Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 14/04/2020, 19:35

CHIẾN THẮNG XUÂN LỘC - NHỮNG DẤU ẤN MÃI GHI

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vùng đất miền Đông Nam Bộ, bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, có một vị trí chiến lược trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự, là nơi đụng đầu quyết liệt giữa ta và địch. Nơi đây là đại bản doanh của quân viễn chinh xâm lược và là thủ phủ của các chế độ ngụy quyền, đồng thời củng là nơi có hệ thống căn cứ địa cách mạng của ta. Sự kiện Xuân Lộc diễn ra cách nay đã 45 năm, đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ dưới những góc độ khác nhau, và cách nhìn nhận khác nhau song đều khẳng định sự cần thiết và rất kịp thời trong thời điểm lịch sử chuyển biến dẫn tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Kế hoạch táo bạo

Năm 1975, Trung ương Đảng đã xác định, Xuân Lộc là chiếc ốc xoáy cuối cùng quyết định số phận thành phố Sài Gòn. Tại thời điểm đó Xuân Lộc là khu vực phòng thủ kiên cố của Sư đoàn 18, Trung đoàn 5 thiết giáp, 8 tiểu đoàn bảo an, hàng ngàn cảnh sát và phòng vệ dân sự, có pháo binh và không quân... Ngoài ra, chính quyền Sài Gòn lúc đó đã xây dựng tuyến phòng thủ từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh để làm vành đai bảo vệ trước sự tiến công của Quân giải phóng. Trong đó, Xuân Lộc với vị trí hiểm yếu chỉ cách Sài Gòn 80km được xem như là cánh cửa cuối cùng để cố thủ. Nếu Xuân Lộc vỡ, chắc chắn Sài Gòn sẽ lung lay, nên địch đã tập trung cho Xuân Lộc đến 50% lực lượng chủ lực, 60% lực lượng pháo binh, gần hết số xe tăng của Quân đoàn 3 và lực lượng tổng trù bị tương đương một trung đoàn gồm quân dù và thủy quân lục chiến để chi viện trực tiếp cho các mũi phản kích của bộ binh và thiết giáp, đồng thời ném bom vào những điểm ta đã chiếm, đánh vào đội hình chiến đấu cũng như tuyến tiếp tế ở phía sau ta. Địch dồn tất cả sức lực để cố giữ cho được Xuân Lộc vì chúng xác định “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: Đầu tháng 4-1975, Xuân Lộc đã được xây dựng thành cứ điểm phòng ngự mạnh, nhằm “tử thủ” bằng mọi giá bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn. Trước tầm quan trọng của “cánh cửa thép” Xuân Lộc, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc từ mặt trận hướng đông. Đó là một sự lựa chọn táo bạo, gây bất ngờ lớn với ngụy quân Sài Gòn, nhất là vào thời điểm địch đang gặp nhiều khó khăn. Quyết định kịp thời và chính xác đó đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn, gây tâm lý hoang mang tột độ trong chính quyền Sài Gòn.

Chiến thắng tất yếu

Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4 phối hợp với sư đoàn Bộ binh 6 (quân khu 7), hai tiểu đoàn xe tăng, trung đoàn pháo binh và 2 tiểu đoàn bộ binh địa phương, cuối chiến dịch được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (sư đoàn 325) và đại đội xe tăng. Theo kế hoạch của ban chỉ huy, 5 giờ 40 phút ngày 30-4, Quân đoàn 4 đã nổ súng tiến công Xuân Lộc tiến hành một chiến dịch gồm nhiều trận chiến đấu liên tiếp, liên kết chặt chẽ với nhau trong một không gian nhất định. Ngay từ ngày đầu, chiến dịch đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Trước thế mạnh của quân ta địch đã điên cuồng chống trả, tăng cường lực lượng quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá. Sau một ngày bị đánh phủ dầu, địch liên tục tổ chức phản kích hòng chiếm lại các mục tiêu đã bị mất. Ngày 12-4- 1975, địch đổ bộ một 1 đoàn dù xuống Long Khánh, tiếp đó lại tăng thêm cho Long Khánh 1 đoàn thủy quân lục chiến, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn bộ binh của sư đoàn 5 cũng nhiều tiểu đoàn pháo xe tăng của quân đoàn 3. Sau 3 ngày chiến đấu ác liệt, dù ta đã diệt được một số mục tiêu, đẩy lùi được một số đợt phản kích của địch nhưng vẫn chưa diệt gọn từng tiểu đoàn của địch, trong khi đó quân đội ta gặp những tổn thất lớn. Trước tình hình trên Thượng tướng Trần Văn Trà - Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch đã cùng Bộ Tư lệnh quân đoàn nghiên cứu diễn biến trận đánh và quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh.

Từ nhận định toàn tuyến phòng thủ Sài Gòn - Xuân Lộc chỉ có giá khi được nối liền với Biên Hòa, Bộ chỉ huy chiến dịch và Quân đoàn chủ trương lập thế trận mới bằng cách cô lập và tách rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã 3 Dầu Giây, cắt quốc lộ 1, ngăn chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong. Ngay sau khi chuyển sang cách đánh mới, quân Giải phóng miền Nam đã giành thế chủ động. “Thay đổi cách đánh này đã tạo bước chuyển quan trọng trong thế trận Xuân Lộc, bộ đội ta đã bao vây, chia cắt, khống chế mọi ngã đường chi viện tiếp tế của địch, buộc địch phải tháo chạy khỏi Xuân Lộc”, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định. Trong khi ta chuyển thế trận và cách đánh, địch lại tưởng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta, phía địch công bố chiến thắng Xuân Lộc. Ngày 15-4, ta chuyển hướng tiến công. Pháo 130mm đã bắt đầu bắn phá căn cứ không quân Biên Hòa không cho không quân của địch yểm trợ Xuân Lộc. Tại Xuân Lộc, tình hình thế trận như dầu sôi lửa bỏng, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với địch. Mất Dầu Giây và đường 20, Biên Hòa trở thành điểm tiền tiêu và Xuân Lộc bị cô lập. Mất vị trí quan trọng, Trung tướng Nguyễn Vốn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 của địch ra lệnh rút bỏ Long Khánh. Quân địch phòng thủ ở Xuân Lộc bị cô lập nên bị quân và dân ta bắt sống hàng trăm tên, trong đó có tỉnh trưởng Long Khánh.

Giá trị tinh thần mang tính quyết định

Sau 12 ngày đêm chiến đấu gay go, quyết liệt với tinh thần dũng cảm, ngoan cường ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52, sư đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch và giải phóng thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh. Chiến thắng Xuân Lộc đã đập tan “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm suy sụp tinh thần kháng cự của binh lính quân đội Việt Nam cộng hòa; tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, “cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn đã mở rộng cho các đơn vị tiến vào Sài Gòn. Chiến thắng Xuân Lộc khơi dậy, cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng khí thế cách mạng tiến công của toàn quân và dân cho trận quyết chiến chiến lược. Đối với chính quyền và quân đội Sài Gòn, sự kiện Xuân Lộc đã tạo ra một áp lực mạnh mẽ làm cho nội bộ địch lục đục và suy yếu thêm. Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc là đòn quyết định đánh sập toàn bộ ý chí kháng cự của địch và làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ xung quanh Sài Gòn.

Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước đã nhận định tại Hội thảo khoa học “Mặt trận hướng Đông - từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” đã nói: “Chiến thắng Xuân Lộc tạo điều kiện rất thuận lợi cho quân và dân trên hướng Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giành toàn thắng cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc”.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ đã cùng nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến trường kỳ suốt 9 năm, rồi tiếp nối 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, dũng cảm vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, lập nên nhiều chiến công vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Nhằm ghi lại truyền thống đó và rút ra những bài học kinh nghiệm trong kháng chiến, để góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung mãi là niềm tự hào, là tài sản vô giá, là nguồn động viên, là sức mạnh để các Đảng bộ Đồng Nai và nhân dân miền Đông Nam Bộ phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, cùng cả nước xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Hồng Hạnh

 

 

 


Số lượt người xem: 648 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày