Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Con Đường Huyền Thoại Thứ Ba, 13/09/2016, 08:45

CON ĐƯỜNG MANG TÊN VÕ TRƯỜNG TOẢN

Võ Trường Toản là danh nhân được nhiều người biết đến, cụ là nhà nho nổi tiếng ở Nam Bộ trong thế kỷ XVIII. Thầy Võ Trường Toản vốn quê ở vùng Quảng Đức, tỉnh Thừa Thiên sau đó di cư vào thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh).

Nhờ chuyên cần học tập nên ông trở thành một học giả nổi tiếng ở Gia Định. Tuy nhiên ông không màng đến chuyện thi cử công danh mà chỉ đam mê cuộc sống ẩn dật thanh cao. Người dân trong vùng mến mộ tài năng, đức độ của ông nên đã gửi con em tới xin dạy bảo. Dần dần số học sinh theo học ngày càng đông nên ông phải mở trường để dạy. Ông được đánh giá là một thầy giáo xuất sắc ở vùng Nam Bộ. Học trò của ông có nhiều người là những học giả nổi tiếng như: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lã Quang Đinh mà người đời gọi là “Gia Định tam gia thi” (ba nhà thơ nổi tiếng đất Gia Định), Ngô Tùng Châu, Lê Bá Phẩm,…. Những nho sĩ tiết tháo thuộc thế hệ sau như: Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị… cũng chịu ảnh hưởng về đạo đức, học phong, sĩ khí của nhà giáo họ Võ. Vua Gia Long nhiều lần mời ông ra làm quan nhưng ông từ chối, nhà vua mến phục ông nhưng không nài ép, lại còn ban cho ông danh hiệu “Gia Định xử sỹ”.

Những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Võ Trường Toản được ghi lại khá cụ thể trong một tấm bia do Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông soạn. Theo bài văn bia và một số tư liệu khác, người ta thấy rằng Võ Trường Tỏan là thầy giáo có những quan niệm về giáo dục khá đặc biệt. Ông dạy học trò không phải để đi thi, để lấy danh phận, địa vị. Trong quan niệm giáo dục truyền thống, ông rất tin tưởng vào Nho học. Tuy nhiên ông vận dụng lý thuyết giáo dục của Mạnh Tử nhiều hơn là Khổng Tử. Ông đã đem tư tưởng Mạnh Tử kết hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam đặc biệt là truyền thống quật cường của người dân Nam bộ để tạo thành một lối triết lý rất độc đáo. Võ Trường Toản nêu ra hai phương pháp rèn luyện là “Tri ngôn”“Dưỡng khí”. “Tri ngôn” thể hiện ở sự học tập và thâu tóm kiến thức thực dụng: Biết cho ra biết, biết để mà làm, “Dưỡng khí” là sự nuôi dưỡng, rèn luyện chí khí anh hùng.

Trong quá trình dạy dỗ học trò, Võ Trường Toản thường đem những tấm gương sáng trong lịch sử để làm ví dụ minh họa. Chính vì vậy mà cách giáo dục của ông đã đem lại hiệu quả khá cao và rất nhiều học giả đều thống nhất tôn Võ Trường Toản là bậc tôn sư.

Người đời còn xưng tụng ông là “Vạn thế sư biểu”, ngoài sự nghiệp trồng người, ông còn là một nhà thơ, trước tác của nhà thơ đã thất lạc, chỉ còn lưu truyền duy nhất một bài Phú “Hoài cổ” với 24 “đôi câu”. Bằng bút pháp cổ điển - những điển tích, hình ảnh đều lấy từ sử sách của Trung Hoa, ông muốn ôn chuyện cũ để giáo huấn người đời về “lòng nhân nghĩa”. Trong sự thăng trầm, biến đổi của xã hội, chỉ có lòng nhân nghĩa mới là cái trường tồn đích thực.

Võ Trường Toản mất ngày mùng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý (nhằm ngày 27-7-1792), Vua Gia Long truy phong ông là “Gia Định xử sỹ Sùng Đức Võ tiên sinh” (bậc xử sĩ học Võ, người Gia Định sung về đức độ) khắc vào bia mộ. Hai thế kỷ sau, nhà chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng đã đánh giá rằng: “Ngàn năm học thánh bia Sùng Đức” để ca ngợi tài năng, công lao của Võ Trường Toản. Và để tưởng nhớ công đức của thầy, học trò cũ của ông có đôi liễn tưởng niệm:

“Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử

Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong”

Dịch:

Lúc sống dạy dỗ được người, không con mà như có

Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn

Khi ông mất, mộ ông được táng tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Dù không phải là học trò của Võ Trường Toản nhưng Phan Thanh Giản hết lòng kính trọng ông như thầy, luôn tưởng nhớ tới đức độ cao dày của ông, nên khi thực dân Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, vì không muốn mộ ông nằm trong khu vực bị giặc chiếm nên Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông đã chủ trương dời mộ ông về tại làng Bảo Thanh, thuộc tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Điều này cũng đủ thấy uy tín của Võ Trường Toản trong giới trí thức lúc bấy giờ là rất lớn.

Hiện nay, mộ nhà giáo Võ Trường Toản được xem là một trong những điểm du lịch ở Bến Tre có ý nghĩa rất đặc biệt. Với đức độ cũng như tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, vào hàng năm người dân địa phương cũng như khách thập phương thường đến đây để viếng bái đều khâm phục con người tài đức như ông. Di hài của vợ và con gái cũng được cải táng cạnh mộ của ông. Ngày 24/1/1998, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 95/QĐ-BVHTTDL cộng nhận di tích mộ Võ Trường Toản là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Võ Trường Toản xứng đáng là một người thầy của những thế hệ người thầy. Ông không ra làm quan nên không có sự nghiệp chính trị nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn sống mãi với người đời qua nhiều thế kỷ và cho đến ngày nay. Khi nhắc đến Võ Trường Toản, các nhân sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu đều gọi ông là “Cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ”.

Để tưởng nhớ đến công lao dạy dỗ giáo dục của ông dành cho thế hệ trẻ đất miền Đông Nam Bộ, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai đã lấy tên của ông đặt tên đường Võ Trường Toản, phường Bửu Long, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (giáp với đường Chu Văn An, gần ngay Văn Miếu Trấn Biên). Ngay cạnh con đường mang tên ông là Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng lại vào năm 1998, nơi đây thờ phụng các danh nhân văn hóa – giáo dục như: Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Chu Văn An,… là những tên tuổi làm rạng rõ vùng đất phương Nam và đồng thời tô điểm thêm truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc. Ngoài ra, tên của ông cũng được đặt tên cho trường cấp 2 là Trường THCS Võ Trường Toản, phường Tân Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai.

 

 

_Thanh Vân_

 

 

 


Số lượt người xem: 688 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày