Hồ Bá Ôn tự là Cung Thúc, hiệu là Tùng Viên, người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Luu, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm Quý Mão (1843), trong một gia đình “đời đời là một họ có danh tiếng”.
Ông tổ của Hồ Bá Ôn là Trọng Dư, đỗ Hương cống triều Lê. Cha là Hồ Trọng Tuấn, đỗ Hương tiến khoa thi Mậu Tý (năm 1828), năm thứ 9 đời vua Minh Mệnh, làm đến Án sát xứ Thái Nguyên dưới triều vua Tự Đức. Ông Hồ Trọng Tuân nổi tiếng là một vị quan năng nổ, có trách nhiệm, luôn chăm lo đời sống cho nhân dân. Hồ Bá Ôn là con trai thứ hai của Hồ Trọng Tuấn. Bá Ôn là người khẳng khái, lúc trẻ chăm học, có tiếng là hay chữ. Năm Canh ngọ (1870), ông thi đậu Cử nhân khoa thi Hương. Đến khoa thi Hội năm Ất Hợi (1875) ông đỗ Phó bảng cùng khoa với Tiến sĩ Tống Duy Tân.
Sau khi thi đậu, ông được thăng chức Kiểm thảo sung Nội các biên tu, rồi được thăng lên làm lĩnh Tri huyện Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế). Năm Đinh Sửu (1877), ông được thăng lên làm Trước tác lĩnh Nội các thừa chỉ rồi chuyển lên Thị độc.
Năm Tân Tỵ (1881), Hồ Bá Ôn được lãnh Án sát sứ Nam Định vào lúc quân Pháp đang chuẩn bị đánh ra Bắc Kỳ lần thứ hai. Ông cùng với các đồng liêu phải bố trí lực lượng phòng thủ chặt chẽ.
Tháng 2 năm Quý Mùi (1883), sau khi đã chiếm được thành Hà Nội, quân Pháp huy động tàu thủy chạy theo sông Hồng xuống sông Vị Hoàng đánh thành Nam Định. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch của Viện Sử học, tập 35, trang 176 đã mô tả trận đánh như sau: “Quan tỉnh ấy chia quân chống cự, người Pháp bắn cả ngày không hạ được. Ngày hôm sau, quân Pháp đến sông Vị Hoàng, bắn đại bác vào cửa Đông, bọn Tổng đốc Vũ Trọng Bình, Bố chánh Đồng Sĩ Vịnh ở trong thành chống giữ, Đề đốc Lê Văn Điếm, Án sát Hồ Bá Ôn ra ngoài thành đánh nhau với chúng, chống nhau từ giờ Mão đến giờ Ngọ. Lúc bấy giờ Kinh lược là Nguyễn Chính đóng quân ở Đặng Xá (thuộc huyện Mỹ Lộc) không dám đến cứu, Đề đốc Lê Văn Điếm bị chết tại trận. Bá Ôn bị thương nhưng buộc vết thương xong lại tiếp tục chống nhau với giặc. Rồi Bá Ôn lại bị trúng đạn ngã lăn ra đất, thành bên vỡ”. Quân sĩ đỡ Bá Ôn ra nơi ở, có người khuyên cho lấy thuốc chữa trị thì Bá Ôn trả lời: “Đã không thể vì nước nhà bảo vệ thành trì, nay thành mất thì mất theo, còn cầu gì nữa”. Những lời khẳng khái ấy đã thể hiện rõ khí tiết của một trung thần suốt đời vì nước, vì dân.
Sau đó, việc được tâu lên vua, vua Tự Đức chuẩn bị cho 30 lạng bạc để đưa về quê chữa bệnh. Nhưng mới được một tháng thì ông mất (tháng 3 năm Quý Mùi), năm ấy Hồ Bá Ôn mới 41 tuổi. Vua Tự Đức nghe tin, nói rằng: “Không tránh cái chết mà mất theo thành, hơn kẻ tránh cái chết xa lắm”. Vua Tự Đức đặc cách truy tặng Hồ Bá Ôn lên hàm Quang lộc tự khanh và chiếu theo phẩm hàm mới tặng mà cấp tiền tuất để khuyến khích những người khi lâm sự hết lòng tiết tháo.
Không chỉ là vị tôi thần trung thành, Hồ Bá Ôn còn là người nổi tiếng về văn thơ. Khi còn làm quan ở Nội các, do văn thơ hay mà ông được vua Tự Đức biết đến và tỏ sự ưu ái đặc biệt. Theo sách Đại Nam liệt truyện cho biết, mùa xuân năm Quý Mùi (1883), nhân dịp sinh nhật lần thứ 55 của vua Tự Đức, Hồ Bá Ôn ở ngoài thành Nam Định đã gửi tập thơ thỉnh an lên vua, trong đó có những câu như sau:
“Thiên tăng giáp lịch, lục lục hoàn lai vãn chi xuân,
Hải ký tiên trù, ngũ ngũ diễn sinh thành chi số.”
Dịch nghĩa: “Trời sinh tuổi thọ, sáu sáu quanh sân xuân đi xuân lại,
Biểu ghi thẻ tiên, năm năm dài con số sinh thành.”
Hai câu thơ ấy được vua Tự Đức phê là câu mới mẻ và thưởng cho Hồ Bá Ôn tăng một cấp. Đó cũng là bài thơ cuối cùng của ông dâng lên vua trước khi hi sinh cùng thành Nam Định. Khi nghe tin thành Nam Định thất thủ và Hồ Bá Ôn chết theo thành, vua đã thảo một bài chế truy niệm Hồ Bá Ôn – Một trung thần vì nước hi sinh, trong đó có những câu:
“Trung thần tháo tiết lớn, khoa danh không phụ lúc sinh thời,
Vương giả yêu tôi trung, sủng ái càng tăng khi đã khuất.
Nay vừa đúng dịp, ban tặng lời khen:
Hồ Bá Ôn, Hàn lân thị tộc, lãnh chức Án sát tỉnh Nam Định,
Giống dòng xứ Nghệ, thế phiệt châu Hoan,
Vườn quỳnh thơm ngát, họ tên khoa Ất từng ghi,
Đức độ vang xa, chức việc đồ thư được chọn.
Khi thành Nam gặp cơn nguy hiểm, tìm người sắc bén ra tay.
Lúc giặc Tây quở trách đưa lời, lập thế binh đao chống chọi.
Phận thư sinh đứng lên dẹp giặc, lo toan giữ đất nước nhà.
Cùng võ tướng xông xáo liều thân, dũng khí nức lòng đồng đội!
Múa gươm, gióng trống, luôn tay thúc động quân dân.
Đạn réo, tên bay, giữa trận kinh hoàng rơi ngọc.
Thuốc không chữa được mệnh, thua vẫn thơm danh!
Người cùng mất với thành, ôm hận mà thác!
Tùng bách vững khí tiết không theo mệnh lệnh của gió sương.
Triều đình ban lời khen, sưởi ấm hồn thiêng nơi chín suối!….”
Khâm phục khí phách anh hùng của Bá Ôn, nhiều quan tỉnh Nam Định, những học trò của ông cũng làm nhiều bài ca ngợi khí tiết trung liệt vì nước hi sinh của ông và ca ngợi công lao giáo dục, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.
Con cháu của Hồ Bá Ôn vẫn tiếp nối được truyền thống của tổ tiên và của gia đình, đã dâng hiến nhiều người con cho đất nước, như: Con của Hồ Bá Ôn là Hồ Bá Kiện, tham gia phong trào Đông Du, bị giặc Pháp bắt, đày đi Lao Bảo, rồi bị chúng sát hại. Con trai của Hồ Bá Kiện là Hồ Tùng Mậu, một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông bị đế quốc bắt giam từ năm 1931 đến 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Đảng và Chính phủ giao cho các trọng trách: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính Liên khu IV, Tổng thành tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông hi sinh trên đường đi công tác ở Liên khu IV vào năm 1951. Ông Hồ Mỹ Xuyên là con trai duy nhất của Hồ Tùng Mậu cũng bị tai nạn và mất trong khi đang dẫn một đoàn Đặc Ủy đi công tác tại Lục Yên, tỉnh Yên Bái vào ngày 20/3/1948. Ông Xuyên mất khi mới 28 tuổi, để lại cho vợ ba người con thơ: Con cả là Hồ Anh Dũng 8 tuổi sau này từng giữ chức Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Con thứ là Hồ Ngọc Hải 4 tuổi, sau này từng giữ chức Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và con út là Hồ Đức Việt chưa đầy 1 tuổi, sau này từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Gia tộc Hồ Bá Ôn là gia tộc tiêu biểu, có 5 danh nhân cách mạng tầm cỡ quốc gia và 4 đời liệt sĩ. Từ truyền thống yêu nước, thương dân, tinh thần kiên cường, bất khuất của gia tộc đã hun đúc và rèn rũa ông thành một vị quan đức độ, tài cao, có tấm lòng nhân từ với người dân. Nhân dịp kỷ niệm 180 năm ngày sinh (1843 – 2023) và 140 năm ngày mất (1883 - 2023) của trung thần Hồ Bá Ôn, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp của trung thần hi sinh vì nước - Hồ Bá Ôn và những cống hiến của gia tộc họ Hồ đối với dân, với nước Việt Nam. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Giúp bạn đọc có thêm kiến thức bổ ích về một gia tộc tiêu biểu với 7 đời cống hiến những nhân tài cho đất nước. Qua đó, hun đúc tình yêu quê hương đất nước, phát huy tính tự lực tự cường để học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển hùng mạnh hơn./.
Đào Thanh
Tài liệu tham khảo:
Danh tướng Việt Nam trong lịch sử / Đỗ Đức Hùng . T.3. - H. : Văn học , 2021. -21 cm ; 220 tr.