Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
70 Năm Quốc Hội Việt Nam Thứ Tư, 06/01/2016, 08:00

CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN NĂM 1946 – NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ

 Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công như một luồng gió mới thổi vào mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, đem lại quyền làm chủ cho mỗi công dân. Sự kiện này đã đập tan ách phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ðảng ta từ khi ra đời bị khủng bố dã man, đã trở thành đảng lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo xã hội.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. 

Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ  Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. 

Ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành sắc lệnh tổng tuyển cử trong cả nước. Đáp lại lời hiệu triệu thiêng liêng của Tổ Quốc, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng chờ đợi bấy lâu nay, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ, tôn giáo... đã dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại - ngày 06/01/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu.

Từ sáng sớm ngày 6/1/1946, nhân dân Hà Nội đã nô nức đi bỏ phiếu với nét mặt hân hoan, áo quần tươi sắc. Hồ Chủ tịch và các vị trong chính phủ cùng đi bỏ phiếu với nhân dân tại các trụ sở khu phố. Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tuy còn chiến tranh nhưng vì nền Độc lập của Tổ quốc, vì sự nghiệp Kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng cùng vi lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Nhà nước dân chủ cộng hòa, toàn thể nhân dân đã tham gia bỏ phiếu.

Đã có 6/74 ứng cử viên của Hà Nội trúng cử đại biểu Quốc hội, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% số đại biểu không đảng phái, 87% đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất (phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín) đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ.

Thắng lợi này là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Lần đầu tiên, nhân dân Việt Nam được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân bắt đầu được hưởng quyền dân chủ của mình.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ nước ta có Quốc hội, có một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử thể hiện niềm tin sắt đá của toàn dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch. Nó biểu dương sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, đập tan bọn phản động, xây dựng chế độ xã hội mới. Quốc hội đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Quốc hội Việt Nam ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên là: “Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập tự do cho Tổ quốc”. Thắng lợi như một đòn mạnh vào âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của bọn đế quốc phản động. Mỗi lá phiếu của người dân thực sự có sức mạnh như một viên đạn bắn vào kẻ thù.

Giá trị lịch sử của Quốc hội khóa I chính là giá trị đổi đời, từ đời nô lệ phụ thuộc thực dân sang làm chủ, giành lấy quyền, giành lấy độc lập, giành lấy tự do của  một dân tộc mà không phụ thuộc vào bên ngoài. Giá trị của Quốc hội khóa I là một tổ chức có sự động viên huy động sức mạnh của cả dân tộc để kháng chiến. Là giá trị của độc lập, của tự do không bị phụ thuộc nước ngoài. Trong điều kiện cả nước vừa phải hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc vừa phải từng bước thực hiện cải cách dân chủ, Quốc hội khóa I đã góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Quốc hội đã thông qua danh sách Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên mở ra tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các thế hệ đại biểu luôn kế thừa và phát huy những thành quả mà Quốc hội VN đã gây dựng và đạt được.

Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã bước vào khóa thứ XIII. Quốc hội tập trung nhiều công sức, trí tuệ và thời gian để tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp. Quy trình xây dựng pháp luật đã được đổi mới. Số lượng văn bản luật được ban hành trong mỗi kỳ họp ngày càng nhiều hơn và với chất lượng ngày càng cao. Các văn bản luật được ban hành đã quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc phát triển đất nước. 

Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, về tổ chức bộ máy nhà nước, về nhân sự, về kinh tế-xã hội, đối ngoại… Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng đã được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát. 

Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội tiếp tục được đổi mới và ngày càng thực chất hơn; các phiên họp này đã được phát thanh và truyền hình trực tiếp, không khí cởi mở, đối thoại thẳng thắn, trách nhiệm giữa người chất vấn và người trả lời, được nhân dân quan tâm theo dõi và hoan nghênh. 

Các hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ hơn và đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

Nguyễn Sen

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1630 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày