Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Mẹ Nguyễn Thị Cúc (1922-1991)
Mẹ Nguyễn Thị Cúc (1922-1991)

        Mẹ Nguyễn Thị Cúc, người dân tộc Xtiêng, sinh năm 1922 tại một sóc hẻo lánh ở Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Sông Bé). Thuở còn là thiếu nữ, cô gái Thuợng này duyên dáng, xinh tươi như bông hoa rừng. Theo tục lệ, cô bắt chồng là một chàng trai ở sóc lân cận. Chồng cô được các chủ đồn điền cao su người Pháp mộ vào làm cho sở. Thế là cô Cúc trở thành phu cạo, xa rời rừng núi, suối, sông quen thuộc. Năm 1944, cô sinh hạ một con trai kháu khỉnh, hai vợ chồng đặt tên là Phạm Văn Sanh - một cái tên rất Việt như tên của mẹ -

            Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Các đồn điền cao su Pháp đình đốn từ ngày Nhật đảo chánh, nay được mở lại. Chủ Pháp lại quay về làm chúa tể vùng đất bazan mênh mông. Gia đình cô Cúc có đột biến : chồng cô lấy vợ nhỏ, người vợ sau xua đuổi mẹ con cô khỏi tổ ấm xây dựng từ năm xưa. Nếu sống trong cộng đồng Xtiêng, cô được luật tục bảo vệ, chồng cô không được ly dị cô ; nếu muốn ly dị vì lý do chính đáng, anh ta phải đền vạ một con heo, một vò rượu trả tiền tambu (tiền trinh tiết), trả tiền nuôi con... Nhưng sống tách khỏi sóc từ lâu, cô Cúc ngậm ngùi ra đi với hai bàn tay trắng. Cô về xã Minh Đức (Hớn Quản) tiếp tục làm phu cạo mủ.
            Ngày ngày, cô Cúc địu "mặt trời của mẹ" ra lô cao su dù trời nắng lửa, hoặc mưa dầu. Sinh ra từ vùng núi, Sanh thừa hưởng tố chất khỏe khoắn dẻo dai của cha mẹ. Sanh lớn lên từng ngày và khi đến tuổi tới trường, mẹ Cúc làm khai sinh cho con lấy quê quán là xã Minh Đức, quận Hớn Quản (nay là huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé). Nhà có một mẹ, một con, mẹ trút tất cả tình thương yêu trìu mến vào giọt máu duy nhất của mình. Tuy nghèo, mẹ cố cho con đến trường học chữ cho đời đỡ khổ.
            Khi Sanh trở thành thanh niên, miền Nam đang trong thời kỳ "chiến tranh đặc biệt", quân đội Sài Gòn hầu như bên bờ vực sụp đổ. Sau các chiến thắng vang dội : Bình Giã, Plei Me, Đồng Xoài... của quân giải phóng. Cán bộ mật xã Lộc Quang gặp gỡ, giáo dục Sanh, anh được giác ngộ liền đi theo giải phóng. Đầu năm 1965, anh làm du kích mật rồi thoát ly vào rừng làm nhân viên kinh tài huyện Hớn Quản. Sanh đi thoát ly, mẹ Cúc theo con vào căn cứ vì không thể xa con. Mẹ mò cua, bắt ốc, hái rau rừng, lấy củi, nấu ăn... đỡ đần cho anh em trong đơn vị để luôn luôn được gần con. Mẹ thương Sanh chịu đựng bom đạn, càn quét của giặc, trong khi mẹ cũng gian khổ tương tự.
            Tháng 7-1970, anh Sanh thu thuế xe be khai thác gỗ trong vùng ta làm chủ thì bị địch phục kích bắn chết ở suối Bà Nồm, xã Lộc Quang. Mẹ Cúc đau đớn muốn chết cùng con. Mẹ trải qua nhiều ngày vật vã, xót thương, trong lúc địch tiến hành đánh phá căn cứ ta ác liệt.
            Tháng 3-1972, quân dân miền Nam mở đợt tiến công chiến lược trên khắp các chiến trường Trị - Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Bộ binh và xe tăng ta đột phá Bình Long, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng. Theo dòng người di tản, mẹ Cúc chạy về đồn điền Cuôctơnay (Cẩm Mỹ) tiếp tục làm nghề cạo mủ kiếm ăn.
            Mẹ Nguyễn Thị Cúc được tặng Huân chương Độc lập. Mẹ được nuôi dưỡng ở trại cha mẹ liệt sĩ Long Khánh rồi được đưa về sống ở nhà nuôi cha mẹ liệt sĩ Đồng Nai bên Cù Lao Phố. Mẹ rất ít nói, hay uống rượu, hình như lúc nào cũng chỉ nhớ Phạm Văn Sanh ở tuổi 21 đầy sức sống non tơ. Anh mãi mãi tươi trẻ trong tâm trí của mẹ. Mẹ Nguyễn Thị Cúc qua đời năm 1991 trong niềm ưu ái của những bậc cha mẹ liệt sĩ cùng trại. Cuối năm 1994, mẹ được truy tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.