Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Bài đăng > Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Cao (18/02/1922-18/02/2022)
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Cao (18/02/1922-18/02/2022)

Nhà văn Vũ Cao tên khai sinh là Vũ Hữu Chỉnh (1922-2007) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Quê xã Liên Minh là một làng quê văn hóa có truyền thống nổi tiếng trong đất văn hóa Thành Nam. Trong xã đã có nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Văn Ký và nhà văn Vũ Tú Nam, Vũ Ngọc Bình chính là em ruột của Vũ Cao.

Ông hoạt động văn học từ rất sớm, Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ông làm báo Chiến sĩ ở Liên khu IV rồi làm phóng viên báo Vệ quốc quân, Báo Quân đội nhân dân. Từ năm 1957, ông làm việc tại tạp chí Văn nghệ quân đội và làm chủ nhiệm trong nhiều năm. Ở đây, ông góp công xây dựng một đội ngũ nhà văn quân đội rất nổi tiếng, nhất là trong thời kỳ chống mỹ cứu nước. Sau năm 1975, ông giải ngũ, làm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam.

Cùng với việc làm báo, Vũ Cao làm thơ và viết văn. Ông viết không nhiều lắm. Về thơ, ông đã in ba tập vào những  năm 1962 (Sớm nay), 1973 (Đèo Trúc), 1990 (Núi Đôi). Tập thơ dư âm nhất trong cuộc đời văn chương của Vũ Cao là tập Núi Đôi. Nhà thơ Vũ Cao từng nói, nếu không có chất liệu cuộc sống hàng ngày thì ông không viết được. Qua tìm hiểu về tập Núi Đôi được biết, bài thơ được ông viết vào một ngày cuối năm 1956. Khi ông về công tác ở sư đoàn 312, đóng quân ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cạnh đó có ngọn núi Đôi. Một hôm, theo mấy người dân đi chợ, ông nghe họ kể chuyện tình của một cô gái du kích trong làng yêu một anh trai làng, rồi anh đi bộ đội. Khi anh trở về thì cô gái đã hy sinh. Vũ Cao liền tìm đến thăm mộ người nữ liệt sỹ đó ở xóm Chùa, thôn Xuân Đoài (còn gọi là Xuân Dục - Đoài Đông), thuộc xã Phù Linh (còn gọi là Lạc Long). Đến tận nơi và nghe người dân kể lại câu chuyện tình giữa anh bộ đội và cô du kích, cảm hứng xuất hiện khiến ông đã chấp bút viết ra bài thơ Núi Đôi...Đây là tác phẩm nổi tiếng nói về nỗi niềm xúc động của tác giả về một câu chuyện tình yêu có thật ở vùng Xuân Dục trong kháng chiến chống Pháp. Núi Đôi là bài thơ tình trong sáng, là tình yêu tiêu biểu của những lứa đôi thời chiến. Tác giả Ngô Văn Phú nhận định rằng: “Thơ Vũ Cao còn say đắm với phong cách phương Đông, xen lẫn nét phong cách, hiện đại, tiếp nhận vốn từ kiến thức văn hóa phương Tây ở những bài thơ Những điều không có thật, thiên nhiên cũng khá thành công”.

Vũ Cao không chỉ là nhà thơ, ông còn là một nhà văn. Ngay từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp ông đã nổi tiếng về viết phóng sự chiến tranh với những trang “tả trận”, “nóng bỏng hơi thở của chiến trường”. Ông có các bài in trên các báo Quân khu IV, Quân du kích, Vệ quốc quân và Quân đội Nhân dân, trong đó có “Diệt chúng nó để trả thù” viết tháng 11-1952, năm 1955 được Nhà xuất bản Minh Đức - Thời Đại xuất bản thành sách. Trong những năm đầu hòa bình, Vũ Cao tham gia trại viết truyện anh hùng do Tổng cục Chính trị tổ chức. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, ông viết các truyện ngắn xuất sắc: “Từ một trận địa”, “Những quả ổi chín”, “Trong một gia đình”, “Người dân Thủ đô” và “Một đoạn thơ sông Đà”... về sau được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in thành tập “Từ một trận địa” (1969). Ngoài ra, Vũ Cao còn viết tiểu luận, phê bình, và có tham gia làm phim Dưới cờ quyết thắng, bộ phim đầu tiên của Xưởng phim Quân đội Nhân dân.

Vốn là người yêu trẻ, lại xuất thân trong một gia đình có tới ba nhà văn (Vũ Tú Nam, Vũ Ngọc Bình là em trai ruột nổi danh với những tác phẩm viết cho thiếu nhi) nên ông cũng tham gia mảng sách viết cho thiếu nhi của ông. Ngay từ những năm đầu tiên Nhà xuất bản Kim Đồng ra đời, Vũ Cao đã có sách in tại đó. Một số cuốn “Em bé bên bờ sông Lai Vu” (1958, 1987 tái bản lần thứ 4), tiếp theo là “Anh em anh chàng Lược” (1965)... Với những sáng tác này, ông đã được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ.

Hầu hết tác phẩm của Vũ Cao viết về đề tài chiến tranh - đề tài gần gũi, gắn bó với ông gần hết cuộc đời, trong tư cách một  người lính. Bởi khi còn đi học, ông rất thích đọc sách văn học. Từ đó, ông hiểu rằng văn học giúp ông hiểu rất nhiều về con người, về cuộc đời. Tham gia cách mạng, vào bộ đội, làm báo, lấy công tác biên tập, phóng viên làm việc chính của bản thân ông. Đến khi ông bắt đầu làm văn, làm thơ, mục đích cuối cùng cũng chỉ phục vụ bộ đội. Những gì ông viết ra là chiêm nghiệm từ cuộc sống của bộ đội, của nhân dân, từ cuộc sống để trở lại cuộc sống. Đối với Vũ Cao, người sáng tác cần phải trau dồi vốn hiểu biết, từng trải và đặc biệt phải luôn gắn mình với đất nước, nhân dân và cách mạng. Ông cho rằng người viết phải có trách nhiệm với câu chữ của mình và cần nhất là sự giản dị, trong sáng.

Bằng những quan điểm sáng tác của ông, người đọc sẽ nhận thấy đặc điểm rõ nhất trong các tác phẩm của Vũ Cao là tính chân thật. Ông luôn muốn làm sao để phản ánh cho đúng hiện thực của chiến tranh, của cách mạng. Ông thường khai thác đề tài chiến tranh thông qua những tình cảm tốt đẹp, gắn bó giữa chiến sĩ với chiến sĩ, chiến sĩ với nhân dân, trong chiến đấu cũng như trong đời thường.

Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực báo chí xuất bản, Vũ Cao đã được vinh dự nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam và Kỷ niệm chương của ngành xuất bản Việt Nam. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, chúng ta cùng tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới nhà thơ Vũ Cao, người đã có những cống hiến cho cách mạng, cho nhân dân, cho báo chí, cho văn học nước nhà.

Mai Mai

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.