Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Bài đăng > Nguyễn Văn Quỳ - Người anh hùng quê hương Biên Hòa - Đồng Nai
Nguyễn Văn Quỳ - Người anh hùng quê hương Biên Hòa - Đồng Nai

Nguyễn Văn Quỳ tức Chín Quỳ, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Đất Cuốc ven rừng chiến khu Đ, thuộc xã Tân Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa xưa. Cả gia đình sống trong cảnh làm thuê, ở đợ cho địa chủ nhà giàu. Cha anh mất sớm vì nạn cọp, mẹ anh thì mù lòa, đau yếu, suốt đời không ra khỏi xóm nhỏ. Chín Quỳ và chị gái ở đợ mười mấy năm nhưng vẫn không trả hết nợ cho cha mẹ. Chịu kiếp ở đợ, anh làm việc không ngày nghỉ ngơi cho một nhà giàu tên là Cả Chín, ở trong xã. Anh làm rất nhiều việc, nhưng chủ yếu là vào rừng lấy củi. Vì thế, anh thông thuộc rừng như lòng bàn tay. Một lần, chứng kiến một cảnh ăn chơi rửng mỡ của bọn Tây và thuộc hạ của chúng, anh mới thấu hiểu tại sao bà con, đồng bào ta luôn nghèo nàn và khổ cực. Từ đó, anh bắt đầu mơ ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với xóm nghèo quê anh.

Cuộc sống bần cùng đói khổ với những mâu thuẫn trong xã hội giàu nghèo ngày càng thôi thúc anh tìm một lối thoát khỏi kiếp tôi đòi và giải phóng cho đồng bào ta hết khổ. Dần dần, anh tìm gặp được những đường lối, khuynh hướng giải phóng nơi các đồng chí cách mạng như: Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Chíp, Lê Văn Tôn, Nguyễn Hồng Kỳ, Huỳnh Liễng... Những ngày ấy, phong trào Dân chủ Đông Dương ở Tân Uyên đã cuốn hút Chín Quỳ tham gia vào tổ chức cách mạng và góp nhiều công sức để tổ chức hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Vì thế, trong một buổi tối đầu năm 1937 tại miễu Đất Cuốc, chi bộ Đảng Cộng sản xã Mỹ Lộc, Tân Uyên đã chính thức kết nạp Chín Quỳ vào Đảng. Kể từ lúc này, đồng chí Chín Quỳ càng thêm hăng hái hoạt động cách mạng. Địa bàn hạt động của đồng chí vẫn là rừng Tân Uyên sâu thẳm, nơi mà đồng chí hiểu tường tận nhất.

Tháng 7-1940, để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, tỉnh Biên Hòa đã bí mật xây dựng lực lượng vũ trang tại quận Châu Thành và Tân Uyên do đồng chí Huỳnh Liễng chỉ huy. Đơn vị vũ trang gồm 35 người, có trang bị vài khẩu súng trường, giáo, mác, gậy tầm vông hoạt động chủ yếu ở vùng rừng Tân Uyên do Chín Quỳ trực tiếp chỉ huy. Sau đó, khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra vào đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, nhưng do kế hoạch bị lộ nên đã sớm bị thực dân Pháp dập tắt. Khởi nghĩa Nam kỳ bị thất bại, các chi bộ Đảng ở Tân Uyên bị tan rã đồng chí Huỳnh Liễng hy sinh, các đồng chí Lê Văn Tôn và Nguyễn Hồng Kỳ bị bắt đày đi Côn Đảo. Không còn người lãnh đạo trực tiếp, lại mất liên lạc với Đảng, đồng chí Chín Quỳ đã gánh lấy trách nhiệm phụ trách đơn vị vũ trang trong tình thế vô cùng khó khăn.

Trước sự truy lùng gắt gao của địch, Chín Quỳ đã tập hợp khoảng một tiểu đội vũ trang còn lại rút vào rừng sâu. Để duy trì được lực lượng, không còn cách nào khác, Chín Quỳ đã mạnh bạo tổ chức đánh cướp của cải, tài sản của bọn địa chủ giàu có, chia cho người nghèo và để có lương thực, thực phẩm nuôi quân. Hoạt động theo kiểu giang hồ hảo hán của Chín Quỳ đã làm cho bọn Tây và tay sai cho Pháp phải nhiều phen ngao ngán. Chúng bắt đầu sợ và treo giải thưởng cho người nào bắt được “Tướng cướp Chín Quỳ”, nhưng khó lòng làm được. Anh chủ trương cướp của địa chủ, cường hào ác bá chính là giành lại của cải của dân nghèo đã bị chúng bóc lột. Triết lý của anh là chưa làm cho mọi người ấm no, thì chí ít ra cũng giúp một thiểu số quần chúng lao khổ qua cơn hoạn nạn. Đồng thời, hành động cướp của anh cũng là chống đối lại chính quyền thực dân, phong kiến và tay sai.

Suốt 5 năm ở trong rừng, Chín Quỳ đã quy tập lực lượng, lập căn cứ chiến khu để chống Pháp, Nhật. Đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng của Chín Quỳ đã náo nức gia nhập vào bộ đội của Huỳnh Văn Nghệ, tức Vệ quốc đoàn Biên Hòa, tiền thân của chi đội 10 Biên Hòa sau này. Ở chiến khu Đ, đồng chí được giao phụ trách làm nhiệm vụ sản xuất trong căn cứ và quy hoạch khu vực căn cứ cho các đơn vị cơ quan kháng chiến. Bởi lẽ không ai thuộc rừng bằng đồng chí Chín Quỳ.

Sau năm 1954, Liên Tỉnh ủy miền Đông chuyển về chiến khu Đ, đội vũ trang miền Đông hình thành gồm một số cán bộ, đảng viên ở Biên Hòa kết hợp với đội vũ trang của Chín Quỳ lấy phiên hiệu là C.250 do đồng chí Ba Viên làm đội trưởng, đồng chí Năm Hoa làm đội phó và đồng chí Nguyễn Văn Luông làm chính trị viên. Lúc này, Chín Quỳ lại cùng các đồng chí Lâm Quốc Đăng, Lê Thanh và Hồng Sơn... nghiên cứu, xây dựng, quy hoạch căn cứ Liên Tỉnh ủy, Khu ủy, cơ quan dân chính Đảng, kho tàng, hào chiến đấu,... Căn cứ địa thời kỳ đầu đã in mòn dấu chân người đảng viên anh hùng Chín Quỳ.

Những năm tháng trường kỳ gian khổ, dọc ngang nơi chốn rừng sâu, mưa rừng sương lạnh, những cơn sốt rét run người đã làm cạn kiệt sức lực của tướng giữ rừng Chín Quỳ. Khi cả miền Nam bước vào cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân 1968, đồng chí đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh rừng, nơi tôi luyện và hun đúc chí lớn của anh.

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Văn Quỳ, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược tiểu sử và những cống hiến lớn lao của đồng chí với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài viết xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những chiến sĩ cách mạng đã không tiếc thân mình chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, cho chúng ta cuộc sống độc lập, hòa bình như ngày hôm nay. Ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc; tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, lý tưởng cộng sản của chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Quỳ sẽ giúp thế hệ trẻ gắng sức học tập, rèn luyện để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh và giàu đẹp.

 

Đào Thanh

 

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.