Trải qua hơn 30 năm trận mạc, trên nhiều cương vị, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có mặt ở hầu hết các chiến trường nóng bỏng và đã chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cả hai miền Nam - Bắc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, với tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương, chia sẻ… Đại tướng Lê Trọng Tấn đã để lại trong lòng người dân Việt Nam lòng kính yêu, khâm phục. Ông là vị tướng xuất sắc của Quân đội và nhân dân ta. Nhân kỷ niệm 35 ngày ông mất, chúng ta cùng điểm lại một số đóng góp của ông trong sự ngiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, sinh năm 1914 trong một gia đình nghèo yêu nước ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông tham gia Việt Minh từ năm 1944 và làm công tác địch vận ở Hoàng Mai, Hà Nội. Tháng 3/1945, ông là thành viên trong Ủy ban chuẩn bị khởi nghĩa tỉnh Hà Đông, được cử về tuyên truyền, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang tại Ứng Hòa, La Khê, La Cả (Hà Đông) và tổ chức cướp kho thóc nhật, cứu đói cho dân. Tháng 8/1945, ông tham gia vào Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông phụ trách quân sự và tham gia chỉ đạo cướp chính quyền tại tỉnh. Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 12/1945 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, sau đó đổi tên thành Lê Trọng Tấn. Từ đây cuộc đời và sự nghiệp quân sự của ông luôn gắn liền với quá trình xây dựng và chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, ông chỉ huy Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 37 chiến đấu tại mặt trận Hà Đông. Ông tổ chức diệt bốt Đồng Quan và giành thắng lợi trận đầu. Những trận đánh hay, đánh thắng của Hà Đông đều có sự đóng góp của ông, ông tổ chức cho từng trận đánh, vừa củng cố vừa xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh. Ông là một trong những Trung đoàn trưởng, Đại đoàn trưởng đầu tiên của quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tham gia từ các chiến dịch nhỏ đến các chiến dịch lớn, góp phần xứng đáng vào những chiến thắng vang dội của quân đội ta ở Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và Điện Biên Phủ (1954).
Những năm đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm các cương vị: Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, quyền khu trưởng khu 14, Phó tư lệnh Khu 10, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn chủ lực 312 lập nên chiến công lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nét nổi bật về tài năng quân sự của ông là chỉ huy giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch. Năm 1947, Thực dân Pháp tập trung 20.000 quân tinh nhuệ, thiện chiến gồm cả bộ binh, máy bay, tàu chiến, pháo binh… do tướng Pháp Xa-lăng chỉ huy quân Pháp tấn công lên chiến khu Việt Bắc của quân ta. Âm mưu của chúng nhằm phá tan cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến, tiêu diệt phần lớn chủ lực của quân đội ta. Cùng với nhân dân chiến khu Việt Bắc, những đơn vị bộ đội cấp trung đoàn mới được thành lập tham gia chiến dịch “Phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc”. Hơn hai tháng chiến đấu anh dũng, quân dân ta đã chiến thắng vẻ vang. Trong đó Tư lệnh phó Khu 10 – Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh kiêm Chỉnh chỉ huy Trung đoàn 87 đã lập công xuất sắc trên dòng sông Lô.
Tháng 6/1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết mở chiến dịch Biên giới để tiêu diệt sinh lực địch, mở thông biên giới phía Bắc nối liền với Trung Quốc và các nước trên thế giới, củng cố và mở rộng căn cứ Việt Bắc. Theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng làm chỉ huy trưởng, Trung đoàn trưởng 209 - Lê Trọng Tấn làm chỉ huy phó trận tiến công cứ điểm Đông Khê. Kết thúc chiến dịch ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên, phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân. Đây là chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của quân đội ta, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức, chỉ huy và tác chiến của quân đội. Trong đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của chỉ huy phó Lê Trọng Tấn. Đặc biệt, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, dưới sự chỉ huy tài giỏi của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại đoàn 312 đã chiến thắng ngay từ trận mở màn, tiêu diệt hoàn toàn Him Lam. Tướng Lê Trọng Tấn cũng là người chỉ huy đơn vị tiến công vào sở chỉ huy bắt sống tướng Đờ-cát và Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nói đến tài thao lược, trí tuệ của ông, còn phải kẻ đến những đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ. Lần đầu tiên trên cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam rồi Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, ông đã góp phần cùng quân và dân ta đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ xâm lược. Tiếp đó là những chiến dịch lớn mà Lê Trọng Tân là người chỉ huy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông là một trong những Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của Quân đội ta.
Ngoài ra, tướng Lê Trọng Tấn nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân (1954-1960), Viện trưởng Viện Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng (1974), Giám đốc Học viện quân sự cấp cao (1976-1977). Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn coi trọng công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, nghiên cứu khoa học quân sự, kết hợp thực tiễn với lý luận trong việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Nhiều công trình nghiên cứu, bài viết của ông mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, là cơ sở giúp chúng ta nghiên cứu, học hỏi về đường lối quân sự của Đảng và nghệ thuật quân sự chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng.
Từ một chỉ huy phân đội, trung đoàn, trưởng thành lên Đại đoàn trưởng, rồi Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông là vị tướng trận mạc, đã có mặt ở nhiều chiến trường, có khả năng xoay chuyển cục diện trận đánh. Ông được phong hàm thiếu tướng năm 1961, Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1980 và Đại tướng năm 1984. Đại tướng Lê Trọng Tấn từ trần ngày 5-12-1986. Với những công lao, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đại tướng được nhà Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng (truy tặng năm 2007), Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạnh Nhất, Huân chương chiến thắng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Mai Mai