Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 20/08/2022, 12:50

Tác phẩm ''Đường Kách mệnh'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một Bảo vật Quốc gia

(Kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng tám thành công 19/8, Quốc khánh 2/9 và Kỷ niệm 10 năm tác phẩm “Đường Kách mệnh” được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia 2012-2022)

 

Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều văn kiện lịch sử quan trọng đánh dấu những sự kiện gắn liền với những bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Một sự kiện khó quên, cách đây 77 năm, tháng 8-1945, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vùng lên đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến và giành lại nền độc lập cho dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đúng đắn cách mạng Việt Nam. Từ cuộc cách mạng vĩ đại đó, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ký ức về ngày Tết độc lập đầu tiên ấy mãi mãi không bao giờ quên đối với nhân dân Việt Nam và toàn nhân loại trên thế giới.

Một trong những văn kiện lịch sử có ý nghĩa mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam đó là tác phẩm “Đường Kách mệnh”, do Bác Hồ viết năm 1927, tác phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 10-2012, trở thành một trong những Di sản Tư tưởng - Văn hóa quý báu vượt thời gian của Đảng và dân tộc ta. Cùng với lịch sử ra đời, tác phẩm còn được coi là hiện vật “độc nhất vô nhị” ở bảo tàng Quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Thư viện tỉnh Đồng Nai có bài viết: Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một Bảo vật Quốc gia nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về những giá trị Tư tưởng, Văn hóa của Bảo vật quốc gia này.

1. “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bảo Vật quốc gia, là hiện vật “Độc nhất vô nhị”

Cuốn sách “Đường Kách mệnh" gồm 100 trang in thạch bản, trên giấy nến, kích thước 22x15 cm, trang bìa lót có kích thước 15x20 cm đã ngả màu vàng cùng hơn 150 tài liệu, hình ảnh có giá trị. Tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng để đào tạo những cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và lần đầu tiên được xuất bản thành sách năm 1927.

"Đường Kách mệnh" là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, đây được coi là Văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Nội dung cuốn sách phân chia và đánh số trang theo từng vấn đề, được triển khai theo ba nội dung cơ bản.

 

 

Một điều lý thú là, trong cuốn “Đường Kách mệnh” đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại có một đời sống riêng, lịch sử riêng đặc biệt thú vị. Đi kèm với cuốn “Đường Kách mệnh” hiện vật gốc này, có kèm một tờ giấy rời (tờ trình) viết chữ Nôm bằng mực son, tờ trình của Phó lý xã Hạ Trường xác nhận một sự thực quan trọng kể về việc bắt được cuốn sách, đó là: Ngày 29 tháng hai, Bảo Đại năm thứ 5, tức là ngày 28.3.1930, y đã bắt được cuốn sách “cấm” tại nơi cư trú của y, sau trên dưới 3 năm xuất bản, đã nộp “tang vật” kèm theo tờ trình lên tri huyện Thanh Hà và đã được viên quan cấp trên xác nhận.

Điều kỳ thú thứ hai, cuốn sách “Đường Kách mệnh” lại do ông Nguyễn Lương Bằng – lớp cán bộ đầu tiên được Bác đào tạo đã bí mật đưa về Hải Dương, quê hương của chính mình để truyền bá tư tưởng cách mạng cho nhân dân, nhưng không may lọt vào tay Phó lý và bị tịch thu. Từ Hải Dương, cuốn sách bị liệt kê vào hồ sơ sách cấm và đưa về tòa án tối cao của thực dân Pháp ở Hà Nội lưu giữ. Sau khi tiếp quản thủ đô Hà Nội, cụ Nguyễn Văn Hoan - một lão thành cách mạng làm việc ở tòa án tối cao, trong quá trình sắp xếp lại tư liệu đã phát hiện ra cuốn “Đường Kách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, cụ đã chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Như vậy, theo chân lớp học trò đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu về nước hoạt động, những bản in Đường Kách mệnh đầu tiên đó đã được bí mật chuyển về nước, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, cùng Người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; phát động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.

2. Giá trị Tư tưởng, Văn hóa của “Đường Kách mệnh”

Trong “Đường Kách Mệnh” có cả giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị văn hóa - nhất là văn hóa chính trị. Từ khi Đảng còn chưa ra đời, Bác đã nhìn nhận rõ yếu tố quan trọng là cách mạng muốn thành công thì ngoài đường lối chính trị, ngoài lý tưởng mục tiêu ra, một vấn đề hết sức hệ trọng là đạo đức của người cách mệnh, đạo đức của Đảng cách mệnh, nhất là khi ở vị trí cầm quyền.

Điểm độc đáo của “Đường Kách Mệnh” ở chỗ, tuy là một tác phẩm lý luận, nhưng Bác lại đặt vấn đề về tư cách - đạo đức của người cách mệnh lên ngay từ những trang đầu của cuốn sách. Tức là, phải trung thành với lý tưởng và mục tiêu, phải kiên định với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Người nêu rõ những chuẩn mực đạo đức của những người cách mạng. Đó phải là những người có nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh thì mới tiếp thu được tinh thần của lý luận, mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng khó khăn. Đây chính là giá trị bền vững, có sức sống ảnh hưởng sâu rộng lâu dài trong sự nghiệp của cách mạng Việt Nam.

Khi trình bày các nội dung trong “Đường Kách Mệnh”, mặc dù Bác chưa một lần sử dụng thuật ngữ hệ thống chính trị, nhưng việc Người nói về Đảng, về cách mạng, về giành chính quyền, về thành lập các đoàn thể của dân, để dân làm chủ... chính là tư tưởng dân chủ và hệ thống chính trị sau này. Người khẳng định: Con đường các dân tộc thuộc địa bị áp bức hoàn toàn có thể chủ động để giành lấy thắng lợi bằng sự nghiệp cách mạng “đem sức ta mà giải phóng cho ta, và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở nước ta đã chứng thực tư tưởng này của Bác là hoàn toàn đúng đắn và chính xác.

Với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, Đường Kách mệnh đã trình bày một cách hệ thống những vấn đề cơ bản của lý luận cách mạng, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối của cách mạng Việt Nam và trở thành cuốn “cẩm nang” gối đầu giường của thế hệ cách mạng đầu tiên của Việt Nam.

Đúng như tên gọi của nó, Tác phẩm đã vạch ra con đường cách mạng Việt Nam. Những thắng lợi huy hoàng của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong những năm qua đều bắt nguồn và gây dựng từ những giá trị lý luận cách mạng và khoa học của tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Những tư tưởng cách mạng có tính thuyết phục cao của tác phẩm còn có tác dụng cổ vũ, giáo dục các thế hệ thanh niên và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Có thể khẳng định rằng “Đường Kách mệnh” là một trong số các tác phẩm, mà những ý tưởng hàm chứa trong đó, không chỉ được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, độc đáo, sáng tạo mà còn có sức sống mãnh liệt. 95 năm trôi qua, nhưng ánh sáng từ “Đường kách mệnh” về con đường, phương pháp cách mạng; về vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng Đảng vững mạnh, nhất là các chuẩn mực đạo đức của người cộng sản ... trong “Đường Kách mệnh” vẫn giữ nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng hiện nay.

Với những người làm công tác Thông tin - Thư viện, “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài giá trị về tư tưởng, đạo đức cách mạng, còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lần đầu tiên được xuất bản thành sách năm 1927, “Đường kách mệnh” là tác phẩm minh chứng rõ nét nhất cho mối quan hệ gắn kết giữa sách và lịch sử cách mạng của dân tộc. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu sự hình thành của nền xuất bản cách mạng Việt Nam.

Một bước ngoặt quan trọng đáng lưu ý, thời điểm ra đời tác phẩm này cũng là một trong những dấu mốc quan trọng để Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. “Ngày sách Việt Nam” lần thứ 4 năm 2017 được tổ chức gắn liền với kỷ niệm 90 năm ngày ra đời tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Đây là một sự kiện văn hóa hết sức ý nghĩa về sách, báo Thư viện và phát triển Văn hóa đọc, tiếp nối truyền thống hiếu học, trọng tri thức của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã được kết tinh qua nhiều thế hệ. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân chính là động lực và công cụ chủ yếu để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội – Khát vọng phát triển đất nước, con người Việt Nam Phồn vinh - Hạnh phúc.

TV.

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 29816 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày