Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Con Đường Huyền Thoại Thứ Năm, 15/09/2016, 08:10

CON ĐƯỜNG MANG TÊN PHAN ĐÌNH PHÙNG

Đất nước đã trải qua những bước thăng trầm, Phan Đình Phùng vẫn luôn là đại diện cho trí tuệ của dân tộc ta. Luôn nêu cao sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn và phát triển truyền thống ngàn năm văn hiến Việt Nam với bản sắc riêng, đậm đà tính dân tộc, sâu sắc tính nhân văn.

Ông sinh năm 1847 tại làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thông hiếu học, trọng đạo nghĩa, con cụ Phó bảng Phan Đình Tuyển; là em ruột các ông Tú tài Phan Đình Thông, Cử nhân Phan Đình Thuật và là anh ruột Phổ bảng Phan Đình Vận. Phan Đình Phùng thi đậu cử nhân năm 1876; năm sau 1877, đậu Đình nguyên Tiến sĩ, nên nhân dân địa phương cũng gọi là Cụ Đình.

Thời gian làm quan tuy chỉ có sáu năm (1877-1883) nhưng cụ đã nổi tiếng là một người cương trực. Sau khi thi đỗ, cụ được làm Tri phủ Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Lúc này có cha Sáu thường dựa vào thế lực của bọn Pháp ức hiếp dân lành, cụ đã sai lính nọc cổ tu sỹ lộng hành ra giữa công đường đánh cho 10 hèo. Cảm phục tinh thần thẳng thắn hiếm có, Tự Đức đã triệu cụ về kinh và sung chức Ngự sử ở Viện Đô sát. Với bản chất cương trực, cụ luôn làm hết chức năng của một vị quan ở Viện Đô sát, trên thì can gián vua, dưới thì đàn hặc các quan, giữ nghiêm phép nước, mà việc phát hiện sự gian dối của các văn võ đại thần trong việc tập bắn là một ví dụ. Năm 1882, cụ dâng sớ hạch tội Nguyễn Chánh, Kinh lược sứ, chỉ biết ra oai với dân lành, không quan tâm gì đến chính sự. Tự Đức đã triệu Nguyễn Chánh về kinh và phế bỏ chức Khâm sai làm Nguyễn Chánh vô cùng tức giận, tuy không làm được gì nhưng vẫn có dã tâm chờ cơ hội trả thù. Đến năm 1883, cụ thấy Tôn Thất Thuyết không làm theo di chiếu của Tự Đức mà phế bỏ Dục Đức lập Hiệp Hòa, cụ đứng lên phản đối và đã dám mắng Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết giữa cuộc họp có đủ mặt bá quan văn võ. Nếu như người khác thì đã bị Tôn Thất Thuyết chém đầu, nhưng nhận thấy ở Phan Đình Phùng một tinh thần cương trực hiếm có, đáng nể trọng nên chỉ cách hết chức và buộc cụ phải về quê làm dân thường.

Cụ về quê chưa được bao lâu thì đầu năm 1884, Tôn Thất Thuyết đã cử cụ làm Sơn phòng sứ, củng cố miền Tây Hà Tĩnh làm cơ sở cho việc chống Pháp sau này. Đến năm 1885,  hưởng ứng chiếu cần Vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập quân sĩ chống Pháp. Các anh hùng hào kiệt khắp bốn tỉnh miền Bắc Trung Kỳ tự nguyện liên kết lực lượng dưới quyền chỉ huy tối cao của Cụ Đình. Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại vùng núi rừng Hương Sơn, Hương Khê (Vụ Quang) hiểm trở, nhằm tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Địa bàn hoạt động rất rộng, bao gồm vùng Nghệ Tĩnh và một phần tỉnh Quảng Bình và tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ buổi đầu kháng chiến, Cụ đã có nhận thức đúng đắn: cần có sức mạnh của toàn dân mới có thể chiến thắng được quân thù có vũ khí hiện đại. Do đó, Cụ đã giao cho Cao Thắng lãnh trách nhiệm tổ chức và xây dựng phong trào ở Nghệ Tĩnh, còn cụ ra Bắc (1887) đặt quan hệ và vận động thống nhất các lực lượng chống Pháp ở cả hai miền. (Cao Thắng, người tùy tướng tài ba lỗi lạc của Cụ, sau mấy tháng trời lao động, ngày đêm tìm tòi, đã cùng các đồng chí chế tạo được súng đạn đánh Pháp, đặc biệt là súng trường kiểu “1874”, đồng thời cũng chăm lo giáo dục nghĩa quân tinh thần hăng hái hy sinh dũng cảm và ý thức tổ chức kỷ luật.)

Năm 1888, Phan Đình Phùng ở Bắc về, trực tiếp lãnh đạo phong trào; thanh thế của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh. Cụ chia nghĩa quân ra làm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 nghĩa binh, có đề đốc hoặc lãnh binh chỉ huy, riêng đại đồn Vụ Quang lúc nào cũng có 500 quân trở lên.

Chiến thuật, chiến lược của Cụ là dựa vào núi rừng hiểm yếu và công sự kiên cố để đánh giặc. Nhưng khác với lối đánh lập chiến tuyến cố định như của nghĩa quân Ba Đình (Thanh Hóa) trước đó, Cụ biết dùng căn cứ vững chắc phối hợp với lối đánh du kích để tiêu diệt quân thù. Nghĩa quân có căn cứ địa nhưng không thủ hiểm, luôn luôn phân tán hoạt động đánh đồn diệt viện, chặn đường giao thông; không phá được đồn thì nhử địch ra ngoài để tiêu diệt; dùng hố chông, cạm bẫy để đánh địch, do đó đã làm cho quân xâm lược nhiều phen thất điên bát đảo. Trận Vụ Quang tháng 10/1894, Phan Đình Phùng đã tập hợp lực lượng, đánh thắng một trận lớn đã làm cho bọn địch tổn thất nặng nề: 100 lính và ba sĩ quan địch bị tiêu diệt; nghĩa quân thu 50 súng và rất nhiều quân trang, quân dụng. Vì vậy, mặc dù phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, Cụ vẫn duy trì cuộc kháng chiến được mười năm, là thời gian dài nhất trong phong trào Cần Vương của nhân dân ta chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Trong sự nghiệp mười năm “Cần Vương chông Pháp”, Phan Đình Phùng luôn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, một lòng một dạ cứu nước, Cụ đã chiếm được lòng tin yêu của nghĩa quân và lòng kính mến của nhân dân. Giặc đem danh lợi ra mua chuộc Cụ, nhưng thất bại. Chúng dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần, Cụ không sờn lòng. Chúng bắt thân nhân, khai quật mồ mả tổ tiên, Cụ không nản chí. Câu trả lời khảng khái của Cụ trước mặt tên Lê Kinh Hạp tiễu phủ sứ, tay sai của giặc, khi hắn dọa bắn giết người anh ruột là Phan Đình Thông và đào mả tổ tiên, Cụ đã nói lên khí tiết của một vị anh hùng dân tộc: “Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to nên giữ là nước Việt Nam, tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị lâm nguy là mấy triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang lại phần mộ của tổ tiên riêng mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? về để cứu sống ông anh của riêng mình, thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?”.

Phan Đình Phùng kiên quyết kháng chiến, một lòng một dạ vì nhân dân, vì đất nước. Đến cuối năm 1895, trong một trận giao tranh ác liệt, Cụ bị thương và sau đó đã hy sinh tại quân doanh vào ngày 28/12/1895. Từ đó, phong trào Cần Vương của nhân dân ta coi như kết thúc, chấm dứt cả một thời kỳ đấu tranh vũ trang oanh liệt do các nhà sĩ phu văn thân yêu nước lãnh đạo.

Suốt cả cuộc đời, lúc làm quan hay bị cách chức đuổi về quê, rồi trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương, cụ Phan Đình Phùng luôn luôn là một tấm gương sáng chói về tình yêu nước và ý chí độc lập của dân tộc. Trong suy nghĩ và hành động của Phan Đinh Phùng, yêu nước gắn liền với thương dân và ông đã tìm thấy sức mạnh ở nhân dân để đánh giặc. Cụ là một ông quan tốt trên cả hai phương diện: Giữ trọn đạo vua tôi và biết chăm lo đến đời sống nhân dân. Điều tâm niệm sâu sắc của cụ là không bao giờ được phụ lòng dân, bởi nhân tâm đất Việt cao cả, quý giá vô ngần.

Phan Đình Phùng còn là một tấm gương sáng của một nhà nho cương trực, một vị quan thanh liêm, mực thước. Cụ không màng danh lợi, không sợ võ lực, sẵn sàng gác tình nhà lo việc nước, dù phải hy sinh tính mạng cũng cam lòng.

 Phan Đình Phùng, người chiến sỹ Cần Vương tiêu biểu đã ngã xuống trên đường tranh đấu ở tuổi bốn tám đầy sức sống. Sự thất bại của Phan Đình Phùng cũng như toàn bộ phong trào đấu tranh vũ trang cuối thế kỷ XIX gắn lền với những hạn chế giai cấp và thời đại. Nhưng điều đó hoàn toàn không làm mờ đi tính chất hào hùng của sự kiện tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc phạm trù tư sản mà Phan Bôi Châu là ngọn cờ đầu cũng như phong trào cách mạng vô sản mà người lãnh đạo tiêu biểu nhất Hồ Chí Minh, đều khởi nguồn và phát triển trên mảnh đất yêu nước màu mỡ của dân tộc Việt Nam đã được bồi đắp qua nhiều thế hệ, trong đó có đóng góp xứng đáng của nhà tri thức chân chính Phan Đình Phùng. Nói đến lịch sử nước ta thời Cần Vương, chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến Phan Đình Phùng với tấm lòng trân trọng. Người ghi nhận: “Phan Đình Phùng là một học giả nổi tiếng và một vị quan to. Ở Trung Bộ, cụ là người chí sĩ yêu nước đầu tiên đứng lên chống bọn đế quốc Pháp xâm lược, trải qua chín, mười năm. Tuy cụ đã mất, nhưng tên tuổi cụ trở thành tượng trưng cho lòng yêu nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự khâm phục, tôn kính Phan Đình Phùng, bởi vì theo người, sự hy sinh của cụ góp phần làm cho Tổ quốc sống lại, lòng can đảm của cụ là bất diệt.

Hiện nay, tên Phan Đình Phùng được dùng để đặt tên cho trường học, đường phố tại nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước Việt Nam. Trong đó ở Biên Hòa Đồng Nai có con đường mang tên Phan Đình Phùng, đường nối với đường Cách Mạng Tháng Tám đi qua đường Nguyễn Ái Quốc kéo dài ra đường giáp ranh với Sân Bay Biên Hòa. Đường Phan Đình Phùng nằm trong ba phường đó là: phường Thanh Bình, phường Trung Dũng, phường Quang Vinh.

 

Nguyễn yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 666 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày