Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 24/09/2021, 20:20

Kỷ niệm 205 năm sự kiện năm 1816, vua Gia Long tuyên bố chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa

Cách đây 205 năm, vua Gia Long chính thức tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và sáp nhập quần đảo này vào lãnh thổ nước Việt Nam đương thời. Sự kiện này được đánh giá là một sự kiện trọng đại, phản ánh trong nhiều thư tịch cổ xuất bản ở phương Tây trong nửa đầu thế kỷ XIX nhiều ngôn ngữ: Pháp, Anh, Đức, Ý…, nhưng lại được ghi chép rất ít trong lịch sử triều Nguyễn, cũng như trong sử sách Việt Nam. Xét trên góc độ pháp lý hiện nay, sự kiện năm 1816 có ý nghĩa hết sức to lớn trong vấn đề xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng và lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung.

Trong vài năm đầu triều Gia Long (1802-1820), lực lượng thủy quân triều Nguyễn về căn bản vẫn duy trì tổ chức đã được định hình trong quá trình chiến đấu với nhà Tây sơn. Đầu năm 1806, vua Gia Long cho sắp xếp lại tổ chức của lực lượng thủy quân chính quy ở kinh đô Huế, đây có thể xem là đợt cấu trúc lại bộ máy tổ chức thủy quân lần đầu tiên dưới triều Nguyễn. Điểm chú ý trong đợt sắp xếp lại là thủy quân được chia làm hai bộ phận, một bộ phận thường trực ở kinh đô và bộ phận đồn trú ở các trấn. Việc đưa thủy quân đồn trú các trấn là điểm thay đổi đáng kể nhất trong việc sắp xếp lại tổ chức thủy quân dưới triều Gia Long. Mặc dù đây không phải là lực lượng thủy quân địa phương nhưng là cơ sở đầu tiên để về sau chuyển hóa thành thủy quân các tỉnh dưới triều Minh Mạng (1820-1841).

Năm 1816, lần đầu tiên thủy quân chính quy của triều Nguyễn ra khảo sát Hoàng Sa. Thực thi chủ quyền quốc gia đối với các hải đảo là hoạt động được triều Nguyễn tiến hành thường xuyên và liên tục kể từ năm 1802, là sự kế tục sự nghiệp của các triều đại trước. Để thực hiện nhiệm vụ này, triều Nguyễn đã xây dựng hệ thống phòng thủ biển bài bản, có nhiều lớp và trải suốt chiều dài của đất nước. Hai sự kiện đáng chú ý dưới thời Gia Long liên quan đến Hoàng Sa là năm 1815 và 1816. Trong hai năm liên tiếp này, vua Gia Long đều cho người ra Hoàng Sa để thăm dò biển. Sách Đại Nam thực lục có ghi chép, năm 1816: Sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy. Lực lượng ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ từ năm 1816 mới ghi nhận có sự tham gia của thủy quân triều đình. Điều này thể hiện tính chất quốc gia của sự kiện thực thi chủ quyền trên quần đảo này vào năm 1816. Việc vua Gia Long sai đội Hoàng Sa phối hợp cùng thủy quân của triều đình ra thăm dò, cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 chính là dấu mốc quan trọng xác nhận sự chiếm hữu chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa và là biểu tượng của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đây là sự chuyển biến quan trọng về nhận thức của vua Gia Long, từ kế nghiệp tiền nhân khai thác Hoàng Sa, Trường Sa một cách tự nhiên, tiến đến việc công khai chiếm hữu Hoàng Sa, tạo điều kiện cho các triều đại kế vị thúc đẩy mạnh mẽ việc xác lập, kiểm soát và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này và những vùng biển đảo khác của Việt Nam.

Ngoài ra, rất nhiều tư liệu nước ngoài đương thời ghi chép sự kiện năm 1816 như là thời điểm xác lập chủ quyền chính thức của triều Nguyễn đối với Hoàng Sa. Người phương Tây chú trọng đến sự hiện diện của lực lượng quân đội triều đình Huế trong sự kiện năm 1816, coi đó như đại diện chính thống của vương triều. Tuy nhiên nhiều tài liệu nghiên cứu đến nay đã cho thấy quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đã được các chính quyền trước triều Nguyễn xác lập chủ quyền từ trước năm 1816 rất nhiều. Quá trình xác lập chủ quyền và tổ chức khai thác đã được tiến hành từ chính quyền các chúa Nguyễn cho đến nhà Tây Sơn và sau đó được tiếp nối dưới triều Nguyễn. Việc đưa thủy quân triều đình tham gia cùng với đội Hoàng Sa là quá trình chính quy hóa, quân sự hóa công tác này. Từ thời điểm 1816, hoạt động của đội Hoàng Sa đã có sự tham gia của lực lượng thủy quân chính quy triều đình. Một mặt, đội Hoàng Sa vẫn hoạt động mang tính chất bán quân sự, mặt khác triều đình đã đưa lực lượng thủy quân thâm nhập sâu hơn trong hoạt động kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.

Như vậy, tất cả các tư liệu ghi nhận rất rõ về việc thủy quân chính quy của triều đình tham gia cùng với đội Hoàng Sa trong sự kiện 1816. Từ thời điểm này trở đi, đội Hoàng Sa trên danh nghĩa không còn nữa mà đã được sáp nhập vào lực lượng thủy quân, trở thành một bộ phận của thủy quân triều Nguyễn. Trong suốt thời Minh Mạng cũng như thời gian sau đó, hoạt động quản lý, khai thác, thực thi, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa vẫn tiếp tục thực hiện.

Sự kiện 1816 đã chứng minh việc kế thừa hoạt động khai phá, chiếm hữu tự nhiên quần đảo Hoàng Sa mà nhiều thế hệ người Việt đã thực thi liên tục trong hàng trăm năm trước, nay được vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu chính thức. Các tư liệu phương Tây cũng ghi nhận rằng mặc dù quần đảo Hoàng Sa xa xôi, chứa đựng nhiều bất trắc và nguy hiểm hơn là hứa hẹn những thuận lợi nhưng vua Gia Long vẫn quyết định sáp nhập quần đảo này vào lãnh thổ Việt Nam. Sự sáp nhập này đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược của vua Gia Long đối với một quần đảo có vị trí quan trọng trong chiến lược làm chủ mặt biển, đồng thời đề phòng các nước láng giềng dòm ngó và tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền trên quần đảo này.

Biển đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của đất nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc. Bảo vệ chủ quyền biển đảo là công việc quan trọng đảm bảo cho quốc gia, dân tộc phát triển bền vững. Trong sứ mệnh thiêng liêng này, việc tuyên truyền về biển, đảo quê hương để người dân Việt Nam ở bất cứ nơi đâu cũng ý thức được việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia là trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc, có một ý nghĩa rất quan trọng. Công tác tuyên truyền biển đảo Việt Nam được Thư viện tỉnh Đồng Nai chú trọng từ khâu bổ sung vốn tài liệu đến công tác tổ chức tuyên truyền về biển đảo Việt Nam trong toàn tỉnh. Thư viện thường xuyên trưng bày tủ sách chuyên đề về biển đảo Việt Nam tại phòng đọc tổng hợp và dưới sảnh thư viện.

            Đặc biệt năm 2017 đơn vị đã tổ chức tuyên truyền về biển đảo Việt Nam bằng hình thức giới thiệu và trưng bày sách tại Trường Sỹ quan Lục quân 2 với số lượng 300 bản sách và 50 ảnh tư liệu. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền biển, đảo, củng cố, phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nhất là bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 325 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày