Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Ba, 05/06/2018, 14:15

Nghề săn bắt voi rừng của người M’nông

Dân tộc M’nông là một trong những cư dân bản địa, do cư trú ở vùng sinh thái tự nhiên đa dạng có rừng núi, sông suối, đầm hồ, thung lũng, là nơi quần tụ, sinh sống của nhiều bầy đàn voi rừng nên người M’nông rất am hiểu đời sống của loài voi và đã hình thành nghề săn bắt voi. Đây là một nghề quan trọng trong hoạt động mưu sinh của người M’nông.

Nghề săn voi

Nghề thuần dưỡng voi rừng của đồng bào M’nông gồm 2 bước chủ yếu: bắt voi rừng và thuần dưỡng. Trong đó, bắt voi là khâu quan trọng trong quá trình thuần dưỡng voi. Nó chẳng những cung cấp voi để thuần dưỡng mà còn có thể bán ngay voi rừng cho vườn thú, rạp xiếc hoặc xuất khẩu.

Một đội săn phải có 10 voi chiến, 20 người cả nài chính (gru), phụ (rmăk) và người chỉ huy. Các con voi tham gia săn bắt đều là voi đực khỏe trên 35 tuổi, voi cái ít khi được sử dụng.

Với những nguyên vật liệu sẵn có từ núi rừng, qua nhiều đời tích lũy, đồng bào đã cho ra đời những dụng cụ phục vụ cho nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng hết sức hiệu quả. Nếu tính đầy đủ, người M’nông có đến 17 dụng cụ khác nhau như dây buộc voi bằng da trâu (brăt bung), dùi móc điều khiển con voi (kreo), tù và (h’nung), còng khoá chân voi (brớt bung), cái thúc voi chạy (kuc), roi đánh voi (mâng rplei), quàng cổ mây (đam), dây xích chân voi (nglêng), dùi xỏ lỗ tai voi (pon toc), bành voi (vơng), chiếc lục lạc đeo cổ voi (mang), vỏ cây đập dập để lót lưng voi trước khi đặt bành (dur), sừng min dùng để múc nước (ke kun).... Các dụng cụ đều được phối hợp sử dụng một cách nhịp nhàng, ăn ý, hỗ trợ nhau tạo ra hiệu quả cao cho người thợ săn. Không kể lương thực, thực phẩm, mọi thứ đều do các gia đình thành viên trong tổ tự nguyện đóng góp.

Voi là loài vật sống không định cư một chỗ, thích lang thang đây đó, cũng là lý do để nó tồn tại, không là mục tiêu cố định cho những kẻ muốn tấn công chúng. Đối với những người đi săn voi cũng vậy, có thể tháng trước, khi đi trinh sát thì thấy voi đang ăn ở khu vực này, nhưng khi tổ chức được đội săn và tiếp cận đến nơi thì voi đã di chuyến đi kiếm ăn ở vùng khác rồi. Voi là loài thú rất thính tai và đánh hơi được rất xa, do vậy, việc tiếp cận được chúng cũng không dễ dàng. Khi đội săn đã bắt gặp đàn voi do trinh sát phát hiện, lập tức sẽ dừng lại, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng cần nói thêm rằng, một đội voi có thể có nhiều thành viên, chủ yếu là những người có voi đực (voi chiến), nhưng trước khi bước vào mùa săn, đội phải tính toán số voi chiến có đủ mạnh để áp đảo voi rừng hay không. Căn cứ bầy voi họ đã thực tế nhìn thấy, tính toán, lực lượng chiến đấu, nếu như đội thiếu voi chiến, có khi thương lượng để mượn voi chiến của đội khác, ở đây, chính là sự thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của đồng bào M’nông trên quê hương của những dũng sĩ săn voi.

Khi phát hiện đúng đàn voi của mình (trong mùa săn có rất nhiều đội săn, nên khi về buôn, người đội trưởng thông báo ngay đàn voi đã gặp để các đội khác biết tránh việc hai đội săn gặp một đàn voi), toàn đội săn được lệnh dừng lại. Các nài phụ (rmăk) chăm lo cho việc ăn uống của voi, các nài chính (gru) sẽ cùng đội trưởng bí mật tiếp cận đàn voi. Đội trưởng phân công nhiệm vụ cho từng người cụ thể: ai đánh, ai kiềm chế và rượt đuổi, ai quăng tròng bắt voi, v.v...

Vào lúc rạng đông ngày trăng vơi (cuối tháng), đội quân bắt đầu vào trận theo lệnh của đội trưởng, các nài điều khiển voi của mình áp sát khu vực có đàn voi đang kiếm ăn.

Đàn voi rừng đang vặt cỏ, bẻ lá cây kiếm ăn, chúng không ngờ được sự nguy hiểm đang tới gần. Bản năng đánh hơi lạ của voi đã bị vô hiệu hóa, vì con người đã được phơi gió dầm sương suốt cả cuộc hành trình, hơi người tỏa ra rất ít, hòa lẫn vào hơi voi nhà nên bầy voi rừng không nhận ra được mùi lạ. Voi săn lần lượt được tung vào trận địa. Nài nằm rạp trên mình voi, bám thật chắc lấy dây chằng bụng và bí mật điều khiển voi tiếp cận đối thủ. Giữa lúc đó, đội trưởng điều khiển voi chiến của mình cùng hai voi khác tiếp cận voi đầu đàn. Đây là thời điểm căng thẳng nhất. Nếu voi săn vẫn chưa áp sát vào voi định bắt, nếu xảy ra cuộc chiến lúc này dễ nổi loạn, thậm chí voi mẹ có thể dẫn đàn con chạy mất thì voi nhà trở thành thua cuộc.

Khi con voi đầu đàn phát hiện thấy đàn voi lạ xâm nhập vùng đất của mình, lâp tức nó rống lên một tiếng dữ dội rồi vươn vòi lao tới kẻ lạ mặt. Từ lúc này, tất cả mọi người nhỏm dậy trên lưng voi, dùng giáo đâm, dao gạt, hỗ trợ cho voi của mình chiến đấu. Các voi chiến dùng ngà lao vào đối phương hoặc dùng vòi đánh voi đực đầu đàn. Đúng lúc này, voi săn cũng áp sát voi con đang được voi mẹ che chở. Trận quần thảo quyết liệt chừng một giờ đồng hồ. Voi rừng yếu thế buộc phải bỏ chạy. Lúc này, dưới sự điều khiển của đội trưởng, ba voi chiến vây hãm voi đầu đàn lại, để cho các con voi khác rượt đuổi. Người quăng tròng bám sát voi con đang chạy theo voi mẹ. Voi con chạy một lúc tỏ ra mệt, loạn nhịp bước. Họ cố làm sao tách được voi mẹ chạy theo đường khác bằng voi phụ trợ, còn voi chính sẽ đuổi theo voi con, dùng dây tròng móc lấy chân sau của voi con. Khi móc được rồi để cho voi con chạy thêm ít bước nữa, lựa một cây to nào đó trên đường chạy, nhanh chóng quăng dây cột lại, voi con chạy vòng quanh theo thân cây như tự trói mình tại chỗ. Đến đây, coi như mục đích của cuộc săn đã xong.

Voi tạo nên những nét riêng biệt và nổi bật trong văn hóa dân gian của dân tộc M’nông. Từ văn học nghệ thuật, lễ hội tín ngưỡng, phong tục tập quán, nếp sống đến các mối quan hệ xã hội, cộng đồng đều có sự hiện diện vai trò của con voi. Trong ca dao, tục ngữ nói về con voi chứa đựng không ít tri thức của đời sống; trong nghệ thuật điêu khắc, hình tượng voi đạt đến sự hoàn chỉnh, lý tưởng của cái đẹp; trong lễ nghi, tín ngưỡng, phong tục con voi được quan niệm với một ý nghĩa thiêng liêng huyền bí. Con voi cũng là một “mắt xích”, một yếu tố quan trọng trong sự vận hành, phát huy luật tục M’nông. Nó còn giúp cho tri thức bản địa cùng với truyền thống văn hóa dân gian người M’nông thêm phong phú, đa dạng, sinh động tạo sự gắn bó khăng khít và hòa mình với thế giới tự nhiên của người dân.

 Hồng Hạnh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1380 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày