Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Năm, 23/05/2019, 08:05

Kế hoạch Nava: Sự ra đời và dấu chấm hết

Kế hoạch Nava là kế hoạch quân sự do Tổng chỉ huy quân đội Liên hiệp Pháp (Navarre) ở Đông Dương đưa ra nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương, với hy vọng trong 18 tháng sẽ “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Trải qua 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp thiệt hại ngày càng nặng nề. Đến năm 1953, Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 39 vạn quân, tiêu tốn hơn 2000 tỉ phrăng. Vùng chiếm đóng của thực dân Pháp bị thu hẹp. Quân Pháp trên chiến trường ngày càng  lâm vào thế phòng ngự bị động. Trước tình thế sa lầy và bị động của Pháp, Mĩ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương, ép Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh, tích cực chuẩn bị thay thế Pháp.

Ngày 7/5/1953, được sự thỏa thuận của Mĩ, chính phủ Pháp cử tướng Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Navarre sang Đông Dương nhận bàn giao nhiệm vụ mới, gánh vác trọng trách thay đổi lại tình hình Đông Dương. Chỉ sau một thời gian ngắn sang Đông Dương, tướng Nava đã cho ra đời một bản kế hoạch quân sự mới quy mô lớn với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Kế hoạch Nava được thực hiện theo hai bước:

Bước 1: Trong Thu - Đông 1953 và Xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược trên chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược để “bình định” miền Trung và miền Nam Đông Dương, giành lấy nguồn nhân lực, vật lực; xóa vùng tự do Liên khu V, đồng thời ra sức mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực, xây dựng quân đội cơ động chiến lược mạnh.

Bước 2: Từ Thu - Đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường miền Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho chúng nhằm “kết thúc chiến tranh”.

Bản kế hoạch Navarre ra đời với những ưu điểm vượt trội đã đem lại niềm tin và hy vọng cho cả Pháp và Mỹ. Báo chí đã dùng không ít những từ ngữ khoa trương để ca ngợi vị chỉ huy mới này.

Để Thực hiện kế hoạch Navarre, Pháp xin Hoa Kỳ tăng thêm viện trợ quân sự (gấp hai lần so với trước, chiếm 73% chi phí chiến tranh ở Đông Dương), tăng thêm ở Đông Dương 12 tiểu đoàn bộ binh, tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động mạnh gồm 44 tiểu đoàn (trong tổng 84 trên toàn Đông Dương), ra sức tăng cường ngụy quân, tiến hành cuộc càn quét nhằm bình định vùng chiếm đóng, mở rộng hoạt động thổ phỉ, biệt kích ở vùng núi biên giới phía Bắc, mở ra cuộc tấn công lớn vào Ninh Bình, Thanh Hóa .... để phá kế hoạch tấn công của ta.

Ngày 15 tháng 10 năm 1953, Navarre đã điều động 22 tiểu đoàn đánh ra Tây Nam Ninh Bình với cuộc hành quân mang tên Hải Âu, trong trận đánh này có một đại đoàn do De Castries chỉ huy. Sau đó một số tiểu đoàn khác đổ bộ lên bờ biển Thanh Hóa, hoạt động chiến tranh tâm lý ở khu 4… Những cuộc hành quân trên của Navarre nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của đối phương vào đồng bằng Bắc Bộ.

 Về phía Việt Nam, sau khi đánh giá và phân tích bản kế hoạch quân sự quan trọng của Pháp đã có những chỉ đạo để đối phó. Vào mùa khô 1953 - 1954, bộ đội chủ lực Việt Nam kết hợp với lực lượng địa phương mở những cuộc tấn công vào những hướng chiến lược nhằm giải phóng đất đai và buộc Pháp phải phân tán lực lượng cơ động để đối phó. Trên chiến trường Bắc Bộ chuyển hướng tấn công lên Tây Bắc, tiêu diệt quân đồn trú đang đóng ở Lai Châu, uy hiếp địch ở Thượng Lào, tiến đánh Trung Lào và Hạ Lào. Ở khu 5, đánh Bắc Tây Nguyên để tiêu diệt sinh lực quân đối phương và bảo vệ vùng khu 5 một cách hiệu quả. Các chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ cũng được đẩy mạnh với các cuộc chiến tranh du kích. Hướng chính trong giai đoạn này là Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào và Tây Nguyên.

Như vậy, những tính toán để bảo vệ một số vùng chiếm đóng của Navarre đã không nhận được kết quả như mong muốn. Sự thất bại của cuộc hành binh Hải Âu làm cho Navarre bế tắc. Lúc này, bản kế hoạch của Navarre đã lộ rõ nhiều sơ hở. Mấy tiểu đoàn Pháp còn lại ở Lai Châu bị lọt thỏm giữa vùng rừng núi Tây Bắc bao la và luôn đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Mặt khác, con đường số 6 đi Hoà Bình, Sơn La, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ đang không có vật cản, rất dễ dàng cho Việt Minh đánh chiếm mà không bị cản trở. Trước đó từ cuối tháng 7, Navarre đã có những trăn trở về việc thiết lập những căn cứ “lục - không quân hỗn hợp” hoặc những “căn cứ trận địa” để bảo vệ trực tiếp nước Lào nhưng chưa biết đặt căn cứ đó ở đâu. Suy đi tính lại, Navarre chợt nhớ lời của Salan về cái thung lũng Điện Biên Phủ.

Ngày 2 tháng 11 năm 1953, Nava đã chỉ thị cho Cônhi từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 11, chậm nhất là ngày 1 tháng 12, phải đánh chiếm Điện Biên Phủ bằng kế hoạch hành binh mang tên Caxstor để thiết lập một điểm ngăn chặn bảo vệ cho Thượng Lào. Đây chỉ là một hành động dự phòng, nhằm che chở cho Lai Châu và Thượng Lào khỏi bị uy hiếp và nắm lấy số lúa gạo đáng kể trên cánh đồng Mường Thanh có thể lọt vào tay đối phương. 

Ngày 29 tháng 11 năm 1953, lần đầu lên thăm Điện Biên Phủ, viên Tổng chỉ huy Navarre đã tận mắt nhìn thấy một vị trí đặc biệt quan trọng của thung lũng này cả về quân sự và kinh tế. Điều đó càng củng cố thêm quyết tâm biến nơi đây thành một lô cốt chiến lược của quân đội Pháp. Chỉ mấy ngày sau (3/2), bản mệnh lệnh số 949 bằng giấy trắng mực đen do chính Navarre ký được chuyển đến cơ quan tham mưu và những người có liên quan về chiến lược mới của vị Tổng chỉ huy.

Sau khi đưa quân lên Điện Biên Phủ để bảo vệ Tây Bắc và Thượng Lào không thành công, ngày 5 tháng 3 năm 1954, Na-va quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh với lực lượng lúc cao nhất lên đến 16200 tên, được bố trí thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, chấp nhận một cuộc quyết chiến chiến lược tại đây và sẵn sàng “nghiền nát” bộ đội chủ lực của ta. Như vậy, từ chỗ không có trong kế hoạch, Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm của kế hoạch Na-va.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch cũng như điều hành kế hoạch chiến lược của mình, tướng Nava đã không lường hết hoặc không đánh giá đúng bản chất của tất cả những điều kiện trên. Đảng ta với tài thao lược và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, luôn giữ vững thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Tập trung lực lượng, mở những cuộc tấn công vào các hướng địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một phần sinh lực, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta và “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, đánh ăn chắc và tiến ăn chắc” ta đã từng bước đánh bại kế hoạch Nava, dồn viên tổng chỉ huy quân viễn chinh pháp đi từ bất ngờ và thất bại này đến bất ngờ và thất bại khác khi Kế hoạch Nava mới được triển khai 10 tháng đã bị phá sản (7/1953-5/1954).

Những ngày này, 65 năm về trước kế hoạch mang tên của viên tướng trẻ quân viễn chinh Pháp Navarre đã thất bại ngay trên chiến trường Điện Biên Phủ. Nhân kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại này, xin được nhắc lại nhằm khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, tài thao lược, nghệ thuật quân sự sắc bén trong phương pháp đánh giá tình hình và xác định chủ trương tác chiến cả chiến lược và chiến dịch của đảng ta đã tạo ra cho quân và dân ta những khả năng mới vô cùng to lớn làm đảo lộn mọi ý đồ chiến lược của địch và phá sản kế hoạch Na va, góp phần đưa nghệ thuật quân sự của quân đội ta phát triển lên tầm cao mới.

Tài liệu tham khảo:

1. Hai bộ thống soái trước bàn cờ Điện Biên Phủ, Trần Trọng Trung, Nxb. Quân đội Nhân dân, 2004, 336tr.

2. Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ, Jean Pouget, Lê Kim dịch, Nxb. Công an nhân dân, 2004, 527 tr.

3. Đông Dương hấp hối : Hồi ký Navarre, Henri Navarre, Phan Thanh Toàn dịch, Nxb. Công an nhân dân , 200, 495 tr.

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1212 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày