Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Ba, 12/01/2021, 09:15

Nỗi niềm thủ thư

Thời tiết những ngày gần cuối năm này thật là dễ chịu làm sao, cái không khí se lạnh giống như ở Đà Lạt. Cảnh vật và không khí ấy làm cho tâm hồn tôi cũng trở nên mơ màng hơn mọi ngày một chút. Hôm nay là ngày nghỉ, bản thân như một chú mèo lười đang nằm hồi tưởng về những tháng ngày thơ mộng ở mảnh đất ngàn hoa, tiếng chuông điện thoại bỗng vang lên kéo tôi về hiện thực. Bên đầu dây là tiếng nói của cô bạn ấu thơ, đã hơn 5 năm rồi chúng tôi không có dịp chuyện trò với nhau.Tíu tít tâm sự, bạn hỏi tôi về gia đình, chồng con và công việc, bạn nói chắc làm thư viện nhàn nhã và tẻ nhạt lắm nhỉ, vì nghe nói văn hóa đọc của mọi người bây giờ đã khác trước rất nhiều. Ôi, một câu hỏi mong chờ từ nhỏ bạn để tôi có thể trút hết nỗi niềm của một thủ thư.

Bạn đọc biết đấy, trong mỗi chúng ta, bất kể là đang làm công việc gì, dù làm công nhân viên chức nhà nước, làm chủ doanh nghiệp, buôn bán tại gia đình hay làm công nhân trong các khu công nghiệp đi chăng nữa. Chắc chắn ai cũng sẽ có những trăn trở và nỗi niềm riêng với công việc của mình. Tôi cũng thế, nhiều lúc bất giác ngẫm nghĩ, thấy thủ thư như mình sao giống mấy thân cây ngoài khuôn viên Quảng trường đến vậy. Nhỏ bạn nghe tôi nói thế cười khoái trí, bảo tôi sao lại có sự so sánh khập khiễng thế này.Một thủ thư sao lại ví với một tán cây. Ấy thế mà tôi lại thấy giống, vì nhìn vào cái cây to lớn đang đứng hiên ngang giữa trời đất kia, mọi người chỉ nhìn thấy là nó xanh tốt, mát mẻ, cao lớn, gần như bất động trước sự ồn ào huyên náo của xe cộ, phố xá, thế nhưng đâu ai nghĩ đến đoạn nó phải hứng chịu bao nắng mưa, gió bão, bao nhiêu loại sâu mọt đang gặm nhấm lá và thân nó, cùng với đó là sự thờ ơ của mọi người. Thủ thư như tôi cũng thế, cũng thầm lặng, nhiều người tưởng nhàn hạ nhưng ai biết đâu những gợn sóng ngầm mà chúng tôi hàng ngày vẫn đón nhận, những tiếng “gào thét” trong nội tâm vẫn chất đầy.

Để tôi tâm sự cho mọi người cùng nghe. Khi đã yêu công việc của mình ắt hẳn bạn sẽ có những niềm vui do chính công việc đó mang lại. Niềm vui của thủ thư là được giới thiệu và tìm những cuốn sách hay, phù hợp phục vụ cho mọi người. Được nhìn thấy độc giả hân hoan, hạnh phúc khi đọc tác phẩm của Thư viện mình là liều thuốc vạn năng dành cho những người làm công tác thủ thư. Giống như bạn tôi, nhiều người cứ nghĩ văn hóa đọc của người Việt Nam đã giảm sút phần nào. Nhưng không, chỉ khi trực tiếp phục vụ độc giả bạn mới có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này. Bản thân tôi nhận thấy rằng văn hóa đọc ngày một phát triển, có chăng thời gian dành cho văn hóa đọc đã eo hẹp hơn trước. Bởi người lớn thì bận mải với cơm áo gạo tiền, các em thiếu niên lại quay cuồng với bài vở, học hành chính quy và học phụ đạo. Qua quá trình phục vụ tôi nhận thấy rằng, vào các ngày trong tuần, hôm nào tranh thủ trống 30 phút học, ba mẹ chở các con đến trả rồi mượn sách là vội vã ra về, nhưng riêng ngày thứ 7 các con đến thư viện đông hơn ngày thường rất nhiều, và được ở thư viện từ sáng đến tận trưa, tha hồ chọn lựa sách, bởi vì hôm đó các con được nghỉ học. Những ngày lễ tết cũng vậy, mà điển hình nhất là những ngày dịch covid - 19 diễn ra, được nghỉ học bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày các con có mặt tại đây. Có bé đến giờ nghỉ trưa ba mẹ gọi bao nhiêu lần mà vẫn còn lưu luyến chưa muốn bước chân ra về. Các bậc phụ huynh cũng luôn tâm sự rằng, lịch học của các con dầy quá, mỗi lần ôn thi là coi như không có thời gian tới thư viện. Mọi người vẫn phiến diện cho rằng ba mẹ thời nay cho con cái xem ti vi, điện thoại quá nhiều, thực tế không phải thế, độc giả của tôi, gia đình tôi và những người xung quanh tôi rất ít cho con cái dùng điện thoại và xem ti vi. Họ luôn định hướng cho con cái việc học hành và đọc sách. Phụ huynh thời bây giờ còn cẩn thận kiểm tra nội dung sách, chọn lựa những cuốn sách thật hay dành cho con cái mình, các bé còn nhỏ ba mẹ còn kiên nhẫn trực tiếp đọc cho các bé nghe để hình thành thói quen đọc sách cho các con.

Làm dâu trăm họ cũng đúng với đặc thù vị trí việc làm của tôi đấy, áp lực là có, nhiều khi cũng phải học nắm bắt tâm lý của mọi đối tượng. Với độc giả là ông bà thì phải lễ phép, kính trọng, với cha mẹ các em thì phải vui vẻ, hòa nhã, còn với các em thì lại phải tùy độ tuổi mà cư xử khác nhau.Các bé 4, 5 hay 6 tuổi thì phải dỗ dành dịu dàng, giúp bố mẹ tìm cho các em những cuốn truyện tranh ít chữ, chữ to nhiều hình ảnh sinh động để các bé tập quen với mặt chữ. Các bé lớn hơn chút thì phải hồn nhiên giao lưu trò chuyện cùng các con, các bé mà 12, 13, 14 tuổi thì lại phải định hướng cho các con đọc đúng sách. Có những bé vào hỏi cô ơi cho con mượn mấy cuốn truyện ngôn tình được không ạ. Nghe mà giật mình, nhưng phải nhỏ nhẹ phân tích cho con biết, truyện ngôn tình không phải là xấu, nhưng lứa tuổi của con bây giờ chưa thích hợp để đọc thể loại đó, định hướng cho các con đọc những cuốn sách về kỹ năng sống, như làm sao để can đảm, làm sao để tỏ lòng biết ơn, làm sao để tiếp thu bài nhanh, làm sao để tự bảo vệ bản thân… Phòng Mượn, phòng Báo – Tạp chí, phòng Địa chí, phòng Đọc cho người lớn cũng thế, thủ thư đã hiểu hết thói quen, sở thích thể loại sách của từng độc giả. Độc giả cũng chính vì thế mà rất thương thủ thư, nhưng cũng có một vài độc giả khó tính, có những thắc mắc hoặc những lời nói không được nhã nhặn lắm, thủ thư cũng phải bấm bụng chịu đựng, ngậm bồ hòn làm ngọtcho qua, vì mình đang có trách nhiệm phục vụ nhân dân mà. Hay ở phòng Luân chuyển, thủ thư cũng phải chọn lựa đầu sách cho phù hợp với từng đối tượng người đọc, vì người ta đi lên nhờ sách, mà đi xuống cũng bởi đọc sai sách, ví như những người đang trong quá trình cai nghiện mà cho họ đọc sách về trinh thám có vẻ không thích hợp lắm, mà phải cho họ những cuốn sách về nghị lực sống, về phẩm chất tốt đẹp của con người, về gương tốt việc tốt, nhằm thức tỉnh lương tri đang sắp lụi tàn trong họ.

Tôi còn ấn tượng và nhớ mãi kỷ niệm này. Hôm đó thư viện tôi cho sửa chữa một số hạng mục cơ sở hạ tầng, cũng là ngày chúng tôi vào kho kiểm kê, vệ sinh kho phòng, nhìn chúng tôi ăn mặc không đẹp đẽ so với những nhân viên nhà nước khác, mặt nhễ nhãi mồ hôi, mấy anh thợ liền hỏi: mấy chị ở bên công ty vệ sinh tới dọn dẹp ạ. Các chị em tôi nhìn nhau cười như muốn khóc. Dạ không chúng em đang làm một trong những công việc của thủ thư đấy ạ. Các bạn thấy không, thủ thư đâu có nhàn hay sướng như bạn tôi tưởng nhỉ?

“Mẹ ơi sao mẹ không được nghỉ ngày thứ bảy để chơi với anh em con vậy mẹ?” đó là câu hỏi quen thuộc của con trai tôi mỗi khi cháu được nghỉ cuối tuần ở nhà. Tôi phải giải thích cho bé rằng hôm nay các anh chị được nghỉ học, được lên thư viện mượn sách nên mẹ phải đi làm tìm sách cho các anh chị mượn. Ấy thế mà hôm nào được mẹ cho lên thư viện, bé lại hỏi mẹ ơi sao con không thấy cô A? À con trai ơi chỉ những thủ thư như mẹ mới đi làm ngày thứ bảy thôi, cô A và các bác khác không phải phục vụ độc giả nên được nghỉ thứ bảy con ạ.Mặc dù chúng tôi cũng được nghỉ hai ngày trong tuần như các phòng ban khác, tưởng chừng như thế là bình thường, không có gì lăn tăn hay thiệt thòi gì cả, nhưng khi chồng con được nghỉ, muốn lên kế hoạch đi đâu đó vui chơi thì mẹ lại mắc đi làm, hôm mẹ được nghỉthì chồng đi làm, con đi học.Tất cả mọi người đều ngạc nhiên dành cho tôi câu hỏi: làm nhà nước sao lại đi làm thứ bảy nhỉ? Nhưng chúng tôi những thủ thư vẫn vui vẻ, vì mình đi làm là mang lại niềm vui cho các bạn nhỏ yêu sách và những độc giả thân quen của mình, là được giới thiệu thư viện với hình ảnh đẹp đẽ tới nhiều người hơn nữa.

Tôi thiết nghĩ bạn phục vụ bao nhiêu độc giả không quan trọng bằng việc bạn phục vụ độc giả như thế nào, có chất lượng không, thái độ đối với độc giả có tốt không, có mang lại hiệu quả trong quá trình truyền tải thông tin tích cực hay không? Bởi thủ thư là người đầu tiên, trực tiếp tiếp xúc với độc giả, là gương mặt đại diện của cơ quan phục vụ nhân dân. Nếu thủ thư không làm hài lòng độc giả xem như là thư viện không hoàn thành trách nhiệm của mình. Thủ thư chỉ cần chểnh mảng hoặc không nhiệt tình, không thân thiện với bạn đọc là đã làm xấu đi hình ảnh của đơn vị mình. So với khối doanh nghiệp tôi ví khâu phục vụ bạn đọc như là khâu đầu ra, nếu đầu ra không tốt mọi thứ sẽ bị đình trệ và ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên trong Thư viện có nhiều phòng ban khác nhau, mỗi phòng ban có nhiệm vụ và đặc thù công việc riêng biệt, cũng có những khó khăn, nỗi niềm không giống nhau. Để thư viện phát triển thì tất nhiên phải có sự chung tay, góp sức đoàn kết của toàn thể cán bộ nhân viên trong đó, đấy là tinh thần tập thể, tôn trọng, giúp nhau đi lên, và quan trọng nhất là được sự lãnh đạo, chỉ đạo giám sát của Ban Giám đốc, cùng với đó là sự yêu thương quý mến của quý vị độc giả dành cho sách vở và thư viện.

Nỗi niềm mà tôi chia sẻ với bạn của mình thì dài lắm. Nhưng tôi chỉ muốn nói với bạn tôi rằng, tôi yêu công việc này, và độc giả vẫn còn yêu sách, yêu thư viện rất nhiều. Đồng thời cũng luôn nhắc nhở bản thân hãy là một thủ thư có tâm và nhiệt huyết, rồi một ngày mọi người sẽ nhận ra đúng giá trị những công việc thầm lặng mà chúng tôi đang làm.

Dung Nguyễn T.T       

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 334 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày