Trưa ngày 3/9/1969, cũng như cả nước, quân dân xã Bình Sơn (nay thuộc huyện Long Thành) nhận được tin đau đớn : Bác Hồ kính yêu đã ra đi. Tin Bác mất trở thành nỗi đau chung truyền đi trong rừng cao su lao xao,trong tiếng nấc, trong nước mắt, trong trái tim nối những trái tim...
Một bà má buông dao cạo, tay ôm lấy ngực nức nở bên gốc cao su. Nhựa trắng tuôn dòng qua đường cạo dở dang như khóc thương cùng má :
-Bình Sơn ...không còn được... đón Bác... vào thăm ... Bác ơi !
Bình Sơn là tên một ấp của xã Lộc An (Long Thành), từ năm 1910 trở thành một sở cao su thuộc Công ty đồn điền Đất Đỏ của tư bản thực dân Pháp. Binh Sơn đất rộng người thưa, có vị trí chiến lược quan trọng, có đường huyết mạch lưu thông với Bà Rịa - Long Khánh - Long Thành - Căn cứ Nước Trong cho nên cả Pháp và Mỹ đễu muốn canh giữ Bình Sơn như giữ lấy yết hầu của mình. Hơn nữa, với 2 vạn hecta đất mầu mỡ hợp với cao su, Bình Sơn được xem là miếng mồi ngon mà nanh vuốt của thực dân không bao giờ muốn từ bỏ. Bởi vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bình Sơn là địa bàn trọng điềm diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa nhân dân cách mạng và đế quốc xâm lược. Đấu tranh càng, quyết liệt nhân dân Bình Sơn càng trung kiên, một lòng một dạ với Đảng và Bác Hồ.
Hơn ai hết, người dân Bình Sơn thấu hiểu sự tủi cực của nô lệ, và thấm thía ý nghĩa của bốn chữ "Độc lập, Tự do" Bác Hồ mang lại. Dân Bình Sơn hau hết là công nhân cao su, xuất thân từ nông dân phá sản, người thất nghiệp ở miền Bắc, miền Trung theo lời mộ phu ngọt ngào của thực dân Pháp mà gắn mình vào vùng đất này. Những năm trước Cách mạng tháng Tám, kiếp sống người dân phu rất cay cực và tủi nhục trong roi vọt, bệnh tật, thiếu đói và tăm tối. Máu và nước mắt của công nhân từng thấm vào đất cao su, nhỏ giọt vào chén cơm ăn. Uất ức quá, nhiều anh chị em cầm dao liều mạng với bọn cai, xu ác nhơn; nhiều tổ bãi công để đòi quyền lợi, song, kết quả cuối cùng mang lại thường là sự ngược đãi nặng nê hơn dành cho các số phận lầm than.
Đến năm 1944, Chi bộ Đảng đâu tiên ở Bình Sơn được thành lập, có Đảng và Bác Hồ soi sáng nhân dân Bình Sơn mới biết hướng căm thù vào ai, làm thế nào để giành được độc lập tự do ?
Hồi đó, người Bình Sơn chưa ai hình dung được tầm vóc vĩ đại của Bác nhưng thảy đều cảm thấy Bác là vị cứu tinh, con người cao cả thu hút lòng ngưỡng vọng của mọi người.
Tháng 8 năm 1945, theo ngọn cờ của Bác, nhân dân Bình Sơn cướp chính quyền từ tay quân Nhật, tiếp đó là cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp tái chiếm và 20 năm chống Mỹ. Có Bác trong tim, nhân dân Bình Sơn đi từ không đến có, từ người nô lệ tủi cực trở thành đội quân cách mạng nổi tiếng đánh giặc quả cảm, mưu trí, lập được nhiều chiến công vang dội. Những lúc gian khổ, khốc liệt hay khi đạt thắng lợi vẻ vang, Bác luôn là niềm tin, là sức mạnh tinh thần của người Bình Sơn. Đội du kích Bình Sơn được tặng thưởng danh hiệu : Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - đó là kết quả của phong trào lập công dâng Bác. Các má, các ba, các anh chị và cả các em nhỏ dự phần vào cuộc chiến đấu chống Mỹ đều ấp ủ trong tim khát vọng làm theo lời Bác dạy, ước mong chóng đến ngày thắng lợi để đón Bác vào thăm.
Tháng 9 năm 1969, cao su đang mùa căng sữa; phong trào cách mạng Bình Sơn sau khi vượt qua phong ba, băo tố đang bước vào mùa "thu hoạch" mới thì đột ngột có tin Bác mất. Ước mong gặp Bác tưởng đến gần, thoắt biến thành nỗi đau mất mát.
Giữa lúc quân chư hầu Thái Lan càn quét ác liệt, Đảng ủy Ban cán sự cao su họp bất thường quyết định tổ chức lễ truy điệu Bác tương xứng với lòng tôn kính của nhân dân. Cái khó là làm sao tập họp được toàn dân trong khi xe tăng, máy bay, trọng pháo của địch đang giương sẵn khắp nơi?
Chiều ngày 3/9 kế hoạch truy điệu được thông qua. Cơ sở mật trong làng nhận nhiệm vụ đưa dân đến nơi tập kết an toàn. Một tổ công tác được cử đi Long Thành mua vải để may băng tang. Chị bán vải sùi sụt không lấy tiền, nói rằng : xin được góp phần vào lễ tang Cụ Hồ. Bó vải đã gói kỹ nhưng không qua mắt được tên cảnh sát ở trạm kiểm soát Bình Lâm:
- Mua vải trắng làm gì nhiều dữ vậy ?
- Về phát tang cha tôi.
- Đừng có láo, để tang Cụ Hồ phải không ?
Nói vậy nhưng tên cảnh sát không dám làm gì hơn vì đọc trong mắt đỏ hoe của các chị có nỗi niềm thương đau và sức mạnh không của riêng ai.
Đêm ấy, Bình Sơn chìm trong thinh lặng lạ thường. Bên trong những mái nhà ẩm thấp là những trái tim thổn thức, những đôi mắt nhòe lệ, những bàn tay run rẩy may băng tang dưới ánh đèn dầu. Má Phan Thị Dẫu nghe đài hai lần nhưng chưa tin sự thật nửa đêm má băng rừng ra "cứ" hỏi cặn kẻ:
- Người như thế mà "đi" thật rồi sao ?
Con má trả lời rằng, thật. Má thất vọng gào lên nức nở. Anh Mười dỗ má đừng khóc nhưng chính anh nước mắt cũng tuôn dòng.
Buổi sáng, xe chở dân ra lô như thường lệ. Đoàn xe nối nhau rú máy trước cặp mắt kiểm soát của lính Thái. Chúng không nhận ra rằng, hôm nay, dân cạo không mang theo thùng, dao. Mọi người đễu mặc đồ mới. Cán bộ cơ sở mặc quần áo màu đen. Cả trẻ em cũng tơm tất, nghiêm trang.
Xe không ra lô mà nối đuôi nhau đậu ở góc rừng lô 9110. Ở đấy, Ban Cán sự Đảng và các đơn vị đã tề tựu sẵn. Môt chiếc bàn ghép bằng cây rừng, trải ni-lông xanh, trên có ảnh Bác viền băng tang và lọ hoa rùng nhiều màu sắc. Cờ đỏ búa liềm và cờ giải phóng làm rạng rỡ gương mặt của Bác trong ảnh, trông thế không ai cầm được nước mắt.
Đến giờ hành lễ, gần một nghìn người dân và cán bộ xếp thành hai hàng nghiêm trang trước Bác. Trên ngực trái mỗi người là một dải băng tang trang trọng, nơi ấy có trái tim đang nhức nhối quặn đau. Có má quấn khăn trắng lên đầu, tay run run đốt nhang, miệng lầm rầm khấn vái đúng với nghi thức đối với tang lễ Cha già. Đồng chí Sáu Thống thay mặt Đảng ủy trích đọc điếu văn truy điệu Bác ghi từ Đài Hà Nội. Đồng chí đã cố gượng lắm rồi, nhưng chưa trọn câu, nước mắt,tiếng nấc đã bật ra. Không kìm được, tiếng khóc rền vang khu rừng. Chẳng còn ai nghe được gì nữa cả, lúc ấy tiếng khóc là câu chữ thành thật nhất nói hộ nỗi lòng thương nhớ Bác. Các em: Quyền, Chung, Hoan, Bình, Thắng... nổi tiếng là gan lì trong đội tự vệ mật ấy mà trong lễ truy điệu Bác gương mặt mỗi em đều não nề như gà con lạc mẹ. Chị Đông, má Chín Ngạc từng cắn răng chịu đòn quyết không nhỏ lệ trước quân thù, nhưng với Bác, chị và má nỉ non mãi không thôi. Biết làm sao được! Mỗi người đều có cuộc đời riêng, tâm tình riêng, nhưng trước nỗi đau vắng Bác đâu có gì là của riêng mình.
Sau lễ truy điệu, dân theo xe ra về. Cán bộ cơ sở ở lại "cứ" để sinh hoạt tiếp tục về tuần lễ tang Bác. Bộ phim "Nối gió" vốn được háo hức đón chờ bỗng trở thành nhạt nhẻo trong nỗi đau quá lớn. Trong buổi sinh hoạt, Chi bộ Bình Sơn nhận định: lợi dụng tình hình tang Bác, địch sẽ mở đợt càn quét và khủng bố nhằm đe dọa tinh thân nhân dân. Bởi vậy, cán bộ cơ sở cần tiếp tục động viên nhân dân giữ vững tinh thần, vững lòng tin ở sự nghiệp của Bác Hồ, của Đảng.
Nhưng không cần nhiều đến lời động viên, dân Bình Sơn lặng lẽ tiếp tục công việc của mình. Mỗi nhà đều có một nơi trang trọng thờ Bác. Đêm đêm hương khói nghi ngút. Ảnh Bác được ngụy trang cẩn thận, nhưng có nơi như má Chín Chu thì không phải giấu đi đâu cả, lính ngụy vào hỏi, má đáp : "Ba tui đó, mấy cậu hỏi làm gì ? " . Trên chuyến xe đi Long Thành, cứ mười người thì có đến chín người quấn khăn tang. Một tên cảnh sát chặn xe lại hùng hổ:
- Tụi này cả gan dám để tang ông Hồ đi qua đây. Tao bắt nhốt hết.
Một chiếc xe lam khác đến, cũng thế. Tên cảnh sát nheo mắt :
- Tức thiệt ! Bắt người để tang ông Hồ thì chỗ đâu mà nhốt cho hết?
Rồi chuyện để tang Bác thành quen, giặc không buồn hỏi đến nữa vì biết chẳng thể nào ngăn được. Cho đến ngày giải phóng, trong nơi trang trọng nhất của gia đình, nhiều má còn cất giữ nguyên vẹn những tấm ảnh Bác đã hoen màu, những tờ bạc Cụ Hồ vô giá.
Nhớ Bác, không phải chỉ là chuyện để tang thương khóc, nhân dân Bình Sơn biết nén lòng để làm nên chiến thắng. Đến ngày giải phóng, nhiều người đã vĩnh viễn ra đi, nhiều người được tặng thưởng huân chương. Đội du kích Bình Sơn được tặng danh hiệu Anh hùng, có người giữ trọng trách trong chính quyền cách mạng, có người tiếp tục công việc của mình bên gốc cao su... Dẫu thế nào, mỗi người xuất thân từ phong trào cách mạng Bình Sơn đều không thể quên những năm tháng đấu tranh ác liệt luôn có Bác trong trái tim.
HUỲNH MINH CƯỜNG