Đồng chí Nguyễn Khắc Nhu sống mãi cùng sử xanh
Nguyễn Khắc Nhu được đánh giá là một sĩ phu yêu nước có chí khí, một nhân vật tiêu biểu trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nước Việt Nam thời cận đại, là một trong hai lãnh tụ xuất sắc của Việt Nam Quốc Dân Đảng… Trước khi tự sát ông đã nêu cao khí tiết của người chiến sĩ yêu nước chân chính...
Cảm phục trước cái chết vô cùng oanh liệt của người anh hùng Nguyễn Khắc Nhu, một ông đồ Hưng Hóa đã lập bàn thờ với đôi câu đối: “Vì dân quyên sinh, vì nước quyên sinh, vì đảng nghĩa quyên sinh, thề chẳng tham sinh nhìn giặc nước”. Tạm dịch: “Lòng ông không chết, danh ông không chết, tinh thần ông không chết, quyết đem cái chết giục đồng bào”.
Vốn sinh ra tại xóm Ao Vối, làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (năm 1882) trong một gia đình nhà nho nghèo, từ nhỏ Nguyễn Khắc Nhu đã sớm mất cha, ông được cho đi cắt cỏ chăn trâu tại nhà cụ Tú Bảng để có điều kiện tiếp cận chữ của thánh hiền. Với tư chất thông minh, sáng dạ nên ông đã được sư trụ trì nhận làm tiểu, vừa làm việc vặt trong chùa vừa được học thêm chữ.
Sau đó, Nguyễn Khắc Nhu được gửi lên chùa Lạc Gián để tiếp tục học cao hơn. Tại đây, ông được tiếp cận với các chiến sĩ Yên Thế do cụ Đề Thám lãnh đạo, nhất là thực hiện việc đưa đường trót lọt cho cụ Phan Bội Châu lên Phồn Xương gặp cụ Đề Thám. Cùng với những gì mắt thấy tai nghe, ngọn lửa yêu nước trong Nguyễn Khắc Nhu bùng cháy, ông quyết tâm học tập và đỗ đầu xứ Bắc Kỳ, do vậy mà người ta gọi ông là Xứ Nhu.
Sau khoa thi, ông được học tại trường của cụ Cử Đường, vốn là người tâm giao với các bậc hiệt kiệt như Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế... và từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Những tháng ngày theo học ở đây đã thật sự khai tâm, mở trí cho Nguyễn Khắc Nhu không chỉ về kiến thức mà còn hun đúc thêm tinh thần yêu nước, thương dân.
Lúc bấy giờ phong trào Đông Du do cụ Phan khởi xướng đã lan rộng từ Nam chí Bắc. Cũng như nhiều thanh niên có chí khí khác, Nguyễn Khắc Nhu quyết không theo khoa cử nữa mà tìm đường ra nước ngoài để học tập quân sự. Ông về quê dạy học và tham gia phong trào Đông Du, lập Hội quốc dân dục tài theo kiểu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, thực hiện một số cải cách tại quê nhà. Ngoài việc đứng ra kêu gọi người dân trong làng cùng góp công, góp sức cải tạo môi trường sống như đào giếng, đả phá hủ tục mê tín dị đoan... thì ông còn bày tỏ quan điểm chính trị trên các báo Thực nghiệp dân báo, An Nam tạp chí, Hữu Thanh... và tiếp tục giao du với những người cùng chí hướng.
Sau khi phong trào Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục đều bị tan vỡ, thực dân Pháp truy nã và bắt giam nhiều nhà chí sĩ, có cả cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Nguyễn Khắc Nhu trốn sang Trung Quốc, tham gia vào cuộc vận động cứu nước (khi ấy ông mới 17 tuổi). Từ đó, đồng chí đã chuyển dần xu hướng đấu tranh từ bất bạo động sang xu hướng bạo động. Năm 1927, Nguyễn Khắc Nhu về nước cùng với các đồng chí thành lập Hội Việt Nam Dân Quốc, tổ chức nhiều cuộc tập kích một số đồn Pháp ở Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại... với ý định vũ trang khởi nghĩa. Đồng chí Nguyễn Khắc Nhu sáp nhập Hội Việt Nam Dân Quốc vào Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học và trở thành một thủ lĩnh có uy tín (Đồng chí Nguyễn Khắc Nhu được cử là Trưởng ban Lập pháp của Đảng). Sự việc này đã làm cho Việt Nam Quốc Dân Đảng mạnh lên và có những thay đổi lớn trong Đảng. Việc gia nhập của Việt Nam Dân Quốc đã làm Việt Nam Quốc Dân Đảng nghiêng hẳn về phía khởi nghĩa vũ trang và thu hút thêm đông đảo những người nông dân tham gia.
Cuối năm 1929 nhận thấy bản điều lệ đầu tiên của Đảng còn sơ sài, đồng chí Nguyễn Khắc Nhu đã thay mặt Tổng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng dự thảo một bản chương trình Điều lệ lần thứ hai, trong đó có cả kế hoạch kiến thiết quốc gia sau khi giành độc lập. Bản dự thảo này được Trung ương thông qua và gửi xuống tận chi bộ thảo luận để có quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, tại hội nghị Lạc Đạo ngày 01/7/1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng xuất hiện luồng tư tưởng hoãn khởi nghĩa vũ trang chờ thời cơ tốt hơn. Nhưng với chủ trương của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu “Không thành công cũng thành nhân” đã quyết định khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền. Từ quyết tâm đó Khởi nghĩa Yên Bái đã nổ ra ngày 10/02/1930.
Trong cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái ở Phú Thọ, Sơn Tây, đồng chí Nguyễn Khắc Nhu được giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo. Do sơ xuất, các lực lượng ở các nơi không cùng bộc phát một lúc, thực dân Pháp có điều kiện phòng ngừa, nên cuộc khởi nghĩa thất bại. Tiếp đó, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy trận đánh tập kích đồn Bình Hưng Hóa và phủ lị Lâm Thao nhưng bất thành, bản thân ông trúng đạn và bị bắt. Chủ trương bạo động vũ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà đỉnh cao là cuộc Khởi nghĩa Yên Bái đã thất bại, Nguyễn Khắc Nhu cùng những đồng đội của ông bị bắt, bị giết và tù đày. Ngày 11/02/1930, đồng chí đã tự tử trong trại giam để bảo toàn khí tiết.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Nguyễn Khắc Nhu là một nhà yêu nước chân chính. Đồng chí sinh ra trong thời kỳ xã hội phong kiến, được kế thừa truyền thống hiếu học của vùng đất nổi tiếng với nhiều nhân tài đỗ đạt cao, cùng với tấm lòng yêu nước, luôn lo cho vận mệnh dân tộc, Nguyễn Khắc Nhu đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp. Đồng chí Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Thái Học đã chủ trương bạo động vũ trang để giành chính quyền sau khi thấy các nhà yêu nước thuộc phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục lấy cải cách làm chính không giành được thắng lợi, dù bị rơi vào tay giặc, nhưng Nguyễn Khắc Nhu vẫn nêu cao chí khí kiên trung, không khuất phục kẻ thù xâm lược. Đồng chí Nguyễn Khắc Nhu đã hy sinh, nhưng lịch sử đã chứng minh không một bạo lực nào có thể khuất phục được ý chí của người yêu nước. Tấm gương bất khuất của đồng chí Nguyễn Khắc Nhu mãi mãi ghi vào sử xanh và là tấm gương sáng để thế hệ học tập, noi theo. Tên ông được dùng đặt cho một số đường phố ở các tỉnh, thành của Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 140 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Khắc Nhu, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm của đồng chí Nguyễn Khắc Nhu, nhằm tuyên truyền đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn tri ân công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Khắc Nhu, kế thừa truyền thống yêu nước, sẵn sàng đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng mà cha ông ta đã dày công vun đắp.
Đinh Nhài