Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Chào Mừng Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20-10 Thứ Tư, 28/10/2015, 13:35

MỘT SỐ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH ĐIỂN HÌNH CỦA NỮ TÙ CHÍNH TRỊ Ở MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Cuộc đấu tranh tại nhà tù Thủ Đức vào tháng 8 năm 1969.

Nhà tù Thủ Đức là trại tù giam giữ đa số tù nhân là phụ nữ từ khắp các tỉnh từ miền Trung bộ, Trung Nam bộ, miền Tây và các tỉnh Đông Nam Bộ. Nói cách khác đây là một trại tù giam giữ anh chị em khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam với tên gọi mỹ miều “Trung tâm cải huấn Thủ Đức”, bao gồm các phòng giam như trại B.C.Đ.G.H.K.L.M.Y…v.v., giam giữ cao điểm từ 1200 – 1500 tù nhân. Trong đó số chị em phụ nữ đông hơn nam giới, số chống ly khai, chống chào cờ 3 que và chống các nội quy của địch từ 150 – 200 chị em bị giam cầm ở các trại biệt giam, trại kỷ luật và các xà lim giam cầm từ 2 – 3 chị, thậm chí có xà lim giam 01 chị, chỉ có 2 trại biệt giam tương đối nhốt đông người như trại Y, trại biệt giam Đ trên dưới 30 chị em, trên diện tích ước khoảng 30m2. Tính bình quân mỗi người sinh hoạt trên dưới 1m2.

Giữa năm 1969, địch mở chiến dịch 20/7 gọi là chiến dịch “uất hận”. Chúng đàn áp man rợ những chị nữ tù từ trại tạm giam các nơi chống chào cờ, không chịu khuất phục trước sự tra tấn của kẻ thù, chị em tiếp tục thực hiện hành động tuyệt thực, bọn quản lý nhà lao Thủ Đức do tên quản đốc Dương Ngọc Minh cầm đầu cùng bọn tay chân bộ hạ lôi các chị đang tuyệt thực ra đánh, các chị bị nằm xấp dưới đất sau đó bị đổ vôi bột lên người, trên thân thì bị đánh đập tới tấp. Địch bảo ly khai hay không, các chị vẫn lắc đầu, vì sức khỏe cạn kiệt trong giai đoạn đang tuyệt thực nên 3 chị trong số đó (chị Nguyễn Thị Tầm, Đặng Thị Rành (16 tuổi), Khổng Quế Kình) đã hy sinh.

Sôi sục hờn căm cả trại giam Thủ Đức chị em nổi dậy đập phá trại, đòi cứu chữa những người bị thương. Khẩu hiệu chống đàn áp “Đả đảo Dương Ngọc Minh”, “Đả đảo bọn phát xít giết người man rợ”, đòi trả xác tù nhân, đòi Dương Ngọc Minh (quản đốc trại giam Thủ Đức) đòi bồi thường nhân mạng cho tù nhân, làm lễ truy điệu long trọng cho các chị em hy sinh, ca bài “Tiến quân ca”, “Giải phóng miền Nam” liên tục vang lên. Chị em làm chủ trại giam từ vòng trong, đuổi bọn quản đốc, bọn tâm lý chiến, bọn tay sai khỏi khu vực làm việc hành chính của địch, và tự trang bị gậy gộc canh gác tự bảo vệ nhau. Tiếng la phản đối của nữ tù Thủ Đức làm chấn động cả trại giam trong suốt 3 ngày (từ 21 – 23/8/1969). Địch tổ chức phản công đưa mấy tiểu đoàn cảnh sát dã chiến đàn áp, trận ẩu đả giữa lực lượng cảnh sát dã chiến và chị em nữ tù diễn ra quyết liệt. Cuối cùng địch hốt hết chị em về nhà tù Chí Hòa.

Tuy vậy, thời gian này trận đấu tranh chính trị ở nhà tù Thủ Đức đã tạo lên lực lượng đông đảo chị em chống chào cờ ngày càng nhiều từ khoảng 150 người chống ly khai, đày qua nhà lao Chí Hòa xét về lượng tăng lên 342 chị em chống lại nội quy của địch, tạo thế và lực cho chị em nữ tù chẳng những đông về lượng mà cả về chất cũng như vững vàng hơn qua cuộc đấu tranh thử thách.

Cuộc đấu tranh tại Khám lớn Chí Hòa:

Sau trận đàn áp tù nhân nổi dậy ở Thủ Đức (từ ngày 21 – 23/8/1969), địch đày 342 chị qua khám Chí Hòa, bố trí 4 trại giam (ÔB1 – ÔB2 – ÔB3 và ÔB4). Chưa đầy 2 tuần sau được tin Bác Hồ ra đi, toàn thể chị em ở khám lớn Chí Hòa vừa sôi sục hờn căm địch vừa thương nhớ lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, tập thể quyết định để tang Bác 7 ngày: trang phục đồ đen khăn tang trắng, mỗi ngày chưa đầy 5 giờ sáng, 4 phòng đồng thanh hát bài “chào cờ”, giải phóng miền Nam và bài chiêu hồn liệt sĩ. Dù trong cảnh lao tù xiềng xích, lá cờ đỏ hiện ra giữa khám, trước cửa, băng tang trắng phủ rèm, trong bàn hương án trang nghiêm, hiên ngang “mọc giữa trái tim kẻ thù”.

Bọn địch xuống trại giam bảo “các bà làm thế này còn gì là chính thể quốc gia, vả lại ông Hồ mất do đau ốm chứ đâu phải bọn tôi làm gì mà các bà làm dữ lên vậy”. Tuy nói vậy nhưng địch không có phản ứng gì, có lẽ chúng thấy chị em đang đau đớn u uất vì sự mất mát quá lớn, bọn nó cũng không muốn tạo thêm sự căng thẳng mà chỉ để trong lòng chờ ngày phục hận.

Chính từ sự đấu tranh kiên quyết của chị em nữ tù đã lan sang cánh nam giới: anh em không thực hiện những gì bọn chúng đưa ra, khí thế cách mạng (dù trong cảnh đau buồn) dâng cao, hạ uy thế địch, bọn chúng rất căm giận nhưng cũng đành im hơi lặng tiếng để ta làm gì thì làm.

Cuộc đấu tranh tại nhà tù Tân Hiệp:

Nhà tù Tân Hiệp hay còn gọi là “Trung tâm huấn chính” hoặc “Trung tâm cải huấn” Biên Hoà có diện tích 3600 m2 nằm cạnh quốc lộ I (đối diện Bệnh viện tâm thần Biên Hoà), cách trung tâm thành phố Biên Hoà khoảng 2 km về phía Đông.

Tiền thân của nhà lao này là Trại tù binh chiến tranh do Thực dân Pháp xây dựng nhằm đàn áp phong trào cách mạng : Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lính Pháp tại Đông Dương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai và đến tháng 10 năm 1945 chúng đề ra chiến lược tái chiếm lại Biên Hoà. Quy mô chiến tranh ngày càng phát triển, trại giam Hố Nai không đủ sức chứa hết tù nhân nên Pháp mở rộng đồn binh Tân Hiệp và biến nó thành trại giam tù binh chiến tranh của tỉnh Biên Hoà.

Ngày 29/11/1969, bọn quản ngục Chí Hòa đàn áp lưu đày 342 nữ tù đi Côn Đảo giam giữ tại 60 chuồng cọp (trại 2). Qua đấu tranh quyết liệt của chị em ngày 30/10/1970 chúng đưa trở về đất liền trên 200 chị kết hợp với chị em có sẵn tại đây hình thành lực lượng chống chào cờ, chống ly khai trên 400 nữ tù, bố trí giam giữ tại 11 phòng giam chưa đầy 1 tháng sau (ngày 26/11/1970). Trước sự đấu tranh bức thiết của nữ tù bọn địch hẹn lần, hẹn lựa. Một hôm chúng tạo cớ đóng cửa phòng giam, cơm cháo chẳng đưa vào, nước uống lấy sạch ra. Trước sự sống còn chị em hô la phản đối, bọn trật tự tay sai ác ôn đàn áp gần 100 trái lựu đạn cay, khói cay bốc lên nồng nặc. Lực lượng thanh niên xung kích lao tới chụp lấy quang ra cửa cửa sổ hoặc dùng bao bố có nước chụp lấy lựu đạn cay. Thấy không xong địch treo lên nóc nhà, giở ngói thả lựu đạn cay xuống, hơi cay mù mịt ngột ngạt có chị bị ngất đi (d vừa ngộp, vừa nóng cháy da…). Cơ hội này bọn chúng múc nước tạt vào người chị em làm 100% bị phỏng, hơn 100 chị bị trọng thương, chúng phải chở đi cấp cứu tại bệnh viện, một số chị em không mặc quần áo do bỏng nặng, bò lết ngày đêm, chất độc hoành hành tàn phá thân thể, nóng bức cháy tim, tuột da nám mặt.

Thế là một cuộc đấu tranh tuyệt thực diễn ra, chị em oằn oại, phờ phạc tưởng chừng sẽ không qua nổi cái chết, 5 ngày tuyệt thực trôi qua, sợ 400 người chết sẽ gây biến động lớn, Bộ nội vụ của địch xuống mở lời giải quyết, nhưng bọn quản đốc trại giam ngoan cố (trưởng trại tên Cách) vô cùng quỷ quyệt, cố kéo dài tác động chiêu hồi, chúng điều động 1 đại đội bảo an và y tế sang trại 2 giúp sức cho chị em ăn uống sữa, cháo và truyền nước biển.

Sau 11 ngày tuyệt thực chị em quyết tử chứ không thể để cuộc đấu tranh thất bại. Liệu không xong chúng đành phải chấp nhận yêu sách của chị em. Kết quả cuộc đấu tranh của 416 nữ tù chính trị giành thắng lợi. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi mất mát: chị Võ Thị Chính bị thương phòng nặng hy sinh, một số chị không kiên trì nổi đành rời tập thể lớn. Đây cũng là quy luật tất yếu thắng bại của cuộc đấu tranh trên các chiến trường, nhà tù cũng là một trận địa, một chiến trường trong cuộc đọ sức cùng kẻ thù mà không cần vũ khí.

(Dựa theo lời kể của cô Trần Thị Hòa – Trưởng ban liên lạc Cựu tù chính trị tỉnh Đồng Nai)

 

Nguyễn Sen – Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2633 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày