Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 17/09/2019, 14:15

Mẹ Việt Nam Anh Hùng – Nguyễn Thị Mùi

Tôi đến thăm má Mùi vào buổi chiều muộn sau giờ làm. Căn nhà nhỏ đơn sơ của má ở phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa. Má Mùi năm nay đã 99 tuổi rồi, cái tuổi xưa nay hiếm gặp. Nhưng nhìn má vẫn nhanh nhẹn, hồ hởi ôm tôi vào lòng.

 Khi tôi hỏi về cuộc đời của má, má vui vẻ nói: “ Má không nhớ ngày tháng sinh, chỉ nhớ sinh năm 1922, ở miền Bắc. Năm 19 tuổi (năm 1941) thực dân Pháp ép cả làng vào làm phu mộ ở đồn điền cao su Đồng Nai. Lúc đó, con gái mà chưa có chồng sẽ bị Pháp “xé xác”, sợ như thế nên má và anh Nguyễn Văn Đào (lúc đó 24 tuổi) đã đăng kí, về ở chung với nhau. Hai vợ chồng có với nhau hai người con là Nguyễn Văn Đến sinh năm 1942 và chị Nguyễn Thị Cúc sinh năm 1944. Ông Đào là chiến sĩ cách mạng ngầm, làm việc tại đồn điền cao su ở Đồng Nai...”

Khi nói về chồng, má Mùi rất đỗi tự hào nhấn mạnh: “Ông ấy là chiến sĩ cách mạng giỏi của quân đội ta, rất nhiều lần ông cướp súng đạn của phát xít Nhật để đánh Pháp. Ông lãnh đạo người công nhân ở đồn điền cao su đứng lên đánh Pháp, chống lại những quy định độc ác của chủ đồn điền cao su. Có lần, ông tay không vũ khí đánh quân Nhật, giằng co súng với quân của Nhật và bị chúng đánh bị thương. Bị giam cầm. Sau rồi ông ấy trốn thoát lại về hoạt động cách mạng...”

Sau khi phát xít Nhật về nước, ông Nguyễn Văn Đào (lúc này là Tiểu đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam*) đã kêu gọi mọi người cùng đứng lên cướp vũ khí của phát xít Nhật và chiến đấu chống lại thực dân Pháp, dành hòa bình cho nhân dân. Thế nhưng, khí thế chiến đấu đang cuộn chảy trong ông thì ngày 12 tháng 2 năm 1946, trong cuộc chiến đấu, ông bị thực dân Pháp bắn chết. Ông ngã xuống để lại cho má Mùi hai người con thơ dại và nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai.

Ngày chồng mất, người con đầu của má mới 4 tuổi, người con thứ hai mới 2 tuổi, má một thân một mình nuôi hai con với bao nhọc nhằn và vất vả. Rồi má tái giá với người chồng thứ hai. Hai người cùng về Vĩnh Cửu làm nương làm dẫy, trồng bắp, trồng mỳ để nuôi các con lớn khôn. Má Mùi và người chồng thứ hai có với nhau hai người con là Nguyễn Văn Giang và Nguyễn Thị Hoa sinh năm 1950. Má không quên dạy các con theo chí hướng của cha, theo cách mạng để bảo vệ quê hương.

Khi lớn khôn, người con trai cả của má Mùi là anh Nguyễn Văn Đến tham gia cách mạng. Anh chiến đấu kiên cường, bất khuất ở đơn vị 405. Theo trí nhớ của má thì anh Đến đánh Tây còn giỏi hơn cha của anh. Có những ngày anh đi đánh giặc từ sáng tới tối, đêm muộn về nhà, anh hỏi má: “ Má ơi! Còn gì ăn không má, con đói quá rồi. Má lấy một tô bắp đã nấu cho anh. Ăn song anh lại vội vã lên đường đánh Tây. Có lần anh đi cùng mấy chiến sĩ cộng sản về nhà. Má lật đật chuẩn bị cơm canh đạm bạc, bắp luộc, sắn luộc cho các chiến sĩ cùng ăn. Các chiến sĩ đi rồi má mới biết, đó là các chiến sĩ cấp cao, được anh Đến bảo vệ và dẫn đường qua địa bàn của mình....”.

Đồng chí Nguyễn Văn Đến là Tiểu đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam*. Đồng chí đã sống và chiến đấu qua hai cuộc kháng chiếng chống Pháp và chống Mỹ. Đồng chí đã góp công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Trong một trận đánh chống đế quốc Mỹ ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng chí bị trúng đạn vào chân, phải cưa chân, nhưng do không có thuốc kháng sinh, vết thương nặng bị hoại tử, đồng chí hi sinh tháng 12 năm 1974. Khi má biết về sự hi sinh của anh má đau lòng khôn siết, tưởng chừng như không thể gượng dậy được trước sự mất mát quá lớn lao này, nhưng vì độc lập, tự do của dân tộc, nỗi đau của má còn quá nhỏ bé trước nỗi đau của nhân loại, má nén đau thương, tiếp tục lo cho các con, hăng say lao động sản xuất để góp công, góp sức cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Người con trai thứ hai của má là anh Nguyễn Văn Giang, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, anh dũng, tuổi nhỏ chí lớn. Anh Giang từ khi còn nhỏ đã đòi theo cách mạng. Thấy con còn nhỏ, má lo lắng cho con nên muốn anh ở thêm với má ít lâu nữa. Nhưng anh trả lời dứt khoát là: “Không! Má ơi, con muốn đi theo các anh. Con muốn đánh Mỹ cứu nước như anh Hai,...” Thương con biết nhường nào, nhưng khi con quyết tâm đi đánh giặc má cũng ủng hộ con. Má kể: “Thằng ba nó gớm mặt lắm. Nó dám mạnh dạn đi theo người ta. Đóng giả làm con của cặp vợ chồng Việt Minh. Rồi dấu bom trong hàng hóa. Chúng nó mang bom vào phá tanh bành cái Trụ sở của Tây ở Long Khánh,....”. Rồi ngày 10 tháng 5 năm 1969, má đau sót nhận được tin giữ. Anh Giang đã hi sinh trong một trận chống địch ở Long Khánh. Tim má như có người bóp nghẹt, hai hàng nước mắt dơi đầy. Má muốn đi tìm xác của con. Nhưng biết nơi nao mà tìm? Không biết núm ruột của má đang trôi nổi nơi đâu? Chết con, má chết đi một lần, khi con chết mất xác, má như chết đi ngàn lần mỗi khi nhớ về con. Sự cô đơn trong lòng má lên đến tột cùng của nhiều sự cô đơn cộng lại. Nỗi đau trong lòng má, đau đến mức không nhớ những nỗi đau riêng, nó lằn sâu vào lòng má không thể gọi tên ra được. Có lúc má nhắc đến chồng, con mình với cả niềm hãnh diện, tự hào và tràn đầy tình yêu thương. Nhưng khi niềm vui nhen lên cũng là lúc nỗi buồn se lại.

Nỗi đau mất chồng, mất hai người con trai đã hằn lên bao nếp nhăn trong lòng của má Mùi. Bao thương nhớ, nhớ thương cứ đầy lại vơi theo tháng năm. Nói chuyện với tôi, có lúc má cười rất tươi, rất tự hào về chiến công của chồng, của con, nhưng có lúc mắt má đờ đi, thẫm lại, nghẹn ngào khi nỗi đau mất chồng, mất con lại ùa về. Má đứng lên bước đến bên những tấm bằng “Tổ quốc ghi công” rồi má thì thầm những lời mong nhớ khôn siết như đang nói với chồng và các con. Quay sang tôi má nói: “Không biết thân xác chồng và các con của má nằm nơi đâu là nỗi day dứt nhất của má từ trước tới giờ. Nhiều lần má đi khắp các nghĩa trang Long Khánh, Bà Rịa nhưng không tìm thấy các anh ở nơi đâu. Giờ đây, khi mà đã tới tuổi gần đất xa trời, má mong lắm đến ngày gặp chồng gặp con ở phía bên kia cuộc đời...” Lời thì thầm của má, tiếng lòng của má, niềm day dứt của má làm thế hệ chúng con thấy nặng lòng biết bao nhiêu. Thế hệ trẻ chúng con hứa sẽ cố gắng hoàn thành nốt tâm nguyện của má Mùi và các Mẹ Việt Nam anh hùng là tìm phần mộ và chăm lo đến phần mộ của các anh hùng liệt sĩ. Má hãy an lòng má nhé!

Cả cuộc đời của má là những giọt nước mắt cứ lặng thầm rơi. Chồng và hai người con trai của má đã sống chiến đấu, hi sinh trong oanh liệt, hào hùng và vô tư, bác ái. Đã qua rồi một thời máu lửa, đạn bom, má đang sống những ngày tháng hòa bình, vui tươi bên con gái, cháu, chắt của má và trong tình yêu thương của nhân dân cả nước. Má Nguyễn Thị Mùi được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” theo quyết định số 2393/QĐ/CTN ngày 26 tháng 9 năm 2014. Má được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của nhà nước. Má vẫn luôn ca ngợi Đảng và Nhà nước đã tận tình chăm sóc, giúp đỡ gia đình má. Cho má cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay. Ngoài ra, má Nguyễn Thị Mùi và cụ Nguyễn Văn Đào được Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng Huân chương độc lập hạng Ba, ngày 28 tháng 11 năm 2017 vì có nhiều liệt sĩ hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cả cuộc đời với bao vất vả, ngược xuôi cống hiến và hi sinh của má nói riêng, của chồng và hai người con liệt sĩ của má là tấm gương sáng ngời để lớp lớp thế hệ trẻ noi theo. Chúng con xin cảm ơn má Mùi đã sinh thành và dưỡng dục những người con tài giỏi, anh dũng, kiên cường, bất khuất đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc, cho cuộc đời được đơm bông tự do, kết trái hạnh phúc. Đời đời thế hệ sau luôn ghi lòng, tạc dạ nhớ về những cống hiến, hi sinh của thế hệ đi trước. Bằng những hành động cụ thể như: quan tâm, thăm hỏi đến những Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng, đóng góp vào “quỹ đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, thực hiện nhiều chính sách tốt cho gia đình có công với cách mạng, tiếp tục chăm sóc và tìm kiếm phần mộ liệt sĩ, trả lại tên cho những mộ liệt sĩ vô danh,... sẽ phần nào gửi lời tri ân sâu sắc đến thế hệ đi trước và giáo dục thế hệ sau – Những mầm non tương lai của đất nước biết hướng về nguồn cội, trân trọng quá khứ, dựng xây tương lai ngày một giàu đẹp, văn minh hơn. Chúng con xin kính chúc má Nguyễn Thị Mùi luôn mạnh khỏe, sống vui vầy bên con, cháu, chắt và sống trong tình yêu thương của mọi người.

 

 * Theo tài liệu “Sáng ngời chất ngọc anh hùng” / Chủ biên:  Huỳnh Văn Tới, Nguyễn Minh Hùng ; Huỳnh Văn Tới, Hà Thị Thanh Thúy biên soạn ; Đặng Thị Xuân Thắm,.... cộng tác viên . - Đồng Nai : Nxb. Đồng Nai. - T.3, P2 :  Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Đồng Nai. – tr. 135./.

 

Đào Thanh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1056 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày