Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Bài đăng > Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4
Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4

Năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Y tế Thế giới. Hội nghị này đã quyết định bắt đầu từ năm 1950 lấy ngày 7 tháng 4 hàng năm làm ngày Sức khỏe Thế giới,viết tắt là WHD (World Health Day).

Ngày Sức khỏe Thế giới ra đời để kỷ niệm việc thành lập WHO và được tổ chức này xem như một cơ hội để thu hút toàn thế giới hằng năm quan tâm đến sức khỏe toàn cầu. Vào ngày này, WHO tổ chức các sự kiện quốc tế, khu vực và địa phương liên quan đến một chủ đề nhất định. Đây cũng là một trong tám chiến dịch y tế toàn cầu chính thức của WHO, tạo dấu ấn khơi dậy các hoạt động nâng cao nhận thức và học hỏi trên các phương tiện truyền thông về sức khỏe. Đồng thời cũng là dịp để hướng xã hội hành động về một chủ đề sức khỏe cụ thể được toàn thế giới quan tâm.

Trong 75 năm qua, đã có những tiến bộ phi thường trong việc bảo vệ con người khỏi bệnh tật, bao gồm cả việc thanh toán bệnh đậu mùa, giảm 99% tỷ lệ mắc bệnh bại liệt, cứu sống hàng triệu người nhờ tiêm chủng cho trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và cải thiện sức khỏe cho hàng triệu người. WHO cũng khuyến cáo các quốc gia phải bảo vệ công dân khỏi thông tin sai lệch về sức khỏe và sức khỏe phụ thuộc vào mức độ chúng ta tăng cường phát triển khoa học, nghiên cứu, đổi mới dữ liệu công nghệ và quan hệ đối tác. Kêu gọi các quốc gia cung cấp dịch vụ y tế bằng cách ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu làm nền tảng cho bảo hiểm y tế toàn dân.

WHO ước tính rằng, mỗi năm trên thế giới hơn 13 triệu ca tử vong là do các nguyên nhân từ môi trường có thể phòng ngừa được. Điều này bao gồm cả cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Khủng hoảng khí hậu cũng là khủng hoảng về sức khỏe. Hơn 90% người đang hít thở không khí bị ô nhiễm gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe do đốt các nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, tình trạng nóng lên toàn cầu làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm do ​​muỗi một cách rộng hơn và nhanh hơn bao giờ hết. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, suy thoái đất và khan hiếm nước đang khiến con người phải di cư và ảnh hưởng đến sức khỏe. Thêm vào đó, ô nhiễm và rác thải nhựa được tìm thấy ở khắp mọi nơi từ đáy đại dương đến những ngọn núi cao và đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Các hệ thống sản xuất thực phẩm và đồ uống không lành mạnh, đã qua chế biến đang thúc đẩy làn sóng béo phì, gia tăng ung thư và bệnh tim mạch, đồng thời tạo ra 1/3 lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

Thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều thách thức về y tế, khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, bệnh đậu mùa khỉ, dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại tại nhiều nước, môi trường ô nhiễm, gia tăng các bệnh như ung thư, hen suyễn, tim mạch. Các dịch bệnh bùng phát cùng lúc như hiện nay đang đặt ra nhu cầu cấp thiết không chỉ trong việc củng cố hệ thống y tế tại các nước, mà còn tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm phát hiện và giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe người dân.

Tập trung xử lý tận gốc những nguyên nhân dẫn đến các mối đe dọa đối với sức khỏe người dân thông qua việc mở rộng năng lực ứng phó các bệnh truyền nhiễm mới lây từ động vật sang người, bệnh có nguồn gốc từ động vật, bệnh nhiệt đới và do vật trung gian lây truyền, đồng thời ngăn chặn các nguy cơ về an toàn thực phẩm, tình trạng kháng thuốc kháng sinh...

Ngoài ra, những lo ngại về sức khỏe tâm thần của người dân ngày càng hiện hữu rõ nét. WHO cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, khiến hàng trăm triệu người mắc bệnh ở nhiều mức độ khác nhau. Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tình trạng gián đoạn xã hội và giáo dục trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại về sức khỏe tâm thần và hành vi tự sát của thanh thiếu niên tại nước này.

 Với thông điệp Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay là “Sức khỏe cho mọi người”, WHO đã và đang giải quyết những thách thức chính cho sứ mệnh của mình: dẫn đầu các nỗ lực nhằm cải thiện các điều kiện xã hội để mọi người được sinh ra, lớn lên, làm việc, sống và già đi với sức khỏe tốt.  Kỷ niệm 75 năm thành lập WHO là cơ hội để nhìn lại những thành công về sức khỏe cộng đồng đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong hơn bảy thập kỷ qua. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy hành động nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe của hôm nay và mai sau.

Lê Thị Mai Hoa

 

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.