Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Phần III: Bác Hồ với phong trào GPDT Thứ Ba, 07/06/2011, 10:50

Bác Hồ tại Đại hội II của Đảng và những ngày Xuân Tân Mão

Tết Tân Mão (1951) đến sau chiến dịch Trung du kết thúc được ba tuần. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cùng cán bộ, chiến sĩ đón Tết trong niềm vui lớn Quân dân ta thắng lợi giòn giã ở chiến dịch Biên giới (10-1950) và ở chiến dịch Trung du (1-1951). Thơ chúc Tết của Bác mang tinh thần phấn khởi của thắng lợi và niềm vui khi cuộc kháng chiến đã có:

Xuân này kháng chiến đã năm xuân,

Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công.

Toàn dân hăng hái một lòng 

Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời.

Những ngày đầu xuân 1951 càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ta khai mạc tại chiến khu Việt Bắc (2-1951). Đây là Đại hội đầu tiên được tổ chức trên đất nước Việt Nam. Tết Tân Mão đến trước Đại hội vài ngày.

Từ khi thành lập năm 1930 cho tới lúc đó 21 năm Đảng giữ vai trò quyết định đối với vận mệnh dân tộc. Tuy vậy, Đảng ta vẫn hoạt động trong bí mật, bởi những người cộng sản Việt Nam là đối tượng bị theo dõi, đàn áp, săn đuổi của không chỉ chính quyền thực dân, phong kiến trong nước; mà cả ở một số nước tư bản, nước thuộc địa thuộc các châu lục. Cách mạng Tháng Tám thành công, trong tình thế thù trong giặc ngoài hết sức phức tạp, cân nhắc từng bước đi để bảo đảm an toàn và phát triển, ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán. Thật ra là Đảng rút vào hoạt động bí mật dưới tên gọi mới Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Mọi hoạt động công khai của Đảng từ đó đều thông qua Mặt trận Việt Minh.

Yêu cầu mới của cuộc kháng chiến đặt ra cho Đảng ta nhiều nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi Đảng phải trở lại hoạt động công khai nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Đầu năm 1950, sau chuyến đi bí mật gặp các đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc trở về, Bác và Trung ương đã bàn tới việc đưa Đảng ra hoạt động công khai. Đến thời điểm này, tình hình cách mạng trong nước cũng như trên thế giới đã thay đổi nhiều. Hơn 20 năm, lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo kháng chiến, uy tín của Đảng trong nhân dân rất lớn. Các nước XHCN anh em đã công nhận và đặt quan hệ với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo thế vững chắc cho cuộc kháng chiến của ta. Sự xuất hiện công khai của Đảng lúc này sẽ mang lại một nguồn động viên mới trong nhân dân, thúc đẩy cuộc kháng chiến sớm đi tới thắng lợi. Mặc dù, tổ chức một Đại hội Đảng giữa thời kỳ chiến tranh ác liệt và rất khẩn trương là điều không dễ dàng, nhưng Bác và Trung ương đã quyết định triệu tập Đại hội vào tháng 2-1951. Công việc chuẩn bị cho Đại hội được khẩn trương triển khai ngay sau chiến dịch Trung du.

Để chuyển sang giai đoạn mới, Đảng chủ trương củng cố bộ máy chính quyền, và cuộc họp Hội đồng Chính phủ được triệu tập đúng ngày mồng 1 Tết Tân Mão (6-2-1951). Sáng sớm, trước cuộc họp, Bác Hồ sang chúc Tết các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng và tặng mỗi người một tờ thiếp hồng có bài thơ Xuân của Người. Chiều mồng 2 Tết, phiên họp kết thúc, Bác và một số đồng chí lên đường tới địa điểm Đại hội ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là nơi Bác Hồ ở trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị (từ ngày 5 đến ngày 19-2-1951). Từ mồng 3 đến mồng 5 Tết (8 đến 9-2-1951), Bác Hồ dự thảo luận các văn kiện và Điều lệ Đảng. Sau một thời gian họp trù bị, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức khai mạc sáng mồng 6 Tết - 11-2-1951 và kết thúc ngày 19-2-1951. Ở Đại hội này, nhiều đại biểu không biết mặt và tên của nhau. Bởi từ khi ra đời, chưa bao giờ Đảng ta có được một lần họp mặt đông đủ như thế. Văn phòng Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương phải chuẩn bị cho mỗi đại biểu một tấm bìa các-tông có ghi số từ 1 đến 158. Đó là số đại biểu chính thức (53 đại biểu dự khuyết) tham dự Đại hội. Chiều 11-2, Bác Hồ thay mặt Trung ương Đảng đọc Báo cáo Chính trị trước Đại hội, điểm lại quá trình hoạt động của Đảng từ khi thành lập, nêu lên những nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng mới để đưa kháng chiến đến thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nhiệm vụ chính trị của Đảng là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam, Người nói:“Chúng ta phải có một đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế tới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi. Đảng đó lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó”. Vấn đề lớn nhất trong những ngày đầu của Đại hội là việc chia tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba Đảng của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Cuộc thảo luận diễn ra khá căng thẳng nhưng cũng đã được thống nhất Quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Đông dương Đảng Mác - Lê-nin riêng. Ở Việt Nam, Đại hội thành lập Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai. Theo đồng chí Hoàng Tùng: Trước khi lấy biểu quyết về việc đổi tên Đảng Bác đã dành thời gian khá dài để thuyết trình về việc đổi tên Đảng. Việc đổi tên Đảng đã được 98% số đại biểu bỏ phiếu thông qua. Đại hội cũng tiếp tục khẳng định đường lối kháng chiến “toàn dân toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Nhiều vấn đề khác liên quan tới sự nghiệp của dân tộc và quốc tế đã được thảo luận sôi nổi. Những ngày cuối, Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt trước khi bỏ phiếu, tất cả các đại biểu đều nhất trí tôn vinh Bác là Chủ tịch Đảng. Đại hội đã bầu Bác làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, đồng thời thông qua Báo cáo Chính trị do Bác soạn thảo. Ngày 19-2-1951, Đại hội Đảng Lao động Việt Nam bế mạc thành công tốt đẹp. Ngày 11-3-1951, Đảng ra công khai, báo của Đảng lấy tên là Báo Nhân Dân đã ra số đầu.

Đạị hội đại biểu lần thứ II của Đảng đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược từ Xuân này bước vào một giai đoạn mới: đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và cuối cùng là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Nguồn Nhân dân. -2011. –Số Xuân. –Tr.2


Số lượt người xem: 1434 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

Xem theo ngày Xem theo ngày