Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 23/07/2021, 19:05

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Luật sư Trịnh Đình Thảo (20/7/1901-20/7/2021)

Luật sư Trịnh Đình Thảo - Nhà trí thức tiêu biểu của cách mạng Việt Nam

 

Là một luật sư nổi tiếng, từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim (1945); nguyên Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976); nguyên Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá VI (1976-1981), Luật sư Trịnh Đình Thảo xứng đáng là một nhà trí thức tiêu biểu của cách mạng Việt Nam.

Trịnh Đình Thảo sinh ngày 20/7/1901 tại làng Chính Kinh, Nhân Mục, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Thuở nhỏ ông học tiểu học, rồi trung học tại Hà Nội và đỗ tú tài theo hệ thống giáo dục của Pháp. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông sang Pháp học tiếp để nâng cao trình độ học vấn. Từ năm 1919 đến năm 1928, ông theo học các ngành luật, văn chương, kinh tế thương mại và đỗ tiến sĩ Luật khoa.

Những năm học và hành nghề luật sư ở Pháp, ông sớm đến phong trào yêu nước qua tiếp xúc với văn thơ, các bài báo của các đồng chí Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và đã từng tham gia phong trào yêu nước của sinh viên Việt Nam tại Pháp. Sau đám tang của cụ Phan Chu Trinh, được sự bảo trợ của các nghị sĩ Pháp trong vùng, ông đã tập hợp hơn 300 sinh viên Việt Nam phản đối chính sách bóc lột và đàn áp dã man của thực dân Pháp ở Việt Nam và đòi Pháp trả lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Cuối năm 1929 ông về nước và trở thành thành viên Luật sư đoàn Tòa thượng thẩm Marseille tại Sài Gòn. Tại đây, ông đã tận tình giúp đỡ và bảo vệ cho những người yêu nước bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xét xử, trong đó có bà Ngô Thị Phúc, tức bà Mười Hoa – một nhà hoạt động cách mạng và sau trở thành người bạn đời của ông.

Giai đoạn 1936-1939, Luật sư tích cực tham gia phong trào Đông Dương Đại hội và Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Vua Bảo Đại điện mời ông ra Huế nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Và trong thực tế, với quyền hạn có được, ông đã can thiệp với các bộ phận hữu quan thả nhiều nhà chính trị yêu nước của ta.

Năm 1946, khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, ông làm Luật sư tòa Thượng Thẩm Sài Gòn.

Năm 1949, Luật sư từ chối lời mời làm Thủ tướng Chính phủ bù nhìn, kiên quyết không hợp tác với Pháp và cùng một người bạn là đảng viên Đảng xã hội Pháp bí mật ra vùng tự do thăm Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, gặp gỡ các nhà lãnh đạo như: Trung tướng Nguyễn Bình, luật sư Phạm Văn Bạch, nhà văn hóa Phạm Ngọc Thuần, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, các luật sư Bùi Thị Cẩm, Nguyễn Thành Vĩnh… và được đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Trung ương Cục miền Nam tiếp. Trong buổi gặp gỡ đó, luật sư ngỏ ý muốn ở lại chiến khu để trực tiếp tham gia chiến đấu, đồng chí Lê Duẩn đã khuyên luật sư nên trở về thành phố, tiếp tục ở lại Sài Gòn hoạt động vì như thế sẽ có lợi cho cách mạng hơn.

Trở về thành phố, Luật sư bị Pháp và chính quyền ngụy theo dõi. Giữa lúc Mỹ - Diệm thực hiện phát xít hóa, lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát đẫm máu đồng bào ta, việc Luật sư Trịnh Đình Thảo đứng ra tuyên truyền, vận động thành lập phong trào bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh đã có sức cổ vũ lớn lao đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là trí thức. Vì vậy, mà ông bị chính quyền Diệm bắt giam. Ra tù, ông lại tiếp tục đấu tranh chống Mỹ và chế độ Sài Gòn và lại bị bắt trở lại. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Luật sư đã có tất cả 5 lần vào khám, ra tù song không làm suy giảm nhuệ khí đấu tranh và phai nhạt lòng yêu nước trong ông.

Năm 1950, Luật sư Trịnh Đình Thảo tham gia đưa tang Trần Văn Ơn tại Sài Gòn. Năm 1955, Luật sư được suy tôn là Chủ tịch danh dự phong trào Hòa Bình ở Sài Gòn, chủ trương chống can thiệp của Mỹ và đòi chính quyền Ngô Đình Diệm tôn trọng Hiệp định Giơ ne vơ. Năm 1956, ông làm cố vấn pháp luật cho đạo Cao Đài và chánh sách Hòa bình chung sống của Hộ Pháp Phạm Công Tắc…

Đầu năm 1965, một số trí thức tiến bộ ở miền Nam họp ở nhà luật sư để thành lập phong trào tự quyết. Bản Tuyên ngôn của phong trào được hơn 300 trí thức lớn của Sài Gòn ký tên hưởng ứng. Mỹ và chính quyền Sài Gòn hoảng sợ, dọa đẩy Luật sư Trịnh Đình Thảo, nữ luật sư Ngô Bá Thành ra miền Bắc bằng cách thả dù từ máy bay. Nhưng sau đó, địch phải từ bỏ ý định và tha bổng vì không đủ yếu tố buộc tội.

Năm 1967, địch dùng chất nổ ám hại luật sư tại tư gia nhưng may mắn, chất nổ chỉ làm sập có một căn nhà ở phía trái. Luật sư thoát nạn. Không ám hại được người trí thức yêu nước có uy tín lớn, Mỹ - ngụy tạo cớ bắt luật sư và tống giam ở bót Ngô Quyền song vẫn không buộc tội được nên đành phải thả.

Đầu năm 1968, Luật sư bí mật ra vùng kiểm soát của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 21/4/1968, ông tham gia thành lập và làm Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam.

Chiến thắng Mậu Thân 1968 đã tạo điều kiện để Luật sư cùng một số nhân sĩ, trí thức rời các đô thị ra vùng giải phóng. Ngày 20/4/1968, tại Đại hội thành lập Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Luật sư Trịnh Đình Thảo được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Giữa năm 1968, Luật sư được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ.

Ngày 5/8/1969, Luật sư đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ra thăm miền Bắc và gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

 

Hòa bình lập lại (sau ngày giải phóng 30/4/1975), vấn đề cấp bách lúc bấy giờ là phải sớm thống nhất về mặt Nhà nước. Và cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI được tổ chức trên phạm vi cả nước vào năm 1976. Luật sư được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội với sự tín nhiệm cao và được Quốc hội bầu làm Ủy viên Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Từ năm 1976 đến năm 1981, Luật sư Thảo là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, Ủy viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa I nhiệm kỳ 1977 - 1983 và được tái bầu vào Đoàn Chủ tịch nhiệm kỳ khóa II (1983 – 1988). Năm 1986, Luật sư đã qua đời tại Tp. Hồ Chí Minh.

Cuộc đời và sự nghiệp Luật sư, nhà chính khách Trịnh Đình Thảo của Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Ông đã chấp nhận rời bỏ những vinh hoa, phú quý của triều đình phong kiến, một mình lặn lội vào Nam (Sài Gòn) làm “thầy kiện” – luật sư, bảo vệ chính nghĩa. Người đời hay nhắc đến Luật sư Trịnh Đình Thảo không chỉ bởi sự chân thực, liêm khiết mà còn khâm phục ông bởi ông dám làm những việc mà nhiều trí thức thời đó muốn làm nhưng không phải ai cũng dám dấn thân. Mặc dù nắm giữ nhiều cương vị trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng trong mắt nhân dân, Luật sư luôn là người tri thức yêu nước, nhà cách mạng tiêu biểu, suốt đời tận tâm với dân với nước.

Ghi nhận công lao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng luật sư Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và truy tặng Huân chương Đại đoàn kết. 

Như vậy, với 85 năm sống, làm việc và tận hiến, Luật sư Trịnh Đình Thảo đã có những cống hiến to lớn cho quê hương, đất nước, góp phần gìn giữ hòa bình, độc lập và thống nhất cho dân tộc Việt Nam. Tấm gương cao đẹp của Luật sư sẽ luôn được lưu truyền sử sách để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tri ân, tưởng nhớ và noi gương.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 392 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày