển sang làm phiên dịch tiếng Việt ở xưởng đóng tàu của quân đội Pháp tại Tuludơ. Đến tháng 4-1919, ông mới được xuất ngũ. Trở lại Pari, ông thuê ngôi nhà số 6, Vila đờ Gôbơlanh ở Quận 13 Pari và mời Phan Châu Trinh cùng Nguyễn Tất Thành về ở cùng. Nơi đây trở thành điểm hội tụ của nhiều người Việt Nam yêu nước sinh sống trên đất Pháp.

Năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi về lý do gia nhập Đảng, Anh trả lời: vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, đầu năm 1919, đại biểu chính phủ các nước tham gia chiến tranh đến Véc xây - Pháp họp hội nghị hoà bình. Thực chất hội nghị này là nơi chia phần giữa các nước đế quốc thắng trận và trút hậu quả chiến tranh lên đầu nhân dân các nước thua trận và các dân tộc bị áp bức. Văn kiện chính của hội nghị là Hiệp ước Vécxây xác định sự thất bại của nước Đức và các nước đồng minh của Đức, phân chia lại bản đồ thế giới theo hướng có lợi cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp.

Những người yêu nước Triều Tiên, Ai Cập, Trung Quốc và 57 đại biểu đại diện cho chủng tộc da đen sống ở các thuộc địa của Mỹ, Anh, Pháp và quần đảo Ăng ti đưa yêu sách của mình đến Hội nghị và mong được xem xét, giải quyết.

Nhận thấy đây là một dịp thuận lợi cho việc vận động dư luận thế giới và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Tất Thành đã đề nghị Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường cùng đứng ra thành lập một hội đoàn của người Việt Nam để đưa nhũng yêu sách của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị Véc xây. Nhưng hai ông cho rằng đó là một việc làm không có kết quả nên đã không tán thành. Vì thế Hội người An Nam yêu nước không được tái lập. Đứng trước hoàn cảnh đó, Nguyễn Tất Thành đã cùng với một số người yêu nước trẻ tuổi đứng ra thành lập Nhóm người An Nam yêu nước. Chủ trương của Nhóm người An Nm yêu nước là vận động đồng bào đoàn kết chống chế độ áp bức thực dân Pháp, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân các nước, đòi độc lập tự do và thống nhất đất nước. Trong danh sách những người lãnh đạo hội, Nguyễn Tất Thành làm thư ký6

Nguyễn Tất Thành đã thuyết phục hai nhà yêu nước Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường dù hai ông không tán thành nhưng vẫn cùng với Nguyễn Tất Thành thảo ra bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây7. Dưới bản yêu sách, Nguyễn Tất thành ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Nguyễn Tất Thành gửi bản Yêu sách tới Hội nghị. Yêu sách còn được Nguyễn Tất Thành bỏ tiền ra thuê in 6.000 tờ dưới dạng truyền đơn bằng tiếng Pháp, với ba khuôn in khác nhau. Hai khuôn in cùng mang một đầu đề Những yêu sách của nhân dân An Nam, dưới viết “Thay mặt Nhóm người yêu nước An Nam: Nguyễn Ái Quốc”. Một khuôn in mang đầu đề Quyền của dân tộc An Nam, dưới viết: Thay mặt nhân dân An Nam: Nguyễn Ái Quốc”.

Sau khi bản Yêu sách bằng tiếng Pháp được in trên báo ngày 18-6-1919, Nguyễn Tất Thành còn tự tay viết Yêu sách bằng hai thứ tiếng một bản bằng chữ quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề Việt Nam yêu cầu ca và một bản chữ Hán nhan đề An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư, chụp in thành truyền đơn. Nguyễn Tất Thành đã cùng với một số kiều bào trong Nhóm người An Nam yêu nước đem phân phát trong các cuộc hội họp, mít tinh, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ.

Tuy Yêu sách đưa đến Hội nghị Véc xây không được hồi âm, nhưng đã tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Thực dân Pháp vừa lo sợ vừa cho theo dõi những người trong ngôi nhà số 6 Villa đờ Gôbơlanh, vừa điều tra xem Nguyễn Ái Quốc đích thực là ai. Những phản ứng của chính quyền thuộc địa ở Đông Dương đối với bản Yêu sách và việc tìm kiếm lai lịch Nguyễn Ái Quốc làm tăng thêm sự chú ý của dư luận trong nước đối với bản Yêu sách, và làm tăng thêm lòng kính trọng, tin tưởng của nhân dân Việt Nam đối với Nguyễn Ái Quốc.

Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện ở Hội trường Hooctiquyntơ tại Pari, viên mật thám Pháp Pôn Ácnu chuyên theo dõi người Việt Nam sống ở Pari, tận mắt chứng kiến Nguyễn Tất Thành đang phân phát truyền đơn in bản Yêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên dự cảm: Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương.

Từ thực tế hành động và đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc, các nhân viên mật thám Pháp đã nhận định anh thực sự là linh hồn của Nhóm người An Nam yêu nước tại Pháp.

Kế thừa Nhóm người An Nam yêu nướcHội người Việt Nam tại Pháp (đến năm 1955 là Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp) với đường lối rõ ràng chống thực dân, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các đoàn thể, nhân dân Pháp và thế giới, đoàn kết với tất cả đồng bào yêu nước, cả những người có những bước đi khác nhau nhưng cùng mục đích hướng về Tổ quốc Việt Nam, gắn bó vơi đồng bào trong nước. Thực tế quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay ra chứng ninh sự đóng góp sức người, sức của của Việt kiều yêu nước ở Pháp.

1. Theo tư liệu của Hội người Việt Nam tại Pháp

2. Những sáng lập viên của Hội người An Nam yêu nước là các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký)

3 . Theo sách Nguyễn Ái Quốc tại Pari 1917- 1923 của Thu Trang, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1989 có đưa ra một báo cáo tổng quát về sự kiểm tra số lính khố đỏ và thợ người Đông Dương tại Pháp, ký tên Guesde, đã viết: “Vào tháng 11 năm 1917, khi tôi nhận chức Giám đốc Tổng thanh tra toàn Đông Dương thì có 45.000 người, và số thợ cũng tương đương, tổng số gần 90.000 người. Con số này không chênh lệch gì mấy, so với lúc ký hiệp ước đình chiến vào 1 tháng 11 năm 1918”

4. Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài: Kiều bào và quê hương, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, viết: “Là người yêu nước nhiệt tình, anh đến Pari bắt liên lạc ngay với Hội người An Nam yêu nước và giữ quan hệ tốt với các ông Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường”

Sách Hồ Chí Minh của William J. Duiker, Hyperion New York 2000, còn viết: “Thành 1 đã tới Pari gặp Phan Châu Trinh. Cha của Thành đã đưa cho Thành thư giới thiệu gửi  người bạn cùng đỗ phó bảng trước khi Thành rời Việt Nam”

5. Về thời gian Nguyễn Tất Thành từ nước Anh trở lại nước Pháp có nhiều ý kiến khác nhau, song số đông các nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp vào khoảng cuối năm 1917

6. Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài: Kiều bào và quê hương, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006

7. Theo Trần Dân Tiên “Ý kiến đưa ra yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp”. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, ST, H, 1975, tr.29.

Nguồn Lịch sử Đảng. -2009. –Số 7. –Tr.38-43.


Số lượt người xem: 1813 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày