Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một nhà lãnh đạo cách mạng tiêu biểu, đồng chí đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp của Đảng, của dân, cho phong trào cách mạng nói chung, đặc biệt là phong trào Sài Gòn – Chợ Lớn... Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát còn gọi là Sáu Phát (thời chống Pháp) và Tám Chí (thời chống Mỹ), sinh ngày 15/02/1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre (trước thuộc Mỹ Tho) trong một gia đình viên chức nhỏ. Năm lên 6 tuổi, Huỳnh Tấn Phát về sống ở quê ngoại (xã Điều Hòa, Mỹ Tho), học tiểu học và trung học ở trường Trung học Mỹ Tho (Trường Nguyễn Đình Chiểu bây giờ). Sau đó, lên Sài Gòn học trường Petrus Ký (hiện nay là Trường Lê Hồng Phong), rồi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - Hà Nội. Vốn tư chất thông minh, học giỏi, nên học ở cấp nào, Huỳnh Tấn Phát cũng là học sinh giỏi và được cấp học bổng. Hồi nhỏ, đồng chí đã thích vẽ và có năng khiếu về hội họa, lớn lên còn ham mê đọc các loại sách, báo tiến bộ và mác xít. Cuối năm 1938, tốt nghiệp thủ khoa bằng kiến trúc sư, đồng chí trở về Sài Gòn làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Chauchon.
Những năm 1940, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc (tư nhân) ở Sài Gòn. Trong cuộc thi thiết kế khu Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương do Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux tổ chức, Huỳnh Tấn Phát đã đạt giải nhất. Đặc biệt, các biệt thự do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế trước năm 1943 ở Sài Gòn đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, rất phù hợp với khí hậu nóng, ẩm phương Nam. Có thể nhắc đến một số biệt thự, như: Biệt thự số 7 Lê Duẩn; Biệt thự số 151 Nguyễn Đình Chiểu; Biệt thự số 6 Nguyễn Huy Lượng...
Từ năm 1933 – 1938, khi học kiến trúc ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã là một sinh viên sôi nổi trong mọi hoạt động của Tổng hội sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ. Năm 1936, đồng chí tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, cùng một số anh em tổ chức một đoàn đại biểu sinh viên, học sinh lên gặp phái đoàn Godard (đại diện Chính phủ Bình dân Pháp sang Đông Dương) trình “Tập thư thỉnh nguyện”…
Với nhiệt huyết của một trí thức yêu nước, đồng chí đã đứng ra làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh Niên với khuynh hướng chống Pháp và Nhật. Năm 1944, đồng chí đã cùng nhóm Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước sử dụng tờ Thanh Niên, phát triển mạnh Phong trào Truyền bá Quốc ngữ, Phong trào Cứu tế nạn đói Bắc Kỳ, đặc biệt Phong trào Thanh niên Tiền phong mà đồng chí Phát là Trưởng ban cổ động. Ngày 5/03/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đảm nhận việc tập hợp lực lượng tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho lực lượng cốt cán, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn (ngày 25/8/1945).
Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí phụ trách Phòng Thông tin báo chí. Năm 1946, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá I Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, được bổ sung làm Uỷ viên dự khuyết Ban Thường vụ Quốc hội. Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, đồng chí công tác bí mật ở Sài Gòn. Năm 1949, đồng chí ra chiến khu giữ chức Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến Hành chính Nam bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ, trực tiếp phụ trách Đài phát thanh Tiếng nói Sài Gòn – Chợ Lớn tự do ở Chiến khu Đ.
Sau Hiệp định Geneve năm 1954, đồng chí được phân công trở về Sài Gòn làm việc tại văn phòng Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện và đoạt giải nhì (năm đó không có giải nhất) cuộc thi thiết kế khu văn hóa tại địa điểm Khám Lớn Sài Gòn do Ngô Đình Diệm tổ chức. Được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn, phụ trách Ban Trí vận và Chính quyền vận suốt thời gian địch đánh phá ác liệt phong trào cách mạng Sài Gòn.
Năm 1960, đồng chí thoát ly khỏi Sài Gòn, tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định. Tháng 6/1969, đồng chí được Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, năm 1976, đồng chí được Quốc hội Khóa 6 cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo quy hoạch đô thị; Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Chủ nhiệm đề án Thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng chấm thi đồ án dự thi Quốc tế.
Giai đoạn từ năm 1977-1989, đồng chí đảm nhận các chức vụ: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước và đại diện thường trực tại Khối Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (SEV); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII.
Khái quát cuộc hành trình cách mạng 50 năm của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, ta nhận thấy chân dung một trí thức lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Đồng chí là người tài năng trên rất nhiều phương diện, nhưng dấu ấn đậm nét nhất vẫn là ngành kiến trúc. Trong lĩnh vực kiến trúc, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có nhiều giải thưởng danh giá, để lại cho đời rất nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, được giới kiến trúc sư nước Pháp đánh giá là “Bậc thầy kiến trúc”, là “Hạt ngọc Đông Dương trong lĩnh vực kiến trúc”… Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng đồng chí đã tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Không quản gian nan nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng; khiêm nhường, bình dị, vô tư, luôn tôn trọng tổ chức, đồng chí, đồng nghiệp và đồng bào.
Với cống hiến to lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương kháng chiến hạng I; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng đồng chí Huy chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết”.
Với 76 tuổi đời, 40 tuổi Đảng, 50 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã hoàn thành nhiệm vụ của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hoàn thành trọng trách của một người con đối với quê hương, đất nước. Đồng chí đã về đất mẹ (30/9/1989) trong niềm tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước, đồng chí và đồng bào cả nước.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, là dịp để chúng ta khẳng định công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí - bậc trí thức lớn của dân tộc, nhà cách mạng tiền bối đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Xin được trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của đồng chí, thế hệ hôm nay sẽ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn.
Nguyễn Mai