Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
70 Năm Quốc Hội Việt Nam Thứ Năm, 21/01/2016, 14:40

Chủ tịch Quốc hội qua các kỳ Đại hội

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là người đứng đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cơ quan thường trực của Quốc hội Việt Nam. Quốc hội bầu ra Chủ tịch Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội và có cùng nhiệm kỳ với Quốc hội cùng khóa. Chủ tịch Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ, làm việc theo chế độ chuyên trách. Chủ tịch Quốc hội mỗi khóa thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới.

 Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra vào năm 1946 đến nay, Quốc hội trải qua 13 lần đại hội, với 10 chủ tịch quốc hội. Bài viết mong muốn giới thiệu sơ lược về các vị chủ tịch quốc hội qua các thời kỳ. Danh sách Chủ tịch Quốc hội:

1. Đồng chí Nguyễn Văn Tố: Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I từ 2/1946 – 11/1946

Cụ Nguyễn Văn Tố sinh năm 1889 trong một gia đình nhà Nho ở làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là giai đoạn khó khăn, thử thách nhất của nhà nước non trẻ mới được thành lập. Trong cuộc Tổng tuyển cử tự do, dân chủ và đoàn kết đầu tiên, cụ Nguyễn Văn Tố đã trúng cử. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội vào ngày 2/3/1946, cụ đã được bầu làm Trưởng ban thường trực Quốc hội – Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội ngày nay.

Từ khi được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ đã sát cánh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh cổ vũ, động viên nhân dân ta vững bước vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước và xây dựng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam non trẻ. Cụ đã hoàn thành tốt trọng trách lớn lao mà nhân dân giao phó.

2. Đồng chí Bùi Bằng Đoàn – Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I từ tháng 11/1946 đến tháng 4/1955

 Ông là một nhân sĩ, quê ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Ông đỗ cử nhân năm 1906, sau đó là tri huyện rồi tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, Ông làm Thượng thư Bộ Hình (Tư pháp), đồng thời tham gia Viện Cơ mật của triều đình Huế. Tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp, ông về sống ở Hà Đông.

 Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I của tình Hà Đông (cũ) rồi được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội.

 Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (11/1946), ông được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Ông là thành viên trong Ban sáng lập ra Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946) cho đến năm 1948, ông được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm được ở bên cạch Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Ông từ trần ngày 13/4/1955 và được Hội đồng Chính phủ truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.

3. Đồng chí Tôn Đức Thắng - Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I từ 9/1955 đến 7/1960

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình nông dân khá giả tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, Tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên. Năm1906, sau khi học xong bậc sơ học ở trường tiểu học Long Xuyên, Tôn Đức Thắng rời quê lên Sài Gòn và trở thành chiến sĩ cộng sản tiêu biểu trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp. Tại Sài Gòn, ngoài học việc và làm thợ ở nhiều nơi, đồng chí còn tham gia vào nhiều phong trào cách mạng như: cuộc bãi khóa của học sinh trường Cơ khí Á Châu, đòi thực hành quy chế của trường, chống đánh đập học sinh; tham gia phản chiến bằng hành động kéo lá cờ đỏ lên cột cờ chiến hạm; vận động những người có cùng chí hướng thành lập Công hội bí mật; tham gia vào cuộc bãi công của công nhân ở Ba Son;…

Trong những năm hoạt động cách mạng gian khổ, đồng chí đã được Đảng và nhân dân tin tưởng giao nhiều chức vụ quan trọng như: Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Tổng thanh tra của Chính phủ và quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Trưởng Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Xô; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;… Năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI- Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;…

4. Trường Chinh – Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa II, III, IV, V,VI từ năm 1960 đến năm 1981

Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu sinh năm 1907, mất năm 1988  tại Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sau khi học song cấp III, ông lên Hà Nội học trường Cao đẳng Thương mại và tham gia rất nhiều vào hoạt động cách mạng như: đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá Phan Bội Châu; lãnh đạo bãi khoá truy điệu Phan Châu Trinh;... Đặc biệt, đồng chí Trường Trinh được nhân dân bầu làm Chủ tịch quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam các khóa: II, III, IV, V từ năm 1960 đến năm 1981.

Bên cạnh những đóng góp to lớn về lý luận, tổ chức và xây dựng Mặt trận thống nhất dân tộc, Mặt trận đoàn kết quốc tế, đồng chí Trường Chinh còn có những đóng góp xuất sắc về phương pháp, nghệ thuật chỉ đạo cách mạng, lý luận về khởi nghĩa giành chính quyền, về chiến tranh nhân dân, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa và về công tác tư tưởng, công tác văn hóa - văn nghệ của Đảng.

5. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Quốc hội khóa VII từ năm 1981 đến năm 1987

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, sinh ngày10/7/1910 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An trong một gia đình công chức. Ông mất năm 1996 tại Chợ Lớn, Sài Gòn. Ông tốt nghiệp trường luật tại Pháp và trở về nước năm 1933. Hành nghề luật sư khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và bảo vệ người dân vô tội trước tòa án thực dân.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Ông đã tham ra rất nhiều phong trào cách mạng như: vận động các luật sư, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo, nhà báo... ký tên vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn gửi Chính phủ Pháp, đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam do Việt Minh lãnh đạo; tham gia Mặt trận Liên Việt; kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; hoạt động trong phong trào trí thức;... 

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm bầu vào nhiều chức vụ quan trọng: Đại biểu Quốc hội khóa 6, 7, 8, Chủ tịch Quốc hội, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,... Bằng kiến thức chuyên môn luật học, ông đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Hiến pháp mới, xây dựng pháp luật, xây dựng Bộ Luật Dân sự, xây dựng Nhà nước Việt Nam...

Với sự cống hiến to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và công cuộc xây dựng đất nước trong thời bình, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ những phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến, Huy chương Vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân.

6. Đồng chí Lê Quang Đạo - Chủ tịch Quốc hội khóa VIII từ năm 1987 đến năm 1992

 Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8-8-1921, trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại quê hương quan họ, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí tham gia Đoàn Thanh niên dân chủ, Thanh niên phản đế và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ Cộng sản đầu tiên của quê hương. Giữa năm 1941, đồng chí thoát ly gia đình, tham gia công tác cách mạng, là Ủy viên Ban cán sự Đảng phủ Từ Sơn.

Với những cống hiến to lớn trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, đồng chí được Đảng và nhân dân giao nhiều trọng trách lớn lao như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng; Bí thư Trung ương Đảng kiêm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Bí thư Đảng đoàn Mặt trận và tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983); Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII (1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước;…

Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã dốc sức cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với nhiều đồng chí khác, Ông soạn thảo ra Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được Quốc hội thông qua, nhằm nâng cao vai trò của Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước, góp phần thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Lê Quang Đạo đã sống và cống hiến cho đất nước đến hơi thở cuối cùng và để lại cho cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang tấm gương cao đẹp về nhân cách một người cộng sản Việt Nam mẫu mực - một người đồng chí gần gũi khiêm tốn, chân thành thủy chung đầy lòng nhân ái, sống giản dị trong sáng - một cán bộ lãnh đạo hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng và nhân dân.

7. Đồng chí Nông Đức Mạnh - Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa IX từ năm 1992 đến năm 1997

Đồng chí Nông Đức Mạnh sinh ngày 11 tháng 9 năm 1940 ở xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ông xuất thân trong gia đình nông dân, dân tộc Tày, tham gia hoạt động cách mạng năm 1958, rồi vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 5 tháng 7 năm 1963.

Từ năm 1958 đến năm 1961, ông học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương Hà Nội. Hai năm sau đó, ông là công nhân lâm nghiệp, kỹ thuật viên điều tra rừng Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, sau đó là đội phó đội khai thác gỗ Bạch Thông. Sau khi du học tại Học viện Lâm nghiệp Leningrad, ông về nước làm phó ban thanh tra Ty lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái, rồi làm giám đốc Lâm trường Phú Lương (Bắc Thái). Năm 1974 ông học ở Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Sau đó được bầu làm trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái; Tỉnh Ủy viên, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Thái; bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái; Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trưởng Ban Dân tộc Trung ương;… rất nhiều trọng trách lớn lao khác. Đặc biệt, tháng 9 năm 1992, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa IX – Cơ quan quyền lực nhất của Đảng và nhà nước. Sau đó tháng 9 năm 1997, ông tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa X.

8. Đồng chí Nguyễn Văn An - Chủ tịch Quốc hội khóa X từ năm 1997 đến năm 2002

Đồng chí Nguyễn Văn An sinh ngày 1/10/1937 tại Mỹ Tân, ngoại thành Nam Định, tỉnh Nam Định. Sau khi học song cấp III, ông vào làm ở Nhà máy Điện Hà Nội. Năm 1963 ông sang Liên Xô du học và là Chi ủy viên Chi bộ lưu học sinh thành phố. Sau khi về nước ông công tác tại Công ty Điện lực Hà Nội rồi chuyển về Sở Điện III (Nam Định), là Bí thư chi bộ, Đảng ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Đảng ủy.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

9. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quốc hội khoá XII từ năm 2007 đến năm 2011

Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, xuất thân trong gia đình nông dân ở xã Ðông Hội, huyện Ðông Anh, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967 và vào làm tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí cộng sản). Đến năm 1976 ông tốt nghiệp Khoa Kinh tế – Chính trị, Trường Ðảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Sau đó ông làm Phó Bí thư chi bộ Ban Xây dựng Ðảng của Tạp chí Cộng sản rồi làm Phó Trưởng ban Xây dựng Ðảng; Trưởng Ban Xây dựng Ðảng của Tạp chí Cộng sản; Phó Bí thư Ðảng ủy; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Trong cuộc đời hoạt động chính trị, ông đã đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt nam các khóa VII, VIII, IX, X; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Cán sự Ðại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Bộ chính Trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X; Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV; Ðại biểu Quốc hội các khóa XI, XII; Bí thư Ðảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh;…

Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, đồng chí đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI.

10. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội khoá XIII từ năm 2011 - 2016

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng sinh ngày 18/01/1946, tại Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông học cấp 1 và 2 ở Nam Đàn, sau đó ra Hà Nội học cấp 3 tại trường Việt Đức. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tài chính và Kế toán (nay là Học viện Tài chính), ông được tuyển dụng làm cán bộ của Ngân hàng Kiến thiết Trung ương, Bộ Tài chính. Năm 1978, ông tham gia nghiên cứu sinh tiến sỹ về Kinh tế tại Bungari và là Bí thư Chi bộ khối Kinh tế khóa nghiên cứu sinh người Việt tại Bungari.

Tại Đại hội Đảng lần thứ X, XI ông đều được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 11 năm 1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bí thư Ban Cán sự Ðảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngày 23 tháng 7 năm 2011 ông được quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XIII.

 

 

Đào Thanh – Tổng hợp

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1236 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày