Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 19/11/2021, 20:15

TÌNH CẢM CỦA BÁC HỒ DÀNH CHO THẦY, CÔ GIÁO – HỌC SINH NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Bác đã đi xa! Song cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác vẫn còn sống mãi với non sông đất nước ta. Hơn ai hết, lúc sinh thời, Người đã dành tất cả tình cảm và tấm lòng mình cho sự nghiệp trồng người - sự nghiệp giáo dục. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày khai giảng năm học mới và nhất là vào ngày 20 tháng 11, Bác lại tranh thủ thời gian đi thăm hỏi hoặc viết thư cho quý thầy cô giáo và các cháu học sinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 45 năm, song tư tưởng của Người về giáo dục vẫn còn là những bài học quý giá, quan trọng cho nền giáo dục Việt Nam. Người hấp thụ truyền thống hiếu học của dân tộc ngay từ quê hương, đặc biệt là nôi gia đình với ảnh hưởng sâu sắc tấm gương kiên trì học tập của cha mình, tấm gương nhà giáo mẫu mực của ông ngoại. Và Bác Hồ vẫn thường nhắc nhở mọi người hãy nhớ lời Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”.

Tháng 9/1945, nước Việt Nam non trẻ vừa ra đời. Thù trong, giặc ngoài lăm le bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta, vận mệnh của dân tộc đang như ngàn cân treo sợi tóc. Trong điều kiện và hoàn cảnh như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường, tháng 9/1945. 23 năm sau, ngày 15/10/1968, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Mỹ - cứu nước của dân tộc ta đang diễn ra vô cùng ác liệt. Và đặc biệt với Bác lúc này sức khỏe cũng đã rất yếu, song Bác vẫn viết Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp  đầu năm học mới 15/10/1968.

Cả hai bức thư được viết trong hai thời điểm và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, Bác viết rất ngắn gọn, giản dị theo phong cách của Bác. Đó là một tấm lòng yêu thương, nâng niu, trân trọng thế hệ tương lai của đất nước: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang”. Và: “Đối với các em lớn, tôi khuyên thêm các em một điều này...”. Cuối bức thư tháng 9/1945, Bác viết: “Tôi đã thành thật khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ”. Thật cảm động biết bao nhiêu tấm lòng của một vị lãnh tụ bận công việc vẫn dành những tình cảm yêu thương với các cháu như người cha với các con, người anh với các em. Bác đặt tất cả niềm tin, kỳ vọng vào thế hệ trẻ đối với tương lai phát triển đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.  “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng”.

Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. Bác Hồ có một tri thức dồi dào, toàn diện và sâu sắc. Người tự học, đi học, học nhiều, học kết hợp với hành và kiên trì học tập. Do vậy, Người đã đạt đến một trình độ học vấn uyên bác, hiểu biết tường tận các nền văn hóa đông tây kim cổ. Một trong ước mong tột đỉnh của Bác Hồ là “nhân dân ta ai cũng được học hành”. Theo Bác: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu đất nước ta được độc lập, Hồ Chủ tịch đã ký những sắc lệnh quan trọng về ngành giáo dục, kêu gọi và khuyến khích việc học tập của nhân dân cả nước. Trong hoàn cảnh nước nhà gặp nhiều khó khăn, phải đấu tranh cật lực với thù trong giặc ngoài, tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, Người vẫn khẳng định: Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt, có dạy tốt và học tốt thì mới có đủ kiến thức cần thiết để có thể hiểu được tình hình chính trị, xã hội trong nước và quốc tế đang có diễn biến phức tạp, có ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc cách mạng của nhân dân ta và cách mạng thế giới, đồng thời mới có thể tham gia vào công tác cách mạng một cách có hiệu quả. Học để bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp.

            Có thể nhận thấy, giáo dục chính là nền móng của việc hình thành nhân cách con người - theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã có câu thơ nổi tiếng trong tác phẩm Nhật ký trong tù: “Thiện ác phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Từng là một nhà sư phạm mẫu mực, Bác đã chỉ rõ: Sản phẩm của việc dạy tốt là con người tốt và ngược lại, dạy không tốt thì ra con người xấu. “Học để hành, học với hành phải luôn đi đôi”. Học mà không hành, tức là chỉ học thuộc lòng từng chữ để lòe thiên hạ - kiến thức ấy cũng vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy. Phương châm giáo dục và học tập của Bác Hồ là cần phải toàn diện, phải kết hợp nhiều hệ thống giáo dục: “Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng nếu thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Người nhấn mạnh: Tốt nhất phải dạy cho học trò trí tự lập tự cường, trọng về môn tinh thần đạo đức, khuyên học trò tham gia sản xuất, biết kính trọng cần lao, tập cho họ quen lao khổ, có chí khí “tự thực ký lực”, không ăn bám xã hội.

Bác Hồ luôn đánh giá nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất vẻ vang, bởi nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Do vậy, phải xây dựng đội ngũ thầy giáo tốt “thầy giáo xứng đáng là người thầy giáo” với những phẩm chất: Phải thật thà yêu nghề ; phải có đạo đức cách mạng; phải có chí khí cao thượng; phải “tiên ưu hậu lạc”; phải yêu thương các cháu như con em ruột thịt của mình; phải luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà phê bình và tự phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp tốt để mỗi cán bộ, đảng viên và học sinh thể hiện lòng biết ơn vô bờ bến đối với thầy giáo, cô giáo và mái trường thân yêu, đã giúp chúng ta trở thành người hữu ích cho xã hội hôm nay. Bằng những hành động thiết thực, giúp đỡ, hỗ trợ nhà trường duy trì, phát triển phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, vì sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Những lời Bác dạy và tình cảm của Bác vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi đường cho ngành GD&ĐT phát triển góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp văn minh.

 

Nguyễn Mai

Phòng phục vụ bạn đọc

 

 

 

 


Số lượt người xem: 327 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày