Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Mẹ Nguyễn Thị Đẹt (1901-?)
Mẹ Nguyễn Thị Đẹt (1901-?)

        Mẹ Ba Đẹt ( Nguyễn Thị Đẹt ) sinh năm 19... ở xóm Gò Tre làng Bình Dương ( nay thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa ) nhưng cư ngụ lâu dài ở phường Tân Vạn. Đời mẹ là chuỗi dài lo toan việc nhà, việc nước chất chồng thương nhớ mỏi mòn và đau đớn xé lòng từ khi các đế quốc xâm lược kéo vào. Mẹ có năm con : ba trai đầu rồi tới hai gái. Anh Hai Hoành     ( sinh năm 1924 ) hăng hái tham gia phong trào Thanh niên Tiền Phong hồi Cách mạng tháng Tám 1945. Tiếng súng Nam Bộ kháng chiến thôi thúc anh gia nhập Vệ quốc đoàn, làm lính trinh sát chi đội 306 chiến đấu trên đất Gia Định - Ninh ( tức tỉnh Gia Định - Tây Ninh lập năm 1951 ). Tiễn con lên đường, mẹ tuy buồn nhớ nhưng rất phấn khởi tự hào. Anh Nguyễn Văn Ba ( sinh năm 1926 ) - bà con kêu là Ba Bụng - tham gia Quốc gia Tự vệ cuộc ( sau đổi là công an ), công tác tại địa phương. Địch đóng bót Bến Gỗ, song làng Bình Dương nhỏ bé vẫn thuộc vùng độc lập một thời gian dài. Bộ đội về làng, do đó lính bót Bến Gỗ thường càn quét gom dân về quanh bót chúng. Mặt khác, kẻ địch tiến hành chiến tranh gián điệp, cho tay sai đi dò la tin tức của ta. Quốc gia tự vệ cuộc là công cụ sắc bén của cách mạng, góp phần ngăn chặn và tiêu diệt bọn gián điệp, bảo vệ kháng chiến. Anh công an Ba Bụng cơm nhà việc nước như tất cả các cán bộ cơ sở hồi đó. Mẹ Ba Đẹt nhỏ thó tần tảo công việc ruộng đồng, nuôi con và các đồng chí của con, coi đó là lẽ đương nhiên. Cuối tháng 8-1948, anh Ba Bụng đi công tác ở ấp Phước Châu ( Long Hưng ) thì bị lính biệt kích của Pháp côm-măng-đô ( commando) đột vào bắt được. Chúng giải về bót Bến Gỗ, đánh đập dã man hòng bắt anh khai lực lượng cán bộ, du kích đang bám địa phưong. Chúng bỏ đói anh, chị Ba Lợi bị giam cùng phòng lén bẻ một miếng cơm tuồn cho anh. Tên lính gác trông thấy, giật phắt, vứt đi. Không khai thác được gì ở anh Ba, bọn giặc đem anh về Vàm Ông Yêu ( Long Hưng ) chặt đầu ngày 3-9-1948 ( Mùng 1 tháng 8 Mậu Tý ). Bà con trong xóm chôn cất anh ở ven sông. Mẹ Ba Đẹt vô cùng đau xót khi nghe về cái chết thảm của con mình. Một thời gian sau, mẹ cùng con gái út Sanh - mới 10 tuổi - xuống Bến Gỗ, dò hỏi tìm gặp tên ác ôn. Má bình tĩnh, tỉnh táo nhìn thẳng mặt hắn : - Tôi nghe nói ông chặt đầu nhiều người lắm, phải không ? Y hoảng sợ, chối bằng cách nói năng lảm nhảm như một thằng điên. Sau ngàu giải phóng, mẹ xuống Bến Gỗ lần nữa, nhung y trốn biệt nơi nào, chắc sợ ta trừng trị những tội lỗi man rợ khi y cam tâm làm tay sai cho giặc.

            Nguyễn Văn Bốn ( sinh năm 1940 ) gia nhập du kích xã để trả thù cho anh ruột. Anh cùng đồng đội nhiều phen chống càn bảo vệ nhân dân, bảo vệ căn cứ du kích Bình Đa. Mẹ và hai con gái lo việc ruộng đồng, lo chạy càn, lại lo tiếp tế cho anh và số du kích xã. Trưa 11-6-1951, bộ đội cùng du kích địa phương kỳ tập hạ bót Long Điềm, thu nhiều vũ khí. Địch chiếm lại bót, bắt một số dân, trong đó có út Sanh mới 12 tuổi. Anh Bốn thấy mẹ và hai em không thể yên thân ở xóm Gò Tre, một mặt nhờ người nói với linh mục Thiên xin tha cho em, một mặt thuyết phục mẹ về Tân Vạn làm ăn sinh sống. Khi út Sanh được tha, gia đình đi luôn. Bót Bến Gỗ thông báo cho bót Tân Vạn : mẹ Ba Đẹt có một con đi bộ đội, một con làm công an đã chết, một con là du kích ở Bình Đa. Chúng gọi lên dụ : - Có con đi Việt Minh thì kêu nó ra, các quan sẽ cho nhiều tiền... - Gia đình tôi có mấy mẹ con từ Bình Dương qua đây mong sống yên ổn...
            Lâu lâu, mẹ cùng con gái lén bơi xuồng qua Bình Đa tiếp tế cho anh Bốn : gạo, thuốc hút. quần áo... Có lần út Sanh đi một mình, mang gói mắm hơn một ký bị lính xét thấy, chúng tịch thu và tát mấy cái về tội "tiếp tế cho Việt Minh". Ngày 6-11-1952, ( 19 tháng 9 Nhâm Thìn ) anh Bốn lọt ổ phục kích, bị bắn chết trong khi đi trinh sát bót Bình Đa vừa dựng sau trận bão lụt lịch sử. Nghe tin dữ, mẹ Ba Đẹt ngất xỉu rồi phát điên, xé nát quần áo, ngày ngày đi rong suốt dọc xã Tân Vạn khóc con, chửi giặc hàng tháng liền. Khi mẹ tỉnh lại, chúng gọi lên bót Tân Vạn : - Trước đây chúng tôi đã biểu bà kêu con về, bà chối, sao bây giờ bà còn la khóc ầm ĩ ?... Đến hiệp nghị Giơ-ne-vơ ( Genève ) tháng 7-1954, mẹ và út Sanh chỉ thoáng gặp anh Hai Hoành cùng đoàn bộ đội hành quân ngang chân núi Châu Thới lên đường tập kết. Từ đó, mẹ cũng như bao bà mẹ miền Nam, van vái Trời Phật, mong có ngày gặp lại người con trai còn lại. Anh là niềm hy vọng to lớn cuối cùng của mẹ. Thời chánh quyền Sài Gòn, mẹ và út Sanh đã đi tìm mộ anh Ba và anh Bốn. Nhưng do vật đổi sao dời, mưa nắng đã xóa hết vết tích cả hai ngôi mộ.
Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ chờ mãi ngày anh Hai Hoành trở về. Một trong các mong ước của người già là trông cậy và sống cùng con cháu. Một đồng đội của Hai Hoành ở sư đoàn 325 tìm về thăm mẹ và báo tin : trong đợt ba Mậu Thân, đơn vị anh đánh vào Sài Gòn bị tổn thất nặng, anh bị vây chặt, đã nổ mìn diệt giặc và hy sinh ngày 9-8-1968 ( không rõ nơi chôn cất). Bao nhiêu nước mắt đã cạn khô qua hơn ba mươi năm lo âu, đau khổ, thương nhớ, buồn tủi. Mẹ kịp đón nhận huân chương Độc lập cao quý. Cách nay gần một chục năm, mẹ đã về với chồng và ba con trai thân yêu ở cõi vĩnh hằng. Mẹ Nguyễn Thị Đẹt sống mãi trong đội ngũ những Bà Mẹ VIỆT NAM ANH HÙNG.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.