Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 29/11/2021, 09:35

Kỷ niệm 70 năm Ngày mất của nhà văn Nam Cao (30/11/1951-30/11/2021)

Nhắc đến Nam Cao chúng ta thường nghĩ đến một cây bút tài hoa trên diễn đàn văn học Việt Nam. Dưới ngòi bút của ông, những tác phẩm ra đời mang màu sắc hiện thực sâu sắc với hàng loạt tác phẩm xuất sắc về người nông dân. Nam Cao (1917-1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân ở quê làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông là người con duy nhất trong gia đình khá đông con - được ăn học tử tế. Học hết bậc Thành chung, năm 1935, ông theo người cậu vào Sài Gòn kiếm sống. Vì bệnh tật đã khiến ông phải về quê, sống bằng nghề dạy học và viết văn.

Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc năm 1943. Từ đó tới lúc hi sinh (1951), ông một lòng tận tụy phục vụ cách mạng và kháng chiến. Ông là nhà văn hàng đầu trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX và là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn 1930 – 1945, là một nhà văn viết về người nông dân hết sức chân thực, có đóng góp nhiều cho sự thành công của dòng văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Ông cũng là một trong những cây bút tiêu biểu của lớp đầu nền văn học mới sau Cách mạng. Nam Cao được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Nam Cao là con người rất giàu ân tình đối với người nghèo khổ bị áp bức và khinh miệt trong xã hội cũ. Tình cảm đó được thể hiện rõ nét qua những tác phẩm viết về đề tài người nông dân điển hình như Chí Phèo, Lão Hạc…Mỗi tác phẩm của ông viết về người nghèo đều mang ánh văn trữ tình đầy xót thương đối với kiếp lầm than. Nhà văn Nam Cao luôn suy tư về bản thân, tự đấu tranh để tự vượt lên chính mình. Bề ngoài tỏ ra lạnh lùng nhưng bên trong đời sống nội tâm phong phú. Điều này thể hiện rõ trong những tác phẩm ông viết về đề tài người tri thức. Bản thân ông sau này cũng là một trí thức nghèo, ông hiểu cuộc sống của người nông dân cũng như thấm thía sâu sắc cuộc sống của người tri thức đương thời. Ông luôn suy tư về bản thân, cuộc sống, đồng loại, từ kinh nghiệm thực tế mà đưa ra những khái quát, triết lí sâu sắc và đầy tâm huyết.

Đọc những tác phẩm của Nam Cao, người đọc sẽ nhận thấy quan điểm nghệ thuật của ông được thể hiện khá hệ thống, nhất quán và có nhiều điểm tiến bộ so với các nhà văn cùng thời. Đối với Nam cao “Nghệ thuật vị nhân sinh” (tức là nghệ thuật phải viết về con người và hướng đến những điều tốt đẹp của con người). Ông phê phán tính chất thoát li tiêu cực của một số tác phẩm văn học lãng mạn đương thời một cách toàn diện và sâu sắc. Trong tác phẩm “Trăng sáng” Nam Cao viết: “Chao ôi! Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp đời lầm than”. Với ông, nghệ thuật không nên chạy theo cái đẹp phù phiếm mà quay lưng với hiện thực. Nghệ thuật phải luôn nương theo thực tại, phục vụ đời sống, quan tâm tới mảnh đời bất hạnh, những kiếp người lầm than. Cùng với việc phê phán văn học lãng mạn thoát li, ông còn chỉ rõ hạn chế của những tác phẩm phản ánh hiện thực một cách mờ nhạt. Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao bày tỏ trong tác phẩm “Đời thừa” là: “một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn”, đặc biệt phải thấm nhuần nội dung nhân đạo cao cả, “chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái…” Điều này có thể hiểu là với Nam Cao tác phẩm văn chương phải chứa đựng trong đó tư tưởng nhân đạo mới mẻ, sâu sắc.

Trong số các nhà văn hiện thực trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nam Cao là người có ý thực trách nhiệm cao về ngòi bút của mình. Đối với ông, nghề văn trước hết phải là một nghề sáng tạo. Nhà văn phải biết khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có. Để làm được điều ấy, Nam Cao cho rằng nhà văn phải “đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán”, đặc biệt phải có lương tâm nghề nghiệp, nhất là không được cẩu thả, bởi “Sự cẩu thả trong bất cứ việc gì đã là bất lương rồi nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Quan điểm nghệ thuật tiến bộ này góp phần quan trọng giúp ông có nhiều chuyển biến tư tưởng và nghệ thuật ngay sau khi tham gia cách mạng. Từ việc thấy rõ trách nhiệm phản ánh hiện thực của dân lao động, Nam Cao khẳng định sứ mệnh của nhà văn lúc đó là phục vụ cho cuộc kháng chiến. Đây là bước tiến vượt bậc trong quan điểm nghệ thuật của ông. Qua đó cho thấy sự gặp gỡ giữa văn học hiện thực và văn học cách mạng.

            Trong nền văn xuôi Việt Nam, Nam Cao là cây bút có phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông quan tâm đặc biệt tới đời sống tinh thân, luôn có hứng thú khám phá thế giới nội tâm của con người. Là nhà văn có biệt tài miêu tả và phân tích tâm lý, ông rất sắc sảo trong việc phân tích và diễn tả quá trình tâm lý phức tạp của nhân vật, những hiện tượng lưỡng tính dở say dở tỉnh, dở khóc dở cười…Tâm lí nhân vật trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng trực tiếp của ngòi bút Nam Cao. Nam cao là nhà văn có giọng điệu riêng, buồn thương, chua chát, có khi dửng dưng, có lúc lạnh lùng mà đằm thắm yêu thương…

            Sáng tác chính của ông trước cách mạng gần 60 truyện ngắn, một truyện vừa (Truyện người hàng xóm), một tiểu thuyết (Sống mòn), một số vở kịch và một số bài thơ. Truyện của Nam Cao chủ yếu viết về hai đề tài chính là người tri thức nghèongười nông dân nghèo. Dù viết về đề tài nào, truyện của Nam Cao cũng thể hiện tư tưởng chung: nỗi băn khoăn đau đớn trước tình trạng con người bị hủy hoại nhân phẩm vì nghèo đói. Sau Cách mạng tháng Tám, với những tác phẩm nổi bật như truyện ngắn Đôi mắt, tập nhật ký Ở rừng, tập bút ký Chuyện biên giới. Sáng tác của ông thời kỳ này ca ngợi cuộc kháng chiến, khẳng định lập trường và thái độ đúng đắn của nhà văn đối với nhân dân và cách mạng. Ông là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954).

            Nhà văn Nam Cao đã để lại trong lòng bạn đọc yêu văn học hiện thực những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Những sáng tác của Nam Cao nổi bật một phong cách trữ tình, sâu lắng, xót xa, hóm hỉnh mà tế nhị. Ông là nhà văn đồng tình với khát vọng sống lương thiện. Nhà văn Nam Cao đã có những đóng góp rất lớn trong nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã để lại nhiều giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Những người yêu văn Nam Cao sẽ còn mãi nhớ đến những giá trị sâu sắc trong các tác phẩm của ông. Đặc biệt có những nhân vật mà diện mạo và số phận mãi in sâu trong tâm trí bạn đọc qua nhiều thế hệ.

Mai Mai

Phòng phục vụ bạn đọc

 

 

 

 


Số lượt người xem: 317 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày