Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Bài đăng > Kỷ niệm 580 năm ngày sinh vua Lê Thánh Tông (25/8/1442-25/8/2022)
Kỷ niệm 580 năm ngày sinh vua Lê Thánh Tông (25/8/1442-25/8/2022)

Giai thoại về sự ra đời của vua Lê Thánh Tông

 

Vua Lê Thánh Tông tên là Lê Tư Thành, còn có tên gọi khác là Hạo, Hiếu. Ông là con trai của hoàng đế Lê Thái Tông và Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Ông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 3, tức ngày 25 tháng 8 năm 1442, mất ngày 3 tháng 3 năm 1497.

Trong số các bậc vua chúa nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, vua Lê Thánh Tông là người có nhiều công lao to lớn trong việc đưa nước ta trở thành một nước hùng mạnh bậc nhất khu vực thời bấy giờ.

Năm 1460 ông lên ngôi khi mới 18 tuổi, là một trong những vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam và thời Lê sơ trong 37 năm với hai niên hiệu là Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Trong thời gian ở trên ngôi báu, vua Lê Thánh Tông đã thực hiện nhiều cải cách, đổi mới ở các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho tới văn hóa, giáo dục; nhiều chính sách, chế độ, luật lệ ra đời có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sau. Cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông không chỉ được ghi chép, đánh giá trong rất nhiều tài liệu khác nhau mà còn được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Những câu chuyện, giai thoại về ông rất nhiều, rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là về sự ra đời mang đầy giai thoại.

Theo sử sách ghi lại, vua Lê Thánh Tông vốn là một tiên đồng trên thiên giới, được Ngọc Hoàng thượng đế sai giáng trần đầu thai vào hoàng cung nhà Lê để sau này lên ngôi kế vị trị nước an dân.

Tương truyền "mẹ vua là Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Trước kia, khi còn là Tiệp dư, Thái hậu đi cầu tự, mơ thấy Thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai (tục truyền rằng thái hậu khi sắp ở cữ, mơ thấy mình lên đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi. Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trái làm chảy máu, sau đó bà tỉnh dậy rồi sinh ra vua, trên trán có một dấu vết mờ như nhìn thấy trong giấc mơ, mãi đến khi vua chết thì vết mờ ấy vẫn còn. 

Tiến sĩ triều Mạc là Hà Nhâm Đại, trong một tác phẩm của mình cũng có viết về giai thoại giáng sinh kỳ lạ của vua Lê Thánh Tông như sau: "Nhà vua húy là Tư Thành, hiệu là Đạo Am, tự xưng là Thiên Nam động chủ. Vua là con thứ của vua Thái Tông và mẹ là Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, trấn Thanh Hoa. Bà chiêm bao thấy đức Thượng đế cho tiên đồng giáng sinh, sinh vua vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất."

Học giả thời Nguyễn là Phạm Đình Hổ, trong sách Tang thương ngẫu lục cũng có chép: “Khi trước, Thái hậu có mang, chiêm bao thấy đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một vị tiên đồng giáng thế làm vua nước Nam và sai một ngọc nữ xuống để sánh đôi. Tiên đồng không vâng chỉ ngay. Thượng đế giận, ném hòn ngọc khuê, xây xát ở trán. Tiên đồng rập đầu lạy tạ, xin ban cho một người giúp việc. Thuợng đế chỉ một viên trong ban sai đi theo giúp. Viên ấy cố từ, Ngài hẩy vào vai không cho từ. Bừng tỉnh giấc thì sinh ra vua Lê Thánh Tông, vết ngọc khuê ở trên trán vẫn còn rõ..."

Trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, tác giả Phan Huy Chú cũng dành một dòng để ghi lại chuyện lạ giáng sinh như sau: "Thánh Tông thuần hoàng đế tên là Tư Thành, con thứ tư của Thái Tông. Khi trước Hoàng thái hậu Quang Thục nằm chiêm bao thấy trời cho một vị tiên đồng, mới có mang và sinh ra nhà vua"...

Có truyền thuyết lại kể rằng, sau khi tiên đồng giáng sinh trở thành hoàng tử Lê Tư Thành thì trong hậu cung là Lê xảy ra tranh chấp địa vị và sự sủng ái của hoàng đế. Do bị Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh mưu hại nên bà Ngô Thị Ngọc Dao phải lánh ra chùa Huy Văn ở ngoài hoàng cung. Sau thấy sự o ép ngày càng lớn, bà phải bế con trốn khỏi kinh đô Thăng Long.

Ngày nay, tại một số nơi ở huyện Đông Hưng và Hưng Hà tỉnh Thái Bình, dân gian còn truyền tụng rằng bà Ngọc Dao khi vẫn còn mang thai đã được tướng quân Đinh Liệt cho người bí mật đưa về quê ngoại ở Đô Kỳ xứ Sơn Nam Hạ để lánh nạn. Khi võng cáng khiêng bà hoàng thất thế đến chỗ giáp ranh giữa hai huyện Diên Hà và Thần Khê; một bên là cầu Tráp thuộc xã Gia Lạp, tổng Thượng Bái, huyện Diên Hà (nay thuộc xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà) và một bên là làng Mậu Lâm (còn gọi là làng Sâm) thuộc tổng Y Đún, huyện Thần Khê thì bà trở dạ nhưng mãi không đẻ được, đến gần sáng vẫn chưa sinh. Bà Ngọc Dao bèn khấn trời đất rằng:

Có phải con mẹ, con cha,

Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê.

Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh,

Thì quăng ra đất vạn ninh cho rồi.

Khi câu khấn vừa dứt thì bà sinh hạ một người con trai đặt tên là Tư Thành. Tùy tùng mừng rỡ vội chia nhau vào làng Sâm tìm người đang nuôi con để xin cho hoàng tử bú nhờ, có một người đã tình nguyện giúp. Ghi nhớ ơn này nên về sau triều đình đã cho lập đền thờ bà vú. Ngôi đền này hiện nay vẫn còn tại làng Sâm (thôn Mậu Lân, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà), dân gian quen gọi là đền thờ bà Vú Sữa.

Tại làng Chiếp thuộc xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay lại có chuyện kể rằng, bà hoàng Ngọc Dao khi đi đến khu vực cống Thái Thường, nơi giáp ranh giữa làng Chiếp (huyện Thần Khê) và làng Giắng (huyện Diên Hà) thì trở dạ sinh, có một người làng Chiếp đã cho hoàng tử bú và có công nuôi dưỡng hoàng tử. Vì thế, sau khi hoàng tử lên ngôi đã ban cho bà 36 mẫu ruộng lộc điền, gọi là ruộng Kỳ tại. Sau đó, bà vú đem hết ruộng hiến cho làng, dân làng mang ơn nên lập đền thờ bà từ đó.

Chuyện về vua Lê Thánh Tông hiện nay vẫn còn lưu truyền rất nhiều trong dân gian, không chỉ về sự ra đời mang đầy giai thoại, mà các mối nhân duyên giữa ông với những người vợ cũng khá ly kỳ, hấp dẫn. Bên cạnh đó sử sách nước ta cũng ghi nhận rất nhiều những đóng góp to lớn của ông trong việc an dân, trị quốc, chấn hưng văn hóa, nâng cao giáo dục, trọng dụng người tài, suốt đời vì dân, đồng thời khẳng định vua Lê Thánh Tông chính là “Đấng minh quân văn trị, vũ công toàn năng của Đại Việt”.

 

Trần Thủy sưu tầm và giới thiệu

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.