Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
70 Năm Quốc Hội Việt Nam Thứ Ba, 05/01/2016, 14:10

Quốc hội Việt Nam - Những thành tựu nổi bật

 

           Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành theo chế độ phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, để lựa chọn và bầu ra Quốc hội. Quốc hội đã lập ra Chính phủ chính thức và ban bố Hiến pháp của nước Việt Nam mới. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử là kết quả của sự đóng góp, hy sinh, tranh đấu của dân tộc trong gần một thế kỷ.
            Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Là nơi hội tụ đại biểu từ khắp mọi miền đất nước, từ những nhà cách mạng đầy nhiệt huyết đến đại diện các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp, các thành phần dân tộc, tôn giáo... Quốc hội là biểu tượng của độc lập, dân tộc, thống nhất đất nước và đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thân của ý chí kiên cường và nghị lực phi thường của dân tộc Việt Nam.
            Tuyên ngôn của Quốc hội Việt Nam, ngày 2/3/1946 có ghi: “…Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam ở trong tay Quốc hội Việt Nam… các dân tộc ở trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau”. Chính vì vậy, trong điều kiện cùng với nhân dân cả nước thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến, Quốc hội khóa I là một nhiệm kỳ đặc biệt, hoạt động kéo dài gần 15 năm (1946 - 1960). Trong nhiệm kỳ đó, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Ðây là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế nhà nước cách mạng trong thời đại mới. Tiếp đó, trong thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà vô cùng ác liệt, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 1959 tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, ngày 25 tháng 4 năm 1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI đã được tiến hành trên cả nước. Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
            Trong các giai đoạn của cách mạng, kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã tiếp tục ban hành Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, và Hiến pháp 2013 – Hiến pháp của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đánh dấu những dấu mốc phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam.
            Trải qua tròn 70 năm hình thành và phát triển, cùng với 13 khóa hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp cách mạng nước nhà, với nhiều bài học quý báu được rút ra trong quá trình quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu cho mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
            Trong đó, hoạt động lập pháp ngày càng được quan tâm để nâng cao chất lượng của các văn bản luật, pháp lệnh nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ðồng thời củng cố, hoàn thiện bộ máy nhà nước góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Giáo dục đào tạo tiếp tục tăng nhanh và được đầu tư nhiều hơn; Cơ sở vật chất được tăng cường; Quy mô đào tạo tăng nhanh và tương đối đều, khoa học và công nghệ góp phần tích cực vào việc hoạch định đường lối, chính sách, điều tra, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh; Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đạt những bước tiến lớn, rất quan trọng trong hội nhập kinh tế, quốc tế; Một số sản phẩm của Việt Nam đã có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và khu vực…
            Hoạt động giám sát có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Nhiều cách thức tổ chức hoạt động giám sát mới như lấy phiếu tín nhiệm, xem xét báo cáo về việc thực hiện các vấn đề chất vấn, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã được triển khai áp dụng và bước đầu đã phát huy tác dụng. Quốc hội cũng đã thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, chính sách dân tộc, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... đã góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển đất nước.
            Với những thành tựu mà Quốc hội Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua đã góp phần đưa đất nước ta ngày một phát triển, đời sống của nhân dân ngày một khởi sắc, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm. Điều đó đã khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.
            Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam cũng là dịp Quốc hội Việt Nam bầu ra các đại biểu Quốc hội khóa mới (khóa XIV), tin tưởng với đường lối đổi mới đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam, được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân trong và ngoài nước, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của 70 năm qua, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
 
Đinh Nhài

Số lượt người xem: 1847 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày