Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Bài đăng > Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902-2022)
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902-2022)

Đồng chí Lê Hng Phong – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta

 

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người chiến sĩ kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân lao động tại thôn Đông Thông, làng Thông Lạng (nay là hợp tác xã Hồng Phong, xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống đấu tranh chống bất công, áp bức, đồng chí đã sớm giác ngộ được ánh sáng đúng đắn của con đường cứu nước, cứu dân của giai cấp vô sản. Và chính ở Quảng Châu, từ năm 1924, đồng chí đã may mắn tiếp xúc từ rất sớm với đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Cũng tại đó, đồng chí Lê Hồng Phong đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê-nin và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố năm 1925, đồng chí Lê Hồng Phong đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Chính phủ Quảng Châu cử sang Liên Xô học ở trường đào tạo phi công (từ tháng 10/1926 đến tháng 12/1927). Trên quê hương của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, đồng chí không chỉ trau dồi các tri thức lớn lao mà còn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 1931, đồng chí được cử về nước để tham gia công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Lê Hồng Phong đã có những đóng góp quan trọng vào việc xốc dậy phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam trong điều kiện tình hình đất nước và quốc tế có nhiều biến động.

Năm 1933, đồng chí đã tổ chức Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương và được bầu làm Bí thư Ban Chỉ huy ở ngoài.

Năm 1935, tại Đại hội Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là giai đoạn mà đồng chí Lê Hồng Phong đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng, lập lại cơ quan lãnh đạo Trung ương và cùng Trung ương chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Trên cương vị đứng đầu Ban chỉ huy ở ngoài và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã tiếp tục cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Để tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam phát triển theo chiều hướng đi lên, vừa giải quyết tốt những vấn đề trong nước phù hợp với xu thế của thời đại, đồng chí vừa tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Trên diễn đàn Đại hội Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va (tháng 7/1935), đồng chí Lê Hồng Phong khẳng định ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, nhấn mạnh Đảng Cộng sản Đông Dương là một đảng bất chấp mọi sự khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp, kiên quyết thực hiện cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, thực hiện con đường cách mạng tư sản dân quyền, đánh đổ đế quốc phong kiến để giải phóng dân tộc, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tham luận của đồng chí Lê Hồng Phong đã nêu những ưu điểm, khuyết điểm của phong trào cộng sản, phong trào cách mạng Đông Dương trong cao trào 1930-1931 cho đến năm 1935. Báo cáo của đồng chí phản ánh một tư tưởng lớn của đồng chí Nguyễn Ái Quốc là phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và bổ sung kho tàng lý luận đó những cơ sở thực tiễn của một xứ thuộc địa. Đây là một sự kiện lớn chứng tỏ Quốc tế Cộng sản đã đánh giá cao phong trào cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo. Đó nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô, tham gia BCH Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong sớm trở thành nhà hoạt động quốc tế nổi bật. Cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí đã góp phần to lớn làm cho Quốc tế Cộng sản dần dần hiểu rõ hơn phong trào cách mạng Việt Nam và Đảng Cộng sản Đông Dương, khẳng định Đảng ta là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản.

Dưới ánh sáng Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7/1936), đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tại Thượng Hải để xác định chủ trương mới của Đảng về các vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Đông Dương. Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và chống phong kiến của cách mạng Đông Dương do Đảng ta đề ra từ đầu năm 1930 không thay đổi. Nhưng nhiệm vụ trước mắt của Đảng và nhân dân Đông Dương là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình… Qua Hội nghị này, đồng chí Lê Hồng Phong cùng BCH Trung ương Đảng ta đã khắc phục những thiếu sót, làm cho tinh thần dân tộc và mối quan hệ dân tộc và giai cấp được quán triệt trong toàn Đảng.

Ở cương vị cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của mình khi nhấn mạnh tất cả các phần tử của tất cả các giai cấp phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên tất cả, lợi ích này là lợi ích của tất cả các tầng lớp, tất cả các giai cấp xã hội và đặc biệt là của quần chúng nhân dân rộng rãi.

Giữa năm 1938, đồng chí bị chính quyền thực dân bắt giam lần thứ nhất tại Chợ Lớn và được thả về vào mùa thu năm 1939 trên quê hương của đồng chí nhưng vẫn bị quản thúc. Không lâu sau, đồng chí lại bị bắt giam tại khám lớn Sài Gòn và đày đi Côn Đảo. Trong những điều kiện nghiệt ngã của nhà tù thực dân, bị tra tấn nhiều nhất, tàn bạo nhất nhưng với trách nhiệm là một ngưi lãnh đạo Đảng, để làm gương cho các đồng chí khác, đồng chí đã dũng cảm chịu đựng mọi sự tra tấn của giặc, giữ vững uy tín cho Đảng (trước tinh thần bất khuất của đồng chí Lê Hồng Phong, bọn giặc đã phải nhiều phen khiếp vía). Bị tra tấn dã man, không được chăm sóc cứu chữa, đồng chí Lê Hồng Phong bị suy yếu dần và đã hy sinh vào ngày 6/9/1942 ở tuổi 40, tại Côn Đảo.

Đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh, nhưng những cống hiến xuất sắc của đồng chí cho cách mạng, cho dân tộc đã để lại cho những người cộng sản và các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau nhiều bài học quý giá, đó là một tấm gương mẫu mực về tinh thần học tập và rèn luyện không hề mệt mỏi; đó là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, giữ trọn lý tưởng cộng sản, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào tinh thần, sức mạnh và trí tuệ của quần chúng nhân dân, biết dựa vào nhân dân để đưa cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo. Dù trong gian lao, thử thách, kể cả trước cái chết, đồng chí vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương về ý chí cách mạng kiên cường, khí phách hiên ngang chiến đấu vì độc lập dân tộc, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và đạo đức cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong luôn sống mãi, soi sáng và cổ vũ lớp lớp thế hệ trẻ chúng ta hôm nay học tập và noi theo.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.