Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai: Giá trả cho ô nhiễm ngày càng cao
Hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai: Giá trả cho ô nhiễm ngày càng cao

Mầm ô nhiễm bùng phát
    Tình trạng ô nhiễm sông rạch đã được cảnh báo từ rất lâu tại các địa phương đông dân cư và sản xuất công nghiệp phát triển như TPHCM, Đồng Nai. Chính vì thế, những diễn biến mới đây về sự cố ÔNMT thực chất là sự bùng phát của mầm ô nhiễm đã tích tụ hàng chục năm nay. 5 lưu vực kênh rạch TPHCM lâu nay đã trở thành những dòng kênh đen hôi thối bởi sự phân hủy của các chất hữu cơ và đầy rác. Vụ khoảng 20 tấn cá chết ở quận 7-TPHCM mà kết quả mẫu nước từ rạch chảy vào các ao cá, sau khi phân tích cho thấy có dư lượng thuốc trừ sâu. Tiếp đến, sự cố "luồng nước đen" đến đậm đặc từ sông Vàm Thuật chảy ra sông Sài Gòn mà kết luận cuối cùng của Sở KHCNMT cho rằng do dòng nước ô nhiễm từ kênh Tham Lương loang ra. Tình trạng ô nhiễm đã không chỉ dừng lại ở hạ lưu sông Sài Gòn mà lan lên tới đoạn sông thuộc tỉnh Bình Dương - phần thượng lưu. Cây trồng, vật nuôi trong môi trường nước bị hủy hoại nặng nề. Sự cố này đang còn trong vòng bàn thảo về các giải pháp khắc phục, thì mới đây lại xảy ra tình trạng cá bè chết hàng loạt tại Đồng Nai với số lượng lên đến 120 tấn và 30.000 con cá nhỏ ương nuôi. Theo phản ánh của các chủ nuôi cá bè là "có nguồn nước màu đen, có mùi hôi nồng của hoá chất do thủy triều đẩy từ các cống xả  của các đơn vị sản xuất phía KCN Biên Hoà 1". Tháng 7.2002 cũng đã từng xảy ra vụ chết gần 200 tấn cá bè nuôi trên sông Đồng Nai. Kênh rạch ô nhiễm trầm trọng đã đành, nhưng đến những con sông giờ đây cũng không còn là chốn yên ổn cho các loài thủy sinh.

    Với lượng nước thải xả thẳng vào hệ thống kênh rạch hơn 1 triệu mét khối mỗi ngày tại KVKTĐLPN hiện nay, không chỉ có các thành tố hữu cơ gây ô nhiễm mà nước thải công nghiệp còn mang theo các thành tố hoá học độc hại, như của ngành dệt nhuộm, xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật v.v... Nếu tình trạng ô nhiễm không được hạn chế, khắc phục thì hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai vốn là nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho khoảng 12 triệu dân thuộc khu vực trên sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, đe dọa đến an toàn sự sống con người.  

Thủ phạm chính là nước thải công nghiệp!
    Việc ô nhiễm kênh Tham Lương đã được xác định do nước thải từ sản xuất công nghiệp. Dọc trên tuyến kênh này hiện vẫn còn 28 đơn vị xả nước thải xuống kênh không qua xử lý. Chỉ có nước thải công nghiệp mới mang những đặc trưng về mùi hôi nồng nặc của hoá chất và một số chỉ số khác cho thấy sự tích tụ chất hữu cơ lâu năm phân hủy do ngành sản xuất thực phẩm tạo nên. Vụ cá bè chết trên sông Đồng Nai đang được đặt nghi vấn do nước thải của các đơn vị là Cty giấy Đồng Nai, Tân Mai, Cty đường Biên Hoà và Cty sản xuất bột ngọt Ajinomoto VN. Trong khi đó, tại TPHCM có khoảng 30.000 cơ sở sản xuất TTCN và đơn vị sản xuất công nghiệp lớn mà đại đa số xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông rạch.
    ÔNMT do nước thải công nghiệp đã rất trầm trọng, dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng cuối cùng cũng trôi lờ đi bởi những áp lực về thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và lợi nhuận. Nhìn một cách hệ thống và tổng thể - từ Bộ Công nghiệp là cơ quan quản lý nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp lớn nhất, cho đến hai địa phương có nhiều đơn vị  sản xuất công nghiệp đóng trên địa bàn là TPHCM và Đồng Nai - đều chưa có một chiến lược triệt để và kiên quyết để giải quyết ÔNMT do sản xuất công nghiệp gây ra. Năm 2000, TPHCM từng khởi động trở lại chương trình di dời DN gây ô nhiễm ra ngoại thành, nhưng tiến độ quá chậm chạp. Số DN di dời được tại TPHCM mới đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó theo thống kê của 15/22 quận, huyện của thành phố đã có trên 930 cơ sở sản xuất cần phải di dời. Nhiều DN, đặc biệt là đơn vị trực thuộc Bộ Công nghiệp (ngành sản xuất sữa, dệt) vẫn lần lữa, trễ nải trong việc trang bị hệ thống xử lý nước thải. Sự phối hợp giữa Bộ Công nghiệp với các địa phương bị ÔNMT vì sản xuất công nghiệp hàng chục năm qua là con số 0. Chưa kể, có những đơn vị sản xuất công nghiệp lớn cậy thế trung ương, bao năm qua trì hoãn thực thi các giải pháp khắc phục ÔNMT và di dời. Pháp luật về bảo vệ môi trường sống không thiếu, nhưng trong công tác quản lý về môi trường lại đang thiếu sự kiên quyết trong trách nhiệm và thừa thãi sự xuê xoa, cả nể cho nhau.

Thẩm Hồng Thụy

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.