Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Chủ Nhật, 24/10/2021, 19:45

Điểm lại một số đóng góp của danh sĩ Ngô Thì Nhậm nhân kỷ niệm 275 năm ngày sinh của ông (25/10/1746 - 25/10/2021)

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Thì Nhậm còn có tên gọi khác là Ngô Thời Nhiệm tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, là danh sĩ, nhà văn đời Hậu Lê và Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều đình Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Ông sinh ngày 25 tháng 10 năm 1746 tại làng Tả Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, Ngô Thì Nhậm đã bộc tộ tố chất thông minh ngay từ thuở thiếu thời, đậu kỳ thi Hương năm 1765, đỗ khoa sĩ vọng năm 1768, đỗ thứ năm hàng tiến sĩ đệ tam giác năm 1775, làm quan tới các chức Giám sát ngự sử, Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên, Hàn lâm Hiệu thảo, Hữu Thị lang bộ Công. Từ năm 1788, Ngô Thì Nhậm giúp nhà Tây Sơn, được vua Quang Trung trọng dụng, trao chức Tả Thị lang bộ Lại, Bộ Binh Thượng thư, đảm nhiệm nhiều việc lớn. Ông là người am tường binh pháp, một nhà chiến lược tài ba. Nhà vua giao cho ông nhiều việc quan trọng: Ngoại giao, văn hóa, nội trị... Ở vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cuối năm Mậu Thân (1788) do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn (Ninh Bình). Cuộc rút quân về Tam Điệp là một sách lược kiệt xuất nói lên trình độ mưu trí và cực kỳ sáng tạo của Ngô Thì Nhậm. Sách lược rút lui của Ngô Thì Nhậm đưa ra lúc này hoàn toàn phù hợp với ý của Quang Trung bởi không những bảo toàn được lực lượng của ta mà còn kích động thêm tính kiêu căng, khinh địch của Tôn Sĩ Nghị và tạo ra thời cơ, chuẩn bị điều kiện cho phản công chiến lược quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi.

Trong vương triều Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm là một văn tài lỗi lạc của đất Bắc Hà, và vua Quang Trung đã quyết định giao cho ông đặc trách xử lý công việc bang giao với nhà Thanh. Sau khi đất nước được giải phóng. Quang Trung rút về Phú Xuân để Ngô Thì Nhậm ở ngoài Bắc và giao cho  toàn quyền đảm đương công việc ngoại giao với nhà Thanh. Ngô Thì Nhậm lại phát huy óc sáng tạo của mình. Trong việc tiếp xúc với vua quan nhà Thanh cũng như trong việc giao dịch bằng thư từ, Ngô Thì Nhậm vừa cương quyết, vừa linh hoạt, vừa nêu cao chủ quyền dân tộc, vừa giữ tình hòa hiếu giữa hai nước. Với tài ngoại giao, Ngô Thì Nhậm đã góp phần quan trọng đặt mối quan hệ bang giao hòa hiếu giữa Việt Nam và Trung Hoa sau chiến tranh.

Năm 1790, vua Quang Trung giao cho ông giữ chức Binh bộ Thượng thư. Ông cũng là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với nhà Thanh. Ông luôn làm tốt nhiệm vụ, vừa nêu cao chủ quyền dân tộc, vừa giữ tình hòa hiếu giữa hai nước. Vua Quang Trung đã khen Ngô Thì Nhậm: Ngòi bút của Ngô Thì Nhậm có sức mạnh phi thường, ngăn được 20 vạn quân sĩ. Ông đã khôn khéo, bình tĩnh, bền bỉ trên mặt trận ngoại giao, góp phần dập tắt tham vọng của ngoại bang. Những vấn đề bang giao được Ngô Thì Nhậm chấp bút, qua các bài “phẩm, trình, biểu”. Những bài này được tập hợp trong Bang giao hảo thoại, tác phẩm đã cho người đọc thấy được nghệ thuật ngoại giao tài tình nhưng cũng đầy khí phách của một người yêu nước chân chính. Ngô Thì Nhậm đã làm chấm dứt ý định trả thù của vua nhà Thanh, đẩy lùi quân lính chín tỉnh vùng biên giới phía Bắc, thỏa mãn những yêu cầu của đất nước lúc bấy giờ. Ngô Thì Nhậm với vai trò và vị trí của mình đã trở thành một nhà ngoại giao kiệt xuất, là tấm gương để cho các nhà ngoại giao thế hệ tiếp theo học hỏi. Đồng thời góp phần cho thế hệ sau nhìn thấy được mặt trận ngoại giao của dân tộc Việt Nam thế kỷ XVIII đầy trí tuệ và là niềm tự hào của dân tộc ta.

Ngô Thì Nhậm là một danh nhân văn hóa của dân tộc. Ông đã có đóng góp lớn đối với nền văn học nước nhà. Tác phẩm của ông phong phú về nội dung và đa dạng về thể loại. Ông đã để lại rất nhiều tác phẩm và là cây bút tiêu biểu nhất trong bộ Ngô gia văn phái với gần 1.000 bài thơ, bài phú cùng bộ sách khảo luận về sử và triết học. Đặc biệt quý nhất là những tác phẩm văn thơ của ông gắn bó với nhà Tây Sơn dưới thời vua Quang Trung.

Về thơ, Ngô Thì Nhậm thống nhất với quan niệm của Ngô gia, mà người phát biểu sớm nhất là cha của ông là Ngô Thì Sĩ, là thơ phải giản dị, thuần phác, đôn hậu, không hóc hiểm, có phong cách riêng. Ông có một số tập thơ nổi tiếng như: Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn đàm (Thủy vân nhàn vịnh), Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Cẩm đường nhàn thoại, Hy Doãn công thi văn tập, Hoàng hoa đồ phả, Sứ trình thi họa, Yên đài thu vịnh.

Về phú, phần nhiều được viết theo lối cổ thể, nhưng lại không còn đậm tính chất của phú cổ, tụng ca vua chúa mà phần lớn là để biểu đạt bày tỏ những trăn trở ưu tư, những suy nghĩ về nhiều vấn đề liên quan đến cuộc đời, số phận kẻ sĩ như chính bản thân tác giả. Ông có 17 bài chép ở tập Kim mã hành dư. Phú Ngô Thì Nhậm thể hiện rõ nét tính cách phóng khoáng, tình yêu thiên nhiên và quan niệm, triết lý sống của ông, một người biết đặt lợi ích của đất nước cao hơn hết.

 Về văn, Trong số tác phẩm của Ngô Thì Nhậm, phần văn xuôi chiếm một khối lượng lớn. Ngoài những thể loại quen thuộc như thư, ký, tự, dẫn, bi, văn tế, ông viết nhiều và cũng thành công nhiều ở loại văn luận thuyết. Ông có một số tác phẩm lớn như: Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Kim mã hành dư và đặc biệt, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được coi là tác phẩm thể hiện nổi bật nhất tư tưởng triết học của Ngô Thì Nhậm. Bang giao hảo thoại còn là một tư liệu xác thực hiếm hoi, bổ sung cho chính sử về cuộc đấu tranh ngoại giao của nhà Tây Sơn với nhà Thanh. Tác phẩm này cũng là một trong những đỉnh cao của văn học bang giao Việt Nam.

Ngô Thì Nhậm mất năm Quý Hợi (1803), hưởng dương 57 tuổi. Có thể nhận định, trong khoảng thời gian cống hiến cho triều đình Tây Sơn, hoạt động nổi bật nhất của ông được thể hiện trong tư tưởng quan hệ bang giao Việt - Thanh. Tài năng ngoại giao của ông làm nổi bật tư tưởng nhân văn quân sự cao cả, đem lại nhiều thắng lợi trong sự kết hợp chặt chẽ giữa quân sự với binh, địch vận, với ngoại giao. Ngoài tâm huyết của một nhà mưu lược quân sự, nhà ngoại giao khéo léo và tự chủ, ông còn có một khối lượng thơ văn rất lớn, chứa đựng tinh hoa tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 289 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày