Đồng chí Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo tiên phong
với những quyết sách táo bạo trên con đường hội nhập và phát triển
Đồng chí Võ Văn Kiệt (bí danh Sáu Dân) - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người cộng sản kiên trung, người lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam có những cống hiến to lớn, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đồng thời, đồng chí cũng là nhà lãnh đạo tiên phong đã có những quyết sách táo bạo góp phần quan trọng đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và trong những năm tháng đất nước bắt đầu đổi mới, đảm đương cương vị lãnh đạo cao nhất của thành phố Hồ Chí Minh (1976-1981), đồng chí Võ Văn Kiệt đã vững “tay lái, tay chèo”, trăn trở tìm tòi các biện pháp tháo gỡ vướng mắc để ổn định thành phố về mọi mặt. Được mệnh danh là “Chủ tịch gạo” (những năm 1978-1979) vì đã giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của thành phố; là Bí thư “phá rào” (những năm 1980-1981), đồng chí đã lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh vượt qua lối tư duy mòn cũ, đi sâu tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo để tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp quốc doanh của thành phố, để sức sản xuất của thành phố “bung ra”... Giai đoạn này, chính người Bí thư Thành ủy đầy bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo Võ Văn Kiệt, đã góp phần quan trọng đưa Tp. Hồ Chí Minh từng bước phát triển vững chắc và trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (tháng 4 năm 1982 đến đầu năm 1988), đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo triển khai đường lối đổi mới của Đảng trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Song, với tinh thần “vừa làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm”, đồng chí đã đóng góp xuất sắc vào những thành tựu ban đầu của công cuộc đổi mới đất nước. Nền kinh tế nước ta bước đầu thay đổi cơ chế quản lý vĩ mô, hình thành cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, điều chỉnh một bước cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung vào việc thực hiện mục tiêu ba chương trình kinh tế lớn. Việc đổi mới cơ chế quản lý đã tạo ra động lực mới trong sản xuất, rõ nhất là trong nông nghiệp. Tinh thần dân chủ được phát huy, trở thành động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới. Tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối ngoại, từng bước mở ra khả năng thuận lợi mới để phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước vì hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Trong thời gian đảm nhiệm cương vị Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có nhiều đóng góp vào việc hoạch định chủ trương, chính sách, từng bước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đồng chí đã ký và ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Chỉ thị số 66-CT ngày 16/3/1988 Về kết thúc việc thanh toán các khoản Nhà nước vay dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Chỉ thị số 85-CT ngày 29/3/1988 Về việc xử lý tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; Chỉ thị số 90-CT ngày 30/3/1988 Về việc bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ chủ chốt ở các cơ quan trung ương và ủy ban nhân dân các cấp; Chỉ thị số 125-CT ngày 28/4/1988 Về việc xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản; Quyết định số 136-CT ngày 6/5/1988 Về việc ban hành Quy chế hoạt động của cảng hàng không dân dụng quốc tế; Chỉ thị số 192-CT ngày 21/6/1988 Về việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1988; Quyết định số 198-CT ngày 21/6/1988 Về việc thống nhất chế độ bù giá vào lương…
Nhận cương vị trách nhiệm mới (22/6/1988), trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội còn cực kỳ khó khăn, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt luôn tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, chỉ đạo các cấp các ngành khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách, từng bước đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đồng chí luôn coi trọng cải tiến sự chỉ đạo, điều hành cách làm việc năng động hơn, tập trung và đồng bộ hơn; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Hội đồng Bộ trưởng, của từng bộ trưởng, kết hợp với công tác kiểm tra của các đoàn thể nhân dân, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm sự thống nhất hành động từ trên xuống dưới. Đồng chí luôn quán triệt việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị thành các văn bản pháp luật để sớm phát huy hiệu lực trong thực tiễn. Trong những năm 1987-1991, đồng chí có nhiều đóng góp trong việc chuẩn bị để Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thông qua, ban hành nhiều luật và pháp lệnh cùng hàng trăm văn bản pháp quy trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế, quân sự, tài chính, ngân hàng, đầu tư phát triển, tổ chức hành chính… để phục vụ yêu cầu cấp bách về đổi mới kinh tế từng bước vững chắc và đổi mới hệ thống chính trị. Ngoài ra, đồng chí còn có nhiều sáng kiến trong việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy của Hội đồng Bộ trưởng, nhằm kiện toàn để bộ máy nhà nước chuyển sang thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, khắc phục dần sự can thiệp trực tiếp vào việc điều hành sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Với tính cách nổi bật là sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cổ vũ và sẵn sàng dấn thân cho cái mới, đã động viên được nhiều lực lượng xã hội tham gia vào công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Từ việc đóng góp về lý luận và thực tiễn để xoá bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp; hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước, đến việc quyết định triển khai thực hiện các công trình quan trọng như: Thủy điện Trị An, công trình thủy lợi đào kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây; khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngọt hoá bán đảo Cà Mau; công trình đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, đường Hồ Chí Minh, Nhà máy lọc dầu Dung quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, xây dựng các khu công nghệ cao hoà lạc, công viên phần mềm Quang Trung, Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam…
Có thể nói, dù ở bất kỳ cương vị nào, với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng đều trăn trở, nghiên cứu, tìm ra những bước đi thích hợp, dốc lòng, dốc sức phục vụ tốt cho mục tiêu của cách mạng, của đất nước, hoàn thành trọng trách trước Đảng, trước nhân dân. Điều đó nói lên tâm huyết và những nỗ lực phi thường của đồng chí Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo tiên phong, sáng tạo, có tâm và tầm trong quá trình hoạch định và tổ chức đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, góp phần xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
86 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục vô cùng phong phú, sôi nổi, cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng, vẻ vang của Đảng và dân tộc, gắn liền với những “dấu ấn Võ Văn Kiệt” trên bước đường đất nước đổi mới và hội nhập.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt, ôn lại chặng đường gian nan nhưng cũng đầy vẻ vang của đồng chí nhằm góp phần khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; đối với sự nghiệp đổi mới đất nước; làm sáng rõ thêm cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động phong phú của nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, tiên phong. Trong tâm tưởng của nhân dân Việt Nam, sự nghiệp cách mạng và phẩm chất đạo đức cao đẹp của đồng chí Võ Văn Kiệt mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo./.
Đinh Nhài