Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
1000 năm Thăng Long - Hà Nội Thứ Sáu, 25/06/2010, 02:40

Làng Việt cổ giá trị vượt thời gian

Những ngôi làng cổ luôn gợi cho chúng ta một cảm giác gần gũi bình dị với đường làng quanh co, những ngôi nhà cổ kính, cây đa, bến nước, sân đình. Và đặc biệt, con người nơi đây luôn mộc mạc dung dị. Tất thảy toát lên hồn quê sinh động, sâu sắc. Những giá trị điển hình đó hiện đang được lưu giữ tại nhiều ngôi làng cổ như Đường Lâm, Cự Đà, Bát Tràng, Đông Ngạc, Cổ Bi, Thanh Am...

 
Sinh động hồn quê
 
Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) còn được người dân trong vùng quen gọi là làng Việt cổ đá ong. Đặc trưng này đại diện cho cả vùng xứ Đoài với hàng chục ngôi làng cổ mà nhà cửa, tường bao, đình chùa, miếu mạo... được xây bằng thứ gạch “đá ong”. Những ngôi nhà này có từ mấy trăm năm, cùng với cây đa, bến nước, sân đình tạo nên hình ảnh làng quê đậm chất Bắc bộ. Thăm Đường Lâm vào một chiều chúng tôi được tiếp chuyện với ông Charlier Scarlet nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đến từ đất nước Bỉ xa xôi. Ông đánh giá: “Làng cổ Đường Lâm có nét đẹp phảng phất thuần khiết của làng Việt, cấu trúc làng xã truyền thống gần như nguyên vẹn. Nơi này khiến người ta nao lòng, đến rồi lại mong có ngày trở lại”. Ông Charlier Scarlet cũng rất ấn tượng với người dân bởi cách ứng xử hồn hậu, nhiệt thành. Hễ đến nhà nào ngỏ lời tìm hiểu về kiến trúc nhà cổ đều được chủ nhà tiếp đón, giới thiệu tận tình, cặn kẽ. Ở Đường Lâm, có nhiều ngôi nhà niên đại trên dưới 200 năm. Bố cục kiến trúc trong khuôn viên thường theo kiểu chữ nhất, chữ nhị chữ đinh và chữ môn. Các di tích quanh làng như đình Mông Phụ; nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh; đền thờ Phùng Hưng; lăng Ngô Quyền với kiến trúc đẹp, không gian thoáng mát, chùa Mía có rất nhiều tượng được làm bằng đồng, gỗ hoặc đất sét, không gian thanh tịnh và êm ả... Tất cả hòa vào nhau trong một không gian mang đậm nét văn hóa nông thôn bắc bộ. Làng cổ Cự Đà (Thanh Oai) có hàng trăm ngôi nhà gỗ trên 100 năm tuổi với ngói mũi hài, cột lim, hoa văn trên cửa, hiên cầu kỳ không khác gì trang trí đình chùa, qua năm tháng vẫn được dân làng giữ gìn như nguyên bản. Không những vậy, Cự Đà còn nức tiếng với hai nghề truyền thống là làm miến và tương. Nhiều người ví “Cự Đà như một bức tranh quê chỉ có thể bắt gặp ở những năm đầu thế kỷ XX”. Tới Cự Đà, chúng tô tìm đến nhà số 11, xóm Đồng Nhân Cát xây dựng từ năm 1874, người xưa gọi là nhà Đại Khoa. Ngôi nhà có kiến trúc thời Nguyễn với kết cấu chủ yếu bằng gỗ quý; kỹ thuật điêu khắc trên xà nhà, cột nhà đạt tới mức tinh xảo với đường nét mềm mại, sinh động. Mái nhà lợp ngói âm duơng, tường nhà bằng gỗ. Bàn thờ tổ tiên đặt chính giữa ngôi nhà, hoành phi, câu đối sơn thếp rực rỡ. Điều thú vị là ngôi nhà như một chiếc máy điều hòa không khí, mùa đông ấm áp, mùa hè thì mát mẻ. Ông Vũ Văn Bằng Trưởng ban văn hóa xã Cự Khê khẳng định, kiểu kiến trúc của những ngôi nhà cổ ở Cự Đà hiện còn rất ít ở Việt Nam, điều này khiến Cự Đà trở thành điểm đến của nhiều nhà nghiên cúu văn hoá và cả những người mê nhà cổ, sẵn sàng trả giá cao để mua lại, nhưng trong làng chưa có ai bán hay đổi nhà. Người xưa nói: “Địa linh sinh nhân tài”. Với các ngôi làng cổ, điều này đã minh chứng bằng những con người sinh ra làm rạng danh quê hương, đất nước. Đó là đất Đường Lâm “2 vua”, lịch sử ghi danh Phùng Hưng sức mạnh vô địch, giết được hổ dữ, dựng cờ chiêu tập binh mã đánh tan thành Tống Bình (Hà Nội), giành độc lập tự chủ cho người Việt năm 791 xưng làm Bố Cái Đại Vương, danh tiếng Ngô Quyền, đập tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 đánh dấu mốc lịch sử chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc. Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ không nhục mệnh vua, đối câu “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay rêu đã xanh) bằng “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ), khẳng định rõ ý chí quật khởi của dân tộc Làng Khúc Thủy (xã Cự Khê) từ lâu nổi tiếng là làng khoa bảng “phụ tử đăng khoa”. Đình làng còn lưu giữ tấm biển “Mỹ tục khả phong” Triều Nguyễn ban tặng. Sau lại được ban sắc tặng thường biển ngạch “Khúc Thủy nghĩa dân”, Truyền thống hiếu học của làng Khúc Thủy được tiếp nối với những danh nhân như học giả Đào Duy Anh, nhà báo, nhà lý luận Đào Duy Ký, Đối với làng khoa bảng Đông Ngạc (Từ Liêm) đã góp cho đất nước 25 vị tiến sĩ và nhiều hương cống, cử nhân, sinh đồ, tú tài... Làng nổi tiếng với các danh nhân như Phan Phu Tiên, Phan Văn Trường, Hoàng Minh Giám...
Giá trị vượt thời gian và không gian
Sống trong làng cổ nhưng để hiểu tường tận giá trị của nó thì không dễ chút nào. Chúng tôi đã đi, gặp nhiều người từ những nhà nghiên cúu đầu ngành trong và ngoài nước đến những người dân bình thường đã được nghe, được thấy những giá trị vật thể, phi vật thể đặc sắc. Trong một lần tiếp xúc với chúng tôi tại làng cổ Đường Lâm khi nghiên cứu về trang phục cổ truyền thống, Giáo sư Tanii Yoshiko đến từ Đại học Showa Nhật Bản nói: “Hồn cốt làng cổ là những giá trị tinh thần, nó vượt không gian, thời gian và đươc lưu giữ bền chặt trong mỗi thế hệ. Vì vậy, ý thức, nhận thức từ chi tiết nhỏ nhất như viên gach, viên đá đến những công trình kiến trúc, cảnh quan, lời ăn, tiếng nói, trang phục của cư dân sống trong làng hết sức quan trọng quyết định đến công tác bảo tồn, lưu giữ. Trao đổi về trang phục cổ truyền thống, Giáo sư Taii Yoshiko cho rằng, đây là bộ phận không thể tách rời, cùng với các giá trị vật thể như nhà cổ, đường làng, văn bia, đình, chùa, miếu mạo... tạo nên một giá trị hoàn chỉnh của Đường Lâm cũng như nhiều làng cổ khác của Việt Nam.
Tiếp giáp với dòng sông nhuệ, làng cổ Cự Đà có tuổi đời cao nhất so với 2 thôn Khúc Thủy, Khe Tang của xã Cự Khê. Nhưng có lẽ, với nhiều người ấn tuợng đậm nét của Cự Đà là những “tác phẩm” kiến trúc kiểu Pháp ghi đậm dấu ấn phuơng Tây giữa chốn làng quê thanh bình. Ông Hubert Olie, tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp khi đến thăm Cự Đà từng thốt lên rằng: “Dường như nét độc đáo của những ngôi nhà Pháp ở đây là kiến trúc và hoa văn giống như mảng “hóa thạch” của thời gian mà nhiều nơi đã mất đi, kể cả biệt thự Pháp ở Hà Nội. Những lan can bằng sắt đúc, phù điêu phương tây được hoà quyện đôi nét phương Đông như dòng chữ Hán đắp nổi giống như bức hoành phi đi trên mặt tiền cửa chính…”
Chí Đạo
Nguồn Hà Nội mới. Số Xuân Canh Dần 2010. Tr.39

Số lượt người xem: 1690 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày