Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Hai, 19/03/2018, 09:45

TÍN NGƯỠNG THỜ CỌP Ở BIÊN HÒA – ĐỒNG NAI

 

 

Tục thờ cọp:

Tục thờ cọp ở các đình, chùa ở Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung có lịch sử lâu đời. Bên cạnh nguồn gốc sâu xa là thờ thần Hổ như một trong các vị thần nông nghiệp, gọi là “tế lạp” hay “chạp miễu”, tục thờ cọp còn mang ý nghĩa khác. Từ thời khai hoang lập ấp, khi vùng đất mới toàn là nơi rừng hoang với sự ngự trị của các loài dã thú, cọp vừa là mối đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của con người nhưng cũng là một thế lực thiêng liêng, đại diện cho thần rừng, thần đất. Người dân một mặt phải chống trả trước sự tấn công của cọp, một mặt lại cảm thấy phải kiêng dè, tôn kính vị chúa Sơn lâm. Vì vậy, mặc dầu có nhiều người rủi vận phải làm mồi cho cọp, và để tồn tại, đôi khi người ta phải giết cọp nhưng với tâm thức kính sợ những thế lực huyền bí, con người lại phải lập miễu thờ cọp một cách tôn kính để mong chúng không quay trở lại trả thù hay làm hại tới cuộc sống của cộng đồng. Khi gọi tên cọp, không dám gọi đích danh mà phải dùng những danh xưng tôn quý như Ngài, Ông, Thần, Hương cả,…

Vừa đại diện cho những mối đe dọa từ thiên nhiên, mặt khác cọp lại được xem là một vị thần, phò hộ cho hương thôn trước thiên tại, địch họa. Vì thế, thần Hổ được xem như thần bảo hộ cho khuôn viên đình, chùa. Hầu hết các ngôi đình ở Đồng Nai đều có miếu hay bàn thờ thờ Cọp với các tên gọi như Hổ thần, Mãnh hổ Sơn quân, Bạch Hổ, Chúa Sơn Lâm… Trước các đình thường có những bức bình phong được chạm trổ, đắp phù điêu, vẽ thể hiện hình tượng của vị chúa tể rừng xanh này trông dáng vẻ uy nghi, oai dũng. Đây là một trong những tín ngưỡng dân gian của những người di dân từ thuở trước còn lưu lại. Biên Hòa – Đồng Nai thời khai khẩn là vùng đất lắm thú dữ; đặc biệt nhiều cọp: “Đồng Nai xứ sở lạ lùng. Dưới sông sấu lội trên giồng cọp um” đã đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, quá trình khẩn hoang của những người di dân.

Vì vậy, tâm lý sợ hãi về mối nguy hiểm này đã khiến cho họ thờ Cọp, tôn Cọp lên chức Ông Cả của làng xóm để mưu cầu một cuộc sống bình yên. Hằng năm, tại đình khi diễn ra lễ cúng tế, tại bàn thơ Hổ thường được cúng bằng thịt heo. Có những nơi, người ta tin rằng, vào ban đêm, thần Hổ sẽ về hưởng và đem một tờ sờ khác cho làng xóm.

Tại một số đình, còn có tục thờ “Thanh Long và Bạch Hổ”. Đây là một quan  niệm về thuật phong thủy. Xem như thế đất của đình là mạch quý, bên tả có Thanh Long bảo vệ, hữu có Bạch Hổ trấn giữ nên không có gì xâm phạm được. Hoặc bức bình phong có hình Sơn Quân có thể hiểu là một dạng yếm bùa các thế lực tà ma không được đến khu trung tâm khi đã có vị chúa tể này canh gác.

 

Chuyện đánh Cọp

Những câu chuyện về cọp được thờ ở đình được truyền kể cho nhau với những nét thêm thắt, huyền hoặc linh thiêng bao trùm tạo nên sự thần bí và nể phục của nhiều người qua tục thờ cọp còn duy trì cho đến ngày nay.

Không chỉ sợ Cọp, thờ Cọp mà những người di dân thời xưa muốn tồn tại, sống yên ổn đã phải đương đầu với mối đe dọa trực tiếp từ loài thú dữ này. Họ thờ Cọp nhưng trong thực tế, nhiều nơi nhiều lúc Cọp đã không để con người yên thân. Vì vậy, mà bao người đã đánh nhau với Cọp để bảo vệ bản thân, cộng đồng.

Chuyện đánh Cọp được truyền miệng nhau kể. Rất nhiều người đã đánh nhau với Cọp ở nhiều nơi trên Đồng Nai. Ở Phú Hội còn lưu truyền chuyện Ông Sắc dòng họ ông Tổng Hiển giỏi võ đã đánh nhau với Cọp lúc nó chặn đường, bắt trâu khi ông đi lên rừng lấy củi. Trong một lần đánh nhau, ông bị Cọp chụp trúng vào bả vai gây nhiễm độc dẫn đến tử vong.

Tương truyền ở Biên Hòa – Đồng Nai xưa thường có những con cọp rất dữ tợn. Chúng khôn lanh trong rình người bắt mồi và trốn tránh sự đi săn của con người. Những con cọp dữ thường được gọi là cọp ba móng. Đó là những con cọp bị thương tật hay bị bẫy mà chân mất đi một ngón. Không thể lý giải được vị sao những con cọp chân có 3 móng thường rất dữ tợn, tinh ranh.

Ở Biên Hòa – Đồng Nai là địa bàn mà nhiều người Tây phương lắm của nhiều tiền hay tổ chức đi săn cọp. Một câu chuyện kể về việc người Tây săn cọp rất ly kỳ. Ở miệt Bà Kí, có một con cọp ba móng cực kỳ hung dữ. Cọp đã một lần bị sập bẫy nhưng thoát được, mất một ngón chân. Hoàng tử Henri d’Orleans (cháu vua Henri IV ở Pháp) là người từng đi săn nhiều năm ở Ấn Độ nên rất tự tin sẽ hạ được con cọp ba móng này cách dễ dàng. Ông cùng thuộc hạ săn đến khu Bà Kí để lùng dấu cọp. Ngày rình, tối ngủ tại các láng trại dã chiến trong rừng nhằm mục đích nhử cho cọp xuất hiện. Nhưng nhiều tuần trôi qua, bóng con cọp dữ chẳng thấy đâu. Thế rồi vào một đêm kia, căn lều của đoàn tùy tùng hoàng tử bị cọp ba móng tấn công, giết chết 4 người. Ông tổ chức truy lùng nhưng cũng không tìm thấy cọp. Sau đó, ông tổ chức thêm một lần nữa nhưng cũng thất bại nên đành bỏ cuộc săn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Đ, nổi lên một con Cọp hung dữ táo tợn. Đó là “Cọp ba móng”, một thời làm kinh động cả vùng rừng núi bạt ngàn ngày. Ai đã từng ở chiến khu Đ chắc hẳn đã nghe tiếng đến sự tinh khôn trong việc bắt người ăn thịt của chúng. Sự tác oai tác oái của nó đã làm thiệt hại nhiều sinh mạng và là nỗi ám ảnh của bao người đang sống thời bấy giờ. Người ta cho rằng vì ăn thịt nhiều người nên con thú này trở thành tinh, biết lẩn tránh khi bị săn đuổi và bắt người như có phép thần thông. Để giết con Cọp dữ này, một đội săn đã được thành lập. Sau nhiều lần truy đuổi và tiêu diệt, đôi săn Cọp đã khử được con Cọp này bằng cách gài mìn đặc biệt cạnh một xác người đã từng bị nó vồ. Nó bị chết khi trở lại ăn mồi. Khi mổ bụng nó ra, còn có những móng chân, tay của người bị hại.

 

 Chuyện cảm hóa Cọp và Cọp giúp người

Ngoài thờ Cọp, đánh Cọp và còn cả chuyện lấy đức y mà chuyển hóa cọp dữ thành lành cũng là một mô típ dân gian mang nhiều nét hoang đường được phổ biến ở Đồng Nai. Tương truyền, ở khu đá Ba Chồng Định Quán có hai con cọp trắng rất dữ tợn. Thế nhưng, khi nghe tiếng chuông chùa và lời niệm kinh Phật tại ngôi chùa Thiện Chơn, chúng được cảm hóa, trở nên hiền lành. Đôi bạch hổ này trú ở hang đá cho đến ngày nay còn dấu tích và người dân gọi là hang Bạch Hổ. Sau này, do chiến tranh, cặp hổ này bỏ đi nơi khác.

Câu chuyện Bà mụ đỡ đẻ cho Cọp được truyền miệng ở nhiều nơi. Tại An Hòa, Long Thành ngày nay có một miếu thờ với tên gọi: Miếu Bà Mụ. Tương truyền, với nghề đỡ đẻ tài ba của mình, một chúa sơn lâm biết tiếng đến rước bà về đỡ đẻ cho vợ của mình khi gặp nạn khó sinh trong một đêm mưa gió bão bùng. Xong việc, hàng tuần trước nhà bà Mụ đều có heo rừng, hươu nai do cọp đem biếu để tỏ lòng biết ơn. Khi nghe tin bà chết, cọp còn đến tế mộ.

Ở vùng Vũng Gấm, có chuyện kể vào những năm đầu thế kỷ 20, có nhà sư gặp một con cọp trước cửa chùa. Tuổi già sức yếu nên nhà sư không kháng cự cũng không bỏ chạy mà chỉ chắp tay, nhắm mắt đứng yên. Một hồi lâu, khi ông mở mắt ra thì con cọp đã bỏ đi. Chỗ của nó khi nãy có một đứa trẻ mới sinh. Sau khi cứu đứa bé vào chùa, nhà sư kêu gọi đệ tử theo dấu vết của con cọp. Khi đi vào rừng, bên cạnh môt con suối, đoàn người thấy một phụ nữ đang nằm ngất tại đó. Người phụ nữ kể rằng, chị ở chòi phía bên kia suối cùng chồng đốt than đổi gạo. Đêm đó, chị chuyển dạ sinh nhưng không có chồng ở nhà, chị liều lĩnh qua suối với hy vọng đến được xóm nhà dân để cậy nhờ. Tới suối, chị thấy một con hổ to xuất hiện và chị hoảng sợ ngất đi. Đứa con được sinh ra trong lúc đó. Nhà sư nói cho chị biết, chính con cọp đó đã tha đứa bé về dể trước cửa chùa để cầu sự giúp đỡ. Người phụ nữ vui mừng đến gặp con. Nhà sư cho rằng đây là con cọp ba móng hung dữ trước đây ở miệt Bà Kí. Có lẽ nó biết hối hận về những tội ác trước đó nên mới chuộc lỗi đối với con người. Hành động cứu người phụ nữ và đứa bé là một việc làm những năm tháng trong tuổi già  nua của nó. Vài tháng sau, người ta thấy xác con cọp có ba móng này chết yên lành trong hang đá.

Vùng Bửu Long tương truyền về sự tích của hàm Rồng, hàm Hổ. Tích xưa cho rằng, vùng Bửu Long thời xưa hoang vu. Một nhà sư đến đây lập chùa, dân làng sinh sống an lành. Một hôm, có con cọp trắng xuất hiện. Ban đầu dân làng lo sợ nhưng cọp chẳng hại ai. Cọp còn giúp đỡ những người lên núi thăm chùa. Trên núi Bửu Long, có hai tảng đá nằm chồng lên nhau, hình vòng cung. Từ xa nhìn thấy như dáng cọp đang há miệng, bên dưới có tảng đá bằng phẳng. Cọp thường về đây nằm nên dân gọi là Hổ đầu thạch (Hổ: cọp). Từ khi có cọp trắng, không có thú dữ nào dám về phá núi và dân làng. Người dân quý mến cọp trắng và cử cọp làm Hương cả trong làng bằng một tờ giấy để sẵn trong hàng. Hằng năm, khi đến lễ cúng tại đình làng, dân làng đem cúng tại đá Hàm Hổ.

Mặc dù với nhiều chi tiết hoang đường, phóng đại và siêu nhiên thần bí, nhưng với những chuyện kể này toát lên ý nghĩa của việc lấy tài năng, đức y mà cảm hóa loài ác thú của những con người một thuở đi khai khẩn ruộng đất. Những chuyện kể về Cọp rất đa dạng và mang nhiều sắc thái khác nhau. Nó bổ sung cho kho tàng chuyện kể văn hóa dân gian Đồng Nai thêm phong phú. Và trên hết, qua đó những chuyện kể này cũng cho chúng ta những nhận thức được về buổi đầu lịch sử của việc khai khẩn đất Đồng Nai trước đây. Đó là sức sống mãnh liệt của các lớp người đi trước; những phong tục, tập quán của họ trên vùng đất mới. Những điều tưởng chừng như đơn giản, bình thường ấy lại là một cuộc đấu tranh hào hùng chống lại với thế lực thiên nhiên, góp phần cho việc tạo dựng cuộc sống hôm nay từ những bước đi đầu tiên mở cõi. Cái cốt nhân nghĩa, thiện lành trong chuyện về cọp cũng gợi lên bao điều mà con người phải suy nghĩ.

Dấu ấn về cọp trong cộng đồng thể hiện qua những giai thoại dân gian về những người xấu số bị cọp vồ, những người anh hùng ra tay đánh cọp hay những con cọp già hiền lành về ở ẩn nơi xóm làng và khi chết đi được dân chúng phụng thờ. Qua đó có thể thấy được những khó khăn gian khổ của người dân đi mở cõi phải sống trong cảnh “Dưới sông sấu bắt, trên rừng cọp tha”. Nhưng những thách thức ấy cũng không thể làm chùng bước con người. Cọp dù dữ cũng phải chào thua trước mưu trí và sức mạnh của con người, để rồi từ mối đe doạn khủng khiếp, cọp lại trở thành vị thần bảo vệ xóm thôn, phò hộ cho dân làng được bình yên khỏe mạnh. Điều đó đã chứng tỏ sức mạnh của con người đã chinh phục được thiên nhiên và hành động cọp hiền lành về xóm thôn chết rũ đã nói lên phần nào sự nhân nhượng của thiên nhiên đối với người chủ mới.

                                                                                    _Thanh Vân_


Số lượt người xem: 514 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày