Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Truy điệu Bác trong ngục Chí Hoà
Truy điệu Bác trong ngục Chí Hoà

Truy điệu Bác trong ngục Chí Hoà

Đêm ngày 1-9- 1968, tôi bị địch bắt trong lúc đang đi công tác. Bọn chúng đưa tôi về giam ở nhà lao Thủ Đức, sau đó chúng đưa về Biên Hòa, giao cho Ty cảnh sát trục tiếp thẩm vấn, tra khảo.



Bọn địch đã áp dụng nhiều cực hình tra tấn rất dã man, hòng khuất phục và buộc tôi phải khai báo những bí mật của tổ chức Cách mạng. Chúng đã chuyển tôi qua nhiều trại giam và đến tháng 8- 1969 chúng lại đưa về giam ở khám Chí Hòa. Tại đây tôi đã gặp nhiều chị em cùng hoạt động Cách mạng từ nhiều địa phương miền Nam, chẳng may sa vào tay giặc, dù bị cực hình tra tấn vẫn một lòng tin vào Đảng, Bác Hồ, tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp Cách mạng Việt Nam. Hình ảnh thiêng liêng và sâu nặng nghĩa tình, in đậm trong mỗi trái tim người cộng sản Việt Nam là hình ảnh Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc. Chính trong những lúc đứng trước những thử thách quyết liệt, mặt đối mặt với kẻ thù, hình ảnh Bác Hồ càng trở nên thiêng liêng, gần gũi, rực sáng như vì sao dẫn đường, có sức mạnh cổ vũ, khích lệ lòng dũng cảm, sự hy sinh không hề tiếc máu xương cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và ước mơ, hoài bão của Người. Nhiều anh chị em chúng tôi khi nghĩ về Bác Hổ, vẫn thường động viên nhau rằng: chúng mình ráng chịu đựng gian khổ, hy sinh, ráng phấn đấu để sớm được đón Bác vào thăm đồng bào miền Nam. Chính vì vậy mà dù sống trong ngục tù khắc nghiệt của kẻ thù, chúng tôi vẫn phơi phới niềm tin vào thắng lợi.

Sáng ngày 4-9- 1969, khác thường lệ, giám thị ngục Chí Hòa đến gõ cửa phòng giam chị em chúng tôi rất sớm, im lặng một lát, ông ta cất tiếng gọi:

- Các chị ơi, Bác Hồ mất rồi !

Mọi người nín lặng, một chị hỏi lại:

- Ông nói sao?

- Bác Hồ mất rồi !

- Ông đừng có tuyên truyền bậy, Bác Hồ của chúng tôi không mất - Chị ấy nói giọng cứng rắn, nhưng viên giám thị hạ thấp giọng, nói chậm và tỏ ra hơi buồn:

- Không có đâu chị ơi, Bác Hổ của chúng ta mất thật rồi mà! Các chị không tin, để tôi sẽ đưa báo vào cho các chị coi.

Một lát sau, viên giám thị trở lại và đưa vào cho chúng tôi một tờ báo có đăng tin: "Ông Hồ Chí Minh đã qua đời" chị em vừa chuyền cho mấy người xem, đã òa khóc nức nở? Tiếng khóc như bùng lên khắp nhà giam, tưởng như tất cả những người con cùng nhận được tin cha mẹ mình qua đời đột ngột. Nỗi đau lớn quá, không ai có thể ghìm nổi sự tiếc thương vô hạn đối với Người. Bọn cai ngục hầu như cũng hiểu điều đó, nên chúng làm lơ, để mặc chúng tôi khóc thương vị lãnh tụ vĩ đại của mình. Nhưng chúng tôi cũng kịp hiểu rằng: Trước mặt kẽ thù, không phải là những người phụ nữ yếu đuối. Chúng tôi phải làm gì để biến đau thương thành hành động Cách mạng, củng cố niềm tin và ý chí Cách mạng cho mình.

Theo chủ trương chung của ban lãnh đạo bí mật trong tù, ngày 5-9- 1969, từng phòng giam tổ chức truy điệu Bác. Chị em đã góp các thùng giấy đựng áo quần, đem kết lại làm bàn thờ, dùng vải trắng phủ lên, nhờ người mua bông, nến và nhang; dùng tay xé giấy dán thành khẩu hiệu: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!". Phân công người soạn thảo điếu văn và công việc tiến hành lễ truy điệu. Hai chị Năm T. và Năm S đứng ra đảm nhận công việc này.

Lúc đau, bọn địch làm lơ, nhưng sau thấy chúng tôi chuẩn bị chu đáo quá, viên giám thị đến định không cho làm. Chị em chiến đấu, dọa tuyệt thực và thề quyết tử với chúng để bảo vệ bàn thờ và lễ truy điệu Bác nếu bọn chúng cố tình cản phá. Trước tình hình đó, bọn địch đành nhượng bộ và lễ truy điệu Bác Hồ được tổ chức trọng thể, thiêng liêng ngay trong ngục Chí Hòa. Trong buổi lễ, tất cả chị em chúng tôi đều vận đồ bà ba đen, đeo băng tang trên cánh tay trái. Không khí buổi lễ làm chúng tôi vô cùng xúc động. Người được phân công đọc điếu văn là chị Sáu Thanh, nhưng chị cũng bị xúc động, không thể nào đọc được, còn chị em chúng tôi thì hễ nghe chị Sáu cất giọng đọc nghẹn ngào, là không ai ghìm được tiếng khóc. Bài điếu văn phải ngưng lại mấy lần mới đọc xong. Sau phân đọc điếu văn, nước mắt đang dàn dụa, chúng tôi cùng hát bài "Quốc tế ca". Giọng hát chúng tôi bỗng âm vang rất lạ: "Vùng lên, hõi các nô lệ ở thế gian, vùng lên, hỡi ai cực khố bần hàn..."- Vùng lên! Lời hát như hỏi kèn xung trận, chúng tôi cảm thấy mình có sức mạnh ghê gớm, ai cang muốn lao lên, đối mặt với kẻ thù, thề quyết tử với chúng và nói cho chúng biết rằng: Bác Hồ của chúng tao không mất, Người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Chúng bay đừng hòng nhìn thấy sự nao núng của những người Cộng sản kiên cường, từng được Bác Hồ và Đảng Cộng sản dắt dìu rèn luyện.

Sau buổi lễ truy điệu Bác Hồ ít lâu chúng tôi mới có được bản Di chúc của Người. Lại một lần nữa, nước mắt khóc thương Người tuôn chảy ướt đầm bản Di chúc, ướt đầm vai áo và thấm xuống nhà ngục. Đọc Di chúc của Người, chúng tôi đều thấy mình có lỗi vì chưa giải phóng được miền Nam để kịp đón Bác vào thăm đồng bào, đồng chí của Nam bộ Thành đổng.

Cũng từ hôm Bác mất, chị em chúng tôi bỗng thấy thương yêu nhau hơn, dễ cảm thông với nhau và tự thấy mình lớn lên, vững vàng, tự tin và sẵn sàng vượt qua mọi thử thách hy sinh đang chờ phía trước. Sau ngày Bác qua đời, nhiều chị em bị giặc đày ra Côn Đảo, tôi cũng thuộc số đó. Và, thực tiễn Cách mạng đầy những biến cố lịch sử đã trả lời khá đầy đủ cho ý nguyện thực hiện thành công Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.

NGUYỄN THỊ CẨM Y

MINH DƯƠNG ghi

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.