Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Đền thờ Nguyễn Tri Phương
Đền thờ Nguyễn Tri Phương
Đền thờ Nguyễn Tri Phương tọa lạc bên hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc địa phận phường Bửu Hoà, thành phố Biên Hoà (nguyên trước kia là làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên). Xung quanh ngôi đình là cảnh cây, sông nước hữu tình, phía trước có rừng dương liễu ngày đêm vờn gió vi vu, phía trên có đường thiên lý Bắc - Nam (Quốc lộ I cũ) vượt qua sông Đồng Nai bằng cầu Gành, bao bọc phía sau là cả vành đai khu dân cư với vườn cây trái sum suê. Đền thờ Nguyễn Tri Phương như sống giữa vòng tay ấm áp niềm tin yêu kính trọng của người dân Biên Hoà - Đồng Nai.

 
Hiện hữu trong một không gian thoáng rộng nên thơ, đồng hành với thời gian nhiều biến cố, đền thờ Nguyễn Tri Phương trở thành một ấn tích đẹp đẽ, một biểu tượng thiêng liêng của con người Đồng Nai vốn có truyền thống thủy chung với tổ tiên. Tại đây, có ngôi miếu nhỏ tên là Mỹ Khánh đình được nhân dân địa phương dựng nên để thờ thần Thành hoàng bổn cảnh cầu xin mưa gió thuận hoà, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đến khoảng đầu thế kỷ XIX (1803), ngôi miếu được nhân dân sở tại xây dựng thành ngôi đền. Từ đó đến nay, ngôi đền đã nhiều lần được trùng tu và trở nên khang trang như hiện nay.
Tương truyền, vào năm 1861, nhân dân địa phương có thờ cụ Tán lý Định Biên Nguyễn Duy – một tướng tài được triều đình Nguyễn cử vào lo việc chống quân Pháp xâm lược. Trong trận đánh giặc Pháp tấn công đồn Chí Hoà, Nguyễn Duy tử trận “thi hài tan nát không phân biệt được, có người nhận ra dấu áo và đai lưng của ông bèn đem về chôn tạm ngoài cửa Đông thành Biên Hoà”. Về sau, vua Tự Đức giao cho danh tướng Nguyễn Tri Phương (anh ruột của Nguyễn Duy) đích thân trông coi việc cải táng, đưa quan cữu của Nguyễn Duy về quê Đường Long an táng. Sau khi cải táng, nhân dân Biên Hoà đắp lại chỗ cũ một ngôi mộ để thờ.
Năm 1873, khi danh tướng Nguyễn Tri Phương mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng đã có công trong việc di dân lập ấp, mở mang lãnh thổ Đàng Trong, cùng với Nguyễn Duy làm vẻ vang thêm trang sử Biên Hoà, nhân dân tạc tượng Nguyễn Tri Phương và thờ ông tại đình. Từ đó, Mỹ Khánh đình được gọi là đền thờ Nguyễn Tri Phương.
Đứng ở phía tây của cầu Gành vượt qua sông Đồng Nai, nhìn xuống phía hữu ngạn, ta sẽ thấy một bức tranh hoành tráng mỹ lệ lung linh giữa trời nước mênh mông. Ngôi đền toạ lạc trên một khu đất rộng (khoảng 2.500m2), khá bằng phẳng, in bóng xuống dòng sông Đồng Nai giữa những cây cổ thụ và khu dân cư đông đúc. Mặt trước của đền nhìn ra sông Đồng Nai, theo hướng đông bắc. Bờ bên kia, Cù Lao Phố sầm uất với những vườn cây trái xanh tươi. Trước đền có khoảng sân rộng tráng xi măng, hai bên có bàn thờ Thần Nông và Đài chiến sĩ. Đền thờ Nguyễn Tri Phương được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ công (工) gồm ba phần: tiền đình, chánh điện và nhà khách. Xung quanh đền có hàng rào bảo vệ xây bằng gạch khá vững chắc. Họ tộc Nguyễn Tri tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dựng bia khắc ghi công trạng của Nguyễn Tri Phương dựng trước sân đình.
Đền có diện tích 500 m2, mái lợp ngói vảy cá. Mặt trước của đền được đắp nổi với dòng chữ: Mỹ Khánh đình bằng chữ Hán và hai bên là cặp lý ngư hóa long, nhật nguyệt. Trên đỉnh cao của chánh điện trang trí hình lưỡng long tranh châu, hai bên có cặp phụng nghinh bằng gốm men xanh. Từ ngoài nhìn vào ta thấy sự uy nghi bề thế của ngôi đền. Ở giữa là các tấm bao lam bằng gỗ được điêu khắc đề tài hoa điểu, tứ linh rất công phu. Các bức liễn và hoành phi khắc chữ Hán, sơn son thếp vàng treo khắp cột và xà ngang theo chiều dài khu chánh điện. Trên hương án thờ thần, sự hiện diện của bộ áo mão, tương truyền vua ban cho Nguyễn Tri Phương khi đi kinh lược cùng bộ bát bửu bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng cột chính làm tăng thêm sự trang nghiêm nơi tôn thờ.
Chánh điện của đền ngày đêm nhang khói nghi ngút, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị... Bàn hương án có điểm khắc lưỡng long triều nhật, mô típ hoa văn dây, hoa, lá được cách điệu rất tinh tế. Bàn La liệt bằng đá. Trước bàn thờ có đặt ngai gỗ chạm khắc tả hình đầu rồng, long vân sơn son thếp vàng tinh xảo. Chánh điện có tượng Nguyễn Tri Phương được tạc khắc bằng gỗ. Tương truyền, một bô lão ở địa phương nằm mộng thấy Đức Ông Nguyễn Tri Phương hiện về với áo mão lẫm liệt, vũ khí trong tay oai hùng, bèn chặt cây mít trước nhà tự tay tạc như hình trong mộng. Đó là bức tượng chính của đền hiện nay, cũng cần nói rõ tác giả bức tượng không hề là nhà điêu khắc.
Đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao xếp loại di tích lịch sử cấp quốc gia, theo Quyết định số 97/QĐ, ngày 21 - 1 - 1992.
Đền thờ Nguyễn Tri Phương luôn được nhân dân địa phương và Ban quí tế trông coi gìn giữ ngăn nắp, sạch sẽ. Vào các ngày lễ, hội bao thiện tâm tín hữu tụ họp về đền dâng hương cầu phúc. Hàng năm, đền tổ chức lễ Kỳ yên rất long trọng. Lễ được tiến hành vào ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Lễ Kỳ yên được chuẩn bị rất chu đáo. Trước khi hành lễ, các vị hương chức lớn nhỏ đều hội tại đền để yết kiến thần thánh. Đến tối lễ bắt đầu từ lúc trăng lên cũng là khi con nước bắt đầu lớn. Lễ kéo dài trong hai ngày với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo và đẹp mắt. Dân trong làng cùng các nơi xa gần cùng các ban quí tế đình, đền trong vùng đến dự.
Trước anh linh ông, những người đến với lễ Kỳ yên như thoát khỏi bề bộn lo âu của đời thường, lòng người hướng về sự thanh cao, thiêng liêng, tưởng nhớ công lao, đức trọng của Nguyễn Tri Phương, tôn thờ ông là vị phúc thần của làng xã.
Với danh nhân Nguyễn Tri Phương, tài năng đức độ, cuộc đời và khí tiết của ông vẫn mãi sống toàn vẹn trong niềm tin kính của con người Đồng Nai. Một phần cuộc đời Nguyễn Tri Phương gắn với mảnh đất Biên Hoà nhưng sự đóng góp của ông rất quan trọng. Trang sử vẻ vang chống thực dân Pháp xâm lược trên mảnh đất thiêng này vinh dự gắn liền với tên tuổi Nguyễn Tri Phương.
Tháng 2 -1861, khi Gia Định thất thủ, đại bộ phận quân ta rút về lập tuyến phòng ngự ở Biên Hoà. Nguyễn Tri Phương đã củng cố trận tuyến phòng thủ và cho quân trấn giữ các nơi xung yếu. Ông cho quân đắp lũy ở Tân Hoa, Trúc Giang, Sông Ký, củng cố lũy Đông Giang, Phước Tứ và Đồng Môn. Ở pháo đài Phước Thắng và cửa Cần Giờ, ông điều quân canh giữ mặt biển. Trên sông Đồng Nai, Nguyễn Tri Phương cho đắp cản bằng đá ong để ngăn chặn tàu thuyền địch. Chỗ đắp cản quan trọng nhất là khúc sông Long Đại, độ phân nửa đường sông Nhà Bè – Biên Hoà. Hễ dưới sông có “cản” thì trên bờ có đồn lũy, bố trí đại bác. Một trong những bức tường cản còn lưu lại tới ngày nay là “cản” ở khúc sông trước đền thờ Nguyễn Tri Phương bây giờ.
Tương truyền khi Nguyễn Tri Phương rút quân về Biên Hoà, công việc phòng thủ đang gấp rút tiến hành thì triều đình có lệnh triệu hồi ông. Nhân dân Biên Hoà thương kính, tin yêu đã cản đầu ngựa, khẩn cầu ông ở lại đánh giặc cho đến cùng.
Sau đó, Nguyễn Tri Phương được triều đình điều ra trấn giữ thành Hà Nội. Trong một trận quyết chiến với kẻ thù, Nguyễn Tri Phương bị thương, con trai ông là Nguyễn Lâm hy sinh, thành Hà Nội bị thất thủ. Hòng mua chuộc ông, giặc Pháp đã đưa ông đi điều trị vết thương nhưng Nguyễn Tri Phương cương quyết cự tuyệt, hất bỏ thuốc men, cơm cháo, nêu cao tinh thần bất khuất, khí phách của mình. Ngày 20 -12 -1873 (tức 1 -11 - Ất Dậu), Nguyễn Tri Phương mất tại dinh Tổng đốc thành Hà Nội để lại niềm thương tiếc vô hạn đối với triều đình, binh sĩ và nhân dân. Sống oai hùng, chết oanh liệt, người dân Biên Hoà đã tôn vinh ông như một phúc thần tại đình Mỹ Khánh với niềm tin son sắt rằng chính ông làm cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà đem lại thịnh vượng cho xứ sở.
Sông Đồng Nai với những con nước rì rào vỗ bờ, rừng dương liễu trước đền vi vu mãi hát khúc anh hùng ca về những tấm gương quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Hơn một thế kỷ trôi qua, cùng với hồn thiêng sông núi, oai linh tướng quân Nguyễn Tri Phương như vẫn còn quanh đây trong suốt cuộc trường chinh đánh đuổi thực dân, đế quốc giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Khí phách anh hùng và tấm gương trung trinh của Nguyễn Tri Phương – cũng như nhiều thế hệ họ tộc của ông – đã làm chói loà đạo lý xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc, mãi được lịch sử khắc ghi, là niềm kiêu hãnh của người dân Việt trong quá khứ, hiện tại và cho cả mai sau.
Đỗ Bá Nghiệp - Phan Đình Dũng

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.